Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Người Không Chân Dung 4

        Vì nhiều lý do, đây không phải là một quyển sách “thành thật khai báo”. Ông Wolf vẫn tiếp tục là một nhân vật gây nên nhiều tranh cãi, một phần vì ông cố bày tỏ cuộc đời của ông không phải là một thất bại đáng ghê tởm, trong khi đó các kẻ thù trước đây của ông cho rằng đúng là như vậy. Những điều không nói ra trong sách sẽ làm thất vọng những độc giả mong muốn tìm thấy lời khai thú trong đó, nhưng những lời khai thú trong nghề điệp báo thường là táng mạng, và ông Wolf là một con người cũng muốn thụ hưởng cuộc đời. Đọc ông Wolf để có một thoáng nhìn khâm phục, chỉ một thoáng thôi, để đi sâu vào tâm não đầy sức thu hút của một trong những bầc thầy điệp báo lớn của thời đại chúng ta, một người mang nặng ấn dấu của cuộc Hỏa Diệt Do Thái do quốc xã Đức phát động và sau đó là của cuộc phân tranh ý thức hệ thời Chiến Tranh Lạnh, một người đứng bên kia trận tuyến đối đầu với phần đông độc giả. Có lẽ ông có quyền đem một ít bí mật theo ông xuống mồ.
Hồi Kỳ trùm gián điệp Đông Đức Markus Wolf
Mục Lục
Lời mở đầu
Lời tựa
Chương 1 Cuộc đấu giá
Chương 2 Thoát khỏi ác bóng Hitler
Chương 3 Học trò của Stalin
Chương 4 Cộng Hòa Dân Chủ Đức lớn mạnh và tôi lớn theo
Chương 5 Vừa học vừa làm
Chương 6 Khrushchev mở mắt cho chúng tôi
Chương 7 Giải pháp bê-tông
Chương 8 Làm gián điệp vì tình
Chương 9 Hình bóng của Thủ Tướng
Chương 10 Nọc độc của sự phản bội
Chương 11 Tình báo và Phản gián
Chương 12 « Những biện pháp tích cực »
Chương 13 Phong trào khủng bố và nước CHDCĐ
Chương 14 Trong lòng địch
Chương 15 Cuba
Chương 16 Chấm dứt trật tự cũ
Chương 17 Lời kết


 
Chương 1 
Cuộc Đấu Giá
Vào mùa hè năm 1990, hai nước Đức chuẩn bị thống nhất sau bốn mươi năm chia cách và gây hấn khởi sự từ lúc trật tự hậu chiến do Đồng Minh chiến thắng đặt để vào năm 1945 và được duy trì do sự xung đột tiếp nối của các cường quốc. Công trình đời tôi, cống hiến cho lý tưởng xã hội chủ nghiã, đang sụp đổ trước mắt tôi. Đất nước của tôi, nước Đông Đức, đã thất bại không đáp ứng được với danh xưng Cộng Hoà Dân Chủ Đức, đang phải chấp nhận một cuộc hôn nhân cưỡng ép với anh khổng lồ kinh tế Châu Âu, nước Tây Đức. Tiến trình hình thành một nước Đức độc lập đang trên đường hoàn tất, và dù tôi không rõ một nước Đức thống nhất có ý nghĩa gì đối với Châu Âu, tôi biết chắc một điều: Tôi sẽ bị truy lùng.
         Ngày thống nhất được ấn định vào ngày 3 tháng 10 năm 1990. Đi đến đâu tôi cũng thấy đất nước của tôi và hệ thống đã gầy dựng nên nó đang trở thành vật phế thải. Những kẻ tìm kiếm kỷ vật nhộn nhịp mua bán huy chương và đồng phục, những gì đã từng tạo nên niềm hãnh diện cho những ai khoác mặc tại Đông Đức. Nhưng tâm hồn tôi lúc đó không hề vui hoặc có một nỗi buồn man mác nào cả.
         Mặc dù chúng tôi đều là người Đức, có cùng một ngôn ngữ và một nền văn hóa sâu sắc hơn cả những chia cắt của hàng rào kẽm gai thời hậu chiến tại Châu Âu, tinh thần của chúng tôi thuộc một loại tranh chấp đặc biệt. Đây không những là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, giữa người Đức với người Đức. Đây là một cuộc đối đầu giữa nước Đức tư bản với nước Đức cộng sản, nằm trong bối cảnh toàn diện nhằm thanh toán những di sản của Mác và Lê-nin và những bất công thực hiện nhân danh chủ nghĩa xã hội. Đất nước tôi là môt minh chứng hùng hồn nhất về sự chia rẽ giữa hai bên ý thức hệ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Sự chia cắt này chấm dứt với một tốc độ mà không một ai ngờ trước được, cả Đông lẫn Tây.
         Tôi vẫn luôn xác nhận công tác điều khiển cơ quan điệp báo mang một trách nhiệm đặc biệt trong cuộc Chiến Tranh Lạnh. Trong một bài hát tôi giúp soạn tháo từ khuôn mẫu Xô Viết để huy động tinh thần các tân binh, tôi đặt công tác của họ nằm trong «Chiến Tuyến Vô Hình». Đây không phải là một lối nói cường điệu. Trong vòng 40 năm sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, chúng tôi luôn tự đặt mình vào vị thế chiến đấu chống lại các thế lực của tư bản chủ nghĩa đang bủa vây chúng tôi.
         Trung tâm điểm của công tác chúng tôi là Bá Linh, nơi phân chia giữa hai hệ thống ý hệ nằm trong trạng thái đông đặc. Các chiến lược gia và các chính trị gia ở cả hai bên đều nghĩ nếu có xảy ra chiến tranh thứ ba, có lẽ Bá Linh là điểm phát xuất. Nhưng tiếp theo sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh tháng 11 năm 1989 và cánh cửa Đông Đức mở toang ra thế giới, nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức mau chóng tan biến và không còn là một quốc gia nữa. Thực sự, tôi không thể nào mường tượng được công trình của đời tôi lại có thể chôn vùi trong sự sụp đổ toàn diện của nước Đông Đức tôi đã từng phục vụ. Bốn năm trước khi Bức Tường sụp đổ, vì cảm thấy ngột ngạt trong những cơ cấu hành chánh sơ cứng quanh tôi, tôi về hưu và rút lui khỏi cơ quan để bắt đầu cầm viết; dưới sự lãnh đạo trì trệ của một Erich Honecker đau yếu, tôi không thấy một triển vọng thay đổi nào phát xuất từ bên trong. Nhưng chính tôi cũng bị hoàn toàn bất ngờ vì tốc độ suy sụp của quốc gia này. Đối với rất nhiều người, màn kết khi đến không vui chút nào cả; có người kể cho tôi nghe nỗi nhục nhã của họ.
         Các nhân viên thuộc Cơ Quan Công An Đông Đức, một trong những cột trụ chính của nước Cộng Hoà Dân Chủ Đức, đã bị kết tội bởi giới truyền thông, giới chính trị và tòa án, họ trở thành Kẻ Thù Công Cộng Số Một. Đây là một diễn biến không thể tránh khỏi, ở vào chừng mực nào đó, đây là một diễn tiến đau đớn mà những nguời công dân của một chế độ sụp đổ phải gánh chịu và đương đầu với thực tế của quá khứ.
Ngày 15 tháng Giêng 1990, đám đông giận dữ tràn vào tổng tham mưu của Bộ Công An Nhà Nước trên con đường Normannestrasse và tìm thấy một kho hồ sơ to lớn mà bộ đã lưu trữ dùng để rình rập các công dân mình. Tôi như đang sống trong một cái bẫy nghiệt ngã đang xiết chặt lại. Tâm thần tôi lúc đó chỉ nghĩ đến rút lui và từ chức. Tôi biết tất cả mọi hy vọng cải tổ nhà nước xã hội chủ nghĩa bây giờ đã tan tành (có một vài người nghĩ rằng những năm tôi về hưu là để trở thành một nhà cải cách tương lai theo kiểu Mikhail Gorbachev). Tôi cần một lối thoát tạm thời ra khỏi quốc gia nóng bỏng này.
         Tôi hướng về Moscow, thành phố của thời niên thiếu của tôi, nơi đã cho gia đình tôi trú ẩn tránh nạn Hitler và nơi tôi luôn ghi đậm tâm tình. Trái ngược với suy luận bình thường, cuộc trốn chạy của tôi không có một kế hoạch rõ rệt nào cả. Tôi đang viết hồi ký về những biến cố năm 1989 và tôi cần thời gian và không gian để hoàn tất nó trong lặng lẽ. Nhưng tôi biết việc thống nhất có nghĩa là tôi sẽ bị giam cầm; đã có trát lệnh bắt tôi tại Tây Đức ngay trước ngày sụp đổ, tố cáo tôi về tội gián điệp và phản bội. Những con cá mập đang bủa vây.
         Cô em gái dị bào Lena Simonova cho tôi trú ngụ tại dacha và căn phòng nằm trong căn phố nổi tiếng Nhà trên Bờ Đổ Bộ, nhà của các thành phần uư đãi thuộc giới ưu tú của Moscow kể từ những thập niên 1930. Mỗi lần tôi bước qua ngưỡng cửa đầy trang trí của căn phố này, tôi không thể nào quên được hùng khí bừng lên trong lòng của thanh niên Cộng Sản tại Moscow, nơi chúng tôi nương thân với cha mẹ chúng tôi để trốn chạy Đệ Tam Đức Quốc (của Hitler). Bây giờ, nhìn xuống con Sông Moscow đông đặc vào tháng Hai, tôi cảm thấy an toàn trở lại. Gió mùa đông giá buốt kích thích đầu óc suy nghĩ. Tôi rảo bước thật lâu quanh đường phố chật hẹp của khu Arbat cũ, suy gẫm về cuộc đời mình và những thăng trầm đã đưa đẩy tôi, một người sanh đẻ ở miền Nam nước Đức, đến Moscow vào tuổi thiếu niên, đến nước Đức chia cắt vào tuổi trung niên, và bây giờ trở lại Moscow lúc tuổi hưu dưỡng.
         Mục đích khác của chuyến đi sang Moscow này của tôi nhằm xem những đồng minh cũ trong KGB và điện Cẩm-linh có thể giúp đỡ tôi và các đồng nghiệp của tôi trong cộng đồng điệp báo đến chừng mực nào, nay quốc gia của chúng tôi đã thực sự tan vỡ. Chẳng có đồng chí anh em Moscow nào vồn vã hỗ trợ chúng tôi trong suốt mấy tháng căng thẳng vừa qua. Giống như chúng tôi, họ cũng hoàn toàn bị bất ngờ khi biến cố xẩy đến. Tình anh em muôn thuở vẫn thường được tán tụng năm này sang năm nọ nay trở thành một mớ giẻ rách. Nơi trước đây các đường giây điện thọai ưu tiên vẫn suốt ngày reo giữa Moscow và Đông Bá Linh theo những cấp độ khác nhau giữa hai đồng minh, nay chẳng còn trao đổi gì nữa. Thư từ không ai đáp lại. Im lặng phủ kín.
         Hộp thư tôi tràn ngập thư từ của các cựu sĩ quan trong cơ quan, cơ quan HVA (Hauptverwaltung Aufklärung, « Tổng Cục Tình báo Trung Ương » - cơ quan điệp báo hải ngọai), họ than phiền bị bỏ rơi và đơn độc gánh chịu cơn thịnh nộ của đồng hương, nay tất cả những thái quá của Bộ Công An Nhà Nước đã được phơi bày. Quần chúng phẫn nộ khi họ khám phá tầm kiểm soát rộng lớn của hệ thống công an trên khắp lãnh thổ. Mặc dù công tác của tôi trong cơ quan HVA không bao giờ nhắm vào 17 triệu dân tại Đông Đức mà mục tiêu chỉ nhắm tìm hiểu ý đồ của các quốc gia khác đối với khối Đông Âu, tôi biết chẳng có mấy ai có chút tinh tế để phân biệt các ngành trong cơ quan Stasi (tên tắt quần chúng thường đặc biệt dùng cho Ministerium für Staatssicherheit, mà cơ sở chúng tôi cũng trực thuộc; một danh từ không một nhân viên nào trong ngành sử dụng và chính tôi cũng tránh dùng)*. Tôi muốn biết bây giờ chúng tôi còn trông nhờ được gì với tư cách nhân viên của một cơ quan trước đây đã từng là cơ quan điệp báo giỏi nhất khối Xô Viết.
         Khi tôi đến, tôi được tiếp đón như thường lệ ở ngọai ô phía Tây Nam Moscow tại toà nhà lớn ở Yasenovo, trụ sở của Đại Tổng Cục KGB, trung tâm điều nghiên công tác điệp báo quốc tế. Giám Đốc điệp báo hải ngọai Leonid Shebarshin và ban điều hành chào đón tôi thật là niềm nở. Chúng tôi biết nhau từ chục năm nay. Họ đem Vodka và ân cần thăm hỏi về điều kiện sinh sống của tôi tại Moscow. Nhưng rồi sau đó cơ quan KGB xem ra không còn khả năng giúp đỡ chúng tôi đuợc nữa, vì họ ở thế kẹt trong cuộc tranh giành quyền lực, bùng nổ vào giai đọan cuối bấp bênh khi Gorbachev cầm quyền.
         Vì trường hợp của tôi và số phận các sĩ quan, nhân viên và điệp viên trong ngành điệp báo của Đông Đức quá sức tế nhị về mặt chính trị nên Tổng thống Gorbachev đích thân giám định. Tôi biết những mối liên hệ của tôi với điện Cẩm-linh đều qua trung gian của Valentin Falin, một Ủy Viên Trung Ương có uy tín và cố vấn ngọai giao cho Gorbachev, một người tôi hiểu rõ qua những nỗ lực quan trọng trong việc thắt chặt liên hệ Xô Viết và Đức. Việc can thiệp của Falin, một người được Tây Đức biết tiếng và kính trọng, báo cho tôi biết tôi là một mối phiền toái chính trị tiềm tàng. Ông được giao nhiệm vụ không mấy gì là đẹp giúp đỡ tôi nhưng không được quá lộ liều để làm phiền phía Tây.
         Đây không phải lần đầu trong cuộc đời của tôi, tôi nằm trong vị thế phải trông nhờ Bà Mẹ Nga cứu vớt tôi. Nhưng trái với những lời đồn đãi, tôi chẳng có liên hệ chính thức nào với thượng tần lãnh đạo Moscow khi tôi rời cơ quan điệp báo hải ngọai năm 1986. Giám đốc KGB tại Bá Linh, trước đó là Wassily T. Shumilov và sau đó là Gennadi W.Titov, cả hai đều liên lạc mật thiêt với Erich Mielke, Bộ trưởng Bộ Công An nhà nước, và tránh tiếp xúc với tôi. Có một vài người đồn đãi tôi cùng với ông Cộng Sản cải cách Hans Modrow đang chuẩn bị đảo chánh Honecker. Nhưng mặc dù tôi đã cảnh báo Falin và các đồng nghiệp khác tại Moscow chế độ Đông Bá Linh đang trên đà tan vỡ, tôi không hề yêu cầu hoặc nhận trợ giúp để áp lực lên cơ cấu lãnh đạo sau khi Honecker bị hạ bệ nhằm thúc đẩy một cuộc đảo chánh lật đổ ông ta ngay trong nội bộ Bộ Chính Trị.
         Thực tế mà nói, tôi có thể đoan quyết lý do khiến cấp lãnh đạo Nga tránh liên lạc với tôi sau khi tôi về hưu nằm ngoài lý do trung tín và phép xã giáo. Trong thời gian ở Moscow, Falin và Sherbashin bàn luận rất cởi mở về những ưu tư của tôi đối với Đông Đức, nhưng họ bị lôi cuốn vào các vấn đề của perestroika. Sau khi Bức Tường sụp, các biến cố dồn dập với một tốc độ hầu như không một ai bắt kịp. Có lẽ đã quá trễ khi tôi viết một lá thư cho Gorbachev vào ngày 22 tháng 10 năm 1990 và trình bày như sau :
         Chúng tôi là bạn của quý vị. Chúng tôi đeo trên ngực rất nhiều huy chương của quý quốc. Chúng tôi được tiếng đã đóng góp rất lớn cho an ninh của quý vị. Bây giờ, tôi thiết nghĩ quý vị sẽ không từ chối giúp đỡ chúng tôi.
         Bức thư tiếp tục yêu cầu lãnh tụ Xô Viết có thể nào xin ân xá cho tất cả những điệp viên Đông Đức và lồng điều kiện này vào thỏa hiệp thống nhất nước Đức. Một bức thư hồi âm của Vladimir Kryuchkov, giám đốc KGB, nói rằng Gorbachev đã phái Đại Sứ đến Bonn để bàn thảo lời yêu cầu của tôi với Thủ Tướng Helmut Kohl. Thực ra ông Đại Sứ được ông Horst Teltschick, Đổng lý Văn Phòng của ông Kohl, tiếp chuyện. Họ bàn thảo về việc ân xá trong suốt mùa hè năm 1990 trước ngày Đồng Minh bàn đến việc thống nhất nhưng họ không đạt đến một thỏa thuận nào cả. Kryuchkov nghĩ rằng Gorbachev sẽ khơi động vấn đề này lại nhân cuộc họp thượng đỉnh tại Arys, miền Caucasus, để hoàn tất những chi tiết trong việc thống nhất. Lời hồi đáp không cỏ vẻ gì khả quan. Lần đầu tiên, tôi bắt đầu nghi ngờ về lòng thành của Gorbachev. Có thể nào ông giao chúng tôi một cách vô điều kiện cho chính quyền Tây Đức, kẻ thù trước đây của chúng tôi ?


         Nhưng khi thỏa thuận việc thống nhất với Thủ Tướng Kohl tại Caucasus từ ngày 14 đến 16 tháng 7 năm 1990, Gorbachev hoàn toàn bỏ rơi chúng tôi. Vào những ngày cuối của cuộc đàm phán, ông từ chối đưa ra bàn thảo lời yêu cầu miễn tố của chúng tôi. Lúc bấy giờ mối quan tâm bức thiết của ông là trưng bày một hình ảnh đèp đẽ đối với Tây Âu và gọn ghẽ quên đi trước đây ông cũng là một người Cộng Sản. Chính quyền Tây Đức sẵn sàng bàn thảo vấn đề miễn tố cho những ai đã phục vụ cho Đông Đức, nhưng khi vấn đề được đề cập nhanh chóng tại cuộc hội thảo, Gorbachev khoác tay và nói với Kohl là người Đức nên tìm cách khôn khéo giải quyết vấn đề với nhau. Đây là lần phản bội tột cùng của Xô Viết đối với những người bạn Đông Đức, những người đã từng làm việc hơn 40 năm nay để cung cố sức mạnh của Liên Bang Xô Viết tại châu Âu.

Không có nhận xét nào: