Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Chuyện ít biết về gia đình Trần Độ, vị tướng “văn - võ song toàn” (KQ)

Trần Độ (1923-2002).
Với Tướng Trần Độ, tôi có những cái duyên vì chú là đồng hương Thái Bình với mẹ tôi (anh chị em tôi gọi ông là “chú” vì ít tuổi hơn cha tôi); gia đình cô chú là hàng xóm với cha mẹ tôi ngày ở trên Việt Bắc cuối những năm 1940, rồi lại là hàng xóm từ 1974 đến nay khi chú từ mặt trận B2 ra. Vậy mà nhiều chuyện của vị tướng “văn võ song toàn” này phải mãi những năm 1990, vì có dịp gần ông, mới được nghe.
Xin ghi lại nhân 10 năm ngày mất của ông (9/8/2002-9/8/2012).

Trần Độ, tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh năm 1923, quê xã Tây Giang, Tiền Hải, Thái Bình, trong một gia đình mà cha là thư kí Tòa Công sứ Hà Nội. Con cái được ăn học nhưng sớm nhận ra cái nhục mất nước, cái nhục là dân nô lệ nên bà Tạ Thị Câu chị ruột ông sớm tham gia cách mạng (sau này là Tỉnh ủy viên Thái Bình) và là người giác ngộ ông. Năm 1939, khi vừa tuổi 17, ông dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 1940 vào Đảng, năm sau ông trở thành Tỉnh ủy viên dự khuyết của Thái Bình.



“Dám theo cách mạng thì còn gì mà sợ!”

Năm 1941, Trần Độ bị mật thám Pháp bắt. Trong tù, tên mật thám Ta-lông dùng đủ các ngón đòn tra tấn dã man nhất nhưng không thể khuất phục. Một lần cho mang tới một bát cơm cùng một bát cứt và đôi đũa, Ta-lông mắt long sòng sọc, doạ dẫm:
-   Mày muốn ăn gì? Cơm đó, nói ra thì ăn. Không thì ăn cứt!
Trần Độ giận sôi nhưng lạnh lùng trả lời: “Tôi không biết thì làm sao có thể nói!”, rồi thản nhiên tay cầm lấy bát cứt, tay cầm đôi đũa ghém lại như sắp cho vào miệng. Ta-lông sợ hãi ngoảnh mặt.Vẫn tiếp tục vun vén bát cứt, hôi thối tởm lợm nhưng ông quyết làm thất bại sự đểu cáng của hắn.Mồm mép, mặt mũi ông đầy cứt, khắp sàn nhà đầy cứt. Ta-lông lắc đầu, bỏ ra ngoài.
(Sau này khi “hầu chuyện” ông, anh em tôi có hỏi: “Lúc đó bẩn thỉu như thế mà chú không sợ à? Ăn vào thể nào cũng bệnh”. Cầm điếu thuốc lá trên tay, ông mỉm cười: “Lúc đó cũng thấy bẩn chứ, nhưng nhìn thái độ hằn học, điên cuồng, đểu cáng của nó, nghĩ nó muốn làm mình sợ mà khuất phục thì tao sẽ phản lại. Nó đâu có hiểu đã dấn thân làm cách mạng, coi thường cái chết thì còn gì mà sợ!”).
Sau đó, ông bị đưa lên giam sáu tháng tại Hoả Lò, Hà Nội. Rồi ra tòa đại hình, lãnh án 15 năm tù biệt xứ tại nhà tù Sơn La. Sau khi tuyên án, mẹ ông cố chen vào nắm lấy tay ông và khóc ngất. Ông thương mẹ quá nhưng vẫn tỏ ra bình thản. Ông nói với mẹ: Mẹ ơi! 15 năm đối với con như giấc ngủ ngày!”.
Ở nhà tù Sơn La, ông hoạt động rất hăng hái và được lãnh đạo Đảng trong tù chủ trương cho vượt ngục.  Năm 1943, trên đường từ Sơn La về xuôi để đày ra Côn Đảo, ông đã chủ động và nhanh trí trốn thoát.


Giúp việc cho Tổng bí thư Truờng Chinh
Năm 1944, mới 21 tuổi, sau khi vượt ngục, Trần Độ được giao về “công tác đội” của Thuờng vụ Trung ương, giúp việc cho Tổng bí thư, cùng các ông Trần Dương, Mười Hương. Ông kể lại: “Ông Truờng Chinh là con người rất cẩn thận. Chả thế sau này được Bác đặt cho cái tên Năm Thận”.
Ngày mới về, ông Trường Chinh hỏi ông Độ:
-   Cậu có biết tiếng Pháp?
-   Dạ, cũng có học nên cũng “bập bẹ” ạ.
-   Vậy, dịch thử bài viết này.
Sau khi dịch xong, ông Truờng Chinh xem rồi nhận xét: “Bài dịch của cậu khá tốt. Tuy nhiên có một dấu phẩy đặt không đúng chỗ”. Từ đó, Trần Độ đuợc Tổng bí thư tin dùng vào việc viết lách, tham gia làm báo Cờ Giải phóng. 
Ông Độ chứng kiến sự ra đời của “Đề cương văn hoá” do Tổng bí thư soạn thảo, rồi lại được giao mang sang phổ biến cho ông Lê Quang Đạo (khi đó là bí thư Thành uỷ Hà Nội). Ông Đạo bố trí cho ông Độ trực tiếp phổ biến đề cương cho các văn nghệ sĩ: Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng… Đây cũng là cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông với các văn nghệ sĩ có tên tuổi.Cố gắng truyền đạt thật tốt tư tuởng của đề cương và cũng từ lần đó, ông có duyên nợ đến suốt đời với văn hoá, văn nghệ.


Làm báo
Sau 2/9/1945, trở về Hà Nội, ông Độ tham gia làm báo Quân Giải phóng.Báo đựơc in ở nhà in tư nhân của ông Ngô Tử Hạ (một giáo dân, tư sản yêu nước), trên phố Nhà Chung. Bắt chước báo Cờ Giải phóng của Đảng (khi đó bán rất chạy), măng-set báo Quân Giải phóng cũng in màu đỏ.Ngoài hệ thống phân phối trong quân đội, các cháu bán báo dạo tích cực tham gia phát hành.Sáng nhận báo đi bán, chiều về giao tiền đầy đủ.
Cuối 1945, quân Tầu Tuởng kéo vào Hà Nội, thay mặt Đồng minh tuớc vũ khí quân đội Nhật hoàng. Chúng coi Việt Minh chỉ là mặt trận đoàn thể, không có quân đội nên Quân giải phóng phải đổi thành Vệ quốc đoàn.Vì vậy, báo Quân Giải phóng cũng phải đổi tên.
Bác Hồ cho gọi Trần Độ lên giao nhiệm vụ này. Trần Độ thưa:
-   Thế ý Bác định đổi tên báo là gì ạ?
-   Chú về suy nghĩ rồi báo cáo lại với Bác! – Bác trả lời.
Suy nghĩ kĩ chủ trương rút vào bí mật của Đảng, ông Độ chọn tên báo là Chiến thắng. Khi báo cáo với Bác, Bác đồng ý. Sau đó, Toà soạn báo Chiến thắng vẫn đặt ở 36 Lý Thường Kiệt và tiếp tục xuất bản thêm một thời gian nữa ở Hà Nội.


Bức ảnh lịch sử
Tôi được gia đình Trung tuớng tặng bức ảnh tư liệu lịch sử “Tiễn Bác Hồ  sang Pháp” tại Hà Nội, năm 1946.
Trong ảnh Trần Độ đứng thứ 3 từ trái qua. ông mặc bộ binh phục kaki mùa hè của sĩ quan Pháp (đầu đội mũ ca-lô có gắn sao, áo ngắn tay cùng quần soóc). Cùng đi với Bác Hồ có bác sĩ Trần Duy Hưng (người mặc veston trắng, đeo kính), là thị trưởng Hà Nội lúc bấy giờ.


Tiễn Bác Hồ đi Pháp, hè 1946.
Ông nhớ mãi lần vinh dự đón Bác, cả đơn vị dàn hàng ngang. Bác bắt tay từng cán bộ rồi căn dặn: “Giặc Pháp quyết chiếm lại nuớc ta. Ở Hà Nội, chúng dùng xe tăng, binh lính cùng nhiều súng ống, đạn dược tấn công, hòng bắt chúng ta phải khuất phục. Quân dân ta chỉ còn một con đường - chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Bác đi lần này cố tranh thủ các nhân sĩ, trí thức và những người yêu chuộng hòa bình ở Pháp không để chiến tranh xảy ra ở Việt Nam. Nhưng cũng không quá tin tưởng vào cánh thực dân phản động. Các chú ở nhà cố gắng…”.  
Đầu năm 1947, Trần Độ về nhận nhiệm vụ ở Khu 2 (Hà Nội) rồi là Chính trị uỷ viên mặt trận Hà Nội (khi đó mới 23 tuổi) mà Tư lệnh là ông Vương Thừa Vũ. Lúc này ta giành giật từng tấc đất với giặc Pháp. Và họ đã hoàn thành nhiệm vụ, giam hãm quân Pháp ở mặt trận Hà Nội gần 60 ngày đêm. Sau đó, Vệ quốc quân đã bảo vệ hàng vạn bà con Thủ đô vượt sông Hồng, rút khỏi Hà Nội an toàn.


Làm công tác chính trị
Sau khi rời Hà Nội, ông về làm truởng phòng Tuyên truyền (Chính trị Cục, Bộ Tổng tư lệnh).
Cuối năm 1947, ông nhận nhiệm vụ đưa các văn nghệ sĩ (nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, họa sĩ Mai Văn Hiến, nhà văn Nguyễn Công Hoan…) đi thực tế vào Khu Bốn. Khi đó, Nguyễn Sơn là Tư lệnh. Biết Tư lệnh là “tướng văn nghệ” nên các văn nghệ sĩ rất muốn gặp. Đọc giấy giới thiệu thấy cả Nguyễn Công Hoan - bạn học từ ngày ở trường Sư phạm Hà Nội – thì ông Sơn rất mừng và cho một cái hẹn (nhưng không hề đả động tên cán bộ đi cùng).
Sáng đó đưa nhóm văn nghệ sĩ vào phòng khách xong, ông Độ ra ngồi một góc. Ông Sơn vui vẻ: “Biết các văn nghệ sĩ đến đây; hôm nay tôi mời các anh tới nói chuyện văn nghệ chơi”.
Thấy Trần Độ ngồi lại, ông Sơn chỉ vào mặt, bảo:
-   Mày thì biết gì về văn nghệ mà ngồi đây?
Hiểu sự uyên thâm của Nguyễn Sơn, mong được học hỏi nên ông thành thật trả lời: “Tôi muốn ngồi nghe các anh nói chuyện để học tập”.
-   Ừ, thì cứ ngồi đấy!
Rồi ông Sơn bắt đầu câu chuyện, nói cứ như thơ như văn. Hết Mac-xim Gor-ki đến Bal-zắc, Gô-gôn… cùng các tác phẩm ông đọc qua tiếng Hoa, tiếng Pháp; hết chèo, dân ca Quan họ đến Opera, Kinh Kịch... Ông Độ cảm thấy mình thật hạnh phúc vì được mở mang kiến thức.(Sau này ông kể, tướng lĩnh ta thế hệ chống Pháp hầu như không qua trường lớp, toàn trưởng thành trong thực tế, sau ngày hòa bình mới có điều kiện đi học, nên ngày ấy toàn tự học).
Năm 2000, biết Hãng phim Vân Nam đang làm bộ phim tư liệu lịch sử về “Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn-Hồng Thuỷ” tôi xin phép ông cho vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hà (con cụ Nguyễn Sơn) đến xin tư liệu. Ông nhận lời ngay. Khi tiếp, ông cởi mở kể lại: “Cuộc đời chú rất phục ông Sơn, cha các cháu. Có chuyện vui, đầu 1946, khi chú được giao nhiệm vụ in ấn tài liệu của Quân đội Trung Quốc do các đồng chí hoạt động bên đó mang về, giảng dạy trong quân đội ta: Công tác chính trị đại đội, Chiến thuật trung đội… Ông Sơn có đến thăm, cầm mấy cuốn sách xem rồi vứt toẹt xuống đất: “Mấy cái thằng này biết cái gì mà viết. Ở bên đó khi tao đã cưỡi ngựa thì chúng nó còn chạy bộ”.Thế mới biết ông Sơn rất từng trải và giỏi giang.
Năm 1950 khi chỉ huy đơn vị sang Trung Quốc nhận vũ khí, chú lại ngồi cùng xe với ông Sơn. Ông nói, khi trở về Trung Quốc có ý tưởng thành lập một đoàn Kinh Kịch đi biểu khắp nơi trên thế giới. (Người nước ngoài mà dám giảng giải về Kinh Kịch, hát Kinh Kịch không phải loại vừa.Thế mới biết ông Sơn hiểu văn hóa Trung Hoa đến mức nào!). Còn cán bộ Quân giải phóng coi ông là thượng cấp, đến đâu cũng trọng vọng. Lần đó chú học được nhiều”.


Truởng thành trong chiến đấu
Năm 1954 khi 33 tuổi, ông là Chính uỷ Đại đoàn 312 (Tư lệnh là ông Lê Trọng Tấn). Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị ông đã bắt sống Tướng Đờ Cát ngay tại hầm chỉ huy của địch. Năm 1958, trong đợt phong tướng đợt 2 cho các sĩ quan cao cấp trong quân đội, ông đuợc nhận quân hàm thiếu tuớng khi vừa 35 tuổi.
Từ những năm 60, kế hoach đưa lực lượng vào Miền Nam được tiến hành. Tháng 10/1963, Quân ủy Trung ương thành lập Bộ Tư lệnh Miền do ông Trần Văn Trà làm Tư lệnh và Trần Độ làm Phó Chính ủy. Sang năm 1964, lần lượt Trần Văn Trà, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn vượt biển trên tàu không số vào Nam. Tiếp đến tháng 3/1965, Trần Độ, Hoàng Cầm đóng giả thương nhân, xuống tầu buôn của Trung Quốc, chạy dọc biển Đông tới cảng Sihanouk Ville. Tại đây, ông được đón về Phnompenh rồi đưa về căn cứ của ta ở sát biên giới. Hầu hết các tướng lĩnh của Sư đoàn 312 đựơc Đại tuớng Nguyễn Chí Thanh tin tưởng, đề nghị Trung ương cử vào Nam chiến đấu. Trần Độ chính thức nhận nhiệm vụ Phó chính uỷ Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đầu năm 1967, quân đội Mỹ dùng 4 vạn lính Mỹ cùng 5000 lính ngụy mở trận càn Gian-xơn Xi-ty, đánh phá căn cứ của Trung ương Cục. Chiến dịch kéo dài 53 ngày đêm, Mỹ thu đuợc một số vũ khí, quân trang quân dụng nhưng không có trận đánh lớn nào. Coi như thất bại. Trong số chiến lợi phẩm thu được có một thùng phim, ảnh của ta.
Mậu Thân 1968, cơ quan Tâm lí chiến của ngụy đưa lên báo Chính luận tấm ảnh xác chết cùng ảnh một người to lớn, mặc bộ bà ba đen (rất giống ảnh Trần Độ mà chúng thu được) với tít đậm giật gân “Tướng Độ bị hạ sát. Chính chuẩn tuớng Nguyễn Ngọc Loan đích thân chỉ huy cuộc săn đuổi… Tướng Độ cùng 8 người khác bị gục ngã tại phuờng Phú Định, quận 6...”. Bà con, bộ đội ta đọc đuợc tin này cũng hoang mang.

Hai bố con gặp nhau nơi chiến trường. B2 tháng 2/1972.
Nhưng ông không chết.
Sau 9 năm ở mặt trận, tới đầu 1974, ông trở ra Bắc. Tháng 3 năm ấy, ông được phong hàm Trung tướng cùng đợt với các ông Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn,Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên… Từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Sau này là Phó chủ tịch Quốc hội khóa 7.
Ngay những ngày đầu trở về với hậu phương lớn, đi thực tế khắp nơi, Trần Độ đã phát hiện những điều “không bình thường” ở miền Bắc XHCN. Ông có thư dài gửi tới cấp trên. (Toàn văn bức thư được đăng trong “Chuyện Tướng Độ”, tác giả: Võ Bá Cường - NXB Quân đội, 2007).
Đọc xong, ta thấy còn có tính thời sự cho đến ngày hôm nay.


Với văn nghệ sĩ
Cuộc đời không chỉ gắn liền với trận mạc mà cả lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Ông là uỷ viên sáng lập Hội Nhà văn năm 1957. Sau khi chuyển ngành ông đảm nhiệm Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Truởng ban Văn hoá văn nghệ Trung ương, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Quốc hội… Ông làđiển hình của cán bộ lãnh đạo rất hiểu tâm tư, tình cảm của các văn nghệ sĩ. Vì thế họ rất gần ông, hay tìm ông để trao đổi, tâm tư.
Họa sĩ Nguyễn Sáng bị căn bệnh mất ngủ triền miên, đêm nào cũng thức trắng, mệt mỏi và luôn có cảm giác như bị ai theo dõi. Hay tin, ông Độ đã lấy tiêu chuẩn thuốc an thần Meprobamat của mình gửi cho họa sĩ. (Ngày đó Meprobamat không có bán ở hiệu thuốc, chỉ cán bộ cao cấp mới được cấp). Như  thần dược, uống vào, Nguyễn Sáng thấy khỏe khoắn, ngủ sâu và ngay hôm sau có thể dựng giá, ngồi vẽ. Đi đến đâu ông cũng nhắc ơn này: “Ông Trần Độ đã cứu sống tôi”.
Sau này, khi ông vào TpHCM có đến thăm Nhà tưởng niệm Họa sĩ Bùi Xuân Phái - bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TpHCM của nhà sưu tập Trần Hầu Tuấn, kể lại với ông chuyện này; ông đã nói với chúng tôi một câu thật tâm đắc:
- Quan, tướng như chúng tớ cũng chả là cái gì nhưng văn nghệ sĩ chỉ cần một tác phẩm hay sẽ để đời. Tiền bạc và quyền lực sẽ qua đi, chỉ có những tác phẩm văn hóa, văn nghệ là sống mãi. Nên chúng ta phải biết điều này và trân trọng văn nghệ sĩ, họ là tài sản của quốc gia.

(Còn tiếp!).

7 nhận xét:

Nặc danh nói...

Kiến Quốc viết bài này cũng rất giống tướng Trần Độ : vừa chính trị lại vừa văn nghệ.
N.TV

TranKienQuoc nói...

Thằng bạn bên ấy chưa ngủ à? Nhớ anh em lắm.
N.TV khen quá, mọi người cười chết! Thích viết cho anh em và gia đình thôi. Nhận được ảnh bà Tôn Thị Quế, 1 trong 8 đại biểu nữ ở Quốc hội 1 (1946) chưa?

TranKienQuoc nói...

Vì bị tra tấn dã man, bà Câu bị chết trong tù Hỏa Lò, sau chúng đem đi chôn ở mạn Hoàng Mai. Nhờ nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng mà ông Độ tìm thấy chị mình. Bà được an táng ở quê nhà. Trước khi mất, để khỏi "phiền tổ chức", ông Độ cũng xin về quê nằm bên bố mẹ và bà chị.
Tôi tâm đắc vì tài ba, sống có tâm, sự khảng khái của ông. Người tốt sẽ sống mãi!

Nặc danh nói...

Trần Hải,con út, có vẻ giống chú nhất?

Nặc danh nói...

Trần Hải có phải Trỗi?

HMK6

Nặc danh nói...

Không, chỉ có Vinh Quang. Hải đi lính về học Xây dựng, ngang k11 Học viện KTQS.

Thắng k5 nói...

KQ viết tiểu sử các vị tướng rất chuẩn, tuy nhiên chỉ nói về Vinh mà bỏ qua cái sự buồn về cuối đời của các vị đó.Đất nước đổi thay sau này chắc chắn sẽ tiếp tục tôn vinh các vị tướng đó. KQ cố mà tồn tại đến ngày đó để hoàn thành tiếp sứ mạng lịch sử mà ND giao cho nhé.