Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

TÌNH BẠN (Đào Duy)

                                                                                 (Thân tặng B)
Ngồi làm việc ở cơ quan thấy tin nhắn trên máy, tên  người, số máy và nội dung đều lạ. Chắc có lẽ ai đó lộn số chăng? Vốn tính “cẩn thận” tôi bấm số máy đã nhắn và “a lô”:
- Xin lỗi! chị vừa nhắn vào số máy của tôi? 
   -  Vâng ạ! Xin lỗi anh có phải là Nam? Nguyễn Nam không? - Giọng một phụ nữ đã trung tuổi ở đầu máy bên kia.
- Dạ! Đúng rồi. - Tôi trả lời.
Sau khoảnh khắc im lặng, giọng người phụ nữ ngập ngừng:
  - Chắc Nam đã quên, mình là Vân, Khánh Vân, học cùng lớp với cậu hồi cấp ba ở trường Hồng Quang. Cậu còn nhớ không?
Câu hỏi quá đột ngột, “bất động” đến mấy giây tôi mới ấp úng:
  - Ờ!… ờ… ờ… mình… mình… à… mình… nhớ rồi! - Tôi trả lời “đại”, sợ làm buồn lòng  “người bạn cũ"!!!


Vội vàng lục lọi trong trí nhớ xem có cái tên Khánh Vân nào trong đám bạn thời phổ thông? Cái tên chỉ cho tôi cảm giác quen quen mà không tài nào nhớ nổi. Bạn học phổ thông ư, thời gian quá vãng đã hơn ba mươi năm, già nửa đời người rồi còn gì, có quên cũng chả ai nỡ trách.  Đang định “tra cứu” thêm thì có chút việc cần giải quyết ở cơ quan nên tôi đành xin lỗi bạn và hẹn sẽ liên lạc lại.
Trừ mấy năm đầu sau hòa bình gia đình tôi sống ở Hải Phòng. Khi chiến tranh phá hoại xảy ra má con tôi rồng rắn theo Quân y viện 7 sơ tán khắp nơi rồi viện chuyển về thị xã Hải Dương. Suốt thời phổ thông cho tới năm 1975 đi bộ đội cả tuổi thơ tôi gắn bó với thị xã này.
Ba tôi quê Vĩnh Long. Má tôi nữ sinh Đồng Khánh, dân gốc Sài Gòn. Hai ông bà gặp nhau trong bưng và cưới nhau, được ít ngày thì đình chiến. Tập kết ra Bắc, ba má tôi đi học, tốt nghiệp bác sỹ cả ba má tôi được Cục Cán bộ điều về Quân khu ba nhận công tác. Ba tôi về bệnh xá sư 320, còn má về Quân y viện 7. Được vài năm thì ba tôi đi chiến trường. Đằng đẵng suốt thời chiến tranh, một mình má nuôi chúng tôi lớn lên.
Cả thị xã Hải Dương hồi đó chỉ có một trường cấp ba - trường Hồng Quang. Tôi học suốt ba năm với lũ bạn từ lớp 8 cho đến lớp 10. Ba năm học chung nên con trai, con gái trong lớp chúng tôi thuộc hết tính nết của nhau. Ngoài một vài đứa con em cán bộ quan chức trong tỉnh còn lại đa phần bọn bạn tôi đều xuất thân từ gia đình tiểu thương buôn bán nhỏ và  lao động nghèo.
Trong lớp so với bọn con trai “mẫu mã” của tôi cũng không đến nỗi nào, tôi học khá nhưng lười và nghịch, bù lại tính tôi hòa đồng và rất “ga lăng” nhất là đối với cánh chị em. Có việc gì khó khăn bạn bè nhờ vả trong khả năng tôi đều nhiệt tình giúp đỡ. Ba má tôi lại là bác sỹ, sỹ quan quân đội, gia đình “cơ bản” nên tôi cũng được nhiều chị em trong lớp để ý.
Cuối năm lớp chín có một sự việc xảy ra. Lớp tôi có Hương là lớp phó phụ trách học tập, Hương là con gái út trong gia đình buôn bán, nhà kinh tế khá, Hương học đều các môn.
Ngồi cạnh Hương là Khánh Vân. Nhà Vân nghèo lắm, tôi nghĩ, nếu không quá vất vả giúp gia đình mưu sinh thì Vân sẽ là người nổi trội nhất lớp về học tập.
Tôi nhớ có một lần tôi và mấy thằng bạn ở khu gia binh Quân y viện 7, lò mò xách cần câu ra phía ga xe lửa, ở đó có mấy cái hồ để câu trộm cá. Thị xã Hải Dương ngày ấy mang tiếng là thị xã lớn nhất miền Bắc nhưng sao tôi thấy từ trung tâm thị xã mới ra tới ngoài ga nhìn xung quanh đã là làng xóm ngoại ô.
Mấy cái hồ do các cụ phụ lão quản lý được chăm sóc trông coi nên cá rất nhiều. Đang chăm chú câu thế chó nào bọn tôi bị các cụ phát hiện. Thế là chúng tôi tứ tán chạy thục mạng, vứt cả cá lẫn cần, mỗi thằng một hướng. Tôi nhảy đại và chui vào đống ve chai của một gia đình mua bán đồng nát nằm sát hồ. Chả biết vướng vào cái quái gì mà chiếc quần đùi tôi mặc rách toạc ra và mất toi đi đâu gần nửa ống. Khi mọi việc êm xuôi lúc chui ra, bất ngờ tôi gặp ngay Vân từ trong túp “lều” gần đó đi ra
- Ô kìa! Sao Nam lại ở đây? - Vân ngạc nhiên, vừa nói Vân vừa đưa tay lên che miệng và vội vàng quay mặt đi .
Gãi đầu gãi tai mặt thì đỏ lên tôi xoay người đi dùng tay còn lại cố che đi cái khoảng trống lạnh lạnh ở gần mông do cái quần bị “mất ống”, một lúc tôi mới ậm ừ:
- Mình đi câu cá, “tưởng” hồ tự nhiên không ai quản lý, té ra là của mấy cụ phụ lão nên bị các cụ ấy đuổi, mình chạy đại, trốn ở đây.
-  Nhà Vân đây à? - vừa hỏi tôi vừa quan sát  “túp lều” ọp ẹp thấp lè tè. 
Tôi đứng nói chuyện  trong tâm trạng không được “tự tin” còn Vân cũng chẳng dám mời. Vân mặc cảm trước gia cảnh của mình. Biết “hoàn cảnh” của mình và hoàn cảnh của bạn nên sau vài ba câu, tôi chào Vân rồi “chuồn”. Nhưng trong lòng tôi hình ảnh “ngôi nhà” của gia đình Vân cứ ám ảnh tôi mãi.
Một buổi sáng sau giờ chơi chúng tôi vào lớp bỗng dưng tôi thấy Hương đang ngồi gục xuống bàn khóc tức tưởi. Cả lớp chả hiểu chuyện gì? Khi mọi người xúm lại thì mới biết, sự việc quá nghiêm trọng lần đầu tiên xảy ra trong lớp tôi - Hương bị mất chiếc nhẫn vàng để trong cặp.
Chuyện nhanh chóng được báo với cô chủ nhiệm và ngay sau khi buổi học kết thúc lớp tôi phải ở lại. Sau tường trình của Hương cô giáo khuyên giải động viên nếu có ai lỡ cầm của bạn thì tự giác đưa cho cô hoặc có thể gặp riêng bạn để trả, chúng ta chỉ xử lý nội bộ trong lớp. Sau 20 phút không có ai ý kiến gì. Cô giáo nói: “Trước mắt cô sẽ thành lập một tổ gồm bốn tổ trưởng và mời tất cả các em ra ngoài để nguyên sách vở “tư trang” trong lớp cho tổ kiểm tra”. Nhưng cuộc kiểm tra không có kết quả.
Cô chủ nhiệm một mặt vẫn động viên các bạn tự giác một mặt cô nói: “Hương em hãy nhớ kỹ lại xem có chắc chắn chiếc nhẫn bị mất trong lớp không?”. Hương khẳng định trước giờ thể dục vẫn còn đeo ở tay, sau đó tháo ra cho vào cặp vì sợ chạy nhảy rơi mất.
Tuy không nói ra nhưng Hương và các bạn trong lớp đều dồn hết sự nghi ngờ về phía Vân vì theo trực nhật lớp Vân là người cuối cùng rời khỏi lớp xuống khu thể thao và là người ngồi bên cạnh biết Hương tháo chiếc nhẫn cất đi. Tôi thấy Vân im lặng, mặt “bình thản” chả bàn tán góp ý kiến gì trong câu chuyện xảy ra.
Hai ngày sau, sự việc không “tiến triển”. Cô chủ nhiệm đành phải báo cáo với ban giám hiệu nhà trường. Sự kiện làm xôn xao trong khóa và theo tự nhiên tất cả những ai liên quan đều được thầy hiệu phó phụ trách kỷ luật của trường mời lên, trong đó có Vân.
Suốt mấy ngày không khí nặng nề bao trùm trong lớp, mọi người nhất là bọn con gái đều nhìn Vân với ánh mắt ghẻ lạnh và tìm cách xa lánh tẩy chay thậm chí có những câu nói xa xôi xúc phạm đến gia đình Vân.
Lủi thủi lặng lẽ ngày ngày cắp sách đến trường Vân chẳng thanh minh và cũng chẳng nói với ai chỉ lầm lũi cô độc như chiếc bóng trên con đường chiều hai buổi đi về căn nhà nhỏ ọp ẹp nơi ngoại ô. Vân vốn đã gầy và xanh xao giờ đây sau mấy ngày của sự việc tôi thấy hình như Vân gầy hơn, xanh hơn.
Từ bữa gặp Vân hôm đi câu cá trộm, cộng với sự việc xảy ra vừa rồi tôi càng thông cảm với hoàn cảnh của bạn. Mọi người trong lớp thậm chí cả cô chủ nhiệm chỉ biết nhà Vân nghèo còn cụ thể ra sao thì chắc gì ai đã biết.
Riêng tôi, tôi đứng về phía Vân. Tôi không tin sự giáo dục của những gia đình nghèo khó tá túc trong những căn nhà tồi tàn kia lại dung túng cho lòng tham? Tôi không tin trong trái tim người bạn gái với thân hình xanh xao gầy yếu kia lại trú ngụ đức tính xấu xa nhất của con người!
Từ khi sự việc xảy ra tôi thay đổi lộ trình trên đường trở về nhà sau khi tan lớp. Tôi đi xa hơn nhưng bù lại tôi cùng đường về với Vân.

Không có nhận xét nào: