Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Làm báo "Quân tình nguyện ở Lào" (Phạm Đình Trọng - tiếp)

Ngày ấy, tôi là phóng viên trẻ nhất. Lần sang Lào đầu tiên, không quen trèo đèo lội suối, đi được nửa đường, tôi bị bong gân, phải nằm lại bệnh viện dã chiến của bạn. Nghe thanh niên nam nữ Lào và Việt  tán chuyện vui, các cô gái Xiêng Khoảng cười ngặt nghẽo, tôi buồn bực vì “điếc đặc”, nhất là lúc họ nói gì đó về tôi. Tôi hạ quyết tâm học bằng được tiếng Lào. Vào tới Phu Nhu, nhắm lúc thuận lợi, tôi xin anh Hoàng Tống đi xuống Mường Pẹc, vùng giải phóng xã Khăng xã Khai. Ở đây, tôi quen gia đình mẹ Xi Phăn, kết xiều với người con trai trưởng Thoong Mi. Ông bà Xi Phăn thấy tôi tóc quăn, da đen chứ không trắng như các chiến sĩ Việt Nam khác liền đặt cho tôi cái tên Lào là Thoong Đăm (Đồng Đen).  Thân với gia đình mẹ Xi Phăn, tôi tham gia nhiều hoạt động của thanh niên xã Khăng, tập vỗ trống, múa lăm vông và tập hát các điệu lăm, điệu khắp. Người dạy nhiều tiếng Lào cho tôi là bé Chăn Tha Von. Sau một tháng, ngoài kí sự “Xã Khăng kiên cường đánh Mỹ” nộp Tổng biên tập, tôi còn nhồi vào đầu được ít tiếng Lào.
          Biết một chút tiếng Lào là một lợi thế, khi chiến dịch “Z” chuẩn bị, tôi  xuống dân, đến các đại đội, tiểu đoàn của bạn và thường xuyên đi đơn vị phía trước, dự những buổi lễ ra quân, có Thủ trưởng Bộ Tư lệnh 959 hoặc Tư lệnh Quân khu Xiêng Khoảng Khiểm Phon giao thừng bắt tù binh; khí thế ngất trời. Bây giờ nhớ lại, vừa tự hào vừa tiếc nuối những ngày hào sảng khí phách nam nhi thời loạn.
Một đêm trung tuần tháng 12 năm 1971, cụm pháo Bản Thẳm gầm vang: Chiến dịch “Z” mở màn! Hai ngày một đêm pháo các cỡ giọt trúng các điểm cao, đặc biệt “ưu tiên” cho Phu Tôn, Phu Tha Nêng và Phu Seo. Ở hướng Đông Bắc, bạn pháo kích Kiều-ca-chăm cũng với cường độ chưa từng có.
Tôi cùng anh Tư Đương, Phóng viên báo QĐND, xuống bám cụm pháo bản Thẳm, để rồi sau đó đến Trung đoàn 141 và 165 của Sư 312, hai đơn vị chủ công đánh quân Thái Lan phòng ngự Phu Tôn, Phu Tha-nêng.
Tổng biên tập Hoàng Tống phải ở nhà viết ngôn luận (mà chúng tôi gọi đùa là “hô hoán”). Báo Chiến sĩ miền Tây chỉ có 3 phóng viên viết tin bài và chụp ảnh nhưng lực lượng TTV và CTV khá mạnh. Sư đoàn 312 xứng đáng với danh hiệu chủ lực, kể cả phương diện báo chí tuyên truyền. Ở đây có các cây bút viết giỏi như Hà Đình Cẩn, Nguyễn Phúc Ấm, Trịnh Duy Sơn…, có những nhà thơ đậm chất lính như Nguyễn Đức Mậu, Gia Dũng, Trần Duy Đới, Trịnh Duy Sơn…Chiến dịch phát triển tới đâu, TTV và CTV viết tới đó gửi về Chiến sĩ miền Tây, có bài đăng báo Mặt trận, có bài chúng tôi dùng điện thoại quân sự đọc về số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội cho báo QĐND. Điều cần phải chú ý khi viết tin bài và biên tập bài Quân tình nguyện là giữ bí mật. Sư đoàn 312 trong chiến dịch xuất hiện gương Hoàng Đăng Miện. Tôi chụp ảnh Miện kèm bài. Báo in xong mới phát hiện ra: Tên Việt Nam nhưng đội mũ Quân giải phóng Lào. Thế là công nhân in mất cả buổi xóa tên. (Năm 1972, Sư đoàn 312 về tham gia chiến dịch Quảng Trị. Hoàng Đăng Miện lập công xuất sắc nhưng đã hi sinh. Anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND). Lần khác, anh Nguyễn Cường, CTV ở Sư 316 gửi gương đại đội trưởng Nguyễn Văn Đột. Chúng tôi sửa thành Bun Đột cho thành Lào, bị anh em cán bộ chiến sĩ bôi bác.
Chiến dịch “Z” như một cơn bão lớn, trong 12 ngày đêm, địch bị quét sạch khỏi Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng. Rất nhiều quân Thái Lan, quân Mẹo bị bắt làm tù binh. Tôi đã đến trại tù binh bản Khao gặp tên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Thái Lan đóng ở Phu Tha-nêng. Lâu ngày, tôi quên mất tên gã tù binh Thái nhưng còn nhớ hắn quê ở huyện A-dút-thay-da. Khi tôi hỏi: “Anh thấy cuộc đụng độ trên Phu Tha-nêng thế nào?”. Hắn dùng mình, so vai và thốt lên “Xu lốp kềng thi xút!” (Các ông đánh quá giỏi).
Ta đã chủ quan sau chiến thắng vang dội ở Cánh đồng Chum. Địch tan tác ở đấy nhưng không tan tác ở Xảm Thông – Long Chẹng. Quân Thái Lan và lực lượng “đặc biệt” của Vàng Pao đã chống trả quyết liệt, mặc dù Tướng Vàng Pao, chỉ huy quân Thái và cố vấn Mỹ đã chạy qua sông Mê Công.
Truy kích địch tới sào huyệt của chúng thì ta cũng hết hơi. Pháo lớn bắn nhỏ giọt. Xe tăng không còn mấy chiếc, cái thì rệu rã, cái thì cạn xăng. Mấy chiếc bị đứt xích vì đè phải mìn. Lá chắn Phu Mộc, giành giật quyết liệt nhưng cuối cùng ta không giữ được. Anh Hoàng Tống và tôi vào đến hang Ruồi Vàng, nhìn thấy Long Chẹng rồi mà đành đứng ngó cái “Thung lũng Ánh sáng” ấy và hứng mấy quả pháo 155 ly của Thái Lan. Trong khi chúng tôi cách sào huyệt địch không xa thì anh Thụy ở Phu Nhu báo vào, trực thăng đổ quân ngay trên đầu. Các vị phải sẵn sàng đánh địch suốt ngày đêm, treo ống bơ ngoài cửa hang đề phòng thám báo. Anh Tống cười, phơi hàm răng xún: “Tay Thụy thật giông. Ở hậu phương mà bị Vàng Pao hỏi thăm”.
Tướng Lê Trọng Tấn lệnh rút quân, chuẩn bị cho mùa mưa đánh phản kích. Đó là một quyết định sáng suốt.
Tuy  nhiên, tôi cứ tiếc, giá như lường trước được tình hình, thay vì đánh Xảm Thông – Long Chẹng, ta đánh Buôm Lộng, nhất định nhổ được cái gai sau lưng.
Nhưng mà trong chiến tranh, ai có thể học hết chữ ngờ. Trong thế chẻ tre, cán bộ chiến sĩ nào chẳng muốn thừa thắng xốc tới, nhất là người chỉ huy. Chiền dịch “Z”, ta  thế là giỏi, rất giỏi.
Bộ đội đánh quá giỏi, dĩ nhiên tờ báo Mặt trận vắt chân lên cổ mà chạy. Anh Hoàng Tống hầu như không ngủ. Nhà in hầu như không ngủ. Mấy số báo chỉ có một mặt in tin tức và xã luận còn mặt kia là khẩu hiệu mang tư tưởng chỉ đạo hoặc cổ vũ tinh thần. Báo cũng chẳng có định kì, 3 ngày 1 số khi chiến tranh nghỉ giải lao, 1 ngày in luôn 2 số lúc trận chiến ào ạt khắp các hướng. Rất độc đáo.
Kết thúc chiến dịch “Z”, tập thể báo CHIẾN SĨ MIỀN TÂY được thưởng Huân chương chiến công hạng Hai, Tổng biên tập Hoàng Tống được Huân chương chiến công hạng Ba. Chúng tôi mở tiệc ăn mừng tại hang đá nhà in Hoàng Tiến, có thịt cầy hương và giọng hát ngọt ngào của cô y sĩ tóc quăn.
Tp Hồ Chí Minh ngày 17-6-2010
                                                                                           P.Đ.T.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thầy nào trò nấy! Thầy của ta cũng oách quá!
Những bài như thế này mới biết được cái thực, mặt trái của cuộc chiến. Hay!