Mấy năm nay các khóa 3, 4 liên tục tổ chức “họp mặt
năm chẵn” ở các tỉnh miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn…), đón được thầy cô và các bạn
ở hai đầu đất nước về dự. Đó là những chuyến “xuyên Việt” đầy kỷ niệm. Điều này
cũng làm anh chị em khóa 5 - khóa ở trường dài nhất (5 năm) - bức xúc: tại sao chúng
ta không thể làm được như các lớp trên; nhất là khi càng nhiều tuổi thì khả
năng gặp được nhau, để được "sống như hồi Trỗi” sẽ càng khó?
Trước cổng trường. |
Bức tượng đá và nhà làm việc vừa hoàn thành. |
Sang năm 2015, với khóa 5 sắp tròn kỷ niệm 50 năm nhập
trường và 45 ra trường. Điều này càng thúc giục chúng ta phải “làm gì đó”. Ý tưởng
họp mặt khóa ở Quảng Ngãi nhen nhóm, một ban vận động được hình thành.
Đầu tháng 9 năm 2014, đúng vào dịp gia đình Phan Nam
bàn giao công trình nhà làm việc của ban giám hiệu Trường tiểu học mang tên
Phan Văn Đường ở quê, tôi bàn với vợ phải thu xếp bay ra Quảng Ngãi. Chuyến bay cùng Phan Nam. Hai tên
được bố con Tấn Lợi đánh xe ra tận sân bay Chu Lai đón rồi đưa ngay ra bờ biển
chiêu đãi.
Từ ngày ba Lợi mất, tôi bay ra dự lễ tang, đến nay đã
mấy năm. Hôm nay trở về thấy Quảng Ngãi thay đổi quá. Con sông Trà vẫn hiền hòa
chảy… Phố xá ngăn nắp, nhà cửa san sát… từ 2005 thị xã Quảng Ngãi đã được công
nhận là TP trực thuộc tỉnh… Đêm ấy, vợ chồng Lợi chiêu đãi hai thằng bạn cũ
ngay tại sân nhà, cho mời cả ca sĩ về hát.
Sáng hôm sau, Lợi lấy xe đưa tôi về quê Phan Nam.
Quê Phan Nam ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, cách TP
hơn chục cây số. Về đây mới biết, cách đây 300 năm, nơi đây từng có địa danh “Cảng
biển Thu Xà” – một thương cảng lớn nhất ở miền Trung, ra đời trước cả Thương cảng
Hội An. Bà con người Hoa từ Phúc Kiến, Triều Châu đã tìm về đây mưu sinh. Đất
lành chim đậu, tới giờ còn lưu lại nhiều làng xóm cùng đền thờ, miếu mạo của bà
con người Hoa. Ngay sau Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Phan Văn Đường còn nguyên dấu
tích của thành Thu Xà – vị trí đặt đồn thuế quan, nơi thu thuế của các thương
nhân khi vào cảng buôn bán.
Khu Nhà tưởng niệm Phan Văn Đường nằm đối diện với trường
tiểu học qua con đường vừa trải nhựa. Qua khoảng sân rộng với hàng cau lớn là
nhà tưởng niệm. Nơi đây lưu giữ nhiều tư liệu quý suốt 77 năm cuộc đời và cống
hiến cho đất nước của cụ Phan Văn Đường; trong đó có nhiều hình ảnh chụp chung
với Hồ Chủ tịch. Tượng đồng bán thân Thiếu tướng Phan Văn Đường vừa hoàn thành
được yên vị trên ban thờ. Anh chị em, con cháu cụ rồi bạn bè vào thắp hương.
Trước cổng vào Khu tưởng niệm. |
Nhà tưởng niệm. |
Tượng cụ Đường vừa về đến quê hương. |
Trước đó, hai chúng tôi đã vào thăm trường tiểu học
mang tên cụ. Công trình nhà làm việc của ban giám hiệu được đầu tư hơn 16 tỷ đồng,
với hai tầng khang trang và diện tích sàn 400m2. Phía trước là tượng bán thân của
cụ Đường bằng chất liệu đá Ngũ Hành Sơn, được điêu khắc gia Long Bửu (dân xứ Quảng)
thực hiện. Ngày ngày cụ như vẫn dõi theo các cháu học sinh tại chính quê hương mình
được học tập, dạy dỗ, để sau này trở thành những người con có ích cho xã hội. Trong
vườn trường được trồng nhiều hoa và cây xanh, làm bớt đi cái nắng, cái nóng giữa
trưa hè ở vùng biển miền Trung.
Anh chị em nhà Phan Nam cùng bà con ở quê hương đã làm
tốt việc tri ân cụ.
Cũng chuyến đi này, tôi nhận ra một điều, gia đình bạn
mình quan hệ rất tốt với địa phương, cùng với quan hệ của Tấn Lợi được xây dựng
suốt từ sau ngày giải phóng đến giờ, sẽ rất thuận lợi cho việc chúng ta tổ chức
họp mặt khóa 5 tại Quảng Ngãi. Theo tôi, quê hương Phan Nam cũng là một điểm dừng
chân đáng giá.
2 nhận xét:
Ngay tại xã này cũng có nhà thờ họ đằng vợ Lê Chí Hòa.
Có 2 khóa ở trường lâu nhất (5 năm) là khóa 5 và khóa 6.
Thu Xà cũng chính là quê của anh Hoàng Linh khóa 3
Đăng nhận xét