Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Bác Hồ khóc trên diễn đàn Quốc hội (TS. Nguyễn Thành Mai) - ST: Tương Lai

Chỉ hai tuần sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lấn Nam Bộ lần thứ hai. Trong tình thế hiểm nghèo của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào cách mạng ở Nam Bộ vẫn tiếp tục phát triển. Các đồng chí thành viên Xứ Uỷ Nam Kỳ đã kịp thời triển khai chủ trương xuyên Đông, xuyên Tây (xuyên Đông: mở đường liên lạc về Phú Yên, địa đầu phía nam vùng tự do liên khu V, xuyên Tây: mở đường từ Rạch Giá đi Thái Lan, vượt sông Mékong ngược về khu IV Thanh - Nghệ - Tĩnh) để Nam Bộ không bị cắt rời khỏi phong trào chống Pháp của cả nước, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ lâm thời và Hồ Chủ tịch. Thông qua các đường dây liên lạc này và qua sóng phát thanh, Nam Bộ vẫn tiếp nhận đầy đủ sự chỉ đạo để tổ chức cuộc Tổng Tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trong lịch sử. Bà Ngô Thị Huệ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhớ lại: “ Quá trình chuẩn bị và tiến hành Tổng tuyển cử đã diễn ra trong điều kiện các thế lực đế quốc và tay sai ráo riết chống phá chính quyền cách mạng. Do trình độ giác ngộ chính trị còn hạn chế, đồng bào nhiều nơi chưa hiểu hết tầm quan trọng của Tổng tuyển cử. Chính quyền cách mạng từng địa phương đã tuyên truyền sâu rộng Tổng tuyển cử, xem đó là một cuộc vận động giáo dục, tổ chức quần chúng, thực hiện đại đoàn kết thống nhất dân tộc” .
(Xem: Hồi ký ĐBQH khoá I. Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2000, tr.81)


Đương nhiên là kẻ địch biết được ngày giờ tổ chức cuộc Tổng tuyển cử. Do vậy, chúng đã tiến hành đàn áp, nhằm phá vỡ cuộc bầu cử. Nhưng dưới lưỡi lê và họng súng của quân thù, đồng bào Nam Bộ đã nô nức đi thực hiền quyền và nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Bộ đội, du kích triển khai bảo vệ các điểm bầu cử. Ban tổ chức cử người vào vùng bị tạm chiếm vận động nhân dân đi bầu cử. Cử tri hăng hái đi bầu cử. Địch nổ súng. Máu các cử tri đã đổ cho ngày thực hiện quyền bầu cử. Tại Sài Gòn - Gia Định, 40 cán bộ đi vận động bầu cử bị địch bắn chết. ở Tân An, 14 cử tri cũng bị giết hại. Ở nhiều vùng, địch cho quân lính càn quét, có nơi như ở làng Mỹ Hồ, Cần Thơ, địch còn dùng máy bay để ném bom. Kẻ thù càng điên cuồng chống phá, ý chí của người dân càng cao. Và cuối cùng, các tỉnh Nam Bộ đã hoàn thành thắng lợi cuộc phổ thông đầu phiếu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đến giữa tháng Hai, các địa phương nhận được điện triệu tập các đại biểu trúng cử về Hà Nội dự phiên họp Quốc hội đầu tiên. Kẻ thù cũng biết rõ điều này nên chúng tăng cường kiểm soát gắt gao, hòng ngăn chặn các đại biểu nhân dân miền Nam về Hà Nội. Vì vậy, tìm cách đi cho an toàn là một cuộc đấu trí căng thẳng. Đại biểu các tỉnh miền Đông đi theo đường bộ về Bà Rịa rồi dựa vào các đơn vị bộ đội các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hoà theo đường núi để ra Phú Yên, đi xe lửa ra Hà Nội. Các vị đại biểu Tây Nam Bộ thì phải nguỵ trang thành lái buôn, thành chủ vựa gạo, thuê xe chở thẳng ra Phú Yên. Một số vị phải đi từ Rạch Giá sang Thái Lan, mua vé tàu thuỷ đi Hongkong rồi trở lại Hải Phòng. Ngay trước Tết âm lịch, nhiều Đại biểu Quốc hội đã tập trung ở Cà Mau để sang Thái Lan. Nhóm bà Ngô Thị Huệ (vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) xuất phát từ Ông Trang, nhóm ông Nguyễn Văn Tạo, ông Phạm Văn Bạch, ông Ngô Tấn Nhơn, ông Trần Công Tường đi từ Rạch Gốc. Các vị đến Udon, định vượt qua sông Mékong sang Savanakhet, đất Lào, thì Pháp chiếm Savanakhet. Cả đoàn lại phải ngược lên Nakhon để về Thakhet. Nhưng Pháp cũng đã chiếm nốt Thakhet. Đoàn phải quay về Bangkok. Tại đây, đoàn phải lo giấy tờ hợp pháp, rồi đi tàu thuỷ từ Bangkok đến Sài Gòn, rồi đi Hongkong. Từ Hongkong, đoàn đi tàu về Hải Phòng. Như vậy, từ Rạch Giá ra Hà Nội, nhiều vị Đại biểu Quốc hội phải đi ròng rã tám tháng trời, để kịp dự Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá I diễn ra từ ngày 28/10 đến 9/11/1946.
 Tại kỳ họp này, với cương vị Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Nam Bộ, đại diện cho hơn năm triệu đồng bào đang cầm súng chống lại thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập, ông Nguyễn Văn Tạo đã đọc Diễn văn chào mừng Quốc hội:
 …“Trong lúc chúng ta họp đông đủ, chúng tôi rất bùi ngùi tưởng nhớ đến anh Thái Văn Lung, Đại biểu tỉnh Gia Định, đã bị chết vì tra tấn, chúng tôi rất băn khoăn cho tính mệnh anh Huỳnh Tấn Phát, đại biểu tỉnh Mỹ Tho, đương bị giam cầm, chúng tôi rất lo ngại cho tính mệnh của hàng ngàn nhà ái quốc bị đày ở Côn Đảo, bị nhốt ở Khám Lớn, ở Nam Bộ.
Chúng tôi rất bằng lòng mà tỏ cho Quốc hội biết rằng, ngoài số đại biểu bị giam, ngoài số đại biểu đã băng rừng, vượt suối ra dự cuộc nhóm này, hầu hết những đại biểu còn lại trong Nam đều tham gia công tác sát với bộ đội và dân chúng. Những người ấy thực xứng đáng với sự tín nhiệm của dân chúng đã bầu họ.”
…“Cùng với đồng bào đã chiến đấu ở mặt trận miền Tây, chúng ta được phép tự hào đã bảo tồn sự tồn tại vinh quang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày nay. Những lá cờ đỏ sao vàng tưng bừng khắp nơi chính là những dòng máu anh hùng của anh em, cha mẹ, con cái chúng ta đã nhuộm màu tươi thắm đỏ”
…“Non sông không riêng về của người nào thì cùng nhau gánh vác bao giờ cũng là điều mong muốn thành thật của chúng ta vậy”
…“Nếu người Pháp muốn không uổng công đã đem khoe văn hoá của mình ở xứ này, không có con đường nào khác hơn là con đường thành thật cộng tác với dân tộc Việt Nam và kính trọng chủ quyền và lãnh thổ của dân tộc Việt Nam” (Xem: Bài Diễn văn của ông Nguyễn Văn Tạo trước Quốc hội Việt Nam. NXB Cứu Quốc. H. 1946)
Ông Tạo đọc xong bài diễn văn, từ Đoàn chủ tọa, Hồ Chủ tịch đứng dậy rất nhanh, ôm hôn ông Tạo và khóc. Nước mắt chảy tràn trên má Người. Rồi Người dõng dạc nói:
…“ Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.
Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại:
…“Đại biểu tỉnh Rạch Giá, đồng chí Nguyễn Văn Tạo, lên diễn đàn thay mặt Nam Bộ chào mừng Đại hội. Anh nhắc tới các đại biểu miền Nam hôm nay vắng mặt: Luật sư Thái Văn Lung đã bị địch tra tấn chết trong khám lớn Sài Gòn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và nhiều nhà yêu nước khác còn đang bị giam cầm tại địa ngục Côn Đảo. Khi đồng chí Nguyễn Văn Tạo bước xuống diễn đàn, Hồ Chủ tịch đứng dậy ôm hôn anh. Những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên gò má Người.” (Xem Hồi ký ĐBQH khoá I. Nxb Chính trị Quốc gia. H. 2000. tr.27)
Trong bài Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh dân tộc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết:
…“Tại Quốc hội, (khoá I kỳ 2, tháng 10 năm 1946) Hồ Chủ tịch vừa khóc vừa ôm hôn anh Nguyễn Văn Tạo sau khi anh đọc một bài diễn văn thống thiết về Nam Bộ” 
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Văn Tiểng ghi:
…“ Đầu tháng 10 năm 1946, Đoàn Đại biểu Quốc hội Nam Bộ mới ra tới thủ đô và chỉ dự được một phiên họp của Quốc hội. Đoàn Đại biểu Quốc hội Nam bộ mới ra do đồng chí Nguyễn Văn Tạo, một vị cách mạng lão thành, đại biểu Rạch Giá làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội những tội ác mới mà thực dân Pháp tại Sài Gòn và các tỉnh Vĩnh Xuân, Bình Thành, Cao Lãnh. Chúng gây nhiều tội ác, thảm sát nhân dân vô tội. Đoàn bày tỏ lòng trung thành với Tổ quốc và niềm tin tưởng kiên định dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Hồ Chí Minh. Báo cáo của Đoàn đã gây xúc động mạnh mẽ tại Quốc hội. Thay mặt Chính phủ và toàn thể Quốc hội, Hồ Chủ tịch ôm hôn thắm thiết đồng chí Nguyễn Văn Tạo và nói lên những lời nói lịch sử: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi” (Sđd. tr 200).
Sáu mươi năm đã trôi qua. Trải qua bao cuộc đấu tranh gian khổ để chống lại âm mưu chia cắt đất nước, non sông giờ đã thu về một mối. Tổ quốc đã hoà bình, thống nhất và từng bước hùng cường. Lý giải cho thành công to lớn của công cuộc trường chinh vĩ đại này của dân tộc, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nhưng những lời nói trong nước mắt của Bác Hồ về Miền Nam, về Nam Bộ tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khoá I đã là một lý giải xác đáng rằng, vì sao chúng ta đã thống nhất được đất nước, vì sao chúng ta chiến thắng. Bài học lịch sử này, sẽ còn mãi trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.

Nguồn: Tạp chí NCLP, số Hiến kế lập pháp, tháng 10-2005 

1 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Đọc chuyện xưa, mắt rưng rưng lệ. Các bậc tiền bối cách mạng thật là những người suốt đời vì nước vì dân, không sợ hiểm nguy, không nề gian khó. Tiếc răng những kẻ "đi theo cách mạng" lại quá vì cái riêng của mình mà làm hại cái chung. Có nhiều người lại nhìn vào Lê Chiêu Thống để chê bai Lê Lợi, xem thầy phù thủy là đại diện cho Lão tử, nhìn những kẻ tham nhũng hôm nay để nói về những người Cộng Sản tiền bối đã một đời vì nước vì dân.