Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Cái đói thời bao cấp (ST: ĐB)

Những câu chuyện không thể tin nhưng có thật thời bao cấp về cái đói: Xin lỗi lợn!

Các câu chuyện bi hài có thực 100% về cái đói thời bao cấp do bác Trần Thị Thúy Nga ở Hà Nội kể lại cho phóng viên Đại Kỷ Nguyên:

Ở một đơn vị quân đội, giống như mọi đơn vị khác, có tình trạng nuôi lợn để tăng gia thời bao cấp. Thời đó chưa có cám công nghiệp, toàn bộ thức ăn cho lợn phải dựa vào nguồn cơm thừa canh cặn của bếp ăn tập thể. Thông lệ là phần “cơm cháy” ở đáy nồi cơm của bếp ăn tập thể là để dành cho lợn. (Thời đó không có nồi cơm điện chống dính, nên nồi cơm luôn có cháy)

Nhiều lần nhà bếp bỗng thấy cháy nồi cơm cứ bị “biến mất”, nên đã quyết định “điều tra”, “rình” để bắt kẻ tội phạm.

Cuối cùng kẻ tội phạm là một anh lính trẻ đã bị bắt. Vì quá đói trường kỳ, nên anh đã làm liều, đi ăn vụng cháy dành cho lợn hết lần này đến lần khác.

Hình thức kỷ luật áp dụng cho anh là: Tới chuồng lợn và xin lỗi lợn nhiều lần.




1 con vịt cỏ 7 lạng cho 200 người ăn và phương châm “Sống cùng sống, chết cùng chết” thời bao cấp

Đó là câu chuyện thời sinh viên của bác Nga. Bếp ăn tập thể sinh viên thời đó lâu lâu có bữa gọi là “cải thiện”, tức là có “thịt” chứ không chỉ rau và muối như thường lệ. Các sinh viên năng động phải tham gia vào công tác hậu trường nhà bếp. Lần ấy bài toán nhà trường đưa ra quá khó khăn cho bác. Món cải thiện cho bếp ăn của trường là một chú vịt cỏ bảy lạng gồm cả xương sau khi bỏ lông. Bài toán là số thịt này nhất định phải được chia đều cho các suất ăn của 200 sinh viên. Làm thế nào đây để đạt được sự công bằng? Các phương án luộc, xào, nấu… đều không thể khả thi.

Vắt óc mãi không thể tìm ra phương án phân chia công bằng, cuối cùng 1 tia sáng cũng phải lóe lên: băm (bằm) toàn bộ con vịt cỏ nhỏ bé đó, bằm cả xương, tới mức li ti như vụn bột, sau đó cho vào nấu canh toàn bộ. Cuối cùng các sinh viên không thể nào nhận ra một dấu tích gì của món “Thịt vịt cải thiện” của nhà trường trong suất ăn tập thể, vì đã bị bằm quá li ti và tan biến mất trong một nồi canh quá lớn cho 200 người ăn… Các sinh viên không phải tranh giành hay kèn cựa, kiện cáo nhau nữa…

Mời độc giả cùng Đại Kỷ Nguyên ôn lại những kỷ niệm khó quên thời bao cấp, bằng cách chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện bi hài của mình qua hòm thư: contact@daikynguyenvn.com

Loạt ảnh về cửa hàng và tem phiếu thời bao cấp

                                             Xếp hàng gửi xe trước khi vào mua hàng.

                                    Cảnh mua bán tại  một quầy hàng mậu dịch Nhà nước.

                      Các mậu dịch viên chuẩn bị hàng hóa, giá cả trước khi phục vụ người dân.

                                                              Mua đồ gia dụng.


                                                                     Quầy bán vải.


                                                       Khu vực bán dép, guốc nhựa.





                      Tiền mặt hạn chế sử dụng ở thời kỳ này, thay vào đó là hình thức tem phiếu.

                                            Đài phát thanh là một thứ hàng xa xỉ ngày đó.

                                                                Phiếu mua thịt.

                      Phiếu mua vải. Mức mua giới hạn nhiều nhất là 1 mét, và tối thiểu là 10 cm.

Tem lương thực có thể đổi lấy các loại lương thực như: gạo, sắn, ngô, khoai tây, hạt lúa mỳ… với trọng lượng tương đương ghi trên tem.

                                         Có thể mua các phụ tùng xe đạp bằng tấm phiếu này.

                                     Tem lương thực trị giá mua cho 25 gram lương thực.
  





Phiếu mua chất đốt và tem đường. Với phiếu mua chất đốt thì có thể sử dụng để mua: dầu hỏa, củi, than… Mỗi lần sử dụng, mậu dịch viên sẽ cắt bỏ một ô trên tờ phiếu tương ứng với số lượng mua.

Sổ mua lương thực hay còn gọi là sổ gạo, thời kỳ này viên chức Nhà nước chỉ được mua 13,5kg/1 tháng. Thuật ngữ ‘buồn như mất sổ gạo’ xuất hiện từ đây: Mất sổ gạo còn quan trọng hơn cả việc mất tiền vì có tiền cũng không mua được gạo, dù là gạo đỏ, đầy thóc và sạn!

                                        Quy định của Nhà nước trong việc dùng tem phiếu.



                                   



                                       Một bài báo về chỉ dẫn mua hàng tết bằng tem phiếu.

Mời độc giả đón đọc phần sau: Tình yêu thời bao cấp

Hà Phương Linh

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chúng ta thường nghe "Đói thành ma, no thành Phật". Xã hội ngày nay tầng lớp no đủ, khá giả nhiều lắm. Không hiểu Phật đã đi đâu hết rồi!