Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Kể chuyện Thuốc bắc


Đông y bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng đã mang tính quốc tế, trở thành tài sản chung của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.
Nhớ thời còn “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân’’, thuốc men cực kỳ thiếu thốn, tôi có anh bạn cùng cơ quan bị tiêu chảy lâu ngày không dứt. Tôi hỏi sơ anh ta về triệu chứng, nhằm phân biệt “nhiệt tả” hoặc “hàn tả”, chỉ tốn mấy hào, mua một vị hoàng bá sắc cho anh ta uống là hết bệnh liền. Người đồng sự của tôi hết đỗi ngạc nhiên: “Dường như người Hoa các anh ai cũng là thầy lang bẩm sinh”!
Inline image 2
Phương pháp chữa bệnh bằng đông y đã được thế giới công nhận.
Đông y trở thành một phần hành trang vào đời 
Dĩ nhiên không phải người Hoa nào cũng là thầy lang, nhưng từ khi cất tiếng khóc chào đời, mỗi gia đình người Hoa hoặc ít hoặc nhiều, đều có sử dụng thuốc bắc. Hàng ngày mắt thấy tai nghe, nên kiến thức về thuốc bắc đã trở thành một phần hành trang vào đời, đóng góp lớn cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhớ hồi nhỏ đi học, mẹ tôi bắt phải mang theo một bình nước sắc phòng đảng hoàng kỳ thay nước uống để giải nhiệt. Về sau tôi mới biết mấy vị thuốc đó có tác dụng nâng cao sức miễn dịch cơ thể, giúp phòng ngừa bệnh tật. Miền Bắc vào hè, khí trời oi bức, trong nhà luôn chuẩn bị nước sắc hoa kim ngân uống với đường thẻ, vị rất ngon và có tác dụng giải nhiệt tiêu độc. Khi trẻ con trong nhà mọc rôm sẩy, mẹ tôi hay nấu canh cua nước với sinh địa, không cần đến thuốc tây cũng hết bệnh. Đến nay tôi vẫn còn thích ăn món canh này, mặc cho vợ con chê có vị nhằng nhặng đắng.

Hồi nhỏ tôi hay bị lở miệng, có khi đau đớn không ăn nổi cơm. Lúc đó bố tôi hay ra tiệm thuốc bắc mua một gói nhỏ “băng bằng tán”, bôi chừng vài lần là khỏi. Lớn lên, tôi vẫn hay bị lở miệng, đây là chứng bệnh do nhiễm virus, tây y không có thuốc đặc trị, nhưng đông y có nhiều loại thành dược, như “tây qua sương” làm từ vỏ dưa hấu, nhưng không hiệu nghiệm bằng “băng bằng tán” trước đây, có lẽ do loại thuốc này chứa borax (bằng sa), nên không còn sản xuất nữa.
Năm 1946, khi thực dân Pháp quay trở lại miền Bắc, gia đình tôi phải tản cư về vùng tự do. Trong lúc gian nan phiêu bạc, thuốc men khan hiếm, tôi lại hay lên cơn kinh dật, nhờ có thuốc lục thần hoàn mẹ tôi mang theo mới bảo tồn được tính mạng. Do điều kiện sinh hoạt lúc đó không đảm bảo vệ sinh, mọi người hay bị tiêu chảy thậm chí dịch tả, phải nhờ đến thuốc thần công tế chúng thủy.

Đông y quảng bá khắp thế giới
Đông y tuy bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng đã mang tính quốc tế, trở thành tài sản chung của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Hàn Quốc gọi đông y là “Hàn y”, còn lập hồ sơ xin đăng ký di sản văn hóa thế giới phi vật thể cho riêng mình.
Theo bước chân không mệt mỏi của người Hoa và người Việt, đông y cũng lan tỏa khắp thế giới, được các nước phương tây nhìn nhận. Cách đây 20 năm, nước Mỹ đã cho phép những thầy thuốc có chứng chỉ của TQ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hành nghề đông y. Anh Quốc nay có 16.000 thầy thuốc hành nghề châm cứu; Đức là nước sử dụng đông thảo dược rộng rãi nhất châu Âu, có hẳn một viện nghiên cứu đông y.
Tôi có anh bạn đồng học trước đây mở phòng mạch ở Montréal Canada, hành nghề chữa bệnh và châm cứu, nhập khẩu các dược liệu TQ. Điều khiến tôi ngạc nhiên là phòng mạch anh ta không những đông khách, mà những người đến chữa bệnh không chỉ có người châu Á, mà có tới một nửa là dân Tây. Anh ta nhớ lại, đông y có được vị trí như hôm nay phải trải qua muôn nỗi gian truân. Năm 1996, nhân viên kiểm tra dược phẩm sở Y tế Bang Québec xét nghiệm thấy một số vị dông dược như ba đậu, mã tiền, ma hoàng, dương địa hoàng có chứa độc chất, nên đã ra lệnh niêm phong. Anh bạn tôi đấu tranh không mệt mỏi, viện dẫn nguyên lý “quân thần tá sứ”, âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc trong đông y, có thể giảm bớt hoặc triệt tiêu độc tính của dược thảo. Không ngờ các quan viên mắt xanh mũi lõ cũng nghe vô được một mớ lý luận siêu hình đó, 6 tháng sau lệnh cấm được giải tỏa.
Trong khi các nước phương Tây phổ biến công nhận đông y, thì Nhật Bản lại ra lệnh cấm đông y (họ gọi là “Hán y”) từ thời Minh Trị Thiên Hoàng (cuối TK 19). Tuy vậy, họ không cấm đông dược và từng sáng chế ra các loại thành dược nổi tiếng như chính lộ hoàn (trị tiêu chảy), cao dán tuokuko; nhưng đông dược phải chích ly, cô đặc theo quy trình tây y, không được sắc thuốc tại gia. Mặc dù chúng ta chưa hẳn hoàn toàn tán đồng cách làm của họ, nhưng sự thật mạnh hơn hùng biện, trong vòng hơn 40 năm, Nhật đã nâng bình quân tuổi thọ quốc dân từ 30 tuổi lên 82 tuổi, dẫn đầu thế giới. Không những chỉ cấm đông y, sau đệ nhị Thế chiến, họ còn phế bỏ Âm lịch và tết Nguyên Đán, cưỡng bức thực hành ưu sinh (loại những người có khuyết tật về gen ra ngoài vòng sinh sàn). Không biết có phải họ dám mạnh dạn cải cách, mới tạo nên một nước Nhật cường thịnh trên đống tro tàn?
TQ chú trọng kết hợp đông-tây y, nên nhiều loại thành dược của TQ chứa tân dược, điều đó ở Singapore và các nước phương tây bị nghiêm cấm. Ví dụ thành dược “tiêu khát hoàn”chữa bệnh tiểu đường mỗi viên chứa 2,5 mg Gibenclamide, có tác dụng hạ đường huyết rất mạnh, dễ gây sốc do hạ đường huyết, người sử dụng phải thận trọng.
Ngày nay, mạng lưới y tế phát triển, đông y càng ngày càng ít người hỏi han tới, nhưng bệnh lặt vặt và ngừa bệnh hàng ngày vẫn cần đến đông y, những bệnh nan y khi tây y đã bó tay, chuyển qua chữa đông y đôi khi có kết quả bất ngờ. Đông y không chỉ đóng góp cho việc bảo vệ sức khỏe, còn trở thành một phần tinh hoa của nền văn hóa dân tộc.
Mỗi khi đi ngang qua “Phố thuốc bắc” trên đường Hải Thượng Lãn Ông, ngửi thấy thoảng mùi hương thuốc bắc, tôi không khỏi thầm nghĩ: Đông y và thuốc bắc sẽ cùng tôi đi hết cuộc đời.
Lữ Khách

Không có nhận xét nào: