Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Võ Đại tướng với đồng đội cũ (Trần Kiến Quốc)

Thượng tướng Chu Văn Tấn - người dân tộc Tày ở Võ Nhai, Thái Nguyên, người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt từ năm 1940, ông đã cùng Phùng Chí Kiên, Luơng Hữu Chi lãnh đạo Khởi nghĩa Bắc Sơn. Khi giặc Pháp dìm Bắc Sơn trong bể máu, ông Tấn vẫn duy trì đội du kích Bắc Sơn, làm cho địch  thất điên bát đảo; dù uất ức chúng vẫn phải gọi ông là "con hùm xám Bắc Sơn". Sau này Du kích Bắc Sơn sáp nhập với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Anh Chu Thành đọc lời cảm ơn. Phía sau là lẵng hoa của Đại tướng.
Ông là một trong 11 tuớng lĩnh đầu tiên do Bác Hồ kí sắc lệnh tấn phong đầu năm 1948. Chu Văn Tấn còn là một trong hai thượng tuớng đầu tiên (phong năm 1959) của QĐND Việt Nam. Với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Bắc, Tây Bắc thì Thượng tướng được coi như một ông vua, một vị anh hùng.


Năm 2009 gặp anh Chu Thành, biết gia đình có ý định tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Thượng tuớng Chu Văn Tấn (1910 - 2010). Khi đưa ra ý tưởng này lập tức được các cựu chiến binh (CCB) ở Ban liên lạc (BLL) Chiến sĩ Việt Bắc, BLL Giải phóng quân Việt Nam ủng hộ và sẽ hứa kết hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức sự kiện này. Tôi trao đổi với anh Thành về việc mời bác Giáp viết bài về ông Tấn, vì bác là người cuối cùng của thế hệ thứ nhất còn sống và là người quá hiểu về cụ Tấn (nhất là khi còn có ý kiến chưa xác đáng về cụ).
Thông lệ, gia đình soạn thảo trước nội dung, rồi gửi tới Văn phòng Đại tướng. Cán bộ sẽ đọc, sửa và báo cáo Đại tướng. Sau khi thông qua nội dung sẽ được kí trước khi gửi đi. Ở văn phòng này có anh Trịnh Nguyên Huân với tôi vừa là thầy, lại vừa là đàn anh. Thứ nữa, chú Nguyễn Huyên cũng là chỗ thân quen. Nhưng lo nhất là sức khỏe của bác có cho phép làm việc này hay không?
Một buổi sáng, tôi cùng anh Chu Thành và cháu Vân Anh (con gái anh) đến số nhà 30 Hoàng Diệu, được đại tá Nguyễn Huyên tiếp. Khi nêu ý tưởng của gia đình, chú Huyên lắc đầu: “Khó rồi, Thành ạ. Sức khỏe anh Văn dạo này yếu lắm, từ mấy tháng nay anh nằm viện và không kí bất kì văn bản nào…”. Lúc bấy giờ đã là tháng 3 năm 2010. Cụ vào viện từ cuối năm 2009.
Chú Huyên nghĩ một lúc rồi nói tiếp:
-  Nhưng anh Văn rất trách nhiệm với các đồng chí cũ. Với anh Chu Văn Tấn, anh Văn có một tình cảm thân thiết vì cùng làm việc với nhau hơn nửa thế kỉ nay. Cả những hàm oan của anh Tấn, anh Văn đều biết. Có thuận lợi là cho đến giờ trí nhớ, tư duy của anh Văn vẫn còn tốt. Chắc chắn anh Văn sẽ gửi lẵng hoa chúc mừng.
Mấy chú cháu trao đổi và dự kiến lẵng hoa có dòng chữ “Tưởng nhớ Thuợng tuớng Chu Văn Tấn – Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Chú Huyên hỏi:
- Ở nhà còn lưu những bài viết  của anh Văn về anh Tấn không?
-   Dạ, còn. – cháu Vân Anh nói – Cháu còn giữ bài phát biểu của ông Văn nhân họp mặt kỉ niệm Khởi nghĩa Bắc Sơn năm 1992.
-  Tôi nhớ rồi, - chú Huyên cắt lời – trong bài đó, anh Văn gọi anh Tấn bằng cái tên mà chỉ ai trong cuộc mới biết. Vậy, đầu giờ chiều cháu mang bài đó lại. Khoảng 2g, ông vào viện báo cáo anh Văn. Thế gia đình có giữ ảnh nào của anh Văn chụp với anh Tấn?
-  Có ạ, khá nhiều, nhất là ảnh bác Văn tháp tùng Bác Hồ lên Thái Nguyên đầu những năm 1960. – anh Thành nói.
-  Vậy mang cả mấy tấm ảnh nhé!
Công việc chuẩn bị đúng theo dự kiến.
… Ít ngày sau gặp lại, chú Huyên kể: “Lần nào vào, mình cũng mang theo mấy tờ lịch treo tuờng, dùng mặt trắng làm bảng viết “bút đàm”. Nội dung phải chuẩn bị trước. Hôm đó mình viết chữ lớn “Tháng 5 này, gia đình cùng Hội Sử học, BLL Chiến sĩ Việt Bắc và BLL Giải phóng quân Việt Nam tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh anh Chu Văn Tấn”. Anh Văn lướt mắt, đọc cẩn thận rồi gật gật.
Khi đưa mấy tấm ảnh, mình hỏi: “Anh có nhớ ai đây không?”. Anh Văn gật đầu “nhớ, nhớ”, mồm lắp bắp “anh Tấn, anh Tấn”.
Rồi mình lại viết “Anh sẽ gửi lẵng hoa đến chúc mừng”. Anh Văn đọc xong, gật đầu”.
Đây là một kỉ niệm quý giá của Võ Đại tướng với gia đình Thượng tướng Chu Văn Tấn nói riêng và với người Việt Nam ta nói chung. Đại tướng của chúng ta là thế!
TPHCM, tháng 12/2010


Không có nhận xét nào: