Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Thất bại hoàn toàn!

Trước những bất cập trong quá trình nộp hồ sơ xét tuyển ĐH, PGS Văn Như Cương nói đề án thi THPT Quốc gia đã thất bại ngay khi bắt đầu.

PV: Thưa thầy, trong thời gian vừa qua thầy có theo dõi kỳ thi THPT Quốc gia không?
PGS: Kỳ thi THPT diễn ra ngay từ đầu với việc ghép 2 kỳ thi vào làm 1 cho đến thời điểm hiện tại, thí sinh đang sử dụng điểm của kỳ thi THPT Quốc gia để làm điểm xét tuyển vào các trường đại học phù hợp và như mong muốn, tôi luôn theo dõi từng đường đi nước bước của kỳ thi này.


PV: Sau khi thí sinh biết điểm kỳ thi THPT Quốc gia Bộ GD đưa ra những đề án xét tuyển khá tỉ mỉ. Theo thầy những việc làm đó có ưu và nhược điểm gì?
PGS: Thí sinh khi biết điểm và điểm đủ tiêu chuẩn có quyền nộp 4 khoa / trường/ nguyện vọng 1, 12 khoa/3 trường/ nguyện vọng 2... tiếp đó là các trường phải luôn cập nhật danh sách đăng ký xét tuyển 3 ngày/ lần để thí sinh nắm rõ được vị trí của mình, khả năng có thể đỗ của mình như Bộ đã đưa ra trước đó.
Cách làm này không có bất cứ một ưu điểm nào hết. Thí sinh không hề được định hướng rõ ràng như vẫn nghĩ mà đang lao vào "cuộc chơi đỏ đen", không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán.

PV: Thí sinh được gì và các trường xét tuyển được gì từ phương thức xét tuyển đại học đó?
PGS: Trong "ván bài" này, cái học sinh biết là điểm của mình, bao nhiêu thí sinh hơn điểm mình, có bao nhiêu trường có thể tuyển, mỗi trường tuyển bao nhiêu.
Cái mà các trường biết là: Mình được tuyển bao nhiêu người, biết phổ điểm (cho tất cả thí sinh thi THPT Quốc gia, chứ không phải thí sinh theo nguyện vọng từng ngành). Cuối cùng đi đến đâu, giải quyết như thế nào, các trường luôn tỏ ra lúng túng trước đề án của BGD.
Tất cả những hành động đó, không có gì là chắc chắn, các thí sinh đang phải chạy đua nhưng không biết hướng đi. Những thông tin mà Bộ liên tục cung cấp phổ điểm chung của từng khối, được nộp nhiều nguyện vọng, liên tục công bố điểm đăng ký hồ sơ xét tuyển, được phét rút hồ sơ trước 20 ngày... thực chất không có một tác dụng gì cả.
PGS. Van Nhu Cuong: Ky thi THPT Quoc gia that bai hoan toan!
Thí sinh hoang mang và lo lắng nộp hồ sơ xét tuyển (Ảnh minh họa)
PV: Những khó khăn của PHHS và các bạn thí sinh gặp phải là gì? Thầy có thể nói cụ thể hơn không?
PGS: Mới đây, có một số trường sau khi nhận đủ số lượng thí sinh đã cấp ngay giấy trúng tuyển tạm thời cho thí sinh. Giấy này không có ý nghĩa đã đem lại những phản ứng tiêu cực cho thí sinh và người nhà, hy vọng và thất vọng. Điều ngay lập tức đã bị phê phán và sửa đổi.
Vì những bất cập như trên đã nói, các trường đã phải đưa ra những phương án tuyển sinh với những yêu cầu vòng sơ loại riêng, dùng học bạ để tính điểm xét tuyển vòng sơ loại, như thế là không công bằng, nhưng đối với các trường đó là biện pháp an toàn, và chỉ có thể sử dụng cho năm nay.
Kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức hứa hẹn sẽ hạn chế bớt kinh phí cho gia đình thí sinh, nhưng thực chất là tốn kém và căng thẳng hơn rất nhiều.  Số lượng lớn thí sinh phải chạy đua trong vòng 20 ngày luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Các em không có thời gian nghĩ đến những khoa ngành mà mình thích mà cố gắng làm sao để đỗ được đại học.
PHHS cùng con em phải ra tận nơi để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, đó là điều dở nhất. Tại sao không đăng ký trực tuyến.

PV: Thầy đánh giá về đề án mới này - kỳ thi chung THPT Quốc gia của Bộ như thế nào?
PGS: Không có một phương án nào đảm bảo và có lợi cho thí sinh. Số lượng hồ sơ ảo quá nhiều, loại không kịp, đỗ không hiếm. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện tính đến thời điểm hiện tại chưa có một thành công nào từ đề án. Bất cập và khó khăn hiện ra khá rõ nét.

PV: Triển vọng của đề án THPT Quốc gia?
PGS: Tôi có thể khẳng định rằng, kỳ thi này cùng với những đề án sau đó, sẽ thất bại một cách toàn diện. Nếu cứ tiếp tục thực hiện cách thức này cho các năm sau nữa thì nền giáo dục Việt Nam sẽ thất bại một cách thảm hại.

PV: Từ những bất cập và khó khăn trên thầy có lời khuyên như thế nào dành cho thí sinh xét tuyển năm nay?
PGS: Thí sinh cần phải hết sức bình tĩnh và tỉnh táo, ứng phó với mọi tình huống để có một vị trí xứng đáng với mong muốn và số điểm đạt được của mình.

PV: Xin cảm ơn thầy về những chia sẻ thẳng thắn với PNO.
Thanh Lam

3 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Thực sự kỳ thi 2 trong 1 này sai lầm từ lý thuyết. Sai lầm lớn nhất là xây dựng nền giáo dục CỬ NGHIỆP chứ không phải HƯỚNG NGHIỆP. Học sinh chỉ phấn đấu có một mảnh bằng đại học mà không cần biết đó là ngành nghề gì, có phù hợp với năng khiếu và sở thích hay không, cũng chẳng ngành nghề đó làm gì trong tương lai Người ta đi học không vì kiến thức, không vì khả năng HÀNH trong cuộc sống mà chỉ vì một kỳ thi, MỘT MẢNH BẮNG là thứ giáo dục lạc hậu nhất, tạo nên những TRÍ THỨC VÔ DỤNG kiểu "dài lưng tốn vải" nhất. Không lạ khi mà nhiều doanh nghiệp phải ĐÀO TẠO LẠI các cử nhân sau khi tốt nghiệp, nhiều cử nhân phải đi vào các trường nghề để có một NGHỀ KIẾM SỐNG vì họ không thể chen chân với COCC và nhứng kẻ "lắm đạn" vào các công sở " CHỈ CẦN BẰNG CẤP, KHÔNG CẦN TRÌNH ĐỘ". Sai lầm lớn thứ hai mang tính kỹ thuật. Kỳ thi TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG đánh giá năng lực theo ngưỡng chuẩn TỐI THIỂU kiến thức, tức chỉ có một SỐ ÍT rớt tốt nghiệp. Nói cách khác, phổ điểm phải có độ dốc ở miền cận dưới. Trong khi đó kỳ thi ĐH là kỳ thi TUYỂN, có nghĩa là chỉ một số ít người trúng tuyển, nên phổ điểm phải có độ dốc ở miền cận trên. Thực sự khó có thể có đề thi thỏa mãn tạo độ dốc cho cả cận trên và cận dưới, và vì vậy việc đậu hay rớt tốt nghiệp, trúng tuyển hay rớt ĐH mang nhiều tính may rủi. Tốt nhất, chuyện TỐT NGHIỆP GIAO VỀ ĐỊA PHƯƠNG, CHUYỆN TUYỂN SINH GIAO CHO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC. Không thể nói các địa phương với hệ thống trường lớp đủ sức giảng dạy 12 năm của mình lại không thể đủ sức đánh giá học sinh đạt tốt nghiệp hay không, chỉ cần lãnh đạo các cấp đừng coi TỶ LỆ TỐT NGHIẸP LÀ TIÊU CHÍ THI ĐUA ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ. Không thể nói các trường ĐH có khả năng đào tạo suốt quá trình ĐH lại không đủ sức tuyển sinh, và họ phải có trách nhiệm tuyển sao cho phù hợp khả năng, với số lượng thí sinh được trúng tuyển bị khống chế bởi cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ của nhà trường. Bộ chỉ cần giám sát các địa phương, các trường về mặt quy chế và THÔNG TIN MINH BẠCH VỀ HỌC PHÍ CŨNG NHƯ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SINH VIÊN TỐT NGHIỆP TỪ CÁC TRƯỜNG để học sinh tự chọn. Cái khó nhất là Bộ GD&ĐT có dám tự bỏ MIẾNG BÁNH TUYỂN SINH hay không?

Nặc danh nói...

Chừng nào Trường còn là chủ thể, học sinh còn là phụ thể thì giáo dục không khá được.
TV.

NH nói...

Tôi ủng hộ quan điểm của Quang Vinh. Khi đặt vấn đề thi 2 trong 1 kiểu vừa rồi thì đã thấy "bất ổn" với cái lý sau:
1. Đằng nào thi hay không thi tốt nghiệp thì cũng gần 100% sẽ đỗ thế thì thi làm gì, cứ để nhà trường xét cấp bằng là xong. Ai muốn đi đại học thì tự đi các trường mà thi.
2. Thi tốt nghiệp lấy điểm tuyển chọn vào Đại học là không ổn cho các trường Đại học có thương hiệu ( những đại học rởm họ tuyển lấy được điểm không thành vấn đề). Khi nhà trường tổ chức thi như cũ thì họ có trach nhiệm với thí sinh của mình, còn như bây giờ họ ngập trong đống hồ sơ (Trường không tin chất lượng ngay trong bảng điểm thi. Hồ sơ dồn đống chọn sao đây? con anh, cháu tôi phải lấy nó chứ, việc mua bán càng dễ xảy ra trong trường hợp này....) Học sinh và phụ huynh cứ việc bơi.....Thật tội nghiệp cho họ.