Bài gửi “Tuyển tập văn thơ” của HVKTQS nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập .
Hoan hô anh Nguyễn Viết Tiến (gù) có bài tham gia!
Câu chuyện này kể về những người anh , những người đồng đội của tôi .
Vào những năm 1969-1971 tôi , anh Vũ quốc Hùng và anh Đỗ vũ Hà ở cùng bộ môn Cơ gia công , Khoa trang bị cơ –điện (K2) , Học viện Kỹ Thuật Quân Sự . Các anh là bậc đàn anh của tôi , hai anh đều hơn tôi tới 6-7 tuổi . Mỗi anh một tính cách , anh Hà có tính tình đặc trưng của người Nam bộ , cộng thêm tí láu táu và hơi “ngang” , anh Hùng là một con người trầm tĩnh , sâu sắc và chu đáo .
Năm 1971 , anh Đỗ vũ Hà được gọi về Tổng Cục Kỹ thuật đi nhận công tác khác cùng với một số giáo viên của Học viện , khi đồng chí phụ trách cán bộ của Tổng cục hỏi anh Hà về nguyện vọng của anh muốn chuyển về đâu ? Anh Hà đã trả lời : “ Tôi đi đâu cũng được” , đồng chí cán bộ hỏi : “ Các đồng chí khác đều nêu nguyện vọng cả sao anh không nói nguyện vọng của mình ?” Anh Hà vẫn là anh Hà “ngang” đã trả lời : “ Nếu nói nguyện vọng của tôi thì rất đơn giản : tôi muốn về với vợ tôi , nhưng đồng chí xem cả nước đang chiến đấu thế này thì nguyện vọng cá nhân chả có ý nghĩa gì , vì vậy tôi theo sự phân công của quân đội là đùng nhất” . Vậy đó , thế là anh chuyển đi đơn vị khác , từ khi đi đơn vị khác , anh Hà hầu như không liên lạc gì với Bộ môn trong suốt 39 năm , mặc dù trong quá trình công tác có thể vẫn gặp gỡ ai đó là người Bộ môn , ở đâu đó , nhưng không phải là trong các cuộc hội ngộ nhân dịp gì đó của Học viện , Khoa hoặc Bộ môn . Có nhiều dịp gặp các anh trong Bộ môn tôi vẫn hỏi anh Đỗ vũ Hà hiện nay ở đâu thì không ai biết cả , không phải riêng tôi mà nhiều người trong Bộ môn cùng công tác với anh Hà trong những tháng năm đầu tiên gian khổ của Học viện KTQS đều quan tâm tìm kiếm anh Hà , nhưng cũng như tôi , không có dấu vết gì của anh , coi như anh thuộc vào danh sách “khó tìm”.
Bỗng một ngày cuối Thu đẹp nắng vừa mới đây ( tháng 10/2010 ) anh Lưu Bồng gọi điện cho tôi : “ Tiến ơi ! còn nhớ anh Đỗ vũ Hà không ? Ổng vừa ra Bắc , Bộ môn hẹn gặp vợ chồng anh Hà vào 2 giờ chiều nay tại nhà anh Quốc Hùng nhé” . Một cuộc hội ngộ xuyên hai thế kỷ , thế là sau 39 năm từ khi chia tay anh Hà hôm nay mới được gặp nhau , thật là vui và cảm động , những sĩ quan –giáo viên già từ thời kỳ đầu của Học viện KTQS cùng công tác với anh Hà lúc đó tụ hội tại nhà anh Quốc Hùng gần như đầy đủ .Anh Hà và “phu nhân” của anh chuyện trò sôi nổi , ai cũng muốn nói về những kỷ niệm của một thời ; nào là chuyện (năm 1969) anh Quốc Hùng , anh Mạnh Kính , anh Lưu Bồng đạp xe đạp từ Vĩnh Yên xuống Nam Định để dự đám cưới anh Hà ; rồi chuyện khi đang dự đám cưới anh Hà thì anh Lưu Bồng cuống lên vì vợ anh lúc đó cũng đang ở Nam Định và sắp “vỡ đê”; nào là chuyện làm nhà ở Hàm yên – Tuyên quang , chuyện cấy , chuyện gặt , chuyện trồng rau cần , rau muống ở Đinh xá –Yên lạc –Vĩnh phú , chuyện đói , chuyện rét , chuyện chiến trường , chuyện công tác , ….., đủ thứ chuyện của lính thời gian khổ . Tôi bỗng phát hiện ra trên tay anh Hà đang đeo một chiếc đồng hồ - nói như ngôn ngữ bây giờ là : “chẳng giống ai”- tôi đang định kéo tay anh Hà để xem , thì anh Hà biết , anh tháo chiếc đồng hồ ra đưa cho tôi . Đúng thật ! Đó là một chiếc đồng hồ POLJOT của “Liên xô cũ” loại dày , mạ vàng , nước mạ còn khá tốt , đang chạy đúng giờ . Tôi hỏi anh : “ Sao anh vẫn còn giữ được đồ cổ này ?” Anh Hà trả lời : “ Đó là nhờ ông Quốc Hùng đấy” . Thế là câu chuyện về chiếc đồng hồ được anh Hà kể lại như sau :
Vào một ngày đẹp trời năm 1976 , anh Hà gặp anh Hùng trên đường phố Hà nội , sau một hồi hai người hàn huyên thăm hỏi , anh Hà được biết anh Hùng đang chuẩn bị đi Nghiên cứu sinh ở Liên-xô , đối với anh Hà thì thật là mừng , mừng vì anh em bè bạn tiến bộ , nhưng anh còn mừng hơn thế , “mừng như bắt được vàng” vì chiếc đồng hồ POLJOT mạ vàng mà anh mua năm 1966 khi học ở Liên-xô nó đã hỏng mà mấy năm nay anh đem đi sửa nhưng các cửa hàng ở Hà nội đều nói là không có phụ tùng , vậy là anh vẫn phải đeo đồng hồ hỏng , anh cũng không bao giờ muốn bỏ nó đi mặc dù khi đó trào lưu xã hội đang thi nhau sài mốt SEIKO , SK , TITONI , ROLEX , ….Bởi vì chiếc đồng hồ POLJOT này anh mua nó vào một ngày sau khi đi dạo Matxcova với một cô gái xứ Bạch dương , anh mua nó vào thời kỳ mà người ta thường nhắc đến câu thơ : “Đồng hồ POLJOT tốt hơn đồng hồ Thụy-sĩ – Trăng Trung quốc sáng hơn trăng nước Mỹ”, nó là kỷ niệm đời sinh viên đẹp đẽ của anh ở Liên-xô , khi đó còn là thành trì của CNXH , miền “đất mơ” của nhiều thanh niên Việt nam thế hệ anh hồi đó . Không thể bỏ đi một chiếc đồng hồ như vậy ! Anh vội vàng tháo ngay chiếc đồng hồ hỏng đang đeo trên tay ra và giao nhiệm vụ cho anh Hùng : “ Ông mang sang bên ấy sửa giúp tôi cái đồng hồ này” , rõ ràng , ngắn gọn thế thôi , rồi hai người chia tay nhau , người đi Liên-xô , người vào Nam công tác , “nhiệm vụ đặc biệt” mà anh giao cho anh Hùng , anh chẳng nói chuyện với ai , ngay cả với vợ anh !
Đoạn sau của câu chuyện về chiếc đồng hồ được anh Quốc Hùng kể tiếp : Anh Quốc Hùng nhận “nhiệm vụ” anh Hà giao cho , sang đến Leningrat ( nay là Peterbur ) và suốt thời gian mấy năm ở đó anh Hùng đem chiếc đồng hồ của anh Hà đi sửa nhưng không có nơi nào nhận sửa . Khi về nước anh Hùng lại mang chiếc đồng hồ của anh Hà về Việt nam , anh Quốc Hùng cũng chẳng nói chuyện này với ai , ngay cả với vợ anh , thế là chỉ có hai ông biết với nhau . Cũng giống như các anh em khác trong Bộ môn , suốt hơn 30 năm ấy anh Quốc Hùng cũng không hề biết anh Hà ở đâu , không liên lạc , không tin tức ! “Nhiệm vụ” thì chưa hoàn thành , anh Quốc Hùng bắt buộc phải giữ gìn , đi đâu thì mang “nhiệm vụ” ấy đi theo . Anh Quốc Hùng cho biết suốt từ khi anh Hùng về nước tới nay ( 2010 ) anh đã chuyển công tác từ Học Viện Kỹ thuật Quân sự về Trung ương Đoàn TNCSVN , về UB Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN , rồi về hưu . Khi còn ở Học Viện KTQS anh Hùng phải dời chuyển nơi ở không dưới 3-4 lần , khi về Trung ương Đoàn , công tác của anh Hùng cũng không cố định , ngay cả khi ở Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng anh Hùng cũng chuyển phòng làm việc đôi lần . Còn nhà ở của anh Hùng thì khỏi phải nói , anh Hùng cũng đã phải dời chuyển 2-3 lần . Cuộc sống cứ trôi đi , mọi chuyện cứ thế nằm im đâu đó , “nhiệm vụ” cũng nằm im đó , cho tới lúc anh Hùng về nghỉ hưu , tranh thủ lúc rỗi rãi , anh Hùng lang thang đến mấy hiệu sửa đồng hồ , rất may có một ông thợ già nhận sửa nhưng phải chờ sau một tháng mới xong vì người ta còn phải đi sưu tầm phụ tùng ! Lấy đồng hồ về , anh Hùng theo dõi thấy nó dừng , anh Hùng lại mang ra “bắt đền” ông thợ , ông thợ sửa đi sửa lại , cho đến khi thấy nó hoạt động bình thường , anh Hùng mới yên tâm cất đi . Bỗng nhiên , không thể ngờ , một ngày tháng 10/2010 anh Hà tìm đến nhà thăm anh Hùng và để bắt liên lạc lại với Bộ môn sau hơn 30 năm “bặt vô âm tín” . Anh Hùng quá ngạc nhiên . Hai người chuyện trò hồi lâu , anh Hùng đứng dậy đi lên nhà lấy chiếc đồng hồ trao cho anh Hà , bây giờ thì người ngạc nhiên bất ngờ nhất chưa phải là anh Hùng , anh Hà mới là người “giật mình” . Anh Hà nói theo kiều người miền Nam
: “ Trời ơi ! Tôi thất kinh luôn nghe , tôi cũng quên mất cái đồng hồ ấy rồi , nếu có nhớ thì tôi cũng cho rằng ổng vụt đi rồi , ai dè ổng vẫn giữ nó , chữa nó cho tôi . Nhận lại chiếc đồng hồ tôi thật chẳng biết nói sao , chỉ biết sướng quá mà thôi !!”.
Sau cuộc hội ngộ chân tình , cảm động , vui vẻ , tôi ra về và cứ nghĩ mãi về câu chuyện chiếc đồng hồ - một vật nhỏ bé ; nghĩ mãi về tình đồng đội của của những người lính , xưa kia là lính trẻ , nay là lính già , lính đã về hưu mà sao vẫn còn nguyên sự trân trọng và quý giá đến thế . Sự vật và sự việc rất nhỏ nhưng tôi vẫn còn có những người anh rất lớn!
Ảnh chụp ngày gặp mặt với vợ chồng anh Đỗ vũ Hà tại nhà anh Vũ quốc Hùng tháng 10/2010 . (Anh Vũ quốc Hùng đứng hang đầu bên phải , anh Đỗ vũ Hà - người thứ hai từ trái sang , hàng sau )
Nguyễn-Viết-Tiến
Nguyên Giáo viên Khoa Trang bị cơ-điện(K2 )
Học Viện Kỹ Thuật Quân Sự ( thời kỳ 1969-1979)
Điện thoại : 0989130827
6 nhận xét:
Hôm cưới con anh Ngân ở HVKTQS có đầy đủ các lão tướng anh tài: Lê Phương Cảo, Bùi Đức, Vũ Quốc Hùng, Tiến "gù", Lông Văn Bừu (Lưu Văn Bồng), ĐMG, Ngô Thế Khuề... các thầy giáo bộ môn Đạn các thế hệ.
Vui!
Lính QS thật giản dị, trong sáng. Đã là nhiệm vụ thì luôn hoàn thành (dù là của bạn giao).
Chuyện hay của nó!
Thật cảm động.
Làm sao để truyền lại được cái tình ấy cho thế hệ trẻ?
Câu chuyện thật hay , sự vật thật là bé nhỏ nếu ta vô tình sơ ý cũng có thể bỏ quên hay đánh rơi đâu đó , sự việc lại rất kín đáo vì chỉ có hai ông biết với nhau , nếu có các bà vợ "dính" vào thì có thể có bà "giục trả" hoặc có bà "giục đòi" , nhưng chỉ có hai ông mà một ông thì lại quên hẳn cái mình có , đấy mới là cái đáng quý của câu chuyện . Xã hội bây giờ thậm chí ngay cả lúc ấy cũng đầy chuyện ngược lại ! Hoan hô "Tiến gù" có câu chuyện đáng quý
Bác nào góp nhời hay thế mà lại "nặc". Xưng danh đi!!!
Đăng nhận xét