Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Lật lại lịch sử với Những người làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội (Hoàng Tuấn)

Đạo diễn Trần Tuấn Hiệp trong 1 cảnh quay tại Bắc Bộ Phủ.
Một bộ phim tài liệu khác biệt với lịch sử; được dẫn dắt bằng lối kể dung dị, đời thường với câu chuyện của các chứng nhân lịch sử làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa “long trời, lở đất” ở Hà Nội cách đây 70 năm, Những người làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội, dài 6 tập, không chỉ khiến người xem chờ đợi khung giờ 8h sáng trên kênh VTV2 mà còn được truyền tay nhau xem khi bộ phim được đưa lên internet sau khi phát sóng. Vấn đề không chỉ đơn thuần là nhìn lại lịch sử mà với cách kể của bộ phim, chưa bao giờ lịch sử lại gần gũi, sống động, chân thực và thuyết phục như thế. Người đứng sau Những người làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội là đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, người được biết đến với lối kể chuyện thuyết phục qua nhiều bộ phim tài liệu trước đây như Ký sự những nẻo đường, Ký sự biên phòng, Ký sự biển đảo, Ký sự mùa thu vàng… và gần đây nhất là Trường Sa, Hoàng Sa. Tạp chí Thế giới điện ảnh đã trao đổi với anh về Những người làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội.



Ngót 3 tiếng lật lại lịch sử với các nhân chứng sống để  dựng lại Cuộc cách mạng tháng
8 khác biệt so với lịch sử cũng như nhiều bộ phim khuôn phép trước đây. Hành trình từ ý tưởng tới bộ phim của anh như thế nào?
Chúng tôi, nhóm anh em làm phim Ký sự những nẻo đường thường xuyên tụ hội với nhau để bàn bạc ý tưởng làm phim. 2015 là một năm đầy ý nghĩa vì có rất nhiều ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước. Và rồi cả nhóm nảy ra ý tưởng làm một bộ phim nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8. Người nhận trách nhiệm đi lục tìm tư liệu là anh Hoàng Quang Vinh, một kỹ sư tự động hoá, nhưng rất "máu" Văn hoá, Văn nghệ. Vài ngày sau, anh đưa cho cả một kho tư liệu. Nhưng đọc thì thú, còn làm phim thì khó quá vì nhân chứng đa phần đã về với tổ tiên. Vật chứng cho Cách mạng tháng 8 ở Hà Nội cũng  chỉ duy nhất có hai tấm hình: một tấm ở Quảng trường Nhà hát lớn và một tấm ở ngoài cổng Bắc Bộ phủ. Đang lúng túng thì may thay, chúng tôi gặp được anh Trần Kiến Quốc, một sĩ quan quân đội, nguyên giảng viên Học viện kỹ thuật quân sự, là con trai của nhà cách mạng tiền bối Trần Tử Bình đồng thời cũng là lãnh đạo cao nhất trong cuộc khởi nghĩa 19/8 ở Hà Nội  lúc bấy giờ. Vậy là Trần Kiến Quốc bắt đầu dẫn chúng tôi đi tìm lại câu chuyện lịch sử năm xưa.

Trong suốt hành trình phim, hình như anh muốn tìm và khẳng định lại trước lịch sử: Vai trò của giai cấp trí thức, tiểu sư sản cũng như vai trò của những cá nhân trong giai đoạn lịch sử hào hùng này?
Không phải chúng tôi - những người làm phim muốn khẳng định điều gì, mà đó là những điều chúng tôi được nghe từ các nhân chứng, những người trong cuộc, sau này nhiều cụ đã trở thành lãnh đạo cao cấp của Đảng như Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng... kể lại. Những chuyện người đời sau có lẽ ít được biết như: những người lãnh đạo, tổ chức cuộc khởi nghĩa đa phần là những thanh niên, trí thức, học sinh trong các trường danh giá như trường Bưởi, Albert Saraut, Đồng Khánh..., con nhà giầu của Hà Nội bấy giờ. Đấy là những người rất trẻ nhưng đầy lòng yêu nước đã nhất tề đứng lên dưới ngọn cờ Việt Minh làm nên một cuộc cách mạng long trời, lở đất, để thay đổi vận nước.
Rồi qua lời kể của cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ (sau này là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Bí thư TƯ Đảng); cụ Vũ Oanh, phụ trách Việt Minh Hoàng Diệu (sau này là Uỷ viên Bộ chính trị) cũng như xác nhận của Đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư TƯ Đảng, mới biết lúc ở Hà Nội đang diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thì TƯ đang họp Quốc dân Đại hội ở Tân trào, hoàn toàn không có thông tin về những gì đang diễn ra ở Hà Nội, để biết rằng, Hà Nội đã giành được chính quyền từ phát xít Nhật...

MC Mỹ Vân được chọn là người dẫn chuyện cùng nhân vật Trần Kiến Quốc – con trai thứ ba của nhà cách mạng Trần Tử Bình. Anh có lý do hay cơ duyên đặc biệt nào khi chọn nhân vật dẫn chuyện này không?
Tôi muốn câu chuyện lịch sử hào hùng năm xưa được nhìn lại qua một người trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Vì vậy đã mời Mỹ Vân, một MC quen thuộc của truyền hình và  anh Trần Kiến Quốc gọi là con cháu các cụ dẫn đi tìm hiểu câu chuyện những người làm Cách mạng tháng 8 ở Hà Nội. Mục đích hy vọng sẽ dễ thuyết phục, lôi cuốn được người xem hơn chăng?

Làm sao anh có thể  tiếp cận được  các nhân chứng, đặc biệt là các vị lãnh đạo cao cấp của  Đảng và Nhà nước để thực hiện bộ phim này?
Đấy là tài của anh Quốc. Ngoài nhiệm vụ dẫn chuyện cùng Mỹ Vân, anh còn là nhà tổ chức sản xuất. Phải nói rằng Những người làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội có được và thành công được là nhờ sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của những người con của nhà cách mạng tiền bối, Thiếu tướng Trần Tử Bình.

Một bộ phim có cách phản biện, lối kể hơi trái với khuôn phép từ trước tới nay của anh làm thế nào thuyết phục được các nhân chứng, các vị lãnh đạo rồi lại được công chiếu trên đài truyền hình quốc gia VTV? Bởi tôi thấy, tuy là phim lịch sử song lại "không đao to, búa lớn” mà trái lại, rất dung dị và đời thường?
Đối với tôi, làm một bộ phim tài liệu phải tâm niệm với 2 chữ CHÂN: một là Chân thành và hai là Chân thực. Chân thành với nhân vật, với câu chuyện. Có chân thành thì may ra mới có được sự chân thực và ngược lại không chân thực thì cũng không thể nào chân thành được. Với các vị lãnh đạo cũng vậy, người làm phim phải biết trải lòng với các cụ, phải trình bày để các cụ hiểu được ý đồ, tư tưởng định làm của mình. Làm phim liên quan đến các cụ mới thấy hoá ra các cụ cũng rất ĐỜI THƯỜNG nếu mình biết thuyết phục các cụ.

Có điều gì khiến anh băn khoăn, suy nghĩ trong quá trình làm phim Những người làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội không?
Băn khoăn nhất là trong quá trình làm phim đôi khi nghe các cụ kể lại chuyện thấy không giống, thậm trí trái ngược hẳn với những gì đã được ghi lại trong sử sách, rồi bản thân giữa các cụ (với tư cách nhân chứng) nhiều khi cũng không thống nhất. Thắc mắc này của chúng tôi đã được nhà sử học Dương Trung Quốc giải đáp. Rằng khi ta dựng lại một câu chuyện lịch sử có những ý kiến khác nhau giữa các nhân chứng với nhau hay giữa các nhân chứng với sử sách là chuyện hết sức bình thường. Quan trọng là tập hợp tất cả những ý kiến từ nhiều góc độ khác nhau đó có nói lên được điều gì của lịch sử đối  với hậu thế? Có lẽ điều này đã có ý nghĩa trước hết với chính chúng tôi, những người làm bộ phim này. Khi bộ phim hoàn thành, chúng tôi đều chung một cảm giác như mình vừa được ngược dòng thời gian để hiểu rõ ràng  hơn về câu chuyện lịch sử hào hùng của Hà Nội năm xưa. Lịch sử trở nên sống động hơn, hấp dẫn hơn, thuyết phục hơn.

Tới thời điểm này, bộ phim đã công chiếu xong. Phản hồi mà anh nhận được là thế nào?
Là bộ phim tài liệu lịch sử này không giống với các bộ phim lịch sử mà mọi người vẫn được xem!

Vậy thì những bộ phim mà anh nói “mọi người vẫn được xem” ấy khác gì với bộ phim của anh?
Là chỉ cho người xem nhìn thấy rừng mà không nhìn thấy một cái cây nào cả!

Xin cảm ơn anh!

Box: Đối với tôi, làm một bộ phim tài liệu phải tâm niệm với 2 chữ CHÂN: một là Chân thành và hai là Chân thực.

3 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Mình vừa xem tập cuối của bộ phim "Những người làm Cách mạng tháng 8 tại Hà Nội", rất tâm đắc. Mình đặc biệt thích thú câu hỏi của Mỹ Vân ; AI là người lãnh đạo cách mạng tháng 8 ở HN. Cần phân biệt rõ NGƯỜI LÃNH ĐẠO và LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG. Rất cảm ơn những người đã làm nên bộ phim lịch sử chân thực này. Chắc cũng nhiều người muốn xem nhưng không có thời gian theo dõi TV. Theo mình Quốc nên tập họp và tạo link để bạn đọc có thể xem lại tất cả các tập phim vào thời gian thuận tiện của mỗi người.

Kháng Chiến nói...

Tôi vừa xem xong bộ phim này.Cám ơn đạo diễn Trần Tuấn Hiệp .

V.D nói...

Tôi đã xem được 3 tập cuối của bộ phim "Những người làm CM Th.8 tại Hà Nội", Dưới góc độ của một nhà báo, tôi nhận xét vắn tắt với mấy cảm nghĩ sau: Bộ phim có cách tiếp cận mới, dung dị và dễ tiếp nhận: Đó là LỜI KỂ LẠI CỦA CÁC NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ. Bộ phim có một Ý TƯỞNG KỊCH BẢN TỐT. Tôi nói Ý TƯỞNG vì những người làm phim đương nhiên là có MỤC TIÊU và Ý TƯỞNG của phim, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã xử lý những tình huống phát sinh rất xuất sắc để bộ phim trung thành với chủ đề đã định. Bộ phim đã đánh giá một cách CÔNG MINH sự sáng tạo, dũng cảm nhận trách nhiệm lịch sử của một TẬP THỂ những người Lãnh đạo CM Tháng 8/45 tại Hà Nội. Nên nhớ khi đó những con người đó mới chỉ là những chàng trai ngoài 20 tuổi. Và cuối cùng BỘ PHIM vowisw những tài liệu chân thật, những con người cụ thể là MỘT ĐÓNG GÓP LỚN cho Lịch sử Cách mạng VN nói chúng, Lịch sử hào hùng của Thủ đô nói riêng.
Xin cám ơn eekip làm phim và ĐẶC BIỆT CÁM ƠN anh KIẾN QUỐC, người đề xuất ý tưởng và là một trong những người tích cực tham gia hoàn thành bộ phim.