Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

Singapore - quá khứ và hiện tại (ST: TB)

Từ một thuộc địa, quốc đảo vốn là một làng chài này đã vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn tại châu Á.


Singapore đã chuyển biến từ một khu vực thuộc địa nhỏ và nghèo khó thành một cường quốc, dưới sự dẫn dắt của thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu.



Từ những năm 20 của thế kỷ 18, Singapore đã trở thành thuộc địa của người Anh. Năm 1963, Singapore hợp nhất với Malaysia, thoát khỏi chế độ thuộc địa. Năm 1965, quốc gia này lại tách  ra và trở thành một nước độc lập.
Khi mới lập quốc, thu nhập bình quân đầu người của Singapore vào khoảng 500 USD. Ông Lý Quang Diệu đối mặt với một thử thách lớn: xây dựng đất nước với nguồn tài nguyên khan hiếm, đất đai hạn hẹp, cơ sở hạ tầng kém.
Trong những năm 60 của thế kỷ trước, dân số của Singapore vào khoảng 1,6 triệu người.
Trước tình hình đó, cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra các thay đổi, cải cách mới nhằm vực dậy cả một đất nước. Ông đã tìm cách để công nghiệp hóa đất nước, thành lập hội đồng phát triển kinh tế Singapore để thu hút đầu tư nước ngoài và nhanh chóng lập hai văn phòng tại châu Âu, Mỹ nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Năm 1970, cơ quan tiền tệ quốc gia được thành lập.
Các khu nhà ổ chuột được phá bỏ, thay vào đó là các khu nhà cao tầng, khu dân sinh hiện đại và thành phố được quy hoạch lại hoàn toàn.
Hiện nay, Singapore là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới và là một trong 5 cảng bận rộn nhất. PPP đầu người năm 2013 ở mức trên 78.000 USD, cao thứ ba thế giới (số liệu IMF). Dân số hiện ở mức 5,5 triệu.
Singapore cũng rất chú trọng đến phát triển du lịch, do đó nhiều công trình xây dựng ngoạn mục đã xuất hiện, thu hút sự quan tâm của du khách.
Một trong những kỳ quan nhân tạo của quốc gia này là Gardens by the Bay - là một khu vườn khổng lồ với diện tích 101 ha được xây dựng từ một khu đất hoang ở trung tâm Singapore, tiếp giáp với vịnh Marina. Đây cũng là nơi có trường đua F1 đêm nổi tiếng thế giới.
Marian Bay là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Singapore. Nó là tổ hợp 3 tòa nhà cao tầng, được gắn kết với nhau bởi mô hình một con thuyền ở trên đỉnh. Phía trên đó là hồ bơi vô cực nổi tiếng thế giới.
Orchard Road ở đây cũng được ví như đại lộ danh tiếng Champs Elysees của Pháp - nơi sở hữu hàng chục trung tâm thương mại hào nhoáng, giúp du khách có thể thoải mái mua sắm.
Bên cạnh việc phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao đời sống của người dân Singapore cũng rất quan tâm tới việc trồng cây xanh và bảo vệ môi trường. Nhìn từ trên cao, đất nước hình viên kim cương này lúc nào cũng xanh biếc và nổi bật giữa biển cả.
Nguồn: http://www.baohaiquan.vn/pages/singapore-qua-khu-va-hien-tai.aspx

2 nhận xét:

QV nói...

Sing phát triển được như vậy bởi vì ông TT Lý là người thực sự có tâm và có tài. Ông lại biết sử dụng toàn những cán bộ có tâm và có tài nữa, cộng với cơ chế dân chủ thực sự, không độc đoán, độc quyền, lắng nghe mọi ý kiến của dân. Trên đời này đâu chỉ có một sự lựa chọn "duy nhất đúng"! Đúng sao cứ lẹt đẹt, chẳng đâu vào đâu cả?

Trần Đình nói...

Đầu những năm 80, Cựu TT Ly Quang Diệu được VN đón nhận như một người bạn lớn ( nói chính xác thì TT VN Võ văn Kiệt), một quân sư chỉ giáo cho nước VN thống nhất đổi mới cất cánh lên với kỳ vọng hóa Rồng. Sau nhiều lần đến VN, ông Lý viết trong hồi ký:
" Giờ tôi tin rằng thế hệ các nhà lãnh đạo cộng sản lớn tuổi của Việt Nam không có khả năng phá vỡ tư duy xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản. Lúc đầu họ đồng ý bắt tay vào chặng đường cải cách bởi vì họ thấy rằng đất nước đang chẳng đi đến đâu. Nhưng từ đó đến giờ họ vẫn chưa thể hiện được quyết tâm thật sự trong việc đại tu hệ thống, điều mà người ta đã chứng kiến ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo lão thành cách mạng này [Old Guard leaders] đang khiến Việt Nam trì trệ" Lớp cán bộ kháng chiến của VN trở thành những người lãnh đạo chủ chốt. "Rủi thay, họ tiến lên các chức vụ đó không phải bởi vì đã quản lý tốt nền kinh tế hay đã thể hiện được tài năng quản trị. Họ làm được như vậy bởi vì đã đào hầm từ miền Bắc cho tới miền Nam trong hơn 30 năm. Điểm chung của họ với kinh nghiệm mở cửa của Trung Quốc chính là các quan chức trở nên tham nhũng".
Từ một người nhiệt huyết với VN, ông Lý nguội lạnh dần khi thấy lớp cán bộ đổi mới có tài của VN như Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Văn Kiệt... bị thui chột, xa thải qua các cuộc đại hội nhằm bám chắc cái đuôi "Định hướng Xã hội chủ nghĩa".
( TĐ Comment trích nguyên văn theo hồi ký Lý Quang Diệu )