Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

NHỚ CHU QUANG (Đào Duy)

Hưng Hóa, Phú Thọ, đầu mùa hè 1970. Chúng tôi chuẩn bị ôn thi hết lớp 9.
Một buổi trưa không ngủ được. Nằm bên cạnh là thằng bạn thân – Tiến Dũng. Hắn cũng trằn trọc lăn qua lăn lại, mắt thao láo nhìn qua cửa sổ, giống tôi. Cành phượng vĩ với những chùm hoa như lửa đong đưa theo gió. Ngoài trời nắng hoe vàng và ngập tràn không gian là âm thanh của tiếng ve đầu hè như mời gọi thúc giục… Tôi huých đầu gối vào cái mông to sụ của Dũng: “Không ngủ à?”. Hắn giật thót mình quay lại: “Ừ! Chẳng hiểu sao mình không thấy buồn ngủ”. “Bọn mình đi lang thang đi”, tôi khơi mào. Chỉ đợi có thế vì nhìn mắt hắn là tôi biết, mơ màng lắm. Hắn đống ý ngay, đưa ngón tay lên miệng: “Suỵt! Khẽ thôi, không thầy Chương biết thì chết”. Chúng tôi chuồn theo bức tường phía cổng phụ. Tường không cao lắm tôi thao tác ngon ơ, loáng cái đã ở phía ngoài.
Uỵch! Nghe như tiếng bao gì đó rất nặng rơi. Nhìn lại phía sau thấy thằng bạn lồm cồm bò dưới đất. “Chỉ tại cái mông chết tiệt, người qua hết, còn lại mỗi cái mông, đâm ra tao bị ngã”. Quả thật, thằng bạn tôi “mẫu mã” cũng khá, chỉ duy nhất có cặp mông hơi bị xệ nên tôi hay gọi hắn là Dũng “mộng năng”.


Chúng tôi đi qua tiệm sửa xe Quý Long giữa phố. Vẫn thấy tay chủ quán cặm cụi “tận thu”. Ngược lên phía trên thị trấn, đối diện với Bách hóa tổng hợp phía bên kia đường,  thấy sau tủ kính một thân hình béo phị, trần trùng trục, đang cúi đầu với cái kính lúp đeo bên mắt. Chắc lại một “pan” khó đây? Chiếc đồng hồ “Nikle vừa nghe vừa lắc” cũ rích từ thời thuộc pháp của tay khách nào chơi xỏ hay tiếc “đồ cổ” đem sửa đi để làm kỷ niệm chăng? Tôi nghĩ thế và tủm tỉm cười khi nhìn lên tấm biển quảng cáo với cái tên đầy ấn tượng “Tiệm chữa đồng hồ Vĩ Đại”.
Thị trấn vắng hoe. Chúng tôi vòng trở lại. Hai bên phố hình như mọi người cũng chìm trong giấc ngủ trưa. Cả hàng bàng và phượng vỹ bên đường cũng xõa lá xuống như mơ màng. Nhưng bỗng buổi trưa hè êm ả, thơ mộng bị phá hỏng bởi âm thanh lạc lõng của tiếng gõ chát chát, cạch cạch… của tay thợ gò cuối phố.  Lạ thật chỉ có ba vị đại diện cho “giai cấp” công nhân của cái thị trấn này là còn hăm hở làm việc giữa trưa hè lãng mạn thế này. Còn tuyệt nhiên mọi sinh vật đều lặng im, mơ màng thưởng thức khoảnh khắc giao mùa tuyệt vời. Chả trách ông Mác khẳng định, chỉ có giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng được cũng phải!
Vòng theo lối cổng chính phía nhà thờ đổ, có cái cửa hiệu may của tay Bảo hoàng trọc đầu (ngày xưa theo Tây đánh ta). Tôi gợi ý: Lướt qua tiệm lão trọc thợ may, ngắm con gái lão một tí cho thư thái rồi về học cho nó vào.
-         Sao ý mày giống tao thế! - Thằng bạn hưởng ứng nhiệt liêt.
Đi qua đi lại đến hai vòng mà không thấy con gái của lão thợ may đâu, chỉ thấy thấp thoáng sau chiếc bàn may là cái đầu trọc chết tiệt nhấp nha, nhấp nhổm đang đo đo, vẽ vẽ. Thế là hỏng toi mất một trưa hè tuyệt  đẹp!
Không lẽ vòng lại đến ba lần, máu sỹ nổi lên. Cóc thèm nữa. Theo cổng chính, chúng tôi trở về lớp. Sau này mới biết, chả riêng gì chúng tôi, mấy bác khóa trên cũng “quần nát” cổng nhà lão trọc. Nghe nói có bác còn rủ rê được con gái lão ta đi chơi tối nhưng rồi sau này do ngại lý lịch nên ngãng ra. (Lập trường giai cấp ra “phết”!). Nhưng riêng tôi, thấy bác nào đó xử sự như thế nó có vẻ cực đoan thế nào ấy. Giá là tôi mà có được cơ hội như thế thì tôi sẽ khác, tôi phải “đấu tranh” giai cấp đến cùng, phải “triệt để” cách mạng.
Dũng lên phòng ngủ tiếp, còn tôi lén ra sau nhà “giải quyết nỗi buồn”. Đang nép người vào bức tường dưới tầng trệt, phía trong là lớp học “xả hơi”, bỗng nghe thấy tiếng lạch cạch, xoẹt xoẹt như tiếng giũa sắt. Nhìn vào trong, thấy Chu Quang đang ngồi chăm chú. Khi lại gần mới biết, ông bạn đang làm lưỡi câu cá. Quang học lớp khác. Chúng tôi không chơi thân với nhau, Quang ít tham gia các nhóm nghịch ngợm như tụi tôi, ngay cả thể thao thể dục bạn cũng chẳng đoái hoài. Nhưng đặc biệt bạn rất khéo tay. Quang không thật nổi trội trong khóa nhưng bạn là một học sinh khá và là một trò ngoan.
Tôi từ từ tiến lại phía sau Quang tay đập mạnh vào vai rồi quát:
- Trưa không ngủ xuống đây làm gì? - Tôi giả giọng  thày Ninh.
Quang giật thót người, quay lại, định thần một lúc, mặt Quang đỏ lên rồi nói như chửi:
- Tao làm gì thì việc đ. gì đến mày?
Tôi hơi ngỡ ngàng trước phản ứng của Quang, rồi hai đứa cãi nhau. Sợ làm um lên không có lợi, hai thằng như hai hiệp sỹ thách đấu, hẹn tối sẽ gặp nhau ở chuồng bò phía cổng trường để giải quyết chuyện “xúc phạm” danh dự của nhau. Rồi hai đứa giải tán về lớp . Vừa lúc kèn báo thức chiều vang lên.
Đúng hẹn, tôi rủ thêm Tô Tâm. Tôi rất quý Tâm vì Tâm hiền lành, xuề xòa, nhiều khi đến luộm thuộm. Tâm thông minh, lười học nhưng học vẫn rất khá. Tâm chơi nhiều môn thể thao, đặc biệt là bóng bàn và bóng đá. Nghe nói Tâm học ở trường Học sinh miền Nam từ nhỏ nên tôi nghĩ chắc võ nghệ cũng khá. Tôi rủ Tâm đi theo hỗ trợ “chuyên môn”nếu có bất trắc xảy ra. Nghe tôi đặt vấn đề, Tâm nhiệt tình nhận lời.
Trời tối thui, mùi phân và nước đái bò thoang thoảng. Hai thằng tới “đấu trường” chờ một lúc mà không thấy đối phương đến. Hay Quang thay đổi ý định rồi? (Thật may cho mình, tôi nghĩ bụng).
Vừa vặn lúc đó thì Quang tới cùng với một ông bạn. Tôi không nhìn rõ ai. Tâm ghé tai tôi thì thào: “Hồng Lồi”. Hắn là một hảo hán của khóa tôi. Tôi chột dạ. Hắn mà giao du với Hồng Lồi thì cái khoản  “kia” (võ nghệ) phải khá lắm. Chắc tôi bị nốc ao mất. Tôi bắt đầu mất hết tự tin và giao động.
Sau khi giao hẹn phương thức thi đấu, chúng tôi nhập cuộc. Thấy Quang lưng cúi xuống hình thước thợ, đầu gối hơi thấp, một tay vắt chéo đặt trên lưng, còn một tay đưa ra phía trước, bàn tay chụm lại hướng về phía tôi. Nhìn từ xa các bạn sẽ thấy nó giống như con cò đang vươn cổ đứng “ị”. Rõ ràng đây là một kiểu đứng “thế” của bậc cao nghề. Kệ đối phương, tôi cũng hạ thấp người, chân đảo chữ chi như Ronando làm động tác giả khi lừa bóng, còn tay thì quay như “chong chóng”. Múa may một hồi chả thấy đối phương lao vào, chỉ thấy Quang di chuyển cái “cổ con cò”  hướng theo sự dịch chuyển của tôi. Được một lúc mệt quá, một phần cũng chóng mặt do tự mình nhìn hai tay múa trước mặt, tôi ngã vật ra (tuy nhiên vẫn cẩn thận la to “giải lao”).
Tâm lao vào tôi, tay cầm tàu lá chuối vừa quạt vừa nói:
- Ông phí sức quá, đối phương nó chả mất tí sức nào. Ông múa quá nhiều, mồm thì thở hồng hộc như bò đẻ thế kia thì đánh đấm cái gì.
Sau khi giải lao, chúng tôi vào hiệp hai. Vẫn với chiến thuật cũ. Bị thúc bởi hai võ sư đứng ngoài “vào đi, vào đi…”. Thế là tôi nóng máu, lao vào đối phương. Đầu tiên còn mở mắt nhưng thấy trời tối chẳng nhìn thấy gì nên tôi nhắm tịt mắt lại. (Mở cũng chả có tác dụng, có khi đối phương thụi cho một quả vào mắt thì cứ gọi là toi!).
Cứ thế tôi lao vào loạn xạ, tay văng tứ tung, trúng đâu thì trúng. Tự nhiên nghe thấy tiếng ai (chẳng biết có phải của Tâm?):
-         Đá đi, đá nữa chứ! sao không dùng chân à?
Thế là tôi giật mình và vội vàng không dùng tay nữa, chuyển sang dùng chân. Cứ thế tôi đá, đá lung tung. Bỗng thấy bét một cái, người bỗng nhẹ bẫng và mùi cứt bò thì xộc lên. Kệ, tôi cứ đá.
Bỗng tôi lại nghe thấy:
-         Sao lại chỉ có đá, không đấm à?
Mẹ nó, cái anh võ nghệ này phức tạp thật, mải chân thì quên bố nó tay, đến khi nhớ tới tay thì lại quên phắt mất chân. Được khoảng ba bốn phút gì đó hai thằng tôi ngã vật ra. Tiếng Hồng Lồi la lớn: Xong!
Hai thằng tôi nằm lăn dưới đất, miệng thở hồng hộc một lúc. Ngồi dậy bắt tay nhau rất quân tử rồi theo hai hướng chuồn về doanh trại. Trên người bê bết cứt bò. Tôi lao ra giếng tắm và trở lên phòng như không có việc gì xảy ra.
Đêm nằm tụ dưng thấy đau ê ẩm ở mu bàn tay phải. Sáng hôm sau, tập trung lên lớp. Tôi lén nhìn sang lớp của Quang, thấy một mắt của Quang sưng to và đỏ trong lòng. Tôi trào nên niềm thương bạn cùng nỗi lo không biết Quang có sao không?
Mấy ngày sau, mắt bạn trở lại bình thường tôi mới yên tâm. Rồi mọi việc cũng qua. Chúng tôi chả giận gì nhau. Tuổi thơ dễ quên những chuyện vặt vãnh. Năm học cuối cùng ở Trường Trỗi của chúng tôi cũng kết thúc.
Trường giải tán. Mỗi đứa mỗi phương, sống - chết trong chiến tranh, rồi mải miết mưu sinh trong thời bình, chẳng còn đâu thời gian để dò hỏi tin nhau. Cho mãi tới khi cầm trên tay cuốn “Sinh ra trong khói lửa” – tập 2; lần giở tới trang 142 bài “Chu Tấn Quang rực sáng tên anh” của tác giả Trần Kiến Quốc và bài “Lá thư trước ngày ra trận” của Ban biên tập.
Đọc đi đọc lại, ngắm nhìn mãi tấm hình bạn mà tôi không sao cầm nổi nước mắt. Quang đứng đó, khuôn mặt măng tơ bình thản, bộ quân phục màu ô-liu chững chạc, khẩu AK đeo bên vai, bàn tay nắm chặt thân súng.
Quang gác bút nghiên vào chiến trường thì vào thời điểm ấy chúng tôi lại ngược trở ra,  quay lại trường học tiếp. Hai chúng tôi đi ngược chiều nhau, nhưng chỉ có điều Quang đi, đi mãi.
Quang trở thành người anh hùng trong chúng tôi. Anh ngã xuống cho chúng tôi hôm nay, cho con cháu chúng tôi ngày mai… 
Viết lại một kỷ niệm về Chu Quang, thắp nén nhang tạ ơn anh và các đồng đội trong cái nhớ cồn cào mùa hè cuối cùng ở Trường Trỗi - Hưng Hóa năm 1970. Quang trẻ mãi trong tôi như tấm hình của anh ôm súng đứng kia, một người lính.

     

Không có nhận xét nào: