Bãi Giữa là tên dải đất phù sa nổi lên ở chính giữa sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, nằm giữa cầu Long Biên và cầu Chương Dương . Ta có thể đến Bãi Giữa bằng cách đi men theo đường Phúc Xá, đi qua mấy khu nhà cấp bốn của người lao động ngoại tỉnh thuê trọ, qua mấy con mương ri rỉ nước thải; hoặc lên cầu Long Biên rồi đi xuống theo một cầu thang. Nơi đây có một xóm chài với mươi chiếc thuyền rách nằm liêu xiêu bên mép nước và vài chục mái nhà đơn sơ tưởng như không thể đơn sơ hơn được nữa, vào mùa nước lên, nhà cửa dập dềnh trên mặt nước, một vài căn nhà bị cuốn trôi, còn thuyền thì kiếm nơi khác an toàn hơn để neo đậu.
Có những ngôi nhà đơn sơ
Che những mảnh đời nghèo
Trôi nổi trên sông
Mươi ngôi nhà làm nên xóm nhỏ
Hồn nhiên như thể trẻ thơ.
Có những ngôi nhà đơn sơ
Tưởng như không còn đơn sơ hơn được nữa
Những ngôi nhà ở ven bờ Bãi Giữa
Nước hai dòng đỏ đậm phù sa
Trên sông Hồng trời nước bao la.
Thùng phuy rỗng là những cột nhà
Đung đưa, đung đưa
Bồng bềnh theo sóng gió
Những ngôi nhà tranh, tre, gỗ, lá
Như lạc về từ ngày xửa ngày xưa.
Có những ngôi nhà đơn sơ
Bên trong không có gì để mất
Gió thổi nhẹ ngọn đèn dầu cũng tắt
Hà Nội bên sông
Lung linh sáng trong mơ
Vòng tay lớn quên đi xóm nhỏ
Có những ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ...
Không! Vòng tay lớn không quên đi xóm nhỏ. Trong cái se lạnh của buổi chiều muộn cuối năm một chiếc xe bảy chỗ ngồi sang trọng đi men theo đường Phúc Xá, đi qua mấy khu nhà cấp bốn của người lao động ngoại tỉnh thuê trọ, qua mấy con mương ri rỉ nước thải và những vạt cải nở hoa vàng rực hai bên đường để đến thăm những ngôi nhà đơn sơ ở Bãi Giữa. Đó là xe của một doanh nhân thành đạt đi thăm bà con nghèo và mang quà Tết đến cho họ. Phía xa xa trên cầu Long Biên vắt ngang qua sông đang nhộn nhịp dòng người và xe xuôi ngược cùng với những cành đào và chậu quất. Tết sắp đến rồi nhưng Bãi Giữa vẫn vắng vẻ và buồn thiu, sông Hồng đang cạn với mươi chiếc thuyền đậu liêu xiêu bên mép nước.
Chọn một khoảng đất trống chiếc xe đỗ lại. Trẻ con ào ào bu đến đông như ruồi. Rồi người lớn cũng đến và đứng thành một vòng bên ngoài. Người đến ngày một đông. Giám đốc doanh nghiệp bước xuống. Đó là một người đàn ông khoảng ngoài năm mươi tuổi, tóc đen chải mượt, da mặt hồng hào, mắt sáng, nụ cười tươi, người dong dỏng cao. Theo sau ông ta là ba người nữa, hai nam một nữ, họ còn trẻ, có lẽ là nhân viên dưới quyền. Họ mở cốp xe lễ mễ xách xuống những túi quà Tết. Cô gái đưa mắt nhìn bao quát đám đông rồi nói với giám đốc: “ Thưa anh! Có lẽ ta gặp gỡ và trao quà cho bà con ở ngay đây cũng được”. Giám đốc hắng giọng rồi nói dăm câu với đám đông, đại ý là nhân dân ta có truyền thống lá lành đùm lá rách nên doanh nghiệp chúng tôi có lòng thành đem đến bà con chút quà mọn gọi là đón Tết. Những túi quà Tết có in hình logo của doanh nghiệp nhanh chóng được trao đến tay bà con. Trao hết số túi quà mang theo nhưng vẫn còn một số người chưa được nhận. Tình huống này đã được tính trước nên ai không có túi quà thì được nhận phong bì. Những người được đích thân giám đốc trao quà còn có vinh dự được chụp ảnh.
Đến cái đoạn giao lưu với trẻ con mới thật vui nhộn và rôm rả. Chúng nhận được những túi kẹo hay gói bánh nho nhỏ và ồn ào như chợ vỡ. Cậu nhân viên cầm máy ảnh muốn có một bức ảnh thật độc đáo nên nháy nhỏ vào tai giám đốc. Giám đốc hơi ngần ngại một tí nhưng rồi cũng bước đến gần một bé trai độ ba tuổi. Thằng bé líu ríu nắm tay con chị. Trời rét nhưng nó mặc chiếc quần đùi không lấy gì làm lành lặn, một chiếc áo bông chần đã sờn rách, đầu để trần với mái tóc hơi đỏ vì phơi nắng. Mặt nhem nhuốc, thò lò mũi xanh. Giám đốc đưa hai tay ra, nó hơi lùi lại một tí nhưng rồi ông cũng bế được nó trên tay. Sau một giây bỡ ngỡ, nó cười toe toét. Ông giám đốc cố nín hơi thơm vào cái má không mấy sạch sẽ của thằng bé. Đẹp quá! Đèn flash máy ảnh nháy liên tục.
Trên đường về giám đốc không ngừng khạc và nhổ. Rồi ho. “ Sếp có làm sao không?” ; “ Cảm ơn! Tôi không sao”. Nhưng vẫn khạc và nhổ. Cậu nhân viên lúc nãy chụp ảnh hình như biết mình có lỗi nên sốt sắng đưa cho sếp chai Lavie. “ Anh súc miệng nhé!”. Sếp súc miệng và đẩy kính cửa xe nhổ ra ngoài. Nhưng vẫn váng vất đâu đây mùi mồ hôi nồng nặc ám vào thân thể và áo quần của thằng bé, mùi khen khét của mái tóc, mùi tanh tanh của dải mũi xanh thò lò mà khi được ông bế lên nó hít chụt một cái, có lẽ xuống đường miệng và được nuốt vào bụng. Khiếp! Viết đến đây tôi thông cảm với đức hi sinh và sự xả thân vì thương người của sếp, liệu rồi tối nay về sếp có nuốt trôi được bữa cơm hay không?
Hà Nội 2011
2 nhận xét:
Thật trớ trêu. Ở đời vẫn có không ít loại người như thế. MỌi việc làm không xuất phát từ TÂM đều thế cả. Tởm lợm.
Ơ KQ, sao lại tởm lợm. Đó là hình ảnh ngày thường ở xã hội mà. bây giờ làm gì còn cái tâm, theo nó thì mấy ông giám đốc ăn cám à ? mà cám giờ cũng trộn mạt cưa rồi, hổng phải cám gạo ăn cho nhiều b1 đau nhé. Sợ cảnh này ở bãi giữa HN nên chuồn vội về SG rồi sao ?
Đăng nhận xét