Ai cũng bảo là tôi trẻ “dai”.
Chẳng phải một người nói mà các bạn bảo là tôi ngộ nhận. Tôi ví dụ cụ thể cho
các bạn một chuyện như thế này để các bạn tin.
Một lần đi đi “lang thang bia bọt”, lúc
chia tay bịn rịn thế quái nào lại sẵn có tiền lương vừa nhận được ở cơ quan lúc
chiều trong túi, thế là tôi bị lẫn. Lần này tôi bị lẫn về số lượng, chứ
không lẫn về mệnh giá như có lần tôi đã kể cho các bạn nghe. Thật là ở đời
chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Các bạn cứ nghiệm mà xem, các cụ ngày xưa
nói cấm sai.
Tôi thò tay vào túi quần, mặc dù đã
có hơi men nhưng vẫn cố tỉnh táo để tránh tình trạng “phá giá” mà anh em đã
nhiều lần chửi tôi. Sau một hồi lần mò tôi lôi ra được
hai tờ 50.000 đồng. Biết thừa hai tờ là vừa đúng một trăm. Vì buổi chiều
tôi đã để riêng xấp 50.000 đồng ở túi bên phải về nộp vào “kho bạc”. Còn túi
bên trái là số tiền linh tinh, lang tang tôi trích ra để trang trải xăng xe, cà
phê cà pháo và các việc lặt vặt trong tháng.
Loại tiền Polime mới này, nó bền, nó
đẹp, nó tốt thật nhưng nó cũng có nhiều cái phiền toái.
Tôi đờ đẫn hết cả người khi nghe tiếng
cô “phục vụ” thủ thỉ như đổ mật vào tai:
- Sao cưng “cho” em nhiều thế, những ba tờ cơ à?
- Thôi bỏ mẹ rồi! - tôi giật thót người
như khi còn bé leo cây bị kiến vống nó cắn vào chỗ hiểm. Thế là tôi lại bị “kẹp díp”(!).
(Hay thật! Nghĩ mãi mới ra cái từ này, “kẹp díp”. Quá hay! tôi thử hỏi các
bạn, nếu không có cái anh Tây mắt xanh, mũi lõ, khai phá văn minh xứ Đông Dương
thuộc địa thì làm đếch gì có cái từ “kẹp díp” mà hôm nay tôi hầu các bạn
đây!). Tôi chỉ kịp loáng thoáng nghĩ trong
đầu như vậy. Chậc! Nhưng thôi, lao động quần quật như thế, dễ đến bốn tiếng đồng hồ, kể ra
là quá sức đối với người lao động chân tay bình thường, chứ chưa muốn nói là
lao động đặc biệt, nặng nhọc, "trong môi trường độc hại".
Thấy cũng xứng, hơn nữa tôi sợ
nhất là vi phạm luật. Thời buổi kinh tế thị trường, mọi người đều phải sống và
làm việc theo pháp luật. Công dân lao động có trách nhiệm, có năng suất, có
nhiệt tình, thì mức thù lao như thế kể cũng đáng đồng tiền bát gạo, là phù hợp
với bộ luật lao động hiện hành, chứ cũng chẳng đắt rẻ gì.
Bù lại, các bạn có biết tôi sướng
nhất điều gì không? Nó là thế này.
Sau khi hôn chùn chụt vào má trái lẫn cả má phải của tôi, dù đã ngà ngà say
nhưng tôi vẫn nhận ra cái ươn ướt, nong nóng của cặp môi dày. Đã là cái khoản
tình cảm nó phải nhẹ nhàng, phải e ấp, rụt rè. Đằng này cứ như lợn đẻ nuôi con
ba ngày không được bữa cám. Khiếp thật! Hôn mà cứ như đánh vật, như ăn tươi nuốt
sống người ta không bằng. tôi cứ hãi hãi.
Giọng cô gái khào khào, nhừa nhựa vì
cũng đã quá chén: “Cưng” dễ thương quá! “Cưng” nói thế nào chứ, em ứ có tin là “cưng” bằng tuổi
ba em. Em chỉ đoán “cưng” ngoài “băm” là cùng". Lạ thế, giọng miền Tây của cô
gái pha lẫn một vài “thuật từ” mà chỉ có những sĩ phu “Bắc Hà” mới có thể nghĩ
ra. Tôi đoán, chắc là mấy bác Hà Nội nhà ta, đi làm ăn xa hoặc sau giải phóng vào
định cư ở thành phố phương nam hay la cà lần mò tơí đây nên cô gái bị đồng hóa
chăng? Đúng là “gần mực thì bia, gần mồi thì…".
Như thế là trẻ chứ còn gì nữa, có
đúng không? Các bạn bảo tôi “già” với ai cơ chứ. Các bạn đã tin tôi chưa?
Có một bác sau khi đọc “Ngày đầu mới
về hưu”của tôi. Bác ấy an ủi là tôi vẫn
còn may. Thôi! tôi xấu hổ lắm tôi mà kể hết ra các bạn lại bảo là vạch áo cho nguời
xem lưng, người đời độc miệng, người ta lại cười cho.
Kể từ lần đó trở đi, các bạn có biết không?
Đi đâu, mua bán cái gì, tôi cũng cẩn thận “miết“ thật kỹ, “miết” từng tờ một. Lúc đầu còn nhấp nước bọt để
“miết” cho nó tăng ma sát, tăng độ dính. Nhưng rồi tôi nghe ai nói, hay là tôi
xem trên ti vi, hay do tôi đọc báo, đọc sách cũng có thể một lần nào đó lọ
mọ cập nhật trên Internet tôi cũng không nhớ nữa. Lắm lúc tôi cứ như người ngộ chữ,
chẳng biết là mình nghe, mình xem, hay mình đọc ở đâu “Nhấp nước bọt khi đếm
tiền rất dễ bị lây nhiễm SIDA”. Thế nên tôi hãi. Từ đó tôi cạch, tôi không bao giờ dám
nhấp nước bọt khi đếm tiền.
Có lẽ vì thế bây giờ da ở hai đầu ngón
tay – Ngón trỏ và ngón cái của tôi nó cứ cứng lên, nó dầy ra. Người thì nói là
tôi bị chai tay, người thì lại bảo là tay tôi bị nấm ăn. Có người lại tưởng
là tôi giàu, thương tôi, cứ giục tôi sang Singapore kiểm tra sớm, nhờ y học hiện
đại nó xem, cho chắc ăn. Chả biết tin và nghe ai?
Nghiệm thấy tôi trẻ “dai” được
như ngày hôm nay (như “người đời” vẫn khen), cũng có thể là vì một phần nhờ vào
cách sống của gia đình và cũng có thể là vì do tôi thường giao du với lũ bạn thân, học với nhau từ hồi
trường Trỗi, có máu hài hước và tiếu lâm chăng? Có lẽ đúng thế thật.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Cây từ Vũng Chùa (Quang Việt)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Đã sắp 49 ngày Duy Đảo. Nhớ bạn.
Đăng nhận xét