Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Xin đừng làm nô lệ của con nữa


ảnh minh họa

Đã đến lúc chúng ta không thể mềm lòng trước sự “khủng bố” của con cái nữa. Đã đến lúc cho con cái tự đi trên đôi chân của mình, ít nhất là tự phục vụ bản thân chúng. Đã đến lúc chúng ta thôi đừng làm “nô lệ” cho con nữa. Dũng cảm lên hỡi những ông bố bà mẹ!


    Có một thực tế hết sức đau lòng nhưng đã trở nên phổ biến, mặc dù phổ biến ở trạng thái “ngầm” đó là chuyện con cái “khủng bố” chính cha mẹ mình. Nghĩa là con cái luôn ra điều kiện và đòi hỏi bố mẹ phải đáp ứng.
    Tôi gọi là “khủng bố” bởi vì, sự đòi hỏi của những đứa con còn hơn cả bắt con tin. Bắt con tin dù gay cấn và nguy hiểm nhưng vẫn có sự can thiệp của luật pháp, còn bố mẹ bị ra điều kiện thì chỉ có im lặng và chấp nhận mà thôi vì người bắt con tin, ra điều kiện không ai khác mà là con mình.
    Tôi đã chứng kiến cảnh những ông bố bà mẹ ngày nào cũng chở con đến lớp học và đợi con vào cổng trường mới nhẹ nhõm quay về. Nhưng rồi cậu học sinh ấy vẫn chuồn học chờ cho đến lúc tan trường lại đứng ở cổng để chờ bố mẹ đến đón. Tôi biết có cậu học sinh nghỉ học liên tục và sau đó ra điều kiện cho bố mẹ rằng phải mua một chiếc xe máy nhãn hiệu cậu thích thì mới đi học. Hậu quả của việc thỏa mãn điều kiện này của ông bố là cái chết rất thương tâm của hai học sinh lớp 11B5 Trường THPT Hướng Hóa vào năm ngoái. Tôi được biết có những cậu học sinh ra điều kiện có điện thoại xịn, có laptop xịn, có xe máy xịn... với bố mẹ mình để đổi lại là: Con sẽ đến trường. Thậm chí có trường hợp để đổi lại là: Con sẽ không dính vô ma túy, con sẽ không tự tử... Tôi đã từng chứng kiến cảnh một bà mẹ đến gặp học sinh của tôi, là người yêu của con trai chị để nhờ em ấy khuyên nhủ đứa con chị về nhà... ăn cơm và ngủ....
    Những đứa trẻ ấy không còn là đứa trẻ bởi chúng đang là học sinh THPT, có nhiều em đã học lớp 12 – nghĩa là đã 18 tuổi nhưng không bao giờ biết tự lo cho bản thân. Các em chỉ biết nhận chứ chưa bao giờ có khái niệm cho. Chỉ biết người khác phục vụ mình và chỉ biết trách người khác bởi luôn nghĩ mình là trung tâm. Những đứa trẻ ấy khó mà trở thành những người sống có trách nhiệm với bản thân. Khái niệm có trách nhiệm với người khác và xã hội là quá xa xỉ nếu không nói là có thể dính vào tệ nạn xã hội.
    Vì sao bố mẹ bổng dưng trở thành “nô lệ” cho chính đứa con của mình, bị con mình điều khiển như vậy. Thực ra, những đứa trẻ này không phải là không có nhận thức nếu không nói là khôn ranh trước tuổi. Chúng đã nắm được điểm yếu của cha mẹ mình và đánh vào điểm yếu đó. Trước hết là gây áp lực về tinh thần, nghĩa là đánh vào sĩ diện của người lớn. Sợ tai tiếng, sợ thiên hạ cho là con mình hư hỏng, con mình không giỏi giang... Sau nữa là đánh vào sự yếu đuối, mềm lòng về tình cảm. Sợ con thiệt thòi, sợ con buồn, và cả sợ con “làm khôn làm dại” (nghĩa là tìm đến cái chết)... Chính sự mềm yếu vì tình thương đã trở thành điểm yếu để những đứa trẻ lợi dụng để “ra đòn”.
    Nguyên nhân sâu xa nhất của hiện tượng trên là cả một quá trình dài nuông chiều trẻ của ông bố bà mẹ. Ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã nghe mẹ nói rằng: con ăn cho mẹ với, con học cho mẹ với, con làm cho mẹ với... mặc dù những việc đó đều để phục vụ cho bản thân đứa trẻ. Và cứ thế đứa trẻ lớn lên với sự phục vụ của những người thân và dần dần trở nên ích kỷ, thích gì được nấy và cái sự thích ngày mỗi được nâng lên. Hơn nữa, nhiều ông bố bà mẹ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng giáo dục con cái. Họ sống trong gia đình mình trước đây thế nào thì giờ lại làm lại như thế theo kinh nghiệm. Có trường hợp, bậc phụ huynh từng sống trong hoàn cảnh cực khổ và bị bạo hành thì sẽ xảy ra hai trường hợp: hoặc là họ có khả năng lặp lại những gì mình đã trải qua đối với con cái mình hoặc là bù đắp về tình thương và vật chất thái quá cho con. Cả hai thái độ đều rất cực đoan. Cũng có nhiều ông bố bà mẹ quan niệm rằng: “cha mẹ sinh con trời sinh tính” và đây chỉ là giai đoạn “nhạy cảm” – gọi là “cái đận”, qua được “cái đận” này thì con sẽ ổn nên họ càng có lý do biện hộ cho sự nuông chiều ấy.
    Đã đến lúc chúng ta không thể mềm lòng trước sự “khủng bố” của con cái nữa. Đã đến lúc cho con cái tự đi trên đôi chân của mình, ít nhất là tự phục vụ bản thân chúng. Đã đến lúc chúng ta thôi đừng làm “nô lệ” cho con nữa.
    Dũng cảm lên hỡi những ông bố bà mẹ!

    Không có nhận xét nào: