Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

NGHỊCH CẢNH THỜI MỞ CỬA (Đào Duy)

Nước nhà thời mở cửa sướng thật. Xã hội như được “thả nổi”, chả ai kiểm soát, chả ai định hướng. Sức dân bị dồn nén bấy lâu, được dịp bùng lên mạnh mẽ. Dân chúng đua nhau làm kinh tế, đua nhau làm giàu. Đại bộ phận bà con, nhất là nơi phố thị sau gần hai thập niên trở nên khác hẳn, phất lên trông thấy. Dân ta bắt đầu quen với thói nhìn phía trước thẳng, tới lúc ngoái lại quá khứ bỗng giật mình, ngỡ ngàng hệt giấc chiêm bao.
Trong phố, ngoài bãi sông, nơi ngoại ô, người ta đua nhau xây nhà, sửa cửa. Nhà cứ như chuồng chim, cao vót lên không trung. Không dám lấn sang hai bên, sợ hàng xóm kiện, sợ chính quyền cưỡng chế thì lấn lên “giời”. Chả thằng nào làm gì được. Xây kiểu gì thì xây, sửa kiểu gì thì sửa, dứt khoát phải bắt tay thợ làm cho kỳ được trên đỉnh một  tí chóp nhòn nhọn cho giống mấy anh biệt thự cổ xây từ thời Pháp trên phố.


Bọn đàn ông ngày xưa cái eo chỉ bằng chét tay, bây giờ thắt lưng nới đến ba bốn lỗ đinh mà thấy bụng vẫn ấm ách.
Các bà, các cô ngày trước hai má hóp như má lão Khủng trong “Đất và người”, đôi mắt trũng sâu như cái ao làng, cặp mông teo tóp “sờ cả ngày chả thấy tí thịt”. Chỗ cho con bú thì mỏng dính, chiếc Cooc-xê xộc xệch, hờ hững làm cảnh, “hù dọa” lũ đàn ông yếu bóng vía.
Giờ cả hai, trên dưới đầy đặn. Chả biết thịt ở đâu đùn ra lắm thế, tràn ra cả hai bên nách, mạng sườn, chảy ra xung quanh bụng. Má, môi căng mọng, phơn phớt tí phấn, tí son. Tóc gạch cua, mũi độn “ống hút” cao vống lên, chỏm nhọn như sừng tê giác. Mắt cắt hai, ba mí xếch ngược, lúc nào cũng nheo nheo, hệt các cụ ngày xưa bị chứng mắt hột để lâu không chữa hóa lông quặm(!)…
Nhưng công bằng mà nói: có kỹ nghệ hiện đại can thiệp vào các bộ phận của các bà, các cô cũng làm cho cánh đàn ông cảm thấy là lạ, hay hay.
Thằng bạn có thằng con thứ, lỏng khỏng, lòng khòng, hai mắt đeo cặp đít chai dày cộp,   bò xoài  trên bàn, trước mặt chiếc màn hình máy tính chạy nhoang nhoáng. Thấy lạ, ghé mắt lườm, chóng hết cả mặt. Bạn nói: “Cu cậu đang luyện Toefl chuẩn bị du học”.
Ngày trước thằng con đầu èo uột, gày trơ xương. Thương con nhưng nghèo thì lấy chó đâu  tiền mua sữa. Đành chịu. Bây giờ sữa Mỹ, sữa Úc, sữa New Zealand…  rặt thứ tốt, rặt thứ đắt tiền. Thế mà pha, bưng tận nơi, hò như hò đò, nịnh như nịnh mèo giống, mà thằng con chả chịu uống cho. Lắm lúc bực mình giận con, vợ sẵng giọng: “Thế con có thương bố, thương mẹ không?”. Thằng con mắt vẫn dán vào màn hình: “Mẹ hỏi buồn cười thế nhỉ! Không thương bố, thương mẹ thì còn thương ai?”, “Nếu thương bố, thương mẹ thì con cố uống hết cốc sữa cho bố mẹ vui”. Thằng con ngập ngừng ra chiều quyết tâm, nhăn mặt, đưa cốc sữa lên miệng, ợ hơi đến mấy bận mới hết.   
Có khi trúng gió, hoặc lắm lúc giở giời, trong người buồn bực, mệt mỏi, thần kinh yếu đi. Nhè cơ hội ấy là những ảnh hình cũ lại ùa về trong cơn mơ như trận lũ quét. Đang đêm, trên tường máy lạnh vẫn chạy vo vo mà người mồ hôi vã ra. Chồm dậy, cấu vào da vào thịt, xem có còn là mình nữa không. Nhao vội ra khỏi giường, chạy bổ đến cái tủ lạnh, mở toang hai cánh: vẫn đấy ắp thức ăn, táo Tàu, nho Mỹ, bia lon, rượu chát, chai Henenssi uống dở… Tất cả vẫn còn y nguyên.  Cơn lạnh từ trong  tủ thốc vào mặt làm đầu óc nhẹ đi. Thì ra vẫn là cái tủ lạnh hai cánh to tướng nằm chình ình ra kia, thế mà trong mơ sao lại là cái Gác-đờ-măng-giê năm nảo năm nào.
Cứ nghĩ tới cái Gác-đờ-măng-giê thời bao cấp mà hãi. Bên trong quanh năm chỉ có hũ mỡ nước để dành. Mùa đông thì đặc quánh, trắng như băng Nam cực, làm sân trượt cho lũ kiến đen. Hũ dưa, hũ cà làm bạn hàng xóm thâm niên cùng đám lọ thủy tinh lọc xọc dăm ba viên lạc mặn chát, lọ mắm tôm rang tóp mỡ, lọ muối vừng, thảng  lắm mới có miếng cá kho, tí thịt nạc. Thương con, vợ ngồi còng cả lưng tỉ mẩn lọc từ mớ xương hay dính đâu đó trong lạng mỡ mua tiêu chuẩn tháng mà cô nhân viên cửa hàng thực phẩm mải buôn “dưa lê” với tay bồ già suốt ngày trồng “cây si”  cắt lẹm vào, kho mặn để dành cho con. Vãi cả linh hồn!
… Giời lạnh, cởi quần áo lao vào phòng tắm. “Cạch!”, nước nóng phun phì phì, da thịt đỏ au, tha hồ ngâm, tha hồ kỳ cọ. Lòng chạnh nhớ ngày xưa hẹn bạn gái đi chơi, mùa đông nước lạnh như đá (mà cũng chả đủ dung), chỉ dám rửa ráy qua loa rồi phi xe đạp lao tới chỗ hẹn. Nửa đêm mới mò về, miệng lẩm bẩm, sao đàn bà con gái lại nặng mùi thế nhỉ? Chột dạ nghĩ tới mình, hay là cái mùi nằng nặng ấy là của chính mình?   
Khi miếng ăn đã no, người ta nghĩ tới ngon. Khi áo quần đủ ấm người ta nghĩ cách mặc sao cho đẹp cho lạ mắt, cũng là thói thường.
Cuộc sống khấm khá, người ta bắt đầu nghĩ đến nhau, nhớ đến nhau, tìm đến nhau nhiều hơn thì sự bùng nổ các loại  “Hội” là lẽ tự nhiên. Chả khác nào như khi  còn học bên Tây. Tháng năm tuyết tan cây cỏ hoa lá đua nhau vươn lên, đua nhau khoe sắc từng giờ, từng ngày.
Nhà nước có “hội” của nhà nước, đoàn thể có “hội” của đoàn thể, các thành phần khác trong xã hội có hội đoàn riêng, có tư cách pháp nhân với con dấu hẳn hoi. Bên cạnh đó còn có các hội “lụi”, chả dấu má, quyết định, chỉ hình thành trên tinh thần tự nguyện nói mồm, vỗ vai  nhau như: Hội đồng hương, hội cùng lớp, hội du học, hội đồng ngũ, hội độc thân, hội nhảy đầm, hội tenniss… cũng mọc lên như nấm
Người ta lần tìm đến nhau khi trên đầu đã hai thứ tóc, khi mặt mũi đã bị thời gian “vò” cho tơi tả, nhăn nhúm, nứt nẻ như cánh đồng quê khô hạn vì chứng Enino. Họ gục đầu bên nhau:
- Giá ngày ấy không vướng tí lý lịch thì chúng mình đã se duyên.
- Ai bắt hồi ấy cấm thấy nói năng gì? Người đâu nhát như thỏ đế, miệng cứ câm như hến,  biết đâu mà lần.

-  Chưa ra đâu vào đâu mà đã “đòi”. Sùng sục như quỷ ấy, rách cả áo người ta mà chả biết đường xin lỗi, làm lành. Ghét! Rồi đâm ra xa cách!

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào: