Xì gà không chỉ là một loại thuốc lá thông thường mà nó trở thành một biểu tượng văn hóa đối với người Cuba. Điếu xì gà ở Cuba có một lịch sử phát triển lâu đời, và thậm chí còn gắn liền với những nhà lãnh đạo nổi tiếng hay những giai đoạn lịch sử bước ngoặt của quốc đảo xinh đẹp nằm ở vùng Caribe này.Xì gà được sản xuất với số lượng lớn ở nhiều nước trên thế giới nhưng nổi tiếng nhất vẫn là xì gà Cuba với chất lượng hàng đầu, đặc biệt là nó được sản xuất hoàn toàn bằng tay.
Tổng thống John F. Kennedy từng bí mật dự trữ 1.200 điếu xì gà Cuba
trước khi Mỹ cấm vận nước này (Nguồn: AP)
trước khi Mỹ cấm vận nước này (Nguồn: AP)
Tuy xì gà Cuba từ trước đến nay vẫn được coi là loại có chất lượng nổi tiếng nhất, nhưng thực tế xì gà lại không có xuất xứ từ hòn đảo xinh đẹp trên vùng biển Caribe này. Văn hóa hút xì gà đã có ở một nơi khác, đâu đó ở khu vực Nam Mỹ mà người ta không biết chắc chắn được.
Một chiếc bình gốm từng được khai quật ở Guatemala có niên đại từ thế kỷ thứ 10 cho thấy rằng người Maya trước đây cũng từng hút một loại lá. Cũng chính người Maya cổ đại đã đặt tên cho loại cây này theo ngôn ngữ của họ là sikar – tức hút thuốc, và sau đó ngôn ngữ này được biến đổi thành cigarro ở Tây Ban Nha và cigar ở các nước nói tiếng Anh.
Khi nhà thám hiểm Christopher Colombus lần đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ năm 1492, cũng là lúc mà ông khám phá ra xì gà sau khi nhìn thấy người dân bản địa hút một thứ thuốc được cuốn lại thành điếu tròn bằng lá cọ hoặc vỏ ngô phơi khô. Khí hậu hài hòa cùng đất đai màu mỡ của Cuba hết sức phù hợp để phát triển cả 3 loại lá sử dụng để làm ra một điếu xì gà – lá cuốn, lá thuốc và phần keo gắn kết. Bởi vậy mà xì gà được thu hoạch chủ yếu trên đảo này và sau đó vận chuyển bằng thuyền để phân phối thứ xì gà nổi tiếng này từ châu Âu cho đến châu Á.
Colombus sau đó tuyên bố Cuba thuộc về Tây Ban Nha, và đất nước này nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp chế biến xì gà rực rỡ trong thế kỷ 17. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, việc trồng và sản xuất xì gà được tổ chức quy mô, công nghiệp hơn ở ngay các nước thuộc địa của Tây Ban Nha và Anh. Tại châu Á, những điếu xì gà đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc và Nhật Bản bởi những thủy thủ Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16, sau đó được trồng ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng sang châu Phi và Ai Cập vào thế kỷ 17. Tây Ban Nha thậm chí còn thắt chặt nguồn cung thị trường bằng cách yêu cầu các hộ trồng xì gà ở Cuba chỉ được bán sản phẩm cho họ - tạo nên một thị trường xì gà độc quyền mà phải đến tận năm 1817 mới bị phá vỡ.
Tổng thống Mỹ Obama
Kể từ sau đó, ngành công nghiệp xì gà đã bùng nổ, trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Thị trường Mỹ lúc bấy giờ được xem là nước ưa chuộng và tiêu thụ xì gà bậc nhất với 300 triệu điếu xì gà được đốt trong khoảng giữa thế kỷ 19. Nhận thấy nhu cầu to lớn từ thị trường này, nhiều hộ dân trồng xì gà ở Cuba thậm chí đã di cư tới bang Florida, và sau này đã biến thành phố Tampa trở nên nổi tiếng với danh hiệu “thành phố xì gà” hồi đầu thế kỷ 20.
“Nếu tôi không thể hút xì gà trên thiên đường, thì tôi sẽ không đến đó” – Nhà văn nổi tiếng Mark Twain của Mỹ từng tuyên bố. Đây là thời kỳ mà xì gà đã trở thành một món đồ trang sức sang trọng bậc nhất đối với giới thượng lưu ở nhiều nước – trong đó có cả Vua Edward VII, người bắt đầu trị vì Vương quốc Anh năm 1901, người nổi tiếng với câu nói: “Các quý ngài, các bạn có thể hút xì gà”.
Tuy nhiên xét về độ bao phủ của xì gà từ thời điểm đó đến nay thì có lẽ nước Mỹ được xem là nhất. Dù có nhiều cảnh báo về sức khỏe, nhưng xì gà, và đặc biệt là xì gà Cuba, đã trở thành một thứ văn hóa phổ biến ở nước Mỹ. Từ những người nổi tiếng như ngôi sao bóng rổ Michael Jordan, rapper Lil’ Wayne cho đến giới chính trị gia như Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger…đều là fan hâm mộ của xì gà Cuba.
Điếu xì gà nổi tiếng của Cuba cũng gắn liền với một giai đoạn lịch sử u ám của nước này khi Mỹ bắt đầu lệnh cấm vận nặng nề vào đầu những năm 1960. Kể từ năm 1962, đối với những người dân Mỹ vốn đã quen với văn hóa xì gà thì những nhãn hiệu xì gà cuốn thủ công từng được ưa chuộng nhất như Cohiba hay Romeo y Julieta chỉ còn là huyền thoại.
Trong khi xì gà Cuba vẫn được xuất khẩu sang những phần còn lại của thế giới, thì người dân Mỹ lại cay đắng khi chứng kiến những hộp xì gà quý giá của họ bị thiêu rụi ngay trước mắt bởi những nhân viên hải quan. Chính vì vậy, rất nhiều doanh nhân Mỹ trong thời gian này đã tìm cách nhập xì gà Cuba thông qua một số nước thứ ba như Cộng hòa Dominic, Honduras hay Nicaragua…tuy nhiên với cái giá đắt hơn nhiều.
Sự tiếc nuối điếu xì gà Cuba khi lệnh cấm vận được ban hành không chỉ là với người dân Mỹ, mà ngay cả với người đã ký kết lệnh cấm vận đó cũng không khác gì. Tổng thống John F. Kennedy trước khi ký lệnh cấm vận hồi năm 1962 chỉ vài giờ, đã nhờ phục trách báo chí của mình, ông Pierre Salinger, đi mua giúp ông 1.000 điếu xì gà dự trữ. Phải đến năm 1992, Salinger mới tiết lộ chi tiết thú vị này với tạp chí Cigar Aficiando.
Xì gà không chỉ là một loại thuốc hút thông thường
mà là một biểu tượng văn hóa đối với người Cuba (Nguồn: AP)
mà là một biểu tượng văn hóa đối với người Cuba (Nguồn: AP)
Salinger kể lại rằng Tổng thống Kennedy đã cho gọi ông vào văn phòng để xem ông có thể giúp gì trong việc tích trữ “rất nhiều xì gà” hay không, một bằng chứng cho thấy Kennedy muốn dự trữ món hàng này trước khi tự tay ông ký lệnh cấm nhập khẩu nó. Sau đó, Kennedy đã tỏ ra rất vui mừng khi Salinger đã mua được cho ông đến 1.200 điếu xì gà Cuba. Chỉ vài giờ sau đó, Kennedy chính thức ký vào lệnh cấm vận đối với mọi sản phẩm đến từ Cuba.
Câu chuyện về những điếu xì gà của Tổng thống Kennedy lại tiếp tục trỗi dậy một lần nữa trong năm 2012, khi nước Mỹ đánh dấu 50 năm cấm vận thương mại đối với Cuba. Và đến nay, lệnh cấm vận này vẫn còn gây nhiều tranh cãi ở nước Mỹ. Một số người ủng hộ cấm vận tin rằng hạn chế thương mại là cần thiết, trong khi giới phê bình lại cho rằng nó làm tổn thương người dân Cuba hơn là đến chính phủ nước này.
Phải đến khi ứng viên Tổng thống Barack Obama tuyên bố trong một cuộc vận động tranh cử rằng ông sẵn lòng thảo luận với lãnh đạo Cuba về vấn đề xóa bỏ lệnh cấm vận và khôi phục quan hệ ngoại giao, thì người dân Mỹ mới bắt đầu hy vọng về sự trở lại của những điếu xì gà nức tiếng.
Khi đã trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, ông Obama dù đã bỏ thuốc nhưng lại tạo nên một niềm vui to lớn đối với những người hút thuốc sau khi tuyên bố thay đổi chính sách đối với Cuba vào tháng 12-2014 – trong đó nhằm gỡ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ hai nước. Đây là tin mừng đối với nhiều người muốn tới Cuba để du lịch khi họ có thể mang về nước sản phẩm rượu và xì gà Cuba trị giá 100 USD. Đối với nhiều người dân Mỹ thì sự thay đổi chính sách này có ý nghĩa là: Xì gà Cuba sẽ sớm đổ bộ về phía Bắc.
Tuy nhiên, những người dân Mỹ ưa chuộng xì gà Cuba cũng thừa hiểu rằng mức hạn chế 100 USD là con số quá nhỏ khi mua xì gà Cuba. Một du khách có thể sẽ phải chi đến 250 USD để mua môt hộp đơn gồm 25 điếu xì gà chất lượng của Cuba. Trong khi đó, một hộp xì gà Cuba thượng hạng nhãn hiệu Cohiba – nhãn hiệu ưa thích của cựu Chủ tịch Fidel Castro trước khi bỏ thuốc vào những năm 1980 vì lý do sức khỏe – có giá đến trên 400 USD.
Dù vậy nhiều người vẫn tin rằng còn có lý do để ăn mừng. Tuy không phải lệnh cấm vận đã được gỡ bỏ hoàn toàn, nhưng Mỹ và Cuba đã từng bước xích lại gần nhau hơn, trong khi những người ưa chuộng xì gà Cuba hy vọng về một thay đổi lớn hơn sắp tới.
Như nhiều người mong đợi, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro sau đó hồi tháng Tư năm nay đã có cuộc gặp mặt lịch sử tại Panama. Hai nước công bố đạt được thỏa thuận tái thiết lập quan hệ hôm 1-7. Đến ngày 20-7, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.
Và ngày 14-8 được xem là một ngày trọng đại trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Mỹ đã mở cửa lại Đại sứ quán ở La Habana lần đầu tiên sau 54 năm. Đây là một bước đi mang tính biểu tượng cao cho thấy mối quan hệ giữa 2 nước đang ấm dần lên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry – người tham dự lễ thượng cờ ở thủ đô La Habana – cho rằng xóa bỏ cấm vận là bước đi cần thiết và hợp lý để bình thường hóa quan hệ và các cuộc đàm phán về vấn đề này sẽ khởi động trong tháng 9.
Cũng là một tín đồ của xì gà Cuba, ngay trong tối hôm 14/8, Ngoại trưởng Kerry cũng có buổi đi dạo quanh thủ đô La Habana và ghé thăm một số cửa hàng bán xì gà, trong một hoạt động mang tính tượng trưng cho một giai đoạn mới trong mối quan hệ Mỹ-Cuba.
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét