Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Vì sao tiểu đường là bệnh nhiêu khê ở xứ mình? (ST: TB)

Nhờ dồi dào thông tin trên truyền thông đại chúng trong thời gian gần đây nên nhiều người đã biết về bệnh tiểu đường. Tuy vậy, số người hiểu thật đúng về sự nguy hại của căn bệnh này vẫn chưa là đa số.

Nếu bệnh tiểu đường chỉ tăng chứ không giảm chút nào ở các nước đã có chương trình phòng, chống cả chục năm thì căn bệnh này chắc chắn không nương tay với người dân xứ mình, nơi còn quá thiếu bác sĩ chuyên khoa và mạng lưới truyền thông y học đại chúng. BS Lương Lễ Hoàng là người có hàng chục năm kinh nghiệm trong điều trị bệnh tiểu đường bằng cách kết hợp Đông-Tây.


Di chứng không ngừng tăng
Phóng viên: Theo ông, thuốc đặc hiệu trị tiểu đường hiện nay có hiệu quả thế nào? Bệnh tiểu đường có thể nhờ đó được chữa lành?
+ BS Lương Lễ Hoàng: Tân dược với tác dụng hạ đường huyết, kể cả thuốc tiêm insulin, rõ ràng tốt hơn xưa rất nhiều. Thuốc khởi động nhanh hơn, hiệu quả kéo dài hơn và ít phản ứng. Tuy vậy, không thể chỉ dựa vào thuốc hạ đường huyết để xem như đó là giải pháp chữa lành bệnh tiểu đường vì thuốc có khéo cách mấy chỉ là giải pháp chữa cháy. Chữa bệnh tiểu đường gọi là hiệu quả khi ngăn chặn được biến chứng. Muốn vậy chỉ hạ đường huyết chưa đủ mà quan trọng hơn nhiều là ổn định đường huyết. Chính vì thế mà càng lúc càng có nhiều thầy thuốc phối hợp hoạt chất sinh học như cây thuốc, khoáng tố vi lượng, anthocyanin, gaba, acid amin… trong phác đồ điều trị để vừa tăng cường sức để kháng vừa hưng phấn hoạt tính của insulin, thay vì chỉ hạ đường huyết theo kiểu gió chiều nào che chiều nấy.
. Thầy thuốc hiện nay đã có thể đẩy lùi di chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường không?
+ Nghịch lý chính ở điểm tuy có thuốc tốt trong tay nhưng di chứng của bệnh tiểu đường như mù mắt, đoạn chi, suy thận…, ngay cả ở quốc gia có nền y tế tiên tiến vẫn tiếp tục tăng. Lý do là vì ở nhiều bệnh nhân tuy dùng đúng thuốc, tuy uống đủ thuốc nhưng đường huyết vẫn dao động thất thường bởi nhiều lý do nằm ngoài tầm tay của thầy thuốc. Đừng quên bệnh tiểu đường là bàn tay đánh lén trong bệnh tim mạch và ung thư.



Độc chất trong khói thuốc lá, cuộc sống tẩm đầy stress, giấc ngủ không bình yên cũng dẫn đến bệnh tiểu đường.

Chữ “động” quan trọng trong điều trị
. Thông thường hễ nghe bệnh tiểu đường thì trăm dâu đổ đầu chất ngọt. Theo ông thì tại sao nhiều người không hề hảo ngọt nhưng vẫn vướng bệnh tiểu đường?
+ Thầy thuốc đã rõ từ lâu là không chỉ việc lạm dụng chất sinh ra đường huyết, như tinh bột, là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường. Tai hại hơn xa chất ngọt là độc chất trong khói thuốc lá, là cuộc sống tẩm đầy stress, là giấc ngủ không bình yên. Đó lại là các yếu tố nằm xa tầm tay của thầy thuốc. Chính vì thế mà bệnh tiểu đường đã từ lâu không còn đóng khung trong phạm trù của bệnh biến dưỡng. Căn bệnh này đã đóng chốt trong danh sách bệnh thời đại vì bệnh hội đủ cả hai mặt tâm thể trong cuộc sống tuy được tiếng văn minh nhưng càng lúc càng xa rời quy luật của thiên nhiên, càng lúc càng trật nhịp sinh học.
. Rối loạn chức năng sinh lý là nỗi khổ khó nói của nạn nhân bệnh tiểu đường. Có cách nào đỡ đòn hay đành chịu cảnh trời kêu ai nấy dạ?
+ Rối loạn cương dương ở đàn ông, lãnh cảm ở đàn bà bị bệnh này đúng là chuyện khó tránh vì đó là hậu quả vừa của bệnh vừa của thuốc đặc hiệu. Tuy vậy, chuyện không của riêng ai vẫn có thể được cải thiện không mấy khó nếu thầy thuốc ngay từ đầu liệu trình đã quan tâm vấn đề này, nghĩa là khi bệnh chưa phát, để kết hợp trong phác đồ điều trị các hoạt chất sinh học, đặc biệt là cây thuốc tác động trên trục thần kinh - nội tiết - biến dưỡng, để chuyện đó không trở thành chuyện khó.
Trầm uất, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia về bệnh tiểu đường, là nỗi khổ không thua chuyện phòng the. Theo bác sĩ, chuyện này thực hư thế nào?
+ Người bệnh tiểu đường, nếu vẫn vui mới lạ. Trầm uất là đòn bẩy của căn bệnh này vì người càng buồn tụy tạng càng dễ mất hoạt tính. Toa thuốc điều trị bệnh tiểu đường chỉ trọn nghĩa toàn diện khi thầy thuốc không quên bảo vệ tế bào thần kinh, chẳng hạn bằng các chất thuốc nhóm “kháng ôxy hóa”, thay vì chỉ cho thuốc an thần để người bệnh ngủ vùi rồi buồn hơn khi thức dậy. Trong bệnh tiểu đường chữ “động” quan trọng vô cùng vì người bệnh cần chủ động, linh động, vận động và nhất là động não để sống lạc quan yêu đời.
Dùng Đông y bài bản và sự lạc quan
. Dùng Đông y điều trị bệnh tiểu đường. Chuyện này đúng-sai, lợi-hại thế nào?
+ Không sai nếu dùng Đông y để điều trị bệnh tiểu đường với điều kiện là Đông y đúng bài bản, nếu thầy thuốc y học cổ truyền chẩn đoán, theo dõi và đánh giá bệnh tình bằng tiêu chí khách quan thực nghiệm. Không được dùng Đông y như giải pháp đơn phương kéo dài năm này qua tháng khác mà không cần đánh giá diễn tiến qua xét nghiệm đặc hiệu như HbA1C, không theo dõi tim mạch, đáy mắt, bàn chân, chức năng gan thận…
. Từ kinh nghiệm điều trị và từ góc nhìn của một thầy thuốc đặt nặng giá trị của liệu pháp toàn diện, ông có lời khuyên nào tâm đắc dành cho độc giả?
+ Tiểu đường là căn bệnh nghịch lý về nhiều mặt. Bệnh gây đói mà không được ăn. Bệnh nhân phải uống thuốc suốt đời mà không lành. Bệnh nhân vì thế chịu áp lực trăm bề. Bệnh nhân đã vậy lại có tính cảm ứng cá biệt. Do đó không thể có một phác đồ điều trị đại trà theo kiểu ai cũng như ai. Muốn điều trị với hiệu quả cao, bên cạnh sự cộng tác chủ động với tri thức của người bệnh, thầy thuốc cần đặt nặng việc điều trị người bệnh, thay vì chỉ tập trung vào căn bệnh, vào đường huyết. Toa thuốc điều trị bệnh tiểu đường cần có một nhúm lạc quan vì kết quả nghiên cứu cho thấy cho thuốc đúng vẫn như không nếu người bệnh vì quá sợ bệnh nên nhìn đời bằng cặp kính tô đen.



Không có nhận xét nào: