Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

Bạn có thực sự khôn ngoan hơn khi già đi?

Người ta thường nói "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già", vậy sự thật có mối liên hệ não giữa trí tuệ và tuổi tác hay không?
Người ta thường nói "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già". Người già thì cho rằng thanh niên thường thiếu kinh nghiệm và bồng bột, trong khi lớp trẻ lại thấy người cao tuổi có vẻ chậm chạp trong việc tiếp thu kiến thức mới. Thật ra ý kiến nào mới là đúng?
Để có thể đưa ra câu trả lời chính xác, trước hết ta phải hiểu rõ "trí tuệ" ở đây là gì?
Đa số các chuyên gia tâm lý học đồng tình với các thành phần của "trí tuệ" dưới đây:


- Sự thông minh (intelligence)
- Kiến thức (knowledge).
- Khả năng kiềm chế cảm xúc (emotional resiliency).
- Sự khiêm tốn (humility).
- khả năng học hỏi từ kinh nghiệm.
- Sự cởi mở.
- Khả năng đưa ra đánh giá, nhận định chính xác.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.

Như vậy, để đánh giá về trí tuệ của một con người, ta phải đánh giá dựa trên toàn bộ các tiêu chí trên. Tuy nhiên ngay cả khi có những tiêu chuẩn rõ ràng như vây, việc đánh giá "trí tuệ" của từng cá thể vẫn còn rất hóc búa bởi nhiều tiêu chuẩn không thể định lượng được. Do đó, để tiếp cận câu trả lời, đội ngũ chuyên gia tâm lý học chỉ có thể đưa ra các bài kiểm tra, các cuộc khảo sát, các bộ lý thuyết mới trên một hoặc một số khía cạnh của "trí tuệ":
Trong một cuộc trưng cầu ý kiến, người tham dự được đề nghị nêu tên "tượng đài tri thức của họ". Sau khi tổng hợp kết quả, độ tuổi trung bình của những nhà thông thái từ 55 đến 60, chẳng hạn như anh hùng dân tộc Ấn Độ Gandhi,hay Khổng Tử - người sáng lập ra Nho giáo, giáo hoàng Francis, triết gia Socrates, nữ hoàng Elizabeth …Và đương nhiên nhóm người này đồng ý rằng "trí tuệ" sẽ lớn dần theo tuổi tác. Nhưng tại sao chỉ có một số ít những tên tuổi gạo cội được biết đến với sự thông thái mà không hoàn toàn tất cả?
Vì đơn giản, để trí tuệ một con người đi vào lịch sử con người cũng như bộ óc của họ phải được xem xét một cách tổng quan.
Để có được sự thông thái, các bô lão cũng phải cật lực "đấu tranh" với những trở ngại như thời trai trẻ. Thật vậy, theo lý thuyết của chuyên gia phân tích tâm lý Erik Erikson về 8 giai đoạn của cuộc đời (8-stage theory of human life cycle), kẻ thù của tuổi già ở đây không phải ai xa lạ chính là sự lão hóa về thể chất, và sự cận kề cái chết. Chỉ khi người lớn tuổi giữ được nội tâm an lạc, "trí tuệ" của họ mới được thể hiện.
Một hướng tiếp cận khác để đánh giá trí tuệ theo một đơn vị định lượng là đưa ra các bài kiểm tra dưới dạng phỏng vấn hoặc tình huống. Tất cả các dạng bài kiểm tra này đều đòi hỏi người tham gia phải tư duy để trả lời được câu hỏi. Tất nhiên cũng sẽ không có câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi tình huống kiểu như "Bạn nhận định thế nào về câu chuyện 1 cô gái 14 tuổi muốn ra ở riêng?". Đây là một câu hỏi khảo sát trong dự án Berlin Wisdom Project – một dự án tiêu biểu để khảo sát trí tuệ nói chung, cũng như ảnh hưởng của tuổi tác lên trí tuệ nói riêng.
Một số luồng ý kiến cho rằng dự án trên cần phải bổ sung thêm các câu hỏi để kiểm tra các đại lượng không đo đếm được, chẳng hạn như khả năng tiết chế cảm xúc. Thêm vào đó, dự án Berlin Wisdom Project cũng được cho là nên bổ sung thêm quan điểm "Kiến thức cơ bản, cùng với trí thông minh bẩm sinh là nền tảng để hình thành trí tuệ của một con người". Và một điều đương nhiên là con người chẳng phải bận tâm về việc điểm số trên lớp không cao, vì những kiến thức trong sách vở là quá ít ỏi để phản ánh "trí tuệ" của một con người.
Ảnh hưởng của tuổi tác lên "trí tuệ" một cách tổng quan như thế nào?
Kết quả nghiên cứu của dự án Berlin Wisdom Project cho rằng người già tỏ ra khá "đuối" trong các bài kiểm tra về trí nhớ, cũng như khả năng nhận thức. Tuy nhiên, "kiểm soát cảm xúc" lại là kỹ năng tuyệt vời của các bô lão. Điều này thậm chí được chứng tỏ thông qua kết quả nghiên cứu của trường đại học Alberta và Duke ở năm 2008. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng cho các tình nguyện viên trẻ và già trong bài kiểm tra thử thách cảm xúc. Theo đó, hình ảnh cộng hưởng từ chức năng đã cho thấy, não của những tình nguyện viên lớn tuổi ít xuất hiện các chấn động tiêu cực hơn. Không chỉ có vậy, khả năng ra quyết định của người cao tuổi cũng tốt hơn rất nhiều do việc ra quyết định có gắn liền với cân bằng cảm xúc. Vì lý do này mà trong đa số các trường hợp cần sử dụng trí tuệ, các bô lão vẫn chiến thắng trai trẻ.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là khi còn trẻ thì trí tuệ con người thấp. Sự khác biệt nằm ở "tư duy tổng quan" chưa được thể hiện rõ trong người trẻ. Theo một cuộc khảo sát yêu cầu các ứng viên kể lại một vài câu chuyện mà họ đã vận dụng trí tuệ của mình trong quá khứ, đồng thời hỏi ứng viên xem có sự liên kết nào giữa các bài học đã trải qua, và những sự thay đổi trong cuộc sống không. Kết quả một lần nữa lại cho thấy nhóm ứng viên cao tuổi luôn tạo được câu chuyện tổng quan và phong phú hơn nhóm ứng viên trẻ tuổi. Mặc dù khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng "gừng càng già càng cay", nhưng không có nghĩa là thế giới phủ nhận sự nhanh nhay và máu lửa của các ứng viên trẻ, đặc biệt là khi chiến đấu với các vấn đề mới.
Tạm kết

Nếu lấy mô hình "8 giai đoạn của cuộc đời " làm chuẩn, giáo sư Erikson cho rằng: các bài học tiếp thu ở mỗi giai đoạn sẽ là nền tảng cho những giai đoạn sau, đồng thời cũng là nền tảng cho sự thông thái của mỗi người khi về già. Dường như tất cả chúng ta đều thể hiện được trí thông minh của bản thân trong tất cả các giai đoạn của cuộc đời, chỉ là dưới hình thức khác nhau. Sau cùng, một kết luận vô cùng quan trọng khác trong lĩnh vực tâm lý học là: " Không hoàn toàn giống với cơ thể, não người sẽ không bao giờ ngừng phát triển". Sẽ chẳng bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để rèn luyện trí tuệ của mình cả.

Không có nhận xét nào: