Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Mấy "ông anh Quế Lâm" của tôi

Nhớ ngày ở Tam Lộng, thấy mấy anh giáo viên K2 Đoàn Mạnh Giao, Trần Đình Ngân… hay phóng xe “Xì po”, xuống thăm anh giai Đoàn Mạnh Hưng. Nhìn các ông anh khoác áo bay Nga, quần xanh không quân, ve cổ gài quân hàm thiếu úy có cánh én bạc, đầu không thèm đội mũ, đang cong người trên những chiếc xe đua có ghi đông sừng bò bẻ quặt, làm chúng tôi phát thèm. Sau này mình chả hiều có thế?
Năm 1974, vì là học viên ngoan nên được cử về HN tiễn đưa thầy Thành (dạy Triết học, lính Trung đoàn Thủ đô 1947, dân Làng Tám gần Đuôi Cá, ngoại ô HN, chơi ghi ta thùng và hát “Người HN” (Nguyễn Đình Thi) rất hay) về nơi an nghỉ cuối cùng. Tình cờ cùng đi với anh Giao, thấy có những “nhạy cảm” giống nhau (khi đi vòng quanh linh cữu và khi cùng khênh áo cho thầy tới nơi hạ huyệt), hỏi ra biết là em trai Trần Kháng Chiến (cùng dân Quế Lâm 1953-57) mà anh kết thân.

Rồi cùng đá bóng trong Tuyển trường mà chơi thân với các anh Trần Đình Ngân, Khúc Văn Nghi cũng dân Quế Lâm. Anh Ngân sau này không đá mà chỉ đi trước do thám tình hình đội bạn, chuẩn bị đấu pháp cho đội nhà. Anh Nghi thì được gọi là "Nghi ngựa" vì có lần sắp thi đấu mà chiều tối hôm trước bà chị lên chơi đột xuất. Sáng sau từ chiêu đã sở về mặt anh tỉnh rụi. Chiều đá vẫn chạy như ngựa và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiền vệ. Trận cầu với QK Thủ đô (đội mà Cục Quân huấn có dự định đẩy lên hạng A), anh có cú sút phạt cách xa 40m, lọt lưới đội bạn.  Năm ấy QK Thủ đô bị loại. Sếp Cục Quân huấn tức ứa máu mắt.
Cũng vì biết nghề "chọc ngoáy" TV, cassette mà mỗi lần về tranh thủ hay được vời tới nhà các ông sửa máy. Bác Giao đi Nam ra có cái Sony 12'' bán dẫn. Ọ ẹ suốt, hình tiếng không đồng bộ. Sau cú chữa, bán ngay được cho ông Thoại. Vậy là uy tín lên như diều. Còn nhà anh Nghi ở tận khu tập thể Trương Định, trên gác 2. Có TV xem làm bọn trẻ con nở mày nở mặt với hàng xóm. (Nay anh Nghi nghỉ hưu và sống trên Thái Nguyên. Mỗi lần lên đều tạt qua thăm ông anh).
Hay qua lại nhà anh Giao vào thứ bảy, chủ nhật nên thường gặp anh Vũ Cao Phan, anh Tôn Gia Khai. "Chúng tao cũng dân Quế Lâm". Trong cánh đó, bộ ba Giao, Phan, Khai được coi là “bộ ba tư tưởng”. Hóng chuyện mà biết các ông anh có những suy nghĩ sắc sảo với thời cuộc.
Anh Phan ngày ấy công tác ở Học viện Quốc phòng (đâu như thư kí cho cụ Hoàng Minh Thảo). Là lính chiến, viết lách khá hay, anh Phan là bạn với Phạm Tiến Duật. Thấy tôi còn trẻ, “không sợ gì” nên chuyến nào đi công cán bên Tây cùng thủ trưởng thường rủ lên chợ Đồng Xuân. Bố mày khi đó đã là đại úy, không dám trưng mặt mặc cả. Còn tôi thì mới trung úy quèn nên vô tư, mặt cứ tỉnh quẹo, thản nhiên mặc cả với chị em buôn trên chợ lấy hàng trăm tá “áo mưa” (thế mới biết bọn Tây khỏe, xài nhiều thứ này!), hàng chục lố áo nhũ hổ, quần bò KingJo Thái, hàng tá kính Rayban “rởm”… Rồi ông anh đóng gói, “đánh kẹp” theo hộ chiếu đỏ của sếp sang Mat.
Từng đến nhà anh ở khu Khương Thượng. Ông anh có những 2 căn hộ, mỗi căn 2 buồng. Ngày ấy như vậy là sang lắm, là niềm mơ ước của nhiều công chức. Anh Phan sống lãng mạn, hay rung động trước các em xinh, trẻ, các diễn viên điện ảnh. (Nghe đâu Lan Hương “em bé HN” cũng là điểm ngắm?). Nhưng có lẽ vì “lí tưởng hóa” quá mà nay “sém 7 sọi” rồi vẫn “xăng phe-my” (không gia đình toàn tập).
Ông anh hoạt động “ngoại giao nhân dân”, vẫn qua lại Nam Ninh, Quảng Châu, làm cầu nối cho các cuộc thỏa thuận chính trị. Lần 40 năm Hội trường Trỗi, ông anh “hay” đến mức gọi cho tôi “Mày cứ thảo công văn rồi email ra cho tao xem. Tao OK rồi thì fax sang Nam Ninh, xin miễn phí visa cho bạn Quế Lâm. Nói là anh Phan đã kí”.  Chả hiểu sao, khi chị Niệm, anh Cao đến làm thủ tục xin visa thì được pass ngay.
Cũng do hay qua lại 19B Hàng Vôi, nhà anh Giao, mà gặp anh Tôn Gia Khai. Anh Giao giới thiệu: “Bạn tao thời Quế Lâm, con cụ Tôn Quang Phiệt”. “Vậy anh là anh thằng Quý “nhèo”, bạn em” – tôi hỏi. “Vậy mày Trỗi à? Cũng dân Quế Lâm mà?”. Sau này xem lại những ảnh của ông già tôi chụp với cụ Phiệt thấy anh Khai giống cụ nhất trong nhà. (Chả biết có phải?).
Ngày ấy, ông anh công tác ở TCHC, nghe đâu như phòng Tham mưu? Ông anh kể chuyện hay đi cùng đội xà lan (hay đội tầu pha sông biển) của TCHC, buôn gỗ từ trên rừng về. Cứ mỗi lần về bến, chiều chiều ông anh lại tạt qua đầu dốc Hàng Vôi, gọi anh Giao xuống uống bia. (Túi đầy tiền mặt mà). Thấy tôi qua cũng ới lại. Chẳng quán xá gì, ngồi bệt ngay vỉa hè. Bia hơi rót ra từng vại. Trời nóng, ngửa cổ tu cốc bia tươi sủi bọt. Thật sướng.
Ông anh đi nhiều, biết nhiều. Nghe Quý kể có thời ông anh còn đi làm lâm nghiệp. Vất vả lắm. Quen cả với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn với "Đứng trước biển", "Cù lao Chàm"...
Cho đến ngày tôi sang Ba Lan, đang lang thang trong khu chợ giời Rozynckiego (bên này sông Wista) thì gặp ông anh.
-       Ôi, anh Khai. Anh sang hồi nào vậy?
-       Sang đây được mấy tháng rồi.
-       Anh ở đâu?
-       Krakow. Hôm nay lên Vác lấy hàng về bán dưới đó. Anh chị và các cháu cùng sang. Mày sang đây giống tao chứ gì?
-       Thế anh đã liên lạc với thằng Quý bên Đức?
-       Rồi, gọi điện luôn. Nhà tao, anh chị em rủ nhau sang Đức, sang Ba Lan hết cả. Mẹ, trí thức VN giàu tri thức nhưng nghèo tiền bạc, mày ạ. Vậy là phải “phá rào”, vượt biên hợp pháp, sang đây kiếm sống.
Anh em chia tay. Chuyện đã 20 năm.

... Thế rồi tháng 10/2005, anh Khai về nước. Hôm Hội trường tại HN, tôi ra và gọi diện mời anh Vũ Cao Phan. Anh  Phan bảo, tao rủ thêm thằng Khai nhé. OK ngay. Hai ông anh là “Quế Lâm già” đến vui với “Quế Lâm trẻ” mà.
Anh Phan muốn có đôi lời tâm sự trên diễn đàn nhưng đến nơi quá muộn. Tôi vội vội vàng vàng xếp chỗ ngồi, nhưng quên khuấy nhắc ban tổ chức xếp lịch phát biểu. Tàn cuộc, mời ông anh ở lại ăn cơm. Ông giận: “Tao đến đề thay mặt bọn già phát biểu với  lính Trỗi tụi mày, chứ có phải đến để ăn cơm?”. Buồn quá.
Hôm sau lái xe đưa khách Quế Lâm lại thăm anh ở chung cư mới Trung Hòa, Nhân Chính. Có cả anh Khai. Tặng cuốn SRTKL tập 2, ông mới bớt giận.
Đó cũng là kỉ niệm của tôi với mấy ông anh lớn.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nói chuyện với mấy ông anh này thích lắm. Toàn là người tài cả.
NhTinhvi

Nặc danh nói...

Anh Khai từ chối đi học đại học để đi khai hoang. Gặp anh N.M.Tuấn ở trạm máy kéo lâm nghiệp Dốc Đỏ (Quảng Ninh).Anh Tuấn buổi chiều hay ra đồi cỏ nói chuyện trên trời làm mấy em gái chăn trâu mê mệt (nghe anh Tuấn nói nếu chủ tịch nước là đàn bà cũng sẵn sàng quẳng hết chức vụ để theo anh chứ đừng nói gì mấy em chăn trâu ).Nhưng chính vì lý do này mà anh Khai được về học đại học Lâm Nghiệp ở Đa Cóc còn anh Tuấn thì không. Anh Tuấn cay cú cho đến bây giờ. Nhưng nhờ thế (?)mà VN ta có một nhà viết kịch bản phim lừng danh đến Hollywood cũng phải mời anh cộng tác.
Nhiều người nói hồi ở Đa Cóc chính anh Khai mới là người đầu tiên bắt sống được phi công Mỹ (sau này trở thành ĐS Hoa Kỳ tại VN). Nhưng chuyện đó có quan trọng gì đâu vì cuối cùng thì hắn cũng bị bắt sống. Có chuyện này quan trọng hơn: hồi ấy lớp anh Khai có hai người không được bảo vệ luận án tốt nghiệp. Một anh vì khi đạp xe từ HN lên Đa Cóc gặp mưa ,bản vẽ bị ướt, hỏng hết. Một chị lại bị phát hiện có bầu trước kẻng.
Anh Khai rất buồn và nói lại với tôi : lớp tao có hai người không được nhận bằng kỹ sư. Một người là do thiên tai, một người là do đ. họa.
Nh. Tinhvi

Nặc danh nói...

Đ. mẹ, mấy ông anh hóm quá. ANh Giao cũng thế, gặp nhau thế nào cũng hỏi, có anikdod (tiếu lâm) nào mới? Mắt lại tít về chuyện tếu táo.
ND.

Nặc danh nói...

Thua tho lo mui hoc tai Que Lam Duc tai hoc hieu,Minh hay theo cac dai ca co ten trong bai Viet nay cua KQ.Do be Minh duoc thu thach qua cac pha da dit,beo tai cua cac ong anh rat hap Dan nay.Sau nay lao Giao noi tham ,may dung dan Tao hội o que lam co luc bat nat may.song tap the yeu bi manh bat nat la Quy luat,Tao cung bi cac ong anh lon bat nat day.Cac lao ban duoc ke deu la quai nhan,da tai,da tinh,Rieng D MGiao ve gioi,nhac hay,van tho rat co hon.Lao nay nhieu gai me. cho den hom nay anh ,em Gap nhau luc nao cung vui nhu Tet con mot nguoi da hy sinh tai Chien truong K thoi chong My-mot nguoi tuyet voi la Hoang Tung Nhan . Khang Chien