Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Cà phê Sài Gòn của tôi (ST: TB)

Cà phê Sài Gòn xưa có nhiều loại, nhiều gu, nhiều hạng, từ thượng lưu cho đến bình dân như cà phê vợt quán cóc đầu hẻm. Nhưng nói đến cà phê Sài Gòn xưa không thể không nói đến những quán cà phê nhạc mà khách hàng chủ yếu là giới trẻ, sinh viên học sinh - nơi dệt nên những tình bạn và những mối tình đơm hoa kết trái hoặc không…

Cà phê Sài Gòn, với tôi, là cà phê - một thời tuổi trẻ, một thời sinh viên giảng đường đại học, một thời bè bạn, một thời tình ý gái trai...
Cà phê Sài Gòn với tôi không tách rời, không thể tách rời những thứ ấy. Không có những thứ ấy thì không có cà phê Sài Gòn như lắng đọng trong tôi hôm nay. Cũng như không có cà phê Sài Gòn của tôi tách rời với tiếng “đại bác đêm đêm vọng về thành phố” và mặc cho tiếng đại bác, cà phê Sài Gòn của tôi không tách rời tuổi “lang thang thành phố tóc mây cài”, “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” với thơ Nguyên Sa, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Phạm Thiên Thư… và nhạc, ngoài Trịnh Công Sơn, Phạm Duy còn có Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Lê Uyên Phương... rồi sách của Phạm Công Thiện, Khrisnamurti, Camus và Sartre vốn đang làm mưa làm gió trong triết học.
Cà phê vợt Sài Gòn gắn với ký ức của nhiều thế hệ thị dân.


Sài Gòn nửa chiến tranh, với chết chóc ngoài kia và những cuộc biểu tình trong này, vẫn sống cuộc sống đô thị của nó. Tất cả đó tạo thành một bầu khí quyển quyện chặt lấy và làm nên cà phê Sài Gòn của tôi một thời.
Từ trung học, ở nội trú, mỗi sáng tôi đã uống ly cà phê sữa trong bữa ăn sáng. Nhưng với tôi đó không phải là cà phê đúng nghĩa. Cũng như ly cà phê trước giờ vào giảng đường, ở căntin đại học Văn khoa Sài Gòn vốn nằm trong ngôi nhà trước là trại lính ấy, đó cũng chẳng phải là cà phê đúng nghĩa. Cà phê đầu hẻm, cà phê vỉa hè cũng từng, cũng có vị cà phê. Nhưng cà phê chỉ thực sự là cà phê khi la cà với bạn bè, trai và gái. Cũng có khi uống một mình, nhưng vẫn như có bạn bè bên cạnh bởi câu chuyện với bạn bè ngày hôm trước vẫn còn dư âm trong tâm trí.
Cà phê ở những quán trên là cà phê phin, nhỏ từng giọt từng giọt để đám bạn bè vừa nghe nhạc vừa nói đủ thứ chuyện, từ chuyện học hành, chuyện làm thêm, dạy kèm kiếm tiền học, chuyện tương lai, chuyện đứa này đứa kia bị đi lính, chuyện hiện tình đất nước, bầu cử độc diễn… 
Thuở ấy, những năm 1969 - 1972, là sinh viên xa nhà, mới lên Sài Gòn vừa học Văn khoa vừa phải đi dạy kiếm tiền sống và mua cours, tôi không dám mơ vào những chốn thượng lưu như Brodard, La Pagode hay Givral dù thỉnh thoảng vẫn đi qua đấy. Hầm Gió trên đường Võ Tánh, nay là Nguyễn Trãi, thì hình như có vào một lần với ông anh họ. Tôi thường la cà, với bạn trai thì ở Năm Dưỡng, một quán cà phê vợt bình dân trong con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, hoặc Cheo Reo, trên một con hẻm khác cùng con đường ấy.
Cà phê ở hai quán đó, dù không thuộc hàng cao cấp, cũng thơm phức, ngon như ở bất cứ quán cà phê xịn nào và khách bao giờ cũng đông nghịt gần như suốt ngày. Thỉnh thoảng, từ trường Văn khoa trên đường Cường Để, nay là Đinh Tiên Hoàng, thả dọc xuống cà phê Hân, một quán nhỏ, ấm cúng, sạch sẽ và lịch sự, với cô chủ quán trẻ, đẹp quý phái thỉnh thoảng xuất hiện sau ngọn đèn vàng nơi quầy.
Cà phê ngon khỏi nói. Có khi ngồi đó cả buổi, đọc sách, đọc cours, có khi đọc qua tờ tạp chí Paris Match mà quán để trên kệ, rồi ngắm những anh chàng trẻ măng đeo kính cận đang chúi mũi vào “Ý thức mới trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện hoặc một tác phẩm đang ăn khách nào đấy. Cũng có khi đang đi trên đường, ngang qua tiệm rang xay cà phê Jean Martin, xéo xéo nhà thờ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng, nghe thơm phức mùi cà phê rang xay kiểu Pháp, tôi lại ghé quán Nắng Mới cặp ngay hông đại học Vạn Hạnh ở chân cầu Trương Minh Giảng, nay là Lê Văn Sỹ, với những chữ Moka, Arabica và những hạt cà phê nâu vẽ trên tường. Cả buổi có thể trôi qua ở đó, trước ly cà phê nhỏ từng giọt, đầu óc nghĩ ngợi mông lung.
Nhưng ngồi mấy quán ấy thường là ban ngày. Khi chiều buông, đêm xuống, đám bạn sinh viên thế nào cũng phải rủ nhau vào những quán cà phê nhạc. Khi thì Đỉnh Thiêng, khi thì Da Vàng trong hẻm trên đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sỹ), khi thì Chiêu trong con hẻm đường Cao Thắng, khi thì Thăng Long trên đường Hoà Hưng, gần khám Chí Hoà.
Ở Đỉnh Thiêng, Da Vàng, Chiêu vẫn là những dòng nhạc đã kể ở trên. Ở Thăng Long chủ yếu là tiếng hát Thái Thanh, ban nhạc Thăng Long và nhạc Phạm Đình Chương, Phạm Duy. Cũng có khi cả đám bạn bè sinh viên văn khoa, luật khoa, sư phạm, đại học xá Minh Mạng, đứa quê miền Tây, đứa quê miền Trung kéo nhau tuốt vào quận 10, đến quán Da La.
Cà phê ở những quán trên là cà phê phin, nhỏ từng giọt từng giọt để đám bạn bè vừa nghe nhạc vừa nói đủ thứ chuyện, từ chuyện học hành, chuyện làm thêm, dạy kèm kiếm tiền học, chuyện tương lai, chuyện đứa này đứa kia bị đi lính, chuyện hiện tình đất nước, bầu cử độc diễn… Và những tia mắt, những câu buông tình ý giữa chàng này nàng kia. Nói đến cà phê Sài Gòn, đọng lại trong tôi trên tất cả vẫn là những buổi tối cà phê như thế.
Ký ức cà phê Sài Gòn của tôi là vậy. Giờ thì cà phê Sài Gòn vô thiên lủng, không chỉ tập trung ở mấy quận trung tâm, với đủ thể loại cho đủ loại gu, với những cà phê vườn sang trọng hoành tráng hơn nhiều lần, cà phê hi-end hiện đại đủ kiểu cách. Nhưng dù thế nào, cà phê vẫn luôn luôn và trước hết gắn liền với giới trẻ, là nơi chốn của bạn bè, của những tình yêu chớm nở và do đó, không thể tách rời cái văn nghệ, cái lãng mạn mà không khí Sài Gòn đã mang lại cho nó không biết tự thuở nào.
Đoàn Khắc Xuyên

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

"Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly
Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm café
Giọt buồn không tên lén tâm tư qua đê mê
Mình thức đêm thật khuya..."
(Giọt buồn không tên - Anh Bằng. Ca sĩ: Phương Dung)
Phê quá! Bài viết cũng phê quá! Cảm ơn tác giả, cảm ơn người sưu tầm.