Hồi ký của trùm gián điệp Đông Đức Markus
Wolf
Một
lần nữa, người đối thọai với tôi cười gằn. Đương sự nói tiếp là một số tiền rất
lớn sẽ được trao cho tôi. Chúng tôi không đề cập đến những chi tiết, nhưng tôi
biết một sĩ quan của tôi phụ trách về điệp báo nhắm vào Hoa Kỳ, Jürgen Rogalla,
đã được một trưởng ban CIA tại Bá Linh hứa trao một triệu Mỹ kim để đương sự
khai hết những gì đương sự biết, nhưng anh ta đã từ chối. Chúng tôi xã giao bàn
về những hậu quả của sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và danh tiếng tốt của cơ
quan do tôi chỉ huy.
« Lẽ cố nhiên, » ông nói « ông phải làm một việc gì đó cho chúng
tôi ».
Lo ngại phải nhắc lại lời mời của chính quyền Đức trong việc khai tên các nhân
viên của tôi để bù lấy tự do, tôi trả lời tôi không sẵn sàng trao danh tánh của
bất cứ nhân viên nào của tôi.
Câu này gây cho tôi một cảm giác khó chịu, có lẽ vì nó gợi lại phong cách của
chính tôi khi tôi dùng lối tâng bốc và kẻ cả để nói chuyện với nhân viên của
tôi vào thời vàng son của tôi. Cái đám người này là cái thá gì mà dám nói với
tôi như vậy.
« Thưa quý ông », tôi trả lời, « Tôi có rất nhiều kinh nghiệm
trong việc các ông đang cố gắng làm hôm nay. Tôi biết rất rõ các ông nghĩ gì.
Các ông đòi hỏi đối tác của các ông rất nhiều nhưng đối tác của các ông không
lấy gì làm vồn vã. Các ông phải biết kiên nhẫn. Các ông phải bàn thảo rất nhiều
chuyện và mổ xẻ kỹ lưỡng vấn đề trước khi đi đến một quyết định chính
thức ».
Đây là lối diễn tả khéo nhất những gì tôi suy nghĩ. Nhưng trong thâm tâm tôi
chỉ muốn nói toẹt với Hathaway là đương sự lầm to, đương sự nói chuyện với tôi
như thể nói chuyện với một nhân viên quèn mà đương sự có thể mua và bán dễ
dàng. Tôi muốn nói thẳng với đương sự làm việc như vậy không được, chúng ta
phải nói chuyện một cách nghiêm chỉnh trên cấp độ của hai người biết chuyện quá
thành thạo.
« Nhưng ông phải giúp chúng tôi, » Hathaway nói.
«Có lẽ điều này đúng nếu tôi cầu cứu đến các ông » tôi nói, lần này
không cần dấu diếm sự bực tức của tôi, « Các ông có thể vặn hỏi tôi đóng
góp được gì cho các ông. Nhưng đàng này tôi không nộp mình cho các ông. Chính
các ông đến đây mời gọi tôi ».
« Vâng, vâng, » Hathaway vội vã nói « đúng là chúng tôi đặc biệt
đến Bá Linh để nói chuyện với ông ».
« Luôn luôn có giới hạn trong những cuộc bàn thảo như vậy, » tôi nói
« Giới hạn của tôi là tôi không bao giờ phản bội bất cứ ai làm việc cho
tôi. Không tên tuổi gì hết. Nếu các ông còn muốn nói chuyện với tôi, hãy mời
tôi sang Hoa Kỳ một cách chính thức và chúng ta sẽ nói chuyện nghiêm chỉnh, như
nguời lớn. Tôi cần được biết đất nước của quý ông để tôi có thể quyết
định. ».
« Nhưng an ninh của ông ở đây không khả quan chút nào, » Hathaway
phản bác, nhắc nhở cho tôi biết nếu tôi ở lại Đức, chỉ còn một vài tuần nữa tôi
sẽ bị bắt và điều này tôi biết quá rõ.
« Nước Nga luôn chờ đón tôi », tôi đáp lại.
Khi nghe câu này, người đối thoại với tôi thình lình trỗi dậy, cảm nhận đương
sự đang đấu giá với một đối thủ uy thế khác.
« Chớ đi Moscow, » đương sự nói « Đời sống nơi đó cực lắm. Hãy
nghĩ đến Andrea. Hãy đến một nước mà mọi sự sẽ thoải mái cho ông, nơi đây ông
có thể làm việc và viết sách một cách yên tĩnh. Theo ý kiến cá nhân của tôi,
điều này chỉ có thể thực hiện được tại Hoa kỳ mà thôi ».
Viễn tượng về hưu sung túc và nằm phơi nắng tại California hoặc Florida hơn là
nếm mùi vị của nhà tù Đức đối với tôi thật là quyến rũ. Nhưng tôi vẫn cảm thấy
bất an khi nhìn thấy viễn tượng nộp mạng làm con tin cho CIA. Chuyện gì sẽ xẩy
ra nếu họ quyết định siết chặt gọng kềm lên tôi ? Đoán chừng họ cũng ghi
âm buổi nói chuyện, và họ có thể hô hoán là tôi đã ngụy tạo cuộc họp nếu cuộc
đàm phán bất thành. Tôi muốn có được bảo đảm là họ thật tâm muốn tiến xa hơn
nữa để tôi có thể tiếp tục nói chuyện ; vì vậy tôi yêu cầu họ viết thư mời
tôi sang Hoa Kỳ, qua trung gian của một cơ quan ngoại vi của CIA.
Các vị khách của tôi không hài lòng với lời đề nghị của tôi, họ giải thích rằng
họ làm việc trong một khuôn khổ giới hạn số khách ngọai quốc được mời, khó vượt
qua. Lẽ cố nhiên họ lo ngại Tây Đức sẽ khám phá việc trao đổi này. Dù sao đi
nữa, việc âm mưu thu nhận một cán bộ cao cấp đã từng làm việc lâu năm cho kẻ thù
như tôi được coi như một phản bội lớn đối với các đồng minh tại Âu Châu và đặc
biệt đối với Đức. Tôi đề nghị họ tìm một nhà xuất bản hoặc một hãng phim gà nhà
qua đó họ mời tôi với tư cách là tác giả - một phương pháp hiệu nghiệm để ngụy
trang một công tác. Đây chắc chắn là phương pháp để dàn xếp một cuộc trao đổi
tại khối Đông Âu, và tôi thiết nghĩ CIA có thừa phương tiện để kiếm ra một tổ
chức viết thư mời rồi sau đó biến thành thường trú tại Hoa Kỳ nếu cuộc trao đổi
thành công.
Bầu không khí chìm trong im lặng một lúc lâu, sau đó
Hathaway lắc đầu. Nhưng rồi họ bỏ lửng, tiếp tục nhấn mạnh tôi có thể có những
đóng góp giá tri cho cơ quan CIA mà không phản bội các nhân viên của tôi. Lần
hồi tôi mới hiểu rõ họ không như chính phủ Tây Đức, họ không ưu tiên chú ý đến
những việc làm của tôi với tình báo Đông Đức, nhưng chú ý đến những hiểu biết
của tôi về KGB và cơ cấu của cơ quan tình báo Xô Viết.
« Thưa quý ông, » tôi nói, với hy vọng đưa cuộc thảo luận đi mau
chóng vì tôi bắt đầu ưu tư, « tôi không biết rõ quý vị thuộc ngành nào
trong cơ quan, nhưng tôi có thể đoán chừng. Có phải quý ông muốn tôi cung cấp
một sự kiện rất đặc biệt cho quý ông, có phải thế không ? »
Cuối
cùng Hathaway nói toạc vấn đề.
« Ông Wolf, » ông nói nhỏ nhẹ, « chúng tôi đến đây vì chúng tôi
biết ông có những thông tin trong đường dây họat động có thể có ích cho chúng
tôi trong một trường hợp đặc biệt trầm trọng. Chúng tôi đang tìm một tên nằm
vùng ngay trong cơ quan chúng tôi. Y đã gây thiệt hại rất lớn cho chúng tôi. Đã
xẩy ra nhiều chuyện không tốt cho chúng tôi khoảng năm 1985. Không những tại
Bonn mà còn tại những nơi khác nữa, những nơi mà ông rất quen thuộc. Chúng tôi
đã thiệt mạng vài người – có thể từ 30 đến 35, và từ 5 đến 6 thuộc thành phần
cao cấp».
Ông có vẻ thông thạo Tình Báo Xô Viết và biết rõ ai chỉ
huy ngành điệp vụ hải ngọai và những công tác của ngành này. Điều này xác định
nhận xét trước đây của tôi trong lúc nói chuyện, ông là một nhân vật cao cấp
trong tình báo Mỹ. Chúng tôi nói chuyện dè dặt về những tên phản bội nổi tiếng
của Xô Viết - Penkovsky, Gordievsky, Popov – những người đã thay lòng đổi dạ
giúp cho Hoa Kỳ theo kịp tình báo Xô Viết. Ông cảm phục tướng Kireyev, một
người bạn đồng nghiệp của tôi, đứng đầu phản gián hải ngọai tại Moscow và tôi đã
từng phối hợp với ông trong nhiều cộng tác chống lại CIA. Ông cũng biết đôi
chút về những cơ sở này và muốn quay cuộc thảo luận sang ông Felix Bloch, một
nhân viên ngoại giao Mỹ mà CIA tình nghi đã bị Moscow móc nối, nhưng họ không
đưa ra tòa xét xử vì thiếu tang chứng. Tôi đoán chừng trung tâm Langley đã rất
khổ sở tìm kiếm những mối giây liên lạc của tôi với KGB và họ hy vọng trong vấn
đề này họ có thể biết được danh tính của tên nằm vùng mà họ tìm kiếm.
Tôi không rõ việc này. Loại tin tức này được mấy ông Xô
Viết bảo vệ rất chặt chẽ. Tôi cũng không hề báo cho Xô Viết biết danh tính của
những điệp viên nằm vùng cao cấp cũng như nhân viên của tôi, mặc dù ngoài mặt
chúng có cùng chung chí hướng anh em. Cùng lắm chúng tôi nói nhẹ nhàng với nhau
chúng tôi có « người ngồi » trong lòng của địch thủ, và không thêm
một chi tiết nào khác.
Qua lối tiếp cận khẩn khoản và những cố gắng dai dẳng của
Hathaway để dẫn dụ tôi ngả theo phiá Hoa Kỳ, rõ ràng là CIA đang ở trong trạng
thái hoảng hốt vì bị xâm nhập. Họ phải ngậm đắng nuốt cay để trình bày vấn đề
của họ cho tôi. Hơn nữa, họ có thể gây hiềm khích với đối tác Tây Đức khi họ
tiếp xúc với tôi. Trong những trường hợp vô vọng như vậy, ngay cả những gắn bó
ý thức hệ cao độ nhất cũng vỡ tan.
Ngày 29 tháng 5 họ trở lại lần nữa, nhưng chúng tôi không
đạt đến một thỏa hiệp nào để chính thức mời tôi sang Hoa Kỳ. Hathaway nói ông
sẽ báo cáo cho Webster và nếu tôi muốn xúc tiến vấn đề này, tôi có thể liên lạc
với ông. Họ thật sự hy vọng, với áp lực mỗi ngày một kề cận tội bị bắt giam,
tôi sẽ chấp thuận khép mình duới lọng che của họ, theo những điều kiện họ muốn.
Đến đây Charles nhập vào chuyện và nói với Andrea, mô tả những vui thú tại Hoa
Kỳ. Trước khi lên đường, họ trao cho tôi một số điện thoại miễn phí của trung
tâm Langley, và chúng tôi trao đổi mật tự để liên lạc mai sau. Tôi không cung
cấp và cũng không hứa bất cứ điều gì với họ. Tôi biết họ đang chơi trò chờ đợi
và tình trạng của tôi mỗi ngày bi thảm hơn.
Vào trung tuần tháng 8 lời mời của chính quyền Đức do
Peter-Michael Diestel đứng ra làm trung gian mất đi hoàn toàn hiệu lực. Tôi
nhận thấy những lựa chọn của tôi không còn bao nhiêu. Cơ quan CIA lẽ cố nhiên
cũng tiên đoán như vậy, vì họ liên lạc với tôi lần nữa cũng theo con đường cũ.
Chúng tôi thu xếp một cuộc gặp gỡ khác tại dacha của tôi và Hathaway một lần
nữa nhắc nhở điều ông gọi một cách tế nhị « tình thế khó khăn » của
tôi. Webster, ông nói tiếp, vẫn tiếp tục từ chối gởi lời mời đích danh cá nhân
tôi, nhưng họ vẫn sẵn sàng mở cửa đón nhận tôi tại Hoa Kỳ với điều kiện tôi
giúp họ săn lùng tên điệp viên nằm vùng. Lần này Charles có vẻ họat bát hơn. Y
giải thích nếu tôi quyết định kêu gọi sự giúp đỡ của họ, tôi có thể phái Andrea
đến trạm xe hỏa Bahnhof Zoo nằm phía Tây của Bá Linh và gọi một số điện thọai
miễn phí. Andrea tự giới thiệu là Gertrud và nói « Tôi muốn nói chuyện với
Gustav ». Cuộc đào thoát của tôi như vậy đã được tính toán tại Bá Linh và
một người tên Charles sẽ đảm nhiệm trường hợp của tôi.
Tôi đoán chừng từ đó mật hiệu Gertrud sẽ tự động chuyển
sang Trung Tâm Langley và đồng thời cho cả đầu giây CIA tại Bá Linh. Bốc tôi ra
khỏi nước Đức không phải là một chuyên khó, có lẽ bằng máy bay, tương tự như Xô
Viết đã làm khi họ đưa vị lãnh tụ thất sủng Erich Honecker ra khỏi Đông Đức
trên một chiếc máy bay quân sự để đến Moscow. Hồi tưởng năm 1945 ngồi trên một
trong những chuyến bay đầu tiên trở về nước Đức Cộng Sản từ Moscow sau khi
Hitler sụp đổ, tôi suy gẫm tịnh huống trớ trêu của tôi chấm dứt sự nghiệp 45
năm sau lại trốn bỏ Bá Linh dưới sự bảo trợ của Hoa kỳ.
Chúng tôi có thêm một lần họp nữa, lần này tại căn phòng
trong thành phố của tôi, và cuối tháng 9, nhưng không có một tiến triển nào
trong lời mời của Hoa Kỳ.
Tới đây, Tòa Biện Lý Tây Đức trịnh trọng tuyên bố các sĩ
quan cảnh sát đã bày binh bố trận trước cửa nhà tôi vào đêm ngày 2 tháng 10 để
bắt tôi. Tờ báo lá cải Bild-Zeitung đã gởi một đại diện đến đề nghị trả
chi phí tòa án bào chữa cho tôi bù lại họ được độc quyền đăng tải về việc bắt
giam tôi. Tôi nói với họ tôi sẽ nghĩ đến việc này. Đây là cả một trò hề dàn
cảnh mà tôi không muốn tham dự vào. Tôi nói với tờ Bild-Zeitung tôi
không có ý định rời bỏ nước Đức. Điều này hầu như là đúng, vì chắc chắn tôi có
ý định rời bỏ nước Đức một thời gian, nhưng tôi không biết phải đi nơi nào. Vì
khi tôi từ chối trở thành một tên phản bội theo mệnh lệnh của Bonn, tôi đã từ
bỏ mọi lựa chọn để ở lại Đức để tránh không phải ra tòa và cố nhiên vào tù.
Mãi sau này tôi khám phá ra tên tuổi của tay nằm vùng đã
làm đau đầu CIA. Tên của y là Aldrich Ames, tên phản bội tai hại nhất trong
lịch sử gián điệp Hoa Kỳ. Ames đã lợi dụng vị thế của mình trong trách vụ truy
lùng những công tác phản gián của Xô Viết trên khắp thế giới để bán cho Xô Viết
tên tuổi các điệp viên của Hoa Kỳ, và đã hữu hiệu phá vỡ mạng lưới tình báo của
Hoa Kỳ tại Liên Bang Xô Viết từ bên trong. Hắn phục vụ cho Moscow trong vòng 9
năm, cả dưới chế độ cộng sản và thời của BorisYeltsin, trong chức vụ này và sau
này trong ngành bài trừ ma túy. Qua cuộc buôn bán, hắn đã nhận 2,7 triệu Mỹ
kim ; sự kiện này biến hắn trở thành tên nằm vùng đắt giá nhất trong lịch
sử điệp báo. Ông Gardner A. Hathaway, người khách từ Langley đến gặp tôi không
chỉ là một đặc phái viên của William Webster, nhưng, sau này tôi được biết, ông
là Giám Đốc ngành phản gián Hoa kỳ, về hưu vài tháng trước khi đến thăm tôi.
Gus Hathaway, một sĩ quan kỳ cựu của Nha Giám Đốc Điều
hành Công tác của CIA, nhận trách vụ được hơn một năm, ghi nhận một số tín hiệu
càng ngày càng nhiều có một tên phản bội ở cấp cao trong cơ quan. Ông là một
trong những người hiếm hoi biết rõ những tổn thất nặng nề của điệp báo Hoa Kỳ
trong lòng Liên Bang Xô Viết – mười vụ hành quyết và một chục bị kết án tù nặng
– và ông am hiểu rất rõ sự hiện diện của tên phản bội trong hàng ngũ đang làm
xuất huyết tình báo Hoa Kỳ.
Tôi cũng tìm hiểu về Hathaway và có điều gì đó nơi ông làm cho tôi kính phục.
Khi tôi được biết ông ta vừa về hưu, tôi có phần tâm cảm với ông trong tư cách
của một sĩ quan tình báo về hưu. Giống như trường hợp của tôi, ông không có khả
năng chấm dứt cuộc đời sự nghiệp của ông và đơn sơ hưởng những năm còn lại để
làm vườn, nghỉ mát, và tận hưởng tất cả những thú vui gia đình mà chúng tôi mơ
ước khi về hưu. Ông bị lôi cuốn vào mớ bòng bong chết người mà ông đã bỏ những
năm cuối làm việc để tìm cách gỡ rối : Ai là kẻ phản bội liên tục ngay
trong cơ quan của ông? Tôi liên tưởng đến ánh mắt của ông khi chúng tôi đối
diện nhau ông thú nhận sự thất bại của CIA trong những lời ngắn ngủi và đứt
đọan. Có lẽ ông đã hy sinh tự ái rất nhiều để đi sang Bá Linh cầu cứu với kẻ
thù trước đây. Nhưng vì lương tâm nghề nghiệp và vì cá tính, ông bị ám ảnh
trong việc truy tìm tên Ames. Đơn vị truy lùng cũng được giữ bí mật ngay trong
nội bộ CIA. Đội truy lùng phần đông gồm những sĩ quan về hưu để bảo vệ bí mật
và được gọi là Toán Công Tác Đặc Biệt. Toán này có một nữ sĩ quan cao cấp trong
ngành điều nghiên – một sự kiện hiếm có trong CIA hoặc trong các cơ quan tình
báo khác. Bà này đã tìm hiểu trường hợp của một tên nằm vùng gốc Trung Hoa làm
việc cho CIA trong vòng 30 năm mà không hề bị phát giác và trường hợp của một
đồng nghiệp đáng kính trong cơ quan tình báo Xô Viết. Tôi khâm phục khả năng
điều hành của Hathaway. Trong vị thế của ông tôi sẽ hành sử đúng như ông đã
hành sử và giữ số người trong đội càng ít càng tốt. Dùng những sĩ quan đã về
hưu là một phuơng thức hành sử càng khôn ngoan hơn nữa, vì dùng những nhân viên
làm việc trong Ban Điều Nghiên Xô-viêt của CIA sẽ có nguy cơ báo động và ngay
cả tuyển chọn tên nằm vùng. Phương sách hoạt động trong những trường hợp này phải
là : bủa lưới một cách nhẹ nhàng.
Cuối cùng cơ quan FBI, đối thủ của CIA, phát giác hành tung của Ames. Tôi ngờ
những khó khăn Hathaway vấp phải là do thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu hiểu biết.
Hơn thế nữa, ông không phải là một người có nhiều sáng kiến và, theo lời của
một vài đồng nghiệp của ông, ông là người của bàn giấy. Nhưng tôi không trách
lỗi ông đã thất bại trong việc nhận dạng tên phản bội đã đánh phá tình báo Hoa
Kỳ như con vi khuẩn độc hại nằm trong ruột. Công việc bội bạc và mệt nhọc để
truy lùng tên phản phé lúc nào cũng có vẻ giản dị khi nhìn lại hơn là lúc đang
lâm cuộc. Những điểm then chốt lúc nào cũng có vẻ hiển nhiên – nhưng chỉ sau
khi lùng bắt đuợc con mồi.
Tìm những điểm lạ trong phong cách của một tên nằm vùng là phương pháp đúng
đắn. Nhưng rất nhiều người trong bất cứ ngành nghề nào - chưa kể đến nghề điệp
báo đầy bức xúc - cũng có vấn đề rượu chè, tư cách hoặc vấn đề gia đình, họ cảm
thấy không được cấp trên đánh giá đúng mức hoặc cần tiền nhiều hơn mức thu nhập
lương thiện của họ. Các nhân viên trong ngành điệp báo do môi trường bưng kín
họ sống hoặc làm việc được khuyến khích cảm nhận những nguyên tắc áp dụng cho
những người khác nhưng lại không áp dụng cho họ. Các nhân viên CIA nỗ lực làm
việc trong ngành phản gián Xô Viết phải biết rõ tâm não của kẻ địch để rồi càng
ngày càng dễ rơi vào lối suy nghĩ của địch thủ và rồi, như trong trường hợp của
Ames, những mối ràng buộc với quốc gia và cơ quan của mình tự nhiên tan biến do
những mặc cảm thua kém và ấm ức dồn nén.
Khi Xô Viết móc nối Ames vào năm 1985, đương sự đuợc điều khiển bởi Stanislav
Androsov, một nhân viên KGB thường trú ( sĩ quan KGB được chính thức bổ nhiệm)
tại Đại Sứ Quán Xô Viết tại Washington. Một năm sau Ivan Semyonovich Gromakov
thay thế Androsov. Tôi quen biết Gromakov từ năm 1960 khi ông làm giám đốc đơn
vị KGB tại Đức (Cục 4 của Đệ Nhất Tổng Cục). Tôi biết Gromakov nói được tiếng
Đức, tôi không rõ về khả năng tiếng Anh của ông, vì vậy tôi hơi ngạc nhiên nghe
tin bổ nhiệm ông tại Washington. Người ông dáng dấp thấp béo và vui tính, mắt
đeo gương. Ông có thói quen khó chịu gầm thét làm người khác nhảy nhổm mỗi khi
ông nâng ly chúc mừng sự thành công của KGB. Tôi không hề được nghe ông nói về
việc bắt con mồi lớn này, như tôi có thể mường tượng nỗi vui sướng của ông, khi
ông làm việc ngay trong lòng địch và Ames rơi vào trong rọ của ông.
Khi câu chuyện phản bội của Ames được tiết lộ, tôi thật sửng sốt không ngờ hắn
làm việc không bị phát giác một thời gian khá lâu và phản gián Hoa Kỳ tỏ ra quá
bất tài và quá tuyệt vọng để buộc phải cầu cứu cấp lãnh đạo điệp báo của kẻ thù
để tìm hắn.
Quý vị có thể lấy làm lạ vì tôi sẵn sàng nói chuyên với CIA. Dù sao đi nữa, tôi
không có ý định rời nước Đức và tôi đã chính thức tuyên bố tôi không có ý định
di cư. Tôi phản đối Tây Đức với tư cách kẻ chiến thắng Chiến Tranh Lạnh đòi áp
đặt hình thức pháp luật của họ lên tôi và các đồng nghiệp của tôi; đối với tôi
đòi hỏi này mang sắc thái một đòn trả thù. Lời mời của CIA lôi cuốn tôi chỉ vì
nó cho phép tôi tam thời rời đất nước tôi trong những ngày đầu thống nhất hai
nước. Tôi biết trong những tuần lễ và tháng đầu lòng hăm hở trả thù lên cao.
Nếu có thể, tôi muốn tránh giải pháp lánh nạn sang Moscow, vì sự biệt tích của
tôi tại Moscow là một tín hiệu không tốt cho mối liên lạc của tôi với nước Đức
mới, tạo nên lý cớ khuyến khích những người trong nước két án tôi. Tôi sẽ bị tố
cáo là trốn sang Moscow để đưa tên tuổi những điệp viên, lời đồn này đã được
tung ra khi tôi chạy sang Moscow ở hai tháng vào đầu năm 1990. Thực tế không
phải như vậy. Tôi quá nhiều lo lắng trong việc tìm cách tránh đỡ cho cá nhân
tôi cũng như cho các nhân viên cũ của tôi, các điệp viên và các người nằm vùng
không bị truy tố để tôi có thời giờ chơi trò nước đôi với Xô Viết.
Giả như CIA chuẩn bị đón nhận tôi sang Hoa Kỳ, có lẽ tôi sẽ đắn đo suy tính
chấp nhận lời mời này như một giải pháp tạm thời hữu lý. Nhưng tôi nghi ngại
một khi thỏa thuận xong xuôi và tôi bay sang Hoa Kỳ không có lời mời chính
thức, CIA có thể phao tin tôi xin đầu thú và ép tôi hợp tác với họ theo điều
kiện của họ. Với phong cách hống hách của một cơ quan tình báo lớn, CIA chắc
mẩm tôi mong ước làm việc với họ nên tôi sẵn sàng tự đặt vào một vị thế yếu
kém, một trường hợp mà mọi người đào thoát khôn ngoan đều muốn tránh – bị ép
buộc phải thương luợng trên lãnh thổ của kẻ địch. Mặc dù Hathaway đích thân
sang Bá Linh ngày 26 tháng 9 và chúng tôi đã chuẩn bị hành lý, cuộc thảo luận
cuối cùng của chúng tôi cũng chỉ mệt nhọc quay luẩn quẩn không đi đến đâu cả.
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét