Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Chị Hạnh (tiếp theo và hết)


... Tôi quen chị Hạnh vào đầu năm 1972 khi đơn vị tên lửa của chúng tôi cơ động về trận địa dự bị ở thị trấn Quảng Yên, để bảo vệ thành phố cảng Hải Phòng. Quảng Yên là một thị trấn nhỏ, cách Hải Phòng khoảng 30 – 40 km, trên đường đi Bãi Cháy. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1971 tôi nhập ngũ và được tuyển vào bộ đội tên lửa cùng với một số sinh viên ở các trường đại học khác. Đơn vị chúng tôi được lệnh gấp rút huấn luyện chuyển loại tên lửa mới. Sau gần một năm huấn luyện đơn vị tôi được điều động về thành phố cảng Hải Phòng để chuẩn bị đánh trả lại chiến dịch tập kích của không quân Mỹ cuối năm 1972.

Trận địa chúng tôi nằm trên quả đồi nhỏ. Khi chúng tôi đưa khí tài về thì trận địa đã được chính quyền địa phương huy động nhân dân đóng góp công sức làm xong. Chúng tôi chỉ còn việc triển khai đội hình và bắt đầu luyện tập các phương án chiến đấu. Ngày ấy tôi là một chàng trai 18 tuổi, cao 1m70, trắng trẻo đẹp trai, ham mê nhiều môn thể thao lại thêm gần một năm ăn uống tập luyện đầy đủ theo chế độ đặc biệt nên tôi càng vạm vỡ và sung mãn. Bên trong cơ thể cường tráng ấy là một tâm hồn tươi trẻ, lãng mạn và đầy nhiệt huyết. Ngoài thời gian trực chiến chúng tôi đá bóng, chơi thể thao và hoạt động văn nghệ và tối tối vẫn có kẻ chong đèn làm thơ, đọc tiểu thuyết. Tôi là uỷ viên trong ban chấp hành đoàn của đơn vị, chi đoàn của chúng tôi kết nghĩa với chi đoàn trường cấp ba Quảng Yên nơi chị Hạnh dạy học. Chị Hạnh lúc đó khoảng 24 hoặc 25 tuổi đã có chồng và có một cô con gái nhỏ, cháu tên Hương, khoảng một hai tuổi, chị là bí thư đoàn của trường. Chồng chị tên Sơn, là hoạ sỹ anh ấy công tác ở sở văn hoá thông tin tỉnh Quảng Ninh, cơ quan mãi tận thị xã Hòn Gai, thỉnh thoảng một vài tháng mới về thăm nhà. Tôi cũng không mấy quan tâm đến đời tư của chị chỉ biết chị là người Hà Nội, là đồng hương và do có quan hệ công tác nên hai chị em thân và quý mến nhau. Đơn vị có tôi và Cường là dân Hà Nội ngày nghỉ chúng tôi thường ra nhà chị chơi. Nhà chị là một căn nhà cũ nằm trong thị trấn, mái lợp ngói âm dương, phía dưói là bếp và công trình phụ, phía trên có một căn gác xép đủ kê được một cái giường, một cái bàn làm việc và cái tủ nhỏ, sàn nhà lát bằng gỗ. Trước nhà là khoảng vườn có một cây Dâu da to, bóng lá phủ kín cả khoảng sân, chị nói nhà này là của một gia đình học sinh không có ai ở, cách đây hai năm sau đám cưới chị, đứa học sinh nói với gia đình cho vợ chồng chị mượn. Hàng ngày đi dạy học chị thường gởi con cho bà cụ hàng xóm ở gần. Chúng tôi thỉnh thoảng tới thăm chị, thường là vào sáng chủ nhật, khi thì giúp chị chẻ củi, khi thì giúp chị đi mua gạo, xách nước hay sửa lặt vặt đồ đạc trong nhà.
Từ 16 tháng 4 năm 1972 trở đi chúng tôi bị cuốn hút vào những trận đánh, tôi chưa từng thấy một chiến dịch tập kích nào của không quân Mỹ lại ác liệt và kéo dài đến thế. Suốt đêm 16 tháng 4 năm 1972 bọn Mỹ sử dụng rất nhiều loại máy bay và từ nhiều hướng đánh vào Hải phòng kể cả máy bay ném bom chiến lược B.52. Đơn vị của chúng tôi bắn không biết bao nhiêu tên lửa mà hiệu quả rất thấp do bọn Mỹ sử dụng các loại nhiễu mới làm giảm khả năng phát hiện và điều khiển tên lửa. Suốt một ngày một đêm mà đơn vị tôi chỉ hạ được có mấy chiếc trong khi đạn của chúng tôi bắn lên với cơ số lớn. Đơn vị chúng tôi bị thiệt hại nhiều, một phần ba số trận đia của đơn vị bị máy bay địch đánh phá, có trận địa bị bom và tên lửa không đối đất của địch san phẳng. Cuối năm mật độ của máy bay Mỹ hoạt động trên không phận Hải Phòng thưa dần. Chúng tôi được phổ biến có thể địch chuẩn bị lực lượng để tập trung đánh vào Hà Nội tạo quả đấm chiến lược buộc ta phải thay đổi một số điều khoản trong hội đàm bốn bên tại Pari. Đơn vị chúng tôi vẫn luôn trong tình trạng cảnh giác chiến đấu cao, sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ bất cứ lúc nào.
Vào khoảng tháng tám năm đó, vì đã lâu chúng tôi không ra thăm chị Hạnh hôm ấy cũng vào chủ nhật Cường phải ở nhà trực chiến tới 9 giờ mới hết ca, tôi nói với Cường: “Đã lâu rồi không ra thăm chị Hạnh chẳng biết mấy tháng qua máy bay Mỹ ném bom ác liệt như thế gia đình chị có sao không? chị còn ở chỗ cũ hay đi sơ tán theo trường, tớ ra trước khi nào cậu hết trực thì ra nhé cứ đến chỗ nhà cũ của chị xem sao”. Qua đoạn đường nham nhở hố bom một vài ngôi nhà bị bom làm sập và tốc mái, thị trấn vắng vẻ quá, hàng cây Cơm Nguội dọc hai bên đường đang mùa ra trái, những trái tròn nhỏ ly ty bằng đầu đũa chín đỏ ẩn hiện trong vòm lá xanh. Nhìn những trái Cơm Nguội tôi lại nhớ tuổi thơ của mình.
Thật may khi ra tới nơi chị Hạnh có nhà.Tôi ra chơi chị mừng lắm, chị nói: “Thấy máy bay Mỹ đánh vào trận địa của bọn em, chị lo quá, trường thì sơ tán ở xa, vừa lo dạy vừa lo đảm bảo an toàn cho học sinh chị không biết làm cách nào để tới thăm bọn em được, không biết có ai việc gì không? Chị mới chuyển về lại thị trấn tuần trước, đang định vào trận địa thăm bọn em”. Tôi nhìn quanh: “Bé Hương đâu hả chị , anh Sơn có hay về không?” Chị nói:“Cháu chị gởi về Thuỷ Nguyên với bà nội còn anh Sơn cũng nhập ngũ rồi đang huấn luyện ở Mai Sưu, Hà Bắc".
Thời gian trôi đi, cuối năm 1972 vì có thành tích trong chiến đấu, tôi được đơn vị chọn về tập trung tại trường văn hoá của quân chủng ôn luyện chuẩn bị cho đợt thi đại học vào tháng 7 năm sau. Trước khi đi học đơn vị cho tôi được nghỉ phép về thăm nhà trong dịp tết. Mùa đông năm 1972 thật lạnh, trời mưa phùn cộng với gió mùa đông bắc càng làm cho da thịt thêm tê tái. Nhận giấy phép buổi chiều, sau khi chia tay với anh em trong đơn vị, Cường đưa tôi ra bến xe thị trấn để đón xe về Hải Phòng. Ra tới bến xe hỏi người trực bến tôi được biết còn một chuyến xe cuối ngày, khoảng 6 giờ tối mới chạy. Tôi nói với Cường:“Thôi cậu về đi, mình nhất định sẽ đem thư và tới nhà thăm bố mẹ cậu, cứ yên tâm”. Nhìn bóng Cường gò lưng đạp xe ngược chiều gió khuất dần sau dãy phố trong buổi chiều cuối năm u ám tự nhiên tôi thấy lòng mình buồn tê tái. Sáu giờ, rồi bảy giờ chẳng thấy chuyến xe nào, bến xe vắng tanh. Đang phân vân, có nên quay lại đơn vị rồi sáng mai đi sớm hay không?Tôi quyết định chờ thêm một lúc nữa. Cho tới chín giờ thì mọi hy vọng của tôi đã tiêu tan, lòng bồn chồn phần vì đã lâu không được về thăm nhà, phần vì không hiểu trong đợt đánh phá của không quân Mỹ vào Hà Nội cuối tháng chạp vừa rồi gia đình tôi có sao không? Việc được chọn đi học cộng với cấp trên cho nghỉ phép tết về thăm gia đình làm cho tôi xốn sang, hồi hộp, nôn nao khó tả. Cho tới lúc này tôi mới cảm thấy trống trải, cô đơn. Đang lang thang không biết nên ở lại bến xe chờ cho tới sáng mai hay quay trở về đơn vị, Tôi bỗng nhớ tới chị Hạnh. Việc quan trọng thế mà không báo cho chị Hạnh biết, ít ra thì cũng xem chị có nhắn hoặc gửi gì về cho gia đình không? Thật chẳng ra làm sao cả, thế mà cũng mang tiếng chị em đồng hương thân thiết tôi cảm thấy xấu hổ về sự bàng quan của mình. Xốc lại ba lô, kéo cổ áo lên cao cho đỡ lạnh tôi băng qua vài con phố nhỏ, ánh đèn vàng hắt hiu, đường phố thưa thớt bóng người, hai dãy phố cửa nhà đã đóng im ỉm, chỉ thỉnh thoảng một vài nhà có ánh điện le lói qua cánh cửa chớp khép kín, từng đợt gió lùa những đám lá vàng đuổi nhau chạy trên đường nghe xao xác. Chẳng mấy lúc tôi đã đứng trước nhà chị Hạnh, vẫn thấy trong nhà có ánh điện, tôi gõ cửa. Trong nhà tiếng chị Hạnh hỏi vọng ra: “Ai đấy!” - “Em đây, em Phan đây, mở cửa cho em với”, tôi nói qua khe cửa. Rồi nghe tiếng bước chân gấp gáp của chị. Vừa mở cửa chị vừa ngạc nhiên: “Vào đi em, sao Phan tới chơi muộn thế, có việc gì không em?”. Đỡ ba lô cho tôi, chưa kịp để tôi trả lời chị đã hỏi : “Phan ăn cơm chưa? để chị nấu, nhà có mỳ sợi, chị nấu mỳ với cà chua cho Phan ăn”. Trong khi chờ chị chuẩn bị đồ ăn tôi nói rõ hoàn cảnh của mình lúc này cho chị biết. Chị nói; “Có gì đâu mà ngại, Phan cứ nghỉ lại đây sáng mai ra bến xe cho tiện, nhân thể chị cũng gởi lá thư chúc tết và ít tôm khô về cho bố mẹ chị". Tôi ăn xong, chờ chị viết thư và gói quà, tôi cho tất cả vào ba lô gọn gàng theo thói quen ngưòi lính, định bụng sáng mai cứ thế “Hành quân” chẳng còn sợ quên gì nữa. Sau khi trải chiếu xuống sàn nhà gỗ và lục tìm một hồi chị cũng kiếm được cho tôi một chiếc chăn chiên. Chị ái ngại: “Thôi Phan nằm tạm thế này vậy”. trên giường bé Hương đã ngủ từ chập tối, tôi nói: “Chị đừng lo, em mặc cả quần áo cộng với chiếc chăn này nữa cũng ấm chán, với lại bây giờ cũng đã hơn mười giờ rồi còn mấy tiếng nữa là sáng chị cứ yên tâm”. Chị dục tôi đi ngủ, chị lên giường với bé Hương, qua ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn ngủ tôi và chị còn nói chuyện mãi. Nghe chị kể tôi mới biết anh Sơn đã vào chiến trường. Chị nghẹn nghào “thế là anh Sơn đã đi xa rồi Phan ơi”. Kể tới đây chị im lặng tôi nghe tiếng chị thở dài, và cả tiếng khóc. Từ lúc đó trở đi tôi không làm sao ngủ được, phần vì háo hức được trở về nhà, phần vì lạnh, phần nghĩ về hoàn cảnh của chị, tôi thấy thương chị vô cùng. Ngoài trời từng đợt gió lướt qua tán lá của cây Dâu Da trong vườn nghe tê tái, đâu đó có tiếng chim đêm khắc khoải, càng về khuya tiết trời càng lạnh tôi trằn trọc không sao ngủ được. Khoảng 1-2 giờ đêm đang thiu thiu, tôi nghe tiếng chị khe khẽ: “Phan không ngủ được à? Có lạnh lắm không? Hay là Phan lên giường ngủ với cháu Hương cho đỡ lạnh". Vốn trong sáng và vô tư cộng với trời lạnh quá, tôi nghe theo lời chị. Trên giường, chị nằm trong, bé Hương nằm giữa tôi nằm ngoài. Đang lạnh vớ được chăn bông ấm cộng với mùi thơm là lạ, đặt mình xuống chỉ mấy phút sau tôi ngủ như chết chẳng còn biết trời đất là gì. Trong giấc ngủ tôi nằm mơ thấy đơn vị chúng tôi bị máy bay Mỹ tấn công, bom và tên lửa của chúng bắn phá dữ dội vào trận địa, cả trận địa ngập trong máu và lửa, người tôi nóng bỏng. Tôi bị thương, tôi cảm thấy cơ thể phía dưới của mình bỏng rát và hình như cả máu nữa, thằng Cường nó ôm chặt lấy tôi, nó luồn tay lần sờ trên khắp cơ thể tôi, như xem tôi còn có bị thương ở chỗ nào nữa không? Và nó cởi hết quần áo tôi để cho cứu thương băng bó. Tôi giật mình tỉnh dậy, trong cái cảm giác nửa tỉnh nửa mơ, mồ hôi tôi vã ra, và rõ ràng trên cơ thể tôi là một cơ thể khác mềm mại và nóng bỏng đang ghì chặt lấy tôi, trời ơi chị Hạnh! Chị khẽ đưa tay lên bịt lấy miệng tôi. Tiếng kêu ấy trong tiềm thức, hay vì ngạc nhiên, bối rối mà tôi kêu lên như thế cũng không biết nữa. Chị hôn tôi, chị hôn khắp cơ thể tôi, bàn tay chị mềm mại lướt trên da thịt tôi, một cảm giác lâng lâng, bồng bềnh mà lần đầu tiên trong đời tôi biết. Lúc này lý trí của tôi hoàn toàn tê liệt, tôi chỉ còn hành động theo bản năng, làm theo bàn tay hướng dẫn, chỉ bảo của chị, mò mẫm, ngập ngừng như một cậu học trò ngoan ngoãn. Dần dần tôi chủ động hơn, tôi phản ứng lại mãnh liệt tình cảm của chị dành cho mình. Tiếng chị rên khe khẽ, chị cố kìm nén cảm xúc, hay sợ bé Hương tỉnh giấc mà tự lúc nào con bé đã được chị chuyển vào phía bên trong giường. Tuổi 18 của tôi đầy sung mãn nhưng hình như tuổi trẻ cũng bất lực trước cơn bão lòng dữ dội của người phụ nữ một con lại xa chồng trong một đêm đông đầy tâm trạng. Đêm ấy không biết bao nhiêu lần tôi thức giấc, mỗi khi tỉnh dậy thì mọi việc đã gần như an bài, giống như trận địa sau khi giao chiến, tôi chỉ còn như người lính hậu cần đi phía sau làm nhiệm vụ dọn dẹp chiến trường, chị chủ động tất cả. Rồi hai chúng tôi thiếp đi. Mở mắt ra thì trời đã gần sáng, gỡ vòng tay chị đang ôm lấy mình, lồm cồm bò dậy, mặc vội bộ quần áo, lúc này cảm giác mặc cảm tội lỗi dâng tràn trong tâm trí tôi. Qua ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn ngủ khuôn mặt thân quen, ẩn dưới mớ tóc đen dày xoã trên gối, trông chị thật thanh thản. Tôi ôm vội chiếc ba lô, nhẹ nhàng xuống thang gác, lách mình qua cánh cổng, sau khi thò tay chốt lại khoá bên trong tôi đi như chạy ra bến xe, may mắn vừa kịp chuyến xe sớm về Hải Phòng.
Mấy ngày nghỉ phép chóng vánh trôi qua, trở lại đơn vị tôi giống như con chim non sợ cành cong, tôi trốn chạy không dám gặp lại chị mà phải nhờ Cường đem thư và quà gia đình chị gửi cho. Trước khi đi học tôi cũng không dám ra nhà để từ biệt chị. Sau khi tôi đi học, đơn vị tôi cũng được lệnh hành quân di chuyển đi nơi khác. Từ cái đêm đông giá rét năm 1972 ấy cho tới hôm nay gặp lại chị là đúng 33 năm và chuyện ngày xưa tôi cũng đã quên đi không còn nhớ nữa.
Tối nay chị hẹn sẽ tới thăm tôi tại khách sạn. Đang chuẩn bị mấy thứ đồ uống để mời khách, tôi nghe tiến chuông điện thoại. Đầu dây bên kia tiếng cô bé tiếp tân: “Chú có khách, cô ấy tên là Hạnh”. “Đúng rồi! cô ấy là khách của chú, cháu cho cô ấy lên”- Tôi trả lời. Có tiếng gõ cửa, chẳng kịp để tôi ra mở, chị đã ào vào phòng như một cơn bão, chị nhào tới ôm lấy tôi, chị gục mặt trên vai tôi và khóc, đôi vai chị rung lên, xen trong tiếng nấc. Tôi vô cùng bối rối, sự việc xảy ra quá nhanh tôi chẳng kịp phản ứng gì cả. Phải mất đến mấy phút để cho những xúc động của chị vơi đi, dìu chị ngồi xuống ghế tôi lấy khăn và nước mời chị. Mãi sau chị nói: “Đêm nay chị ở lại đây với Phan được không?” Tôi trả lời:“Chị ở đây cả tuần cũng được, Phan muốn nghe chị kể những năm tháng đã qua chị sống ra sao?
Đêm ấy chúng tôi không ngủ, chị kể về quãng thời gian sóng gió, khó khăn và đầy biến cố của đời mình từ ngày anh Sơn chồng chị vào chiến trường, và sau cái đêm “giông bão” mùa đông năm ấy, chị kể: Sau hiệp định Pari về Việt Nam cuối năm 1972 đầu năm 1973. Miền Bắc sống trong hoà bình, trường của chị từ nơi sơ tán trở về thị trấn, chị tiếp tục dạy học, cuộc sống ngày càng khó khăn. Cuối năm 1973 chị sinh cháu trai, kỷ vật của anh Sơn trước khi vào chiến trường. Ngoài dạy học, chị làm thêm đủ nghề để sinh sống, trồng rau, nuôi heo, chị còn học thêm cả nghề may để may gia công cho hợp tác xã. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho tới năm 1975 chị cũng như bao người phụ nữ khác có chồng ra mặt trận mong ngày đón người chiến thắng trở về, chờ mãi tới năm đầu 1976 thì chị nhận được tin anh đã hy sinh. Chị đã khóc, khóc không còn nước mắt, tinh thần suy sụp, chị nói thời gian ấy chị chẳng muốn sống nữa cũng may học sinh và anh chị em giáo viên trong trường đông viên an ủi, giúp đỡ và nhất là chị nghĩ tới hai đứa con còn thơ bé mà chị đã vượt qua để sống và nuôi con. Cuối năm 1979 “Sự kiện xua đuổi ngưòi Hoa”rộ lên khắp trong Nam ngoài Bắc, nhất là ở Hải Phòng và Quảng Ninh làn sóng người Hoa vượt biên công khai được chính quyền địa phương “Cho phép”. Trong trường, chị có người đồng nghiệp là người Hoa, sau khi phân tích đã khuyên chị nên đi, nếu đi họ sẽ giúp đỡ, vì họ cũng tổ chức ra đi cho cả gia đình. Sau bao đêm suy nghĩ và cuối cùng chị đã quyết định đưa hai con xuống tàu rời bỏ quê hương. Một năm sống tại trại tỵ nạn Hông công, chị được tổ chức di dân quốc tế đưa tới Canada. Ở Canada gần 30 năm, cuộc sống của chị bây giờ đã ổn định, hai đứa con chị đã lớn, Hương đã lấy chồng, cháu có công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính. Cháu trai là chuyên viên của một công ty máy tính đa quốc gia, còn độc thân, chị sống với người con trai. Chị đã nghỉ việc hưởng trợ cấp, hàng năm thường về Việt Nam thăm họ hàng. Nhắc lại chuyện cũ, chị vô cùng ân hận về chuyện xảy ra ngày xưa giữa hai chúng tôi. Chị cũng không hiểu nổi vì sao lại có phút giây “ điên loạn” như thế. Chị nói sau những ngày ấy chị đã tìm tôi để giải thích và mong tôi tha thứ mà không làm sao tìm được. Còn bây giờ chắc chẳng cần phải giải thích nữa phải không Phan, vì chúng ta đều “đã lớn” sự từng trải đã giúp chúng ta hiểu. Con người trong một hoàn cảnh cụ thể nào đấy có những phút giây yếu đuối, chúng ta có thể tha thứ cho nhau. Gịong chị buồn buồn: “Còn chuyện của chị và Phan ngày xưa nó có những éo le riêng mà chị đã chôn chặt trong lòng cho tới tận hôm nay”. Chị kể: “Càng lớn Dũng, con trai chị nó càng giống Phan và chị lờ mờ hiểu rằng Dũng không phải là giọt máu của anh Sơn để lại cho chị. Khi còn nhỏ và cho tới tận bây giờ hai đứa con chị chúng luôn tin rằng bố của chúng là một người anh hùng đã hy sinh cho tổ quốc, hai đứa chúng nó rất yêu thương nhau và kính trọng chị chúng hiểu chị đã hy sinh tất cả cho chúng". Chị nói:“Có sự thật khi nói ra, trái tim ta được giải thoát trở nên nhẹ nhõm và thanh thản. Ngược lại có sự thật thời gian qua đi, ta không dám đụng chạm tới, cứ để yên như vốn dĩ từ trước đến nay vẫn vậy, và thừa nhận nó. Chị đã chọn cho mình cả hai giải pháp. Giải pháp thứ hai chị dành cho hai đứa con của mình. Còn giải pháp thứ nhất chị dành cho Phan. Dù cho Dũng không phải là giọt máu của anh Sơn, một người anh hùng thì nó cũng là giọt máu của một người lính đã dâng hiến và hy sinh một phần tuổi trẻ của mình cho tổ quốc mà chị hết sức yêu quý. Chị luôn cầu mong nếu như Phan còn sống chị sẽ tìm gặp được Phan và điều mong ước ấy đã trở thành sự thực, một sự diệu kỳ như trong mơ và bây giờ thì chị chẳng còn ân hận gì nữa khi gặp lại được Phan và nói cho Phan biết sự thật về câu chuyện của hơn 30 năm trước”.
Các bạn thân mến! Câu chuyện trên hoàn toàn có thật của một người bạn Trỗi, một người anh, một đồng đội cũ của tôi, hiện anh là sỹ quan cao cấp, vẫn còn phục vụ trong quân đội. Tôi muốn viết ra, kể lại để các bạn nghe và các bạn cùng tôi hiểu thêm trong cuộc đời có nhiều những chuyện éo le và phức tạp, đầy trắc ẩn và cũng giàu tình người và lòng nhân ái câu chuyện này là một trong những chuyện như thế. Mong rằng khi đọc xong câu chuyện này xin các bạn cũng đừng hỏi gì tôi thêm nữa nhé. Tôi không giữ mồm giữ miệng được mà “toe” ra thì “rách” việc lắm các bác ơi. 
Duy Đảo – K6
T/P Hồ Chí Minh – Mùa mưa năm 2005

2 nhận xét:

ultramaxnus nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...

Khoá 5 thoi o Hung Hoá cung co 1 vu tuong tu chuyen chi Hanh,nhung den nay van bi coi la scandal,khong duoc cai nhin thoáng nhu cua Duy Dao k6?