Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

Những trăn trở cuối đời của Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên

Trước khi mất, vị tư lệnh đầu tiên của ngành giáo dục, cựu Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, nước mắt giàn giụa: “Không biết chúng tôi đi làm cách mạng làm ăn thế nào để bây giờ nông dân nhiều nơi còn nghèo, con em nhiều nơi không được đi học”.
Cụ Hòe gần 100 vẫn trăn trở về sự nghiệp giáo dục.
Tròn 100 tuổi, cụ Hòe dành tâm sức cuối cùng viết “Ba điều ước nguyện đầu xuân về giáo dục” và mất khi báo chưa kịp phát hành. Chỉ 300 chữ, cụ mất ba giờ, viết kín bốn tờ giấy A4, câu nọ cứ xọ câu kia vì mắt mờ, tay run.

Dũng cảm bảo vệ lẽ phải
Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, nguyên trưởng khoa Tiếng Nga trường Đại học Hà Nội mới bảy tuổi. Hình ảnh cha ông trang trọng đứng trên lễ đài với cương vị Bộ trưởng Quốc gia giáo dục không còn đọng trong ký ức. Ông Khôi chỉ nhớ mình tham gia đội thiếu nhi, đánh trống ếch quanh bờ hồ Hoàn Kiếm cổ động cho Cách mạng tháng Tám.
Tết Trung thu đầu tiên sau ngày Độc lập, thực dân Pháp lăm le quay lại xâm lược. Ông Khôi và các bạn được các anh chị phụ trách tổ chức cho đánh trận giả trên hồ Hoàn Kiếm. Các anh lớn lấy thuyền con làm chiến hạm địch, đóng giả quân Pháp ngồi dưới thuyền. Còn “quân ta” ém trên bờ. Cả hai bên cầm vỏ bưởi ném nhau tới tấp.


Kháng chiến nổ ra, gia đình cậu bé Khôi sơ tán lên chiến khu Việt Bắc. Cụ Hòe cùng Chính phủ sống tập trung trong an toàn khu (ATK), hầu như vắng nhà. “Ba năm đầu, tất cả bộ trưởng làm việc không lương. Mẹ tôi cáng đáng hết, từ chăn dê, hái chè, sao chè đến cấy lúa để chồng yên lòng đi cứu nước. Mỗi khi về thăm nhà, bố tôi lại xoay trần ra giúp vợ rồi vội vã cưỡi ngựa đi” - ông Khôi kể.
Thấy cụ bà quá vất vả, Bác Hồ và Trung ương đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông Khôi và hai em thoát ly gia đình vào trường Thiếu sinh quân. Ông Khôi được đưa sang học ở Trung Quốc, sau đó qua Liên Xô, đến khi về nước thì cụ Hòe đã thôi chức Bộ trưởng Tư pháp, chuyển sang làm cán bộ nghiên cứu luật pháp.
 (Thái Nguyên 1949. Ảnh tư liệu gia đình)
Ông Khôi kể: Hồ Chủ tịch cử bố tôi đi kinh lý, thanh tra các sự vụ tại một số địa phương. Đến đâu thấy có việc bắt người tùy tiện, không đúng pháp luật, cụ ra lệnh thả và sửa sai ngay. Cụ thay mặt Chính phủ nên địa phương phải chấp hành nhưng rồi kiện lên Trung ương. Bố tôi đi kinh lý về, Hồ Chủ tịch yêu cầu viết báo cáo. Cụ báo cáo lại tất cả mọi việc và được Cụ Hồ bút phê là “tốt”.

Được Hồ Chủ tịch tín nhiệm song tai họa vẫn giáng xuống kể từ lúc cụ Hòe và những cán bộ lãnh đạo ngành tư pháp bảo vệ độc lập tư pháp.
“Những án oan sai trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ cử bố tôi đi sửa. Cụ có thư góp ý cho Trung ương, rằng, sai lầm trong cải cách ruộng đất chính là vì không tôn trọng luật pháp, không đảm bảo độc lập tư pháp” - ông Khôi nhớ lại.
Ông Khôi kể, ngày Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, khi ấy là Bộ trưởng Tư pháp đến thăm, như thường lệ ông Khôi hầu trà. Cụ Hoè hỏi Bộ trưởng: Các thẩm phán bây giờ ai bổ nhiệm, ai trả lương?
Điếu văn tại lễ tang cụ Vũ Đình Hòe (tháng 2/2011), phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (nay là ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) ghi nhận: “Trong suốt 15 năm (1946-1960) đứng mũi chịu sào ở lĩnh vực tư pháp nóng bỏng, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe luôn luôn quán triệt tư tưởng pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh, kiên trì quan điểm tư pháp nhân dân và tư pháp độc lập với hành chính, được ghi trong hiến pháp 1946. Trong xử lý công việc, cụ tỏ ra có bản lĩnh, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải và pháp luật. Nhờ vậy, cụ đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền móng tư pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.


Day dứt đến cuối đời
Ông Khôi nhớ lại: Bố tôi thường khóc, bảo vì những sai lầm chính trị của cụ mà các con hệ lụy. Tôi phải an ủi cụ: Ba yên tâm, tất cả chúng con đều làm việc rất giỏi. Nếu ba tiếp tục làm bộ trưởng, chắc gì chúng con biết tự lực.
Nhà cụ Hòe ở ngoại ô Sài Gòn. Hôm chúng tôi đến thăm, cụ bà vừa bị tai biến, nằm bất động. Sau ngày cụ ông mất, cụ bà nén chặt nỗi đau, không quản nhọc nhằn để thực hiện di nguyện của chồng.
Hơn bảy mươi năm trước, cô tiểu thư út con quan Tuần phủ Sơn Tây đã tự nguyện rời bỏ lầu son gác tía về làm vợ một anh giáo nghèo, gánh vác cả giang sơn nhà chồng. Ông Khôi kể: Bố tôi đỗ cử nhân luật nhưng không làm quan mà đi dạy học tại hai trường tư thục Thăng Long và Gia Long. Cụ quen mẹ tôi khi bà mới mười lăm tuổi. Thứ bảy hằng tuần, cụ ra bờ hồ mua một lẵng hoa Violet gửi theo xe ca tuyến Hà Nội - Sơn Tây để chuyển đến dinh Tuần phủ. Khi cụ bà tròn mười tám tuổi thì làm đám cưới.
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, con cụ Vũ Đình Hòe (Ảnh: tư liệu gia đình)

Cụ bà sinh cho chồng mười mặt con. Biết chuyện, Bác Hồ đã tặng cụ bà chiếc huy hiệu của Người cùng xà phòng thơm và một ít vải làm tã lót cho con. Những kỷ vật ấy cụ bà xem như vật gia bảo. Khi cụ Hòe làm bộ trưởng, Bác Hồ trao tặng hai kỷ vật, một là chiếc đồng hồ Movado (Thụy Sỹ) có khắc hình cụ Hồ và đồng bản trị bằng vàng. Theo di nguyện của chồng, cụ bà đã trao hai kỷ vật ấy cho bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội và TPHCM.
Giáp Tết Tân Mão 2011, ông Khôi đang ở Hà Nội thì cụ Hòe gọi vào Sài Gòn để giúp cụ làm cuốn sách Gương mặt những người cùng thế hệ viết về những người hoạt động cách mạng cùng thời, với lời đề dẫn: “Tôi là nhân chứng cuối cùng nên đem sức tàn đọc cho con trai làm cuốn sách này để không một ai có công với dân với nước bị bỏ quên”.
Nhiều người có công với đất nước bị lãng quên hoặc không được đánh giá đúng để vinh danh làm cụ Hòe trăn trở. Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trực tiếp chiến đấu và hy sinh, được Bác Hồ đích thân viết và đọc điếu văn truy điệu. Vậy mà... Cụ Hòe quyết định viết một bức thư rồi bảo ông Khôi đem đến Quốc hội. Biết chuyện này, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lúc đó và Hội Sử học Việt Nam đã ra sức hỗ trợ, cuối cùng, sau 64 năm hy sinh, cụ Nguyễn Văn Tố đã được công nhận Liệt sỹ và truy tặng huân chương Sao Vàng.
Ông Khôi kể: "Tôi vào gặp bố. Vừa chạm mặt, cụ hỏi ngay: "Chuyện cụ Tố đến đâu rồi. Bố sắp về với tổ tiên, dưới suối vàng biết ăn nói với các vị ấy thế nào?". Tôi báo với cụ: "Được truy nhận liệt sỹ rồi, được truy tặng huân chương Sao Vàng rồi". Cụ lắp bắp: “Vạn hạnh, vạn hạnh”, rồi nước mắt chảy dài...".

(Nguồn: Tiền Phong số đăc biệt kỷ niêm 2 - 9 - 2015)

2 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Nếu không có tấm lòng của Bác tập hợp được các nhân sĩ trí thức của VN thời ấy, nếu không dương cao ngọn cờ dân tộc tập hợp được toàn dân thì có được giang sơn gấm vóc liền một cõi ngày nay hay không? Tôi vô cùng kính trọng những người dám hy sinh, dám mất tất cả vì nhân dân đất nước. Tôi cũng tin đồng bào VN vốn sâu đậm lòng yêu nước từ những ngày đầu lập quốc, khi nước nhà có biến thì họ sẽ đồng lòng chiến đấu vì đất nước, và tìm ra được những tài năng xuất chúng lãnh đạo. Không biết có ai trong những cán bộ lãnh đạo ngày nay có niềm day dứt như cụ Hòe: “Không biết chúng tôi đi làm cách mạng làm ăn thế nào để bây giờ nông dân nhiều nơi còn nghèo, con em nhiều nơi không được đi học”.

Kháng Chiến nói...

Những người tri thức trong đó có cụ Vũ Đình Hòe được Cụ Hồ mời tham gia chính phủ ngay sau Cách mạng tháng 8-1945 đều là những người yêu nước,yêu nhân dân ,tin tưởng vào cụ Hồ. Những người tri thức đó là những nhân cách lớn cho mọi thế hệ người Việt noi theo.