Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2011

Chuyện HN: Thời bao cấp

Đã 6g30 chiều, đến giờ phải đi mừng đám cưới cháu Hà Chí Công, con Hà Chí Quang, nhưng vẫn muốn post lên bài viết hay về HN chúng mình thời bao cấp. Đọc để nhớ, để hiểu và có gì chăng  với thời cuộc mới!
Mời các bạn cùng đọc bà viết của Vương Trí Nhàn!

Một cách làm sử
Mặt nghệt ra như mất sổ gạo.
Một yêu anh có may ô -- Hai yêu anh có cá khô để dành -- Ba yêu rửa mặt bằng khăn--- Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa.
Những câu ca dao tục ngữ ấy được dịch hẳn ra tiếng Anh rồi được kẻ nắn nót cẩn thận trên những bức tường lớn, dưới đó là mấy gian trưng bày các hiện vật theo một cách thức mà trong điều kiện ở Hà Nội này phải gọi là “hoành tráng”. Đó là một căn hộ thu nhỏ với những vật dụng phổ biến một thời, kể cả cái hố xí được ngăn lại để nuôi lợn. Đó là một cửa hàng gạo có kèm theo thông báo tháng này bán gạo thế nào. Rồi một cửa hàng bách hóa với biển hiệu rỉ nát và những bao thuốc cũ mèm, tưởng như sắp mốc đến nơi. 
 Bộ sưu tập Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp đã trình diện như thế tại bảo tàng có uy tín số một hiện nay, Bảo tàng dân tộc học.
Một định hướng lớn của bộ môn lịch sử - văn hóa thời hiện đại là đi vào những chuyện có vẻ không có gì đặc biệt, nói theo nhà nghiên cứu F. Braudel, “những cấu trúc của sinh hoạt đời thường”.
Một lần tôi đọc tờ báo chuyên về điểm sách của Nga, được biết bên Moskva họ cho dịch cả những cuốn kể chuyện nước Đức thời Hitler, người dân thường đọc sách gì, xem phim gì, đi làm bằng phương tiện gì, học sinh học sử ở trường ra sao, mơ ước về tương lai ra sao. Còn bản thân người Nga cũng làm những cuốn tương tự, trình bày riêng về từng giai đoạn như các thập kỷ sáu mươi, bảy mươi thế kỷ XX.
Mà chẳng phải đến thế kỷ XX người ta mới làm vậy. Trung quốc, ngoài các bộ chính sử kinh điển, lại sớm có từ lịch sử ăn mày, lịch sử lưu manh, tới lịch sử trò chơi, lịch sử tuyển chọn người đẹp tiến cung (bản tiếng Việt mấy cuốn này đều đã in ra từ mấy năm trước).
Còn ở mình thì sao? Cách hiểu về sử quá cổ lỗ. Lịch sử thường chỉ dành riêng cho những chuyện quen gọi là thiêng liêng, và quá khứ thì cứ bị quấn vào hiện tại, để rồi người viết lúng túng như gà mắc tóc, làm khoa học cũng cũng vật vờ mà làm chính trị cũng nửa vời kiểu ăn theo, chẳng đâu vào đâu.
Giở lại cuốn Từ điển tiếng Việt của Văn Tân do NXB Khoa học xã hội cho in năm 1977, thấy mặc dù đã nói tới hiện tượng móc ngoặc đến những người chuyên nghề phe phẩy, song hai chữ bao cấp vẫn chưa có mặt. Người ta cũng có thể quan sát thấy tình trạng tương tự ở các từ điển từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài (chẳng hạn từ điển Việt Hán) cùng xuất hiện trong thời gian trên. Mãi đến từ điển Hoàng Phê mới thấy bao cấp được định nghĩa đầy đủ.
Từ nhiều năm nay trong xã hội đang tồn tại một tình trạng sinh hoạt tinh thần có thực -- những vấn đề có ý nghĩa nhận thức như “ta đang là gì”, “ở vào tình trạng như thế nào “ không được xã hội xem trọng ; mỗi khi cần thay đổi, chỉ thích bàn nên làm thế này thế nọ mà không chịu nghĩ lại xem bắt đầu từ đâu, dân mình đang có những chỗ hay chỗ dở ra sao. Nói chung nhiều lúc thích sống về phía trước hơn là quay lại chuyện cũ.Mà khi người ta không tự hiểu mình, không có sự đánh giá đúng đắn về quá khứ thì mọi hành động lao tới phía trước rất dễ sai lệch.
Xét trên mặt bằng chung đó, phải nói phòng trưng bày Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp là một nỗ lực khai phá mở ra một hướng nhìn lại quá khứ rất có triển vọng. Nhờ sự gợi ý và giúp đỡ của một số tổ chức quốc tế (1), lần đầu tiên có một cách tổng kết lịch sử theo cung cách rất hiện đại. Nhân triển lãm người ta có thể nghĩ lại về cách sống một thời, từ đó liên hệ với sự phát triển của con người trong hoàn cảnh của nền kinh tế thị trường hôm nay.
(Còn nữa)


4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Rêng bác Khôi điếc có bài:
Một yêu anh có xế-lô -- Hai yêu anh có đồng hồ Lip-man -- Ba yêu anh có 2 bàn--- Bốn yêu anh có 1 đàn Jit-Con.

Nặc danh nói...

Đọc bài này lại nhớ đến mấy câu ca dao thời bao cấp:
Tông Đản là của vua quan
Nhà thờ là của trung gian nịnh thần,
Đồng Xuân là của thương nhân,
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.

Nặc danh nói...

Năm 2009 tôi đi công tác Hàng Châu,được nghe nguyên phó bí thư tỉnh ủy Triết Giang La Bình Ba nói rằng vào cuối những năm 70 những chàng trai có: đồng hồ đeo tay,xe đạp,đài songmao là đối tượng được các cô gái Hàng Châu (có tiếng là đẹp ở TQ)săn.
BẢN NĂNG CON NGƯỜI Ở ĐÂU CŨNG VẬY,CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN. kHchiến

Nặc danh nói...

thời bao cấp !!!Tôi đã xem hết phim BÍ THƯ TỈNH ỦY .tuy là phim nhưng thấy xúc dộng.Ông Kim Ngọc cũng có con bằng tuổi bọn mình thì phải,học chdc Đúc ? đúng là cái khó ló cái khôn.