Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Những chuyện chả nên đọc (Duy Đảo)

Khi trường Trỗi ở Hưng Hóa , quãng hè năm 1969 chúng tôi học hết lớp 8. Nhóm chúng tôi có mấy thằng trong lớp chơi thân với nhau, sau ba tháng hè về nghỉ cùng gia đình hôm lên trường gặp lại nhau thấy thằng nào trông cũng lạ, béo ra, thằng thì trắng như bột tôi hỏi: Sao trắng thế? hắn ấm ức: Bà già “cấm cung” bắt ở nhà “vỗ béo” và tâm sự cho vơi nỗi nhớ. Thằng thì đen thui, vì theo gia đình đi Đồ sơn, Bãi cháy nghỉ mát. Thằng nào đầu cũng húi cua, tỉa đuổi trông là lạ và một điều dễ nhận thấy là bọn tôi đứa nào cũng lớn phổng lên. 


Lễ mễ đeo ba lô, túi xách từ Trung Hà đi bộ qua Hưng Hóa tới sân bóng trước cổng trường chúng tôi vứt ba lô, đồ đạc vào một đống rồi nằm lăn ra thở. Sau đó lần lượt từng thằng lôi “lương thực” dự trữ mà các bà, các mẹ xót con dúi vào ba lô bắt đem theo.Thôi thì đủ: Xôi gà, cả một con gà luộc to tướng đã hơi bị “thiu thiu” vì đi xe nóng từ sáng đến giờ, kệ! chả sao ngon tuốt, ăn xong mấy ngày sau chẳng thấy “ỉa đái” gì, xuýt nữa vứt đi có phải là phí không, mà cũng chả vứt được, ai cho vứt cơ chứ, trước con gà hấp dẫn và những cái miệng háu đói kia. Bánh mỳ bơ, bơ thì chảy ra nhão nhoẹt, phải lấy lá chuối làm thìa xúc. Bánh kẹo đủ loại có cả cam, quýt tráng miệng. Một thằng còn vứt ra một cục to to như quả bóng chẳng biết là gì, hóa ra là cơm nắm thử xem, ôi! tuyệt, xơi với thịt nạc rang mặn, bùi bùi, cay cay, thơm thơm mùi tiêu sao mà sướng thế. Bỗng một thằng giật mình: Từ từ còn cái này. Hắn lôi ra một cái lọ to trăng trắng bên trong chúng tôi tưởng là đường, hắn giải thích: Mẹ tao bảo đây là mỳ chính “tàu” của bố được cung cấp hiếm lắm, mẹ cho một ít đem đi “bồi dưỡng”, khi ăn cho thêm vào thức ăn cho nó đậm đà hơn nữa nó còn có tác dụng bổ óc. Thế là thằng bạn tôi nó đổ thốc vào cả bơ, cả thịt, cả xôi, cả gà … mẹ nó, bổ béo, đậm đà đâu chả biết ăn vào chỉ thấy ngang phè phè mất hết cả ngon thà cứ để như lúc trước lại hay, nhưng đổ đi thì tiếc, cứ nuốt … Sau khi đã no nê là lúc bắt đầu chúng tôi thấy khát một thằng bỗng nói: Suýt nữa quên còn bình tông nước chanh mẹ tao bắt đem theo. Đưa ra đi, đồ chậm hiểu - chuyền tay nhau tu gần hết bi đông nước chanh mát tới tận óc, chúng tôi nằm lăn trên bãi cỏ thư giãn kể lể những chuyện mà chúng tôi hái lượm được ngoài xã hội trong ba tháng hè. Tự nhiên thằng bạn bên cạnh tôi nhổm dậy, hắn nói: - Trước khi lên trường “lừa”mãi không “ăn cắp” được tao mới bốc phét với ông già là có ông thầy nghiện thuốc lá nặng muốn xin bố một bao lên làm quà, trong khi “tổ chức” chưa có ý kiến gì, cho chắc ăn tao “xoáy” được bao Thăng long của bố tao đây, hảo hạng đấy thơm lắm, hút vào là nhớ đời, thằng nào có gan “thưởng thức” thì đi xin lửa, thằng nào không thích thì thôi không ép. Tôi nói: Để tao đi cho. Nói rồi tôi cầm bao thuốc lao đi, bọn bạn “ruột để ngoài da” của tôi chúng nó ngu ngơ đâu có biết thâm ý tôi. Tôi chui ngay vào nhà lão trọc thợ may nằm ngay cạnh sân bóng, nhà lão có cô con gái cỡ tuổi chúng tôi đang độ trổ mã, xinh xinh, vì nàng mà nhiều bác trường ta ngó nghiêng trồng “cây si”. Một dịp may hiếm có để tiếp cận con gái lão. Tôi muốn được nhìn thấy nàng, xem sau ba tháng hè “xa cách” nàng phổng phao thêm được chút nào không. Thấy cái đầu hói của lão thợ may cúi rạp xuống chiếc máy may cũ rích đang rên lên từng chập “xoành xoạch, xoành xoạch …” - Chào bác! bác có khỏe không? Tôi xã giao, nhưng mắt thì dáo dác nhìn xem con gái lão ta đâu, thoáng thấy nàng từ dưới nhà đi lên tay chân tôi run rẩy như chính mình là người tình của nàng thực sự, miệng ú a, ú ớ: Cháu mới Hà nội lên có bao thuốc ngon mời bác một điếu. Tay đưa, miệng nói còn đầu thì ngoẹo mẹ nó sang phía khác, phía em đang đứng trước gương chải tóc làm dáng. Lão trọc cũng niềm nở dừng tay vì tự dưng lại có một thằng “cha căng chú kiết” chả quen biết gì mặt mũi lại non choèn choẹt mời thuốc ngon mà lão thì nghiện nặng.- Cảm ơn cháu! thuốc này bây giờ có tiền tài thánh cũng chả lùng ra, ngày trước tớ toàn xài Salem, Cotap mấy mươi năm nay mới lại được “hít” cái anh thuốc thơm này, quý hóa quá, cảm ơn cậu. Mà này bác bảo, hôm nào có quần áo rách đem ra đây bác bảo em Nhung nó tích kê cho, giá “dẻ” ( Nhung tên con gái lão).Tôi sướng âm ỷ và nhớ như in từng chữ, từng lời dặn dò của lão, không lẽ để cho chắc ăn tôi lại đi “ngoặc tay” với lão, tôi chỉ sợ lão đổi ý. Tôi nghĩ, giá kể lời bố mẹ, lời thầy cô răn dạy mà tôi nhớ lâu, nhớ dai được như thế này thì chả bao giờ tôi phải có trong danh sách “tăng cường” quân số cho phân hiệu Thạch thất trong đợt “thanh lọc” vừa rồi của trường. Nhưng may thay hai tháng cuối năm tôi có tiến bộ nên “ thoát” vậy nên tôi mới còn có mặt trong cái “bè lũ” chết tiệt đang vắt chân chữ ngũ nằm chờ tôi ở sân bóng ngoài kia. Tôi nói ngay: - Quần áo của chúng cháu rách nhiều lắm ạ. Tôi liếc vào chiếc gương thấy bóng nàng tủm tỉm cười trong đó. Lão trọc bật lửa hút điếu thuốc tôi mời, tiện thể tôi cũng mồi luôn và rút ra một điếu nữa nói: - Bác đễ dành điếu này chốc nữa bác lại hút. Ôi! cảm ơn cậu, cho mình xin thêm mấy điếu nữa, chứ các cậu còn nhỏ chưa biết thưởng thức hút nó phí đi. - Vâng ạ! Thế là gần nửa bao thuốc vào túi lão trọc vì tính dại gái của tôi, nhưng với tôi chả hề gì vì từ bây giờ trở đi tôi sẽ được nhìn thấy nàng luôn luôn, nàng là của tôi, của riêng tôi, muốn gặp nàng chỉ cần xé tý đầu gối quần là tôi đã có lý do để gặp nàng … tôi cứ mơ màng quên cả hút đến nỗi lão trọc tiếc của la toáng lên: Ấy kìa hút đi chứ cháu, không hút thì đưa đây cho bác, để thuốc nó cháy không “tải” thế kia hoang quá.
Bạn bè tôi chờ lâu chúng nó chửi um lên: Có điếu thuốc đi xin lửa mà cứ như đi cày thuê cho địa chủ ấy, lâu thế? Mà lại mất toi nửa bao có chết không cơ chứ, một hai thằng “nghiện” trong nhóm xót của cứ rên lên như bị chứng nhiệt miệng lại ăn phải khế chua. Tôi trình bày sự tình thằng nào thằng ấy suýt xoa tiếc rẻ và ra chiều ghen tị với tôi. 
Trong ba lô của chúng tôi sau khi nghỉ hè lên có biết bao nhiêu điều bí ẩn nằm trong đó, tôi kể cho các bạn nghe, tôi chỉ biết trong ba lô nhóm của tụi tôi thôi đấy nhé.
Trước tiên là tôi, khi lên trường tôi lấy trộm được của ông già con dao găm Mỹ sáng quắc còn nguyên cả bao da. một bên là lưỡi một bên là cưa có rãnh ở giữa ai nhìn thấy cũng phải mê cho nên tôi mới dám liều như thế. Thằng bạn tôi thì lôi trong túi cóc ba lô của nó ra một cái hộp tròn tròn có nắp, trên nắp lại có cả gương soi, hay nó ăn cắp hộp trang điểm của mẹ nó để đút lót cho con gái lão trọc định phỗng tay trên người đẹp của tôi, máu nóng trong người tôi đã bắt đầu bốc lên, thì ra không phải, đó là một chiếc la bàn xịn của dân trinh sát. Chiếc la bàn sơn màu cỏ úa có những mũi tên dạ quang mà buổi tối nó sáng như ban ngày, chả thế có khi giữ trưa hè không chịu ngủ chúng tôi vùng dậy chổng mông lên trùm kín chăn cho nó tối để ngắm nhìn dạ quang của những cái kim la bàn run rẩy đung đưa theo hướng Bắc mồ hôi, mồ kê tuôn như tắm nhưng vẫn thấy thích chứ làm sao đủ kiên nhẫn “kìm lại được cái sự sung sướng” mà chờ đến tối. Một thằng khác lại “cuỗm” được của bố chiếc đèn pin hình thước thợ lạ hoắc vì chúng tôi chỉ quen với đèn pin “tàu” có in nổi hình con hổ ở nắp mạ kền trắng toát dài dài mà thôi. Riêng “cu” Dũng hắn lục lọi một hồi do cất kỹ quá dưới tận đáy ba lô, hắn cúi đầu xuống rất bí mật rút ra, các bác có biết gì không? một cái ống nhòm trinh sát của Mỹ mới cáu cạnh làm bọn tôi sướng rên lên chuyền tay nhau trầm trồ… 
Tôi còn biết ở một vài nhóm khác có những ông bạn liều lĩnh còn đem cả súng bắn chim thậm chí cả khẩu súng lục “ám sát” bé tí hiệu “Valte” của bố lên trường, thế có chết không cơ chứ. Nhưng những tên này không “giữ của” được lâu vì chỉ mấy hôm sau đã bị bố phát hiện, phóng ô tô lên trường thu hồi ngay và cho một trận quắn mông đít ở trong xe. Có thằng còn khoe cả chiếc bút máy Pilot của Nhật nắp vàng óng - Chữ thì xấu như ma, dùng nó phí đi. Chúng tôi chửi, rồi làm công tác tư tưởng cho thằng bạn, cuối cùng hắn cũng xiêu lòng bán quách cho tay “trí thức” Vỹ Đại, thợ chữa đồng hồ ngoài phố, số tiền đó giúp chúng tôi chi tiêu trong một thời gian dài. Còn Tô Tâm thằng bạn nằm kề tôi hắn còn đem lên cả một cái đài bán dần Soni ba “băng” to như viên gạch, chúng tôi dùng để nghe nhạc, nghe tin tức, nghe chuyện cảnh giác tối thứ bảy … Thật thú vị. Chiếc đài này đã có lần chúng tôi định gạ Tâm “quy ra thóc” để chi tiêu trong những ngày “giáp hạt” nhưng thấy giá trị của nó lớn quá nên chả thằng nào dám mở mồm.
Năm học mới bắt đầu, chúng tôi hối hả lao vào học, sau ba tháng hè tự do bây giờ bị ép vào kỷ luật, bọn tôi thấy hơi bị gò bó nhưng rồi mọi thứ đâu vào đấy lại quy củ như xưa.
Chủ nhật là ngày nghỉ chả có ai kiểm soát nổi chúng tôi, chúng tôi cứ phương châm “Ta đi theo lối nhỏ là nối an toàn” tỏa đi khắp nơi. Một buổi sáng tiết trời chớm sang đông. Chúng tôi kéo nhau đi chơi từ sáng sớm. Ra phía sau đồi chui vào nhà dân mua sắn và trứng gà luộc. Cho tất cả vào hai cái ống quần được buộc túm lại rồi quàng qua cổ. Đồ nghề chúng tôi đem theo đủ cả: Dao găm, la bàn, ống nhòm, đài đóm và ngân khố là số tiền còn để dành được của thằng bạn bán chiếc bút máy Pilot mà tôi đã kể. Chúng tôi kéo nhau ra bãi sông Hồng phía trên thị trấn chừng hai cây số. Sông Hồng mùa này nước cạn, dòng sông lững lờ trôi, êm ả thanh bình. Hai bên bờ những bãi ngô, bãi mía và khoai xanh ngắt kéo dài từ gần mép nước cho tới chân đê. Chúng tôi chui vào bãi mía ven sông. Đã có lần chúng tôi bị lạc trong đó mất mấy tiếng đồng hồ không tìm được lối ra, cũng may nghe được tiếng còi tàu nên chúng tôi cứ theo hướng đó đi theo nên ra được mé sông, thoát! tìm được đường về. Nhưng lần này thì chúng tôi cóc sợ vì chúng tôi đã có la bàn. Chui vào giữa bãi mía chúng tôi dùng dao găm Mỹ triển khai một khoảng rộng rồi trải nilon bỏ sắn và trứng luộc ra và chọn những cây mía ngọt nhất, mập mạp nhất đánh chén. Xong lăn ra nghe đài ngủ tới chiều mới chui khỏi bãi mía ra sát mé sông đá bóng ( bóng làm bằng lá ngô, lá chuối khô buộc lại ) nhảy xa, nhảy cao “múa võ” cho tới khi mệt đừ chúng tôi mới lao xuống sông tắm. 
Bỗng một thằng phát hiện xa xa phía bên kia sông có mấy cô thôn nữ ra sông xách nước và tắm thấp thoáng sau bãi ngô non, chúng tôi cố căng những cặp mắt tò mò nhìn qua phía bờ bên kia nhưng chả rõ. Bỗng một thằng nhớ ra “ống nhòm đâu sao không dùng”. Ừ nhỉ! cả một lũ ngu! chúng tôi mặt thộn ra. Thế là chúng tôi tranh nhau dùng ống nhòm chĩa sang phía bên kia sông. Dù phải chờ lâu nhưng rồi cũng tới lượt tôi. Tôi hướng ống nhòm về phía mấy cô gái đang tắm phía bên sông, căn chính xác rồi “zum” cho sát lại như có thể sờ thấy, với thấy được. Nhưng kết quả chỉ là những bờ vai trắng trắng, những cái cổ thon thon, các em ngồi dưới nước ngâm đến cổ, thì thử hỏi các bác, ống nhòm còn có tác dụng gì, chỉ còn nằm phục, chờ cho đến lúc các nàng tắm xong lên bờ họa chăng. Nhưng cũng công cốc, khi các nàng đi lên, quái lạ! quần đen của các cô gái trung du sao lại dài thế nhỉ, tôi cứ thắc mắc trong đầu mà chả biết hỏi ai vì tôi thấy các nàng kéo quần lên tới tận gần vai, che hết cả khoảng ngực trần cái mà chúng tôi chờ đợi, tò mò. Chỉ còn lại bờ vai và cái cổ trắng thấp thoáng. Nhưng cũng chỉ cần thế thôi đối với chúng tôi, những chú “cún” đang tập tọe lớn cũng đủ để háo hức, rạo rực biết chừng nào. 
Thế rồi tình cờ tôi rê ống nhòm sang bãi khoai cách đó một quãng xa nơi có mấy con bò đang ăn cỏ, bỗng tôi nhìn thấy, cái gì thế này? tim tôi đập loạn xạ, một cặp mông thấp thoáng trong bãi khoai, trời ơi! chết tôi rồi! tôi lặng im không để đứa nào trong nhóm biết, tôi chỉnh lại độ nét cho sáng sủa, rõ ràng rồi “zum” lại gần hơn để quan sát. Rõ ràng là cặp mông hiện lên to tướng trước mắt tôi. Nhưng sao nó gân guốc và đen thui thế này? mải tưởng tượng cho tới khi cặp mông bị cái quần nâu kéo lên và cái “vật” kia đứng dậy thì té ra đó là “tác phẩm” của ông lão chăn bò ngồi giải quyết “nỗi buồn”. Xui không chịu được tôi nói to: Thôi trả ống nhòm cho nhà các ông, nhức hết cả mắt, chả được tích sự gì.
Chiều xuống thật nhanh, tôi đã nghe thấy tiếng còi tàu xuôi mãi bên mạn Việt trì vẳng tới, nói với đám bạn: Về thôi! muộn chúng nó giải tán mất suất cơm chiều thì cứ gọi là chết đói. Chúng tôi tất tả ra về bỏ lại phía sau những dấu chân tròn tròn in trên triền cát. Đi phía trước tôi chiếc đài bán dẫn thằng bạn đeo vắt chéo qua vai hất qua hất lại đập đập vào cặp mông quá khổ theo nhịp bước chân của hắn, từ trong chiếc radio vẳng ra tiếng một bài hát quen quen được volume hết cỡ “Hồng Hà ơi! Ta nhớ mùa thu xưa năm nào …” 
T/p HCM- tháng 4/2008

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nghịch ngợm quá.

QV nói...

Rất sinh động và đáng yêu. DĐ quả là cây bút "có hạng" của lính Trỗi. Chắc giờ này bạn lại đang "múa bút" ở cõi nào đó trong vũ trụ bao la.

Nặc danh nói...

Thật là những kỷ niệm khó quên của tuổi học trò, mà lại là học trò trường Trỗi. Tôi lấy làm tiếc vì chưa một lần được gặp anh Duy Đảo. Qua những câu chuyện anh viết, tôi hiểu anh Duy Đảo đúng là một con người tuyệt vời.
Nguyễn Văn Nam-học trò ĐHKTQS

TranKienQuoc nói...

Nam k7 Xây dựng QS à? Đảo đi bộ đội về học Vố tuyến k8, tốt nghiệp 1979.