Quanh xóm tôi cứ 15’ lại nghe thấy tiếng “rao máy” của mấy chú đi Honda, chạy lang thang hết phố này đến phố khác, ngay ghi-đông gắn cái loa lải nhải: “Mua đầu máy khâu, mua đồng hồ Rado, mua ti vi cũ, mua máy bơm nước, mua tủ lạnh…” với cái giọng Bắc, nghe đều đều, khê khê. Hay thật, xã hội phát triển, công nghệ hiện đại được áp dụng nên chả phải rao mồm như xưa.
Nhớ những năm 60, cứ nghe rao đầu ngõ: “Ai chè nát chai?” hay “Chè nát chai bán đơi!”, chạy ra là thấy mấy bà nhà quê, đầu chít khăn nâu mọ quạ, áo trắng đã đổi sang màu cháo lòng vì suốt ngày phơi mưa nắng, chân xỏ “dép cao su” mỏng dính, có vòng gài ngón chấn cái, đang quảy gánh đồng nát với 2 thúng đựng trăm thứ bà dằn: nào ông bơ, chai lọ, nào sợi dây điện, nào sách báo... có cả mấy ống nước làm bằng chì (chắc có chú nhóc nào đào trộm ống nước mang ra bán lấy tiền ăn kem!).
Nghe rao, nhà nào cũng nhìn góc nhà xem có đồ gì vứt đi, mang ra bán. Mấy bà này cũng “trưng trắc”, kiên quyết giữ giá, còn “chủ hàng” thì cố cò kè thêm 1-2 giá. Mỗi lần như thế, ít là 5 xu, không thì bán được vài hào. (Lần nào cũng thế, cô Tâm nhà tôi cũng phải mặc cả cho thêm được 1, 2 hào. Hàng vứt đi của nhà tao cũng "xịn", chứ bộ!).
Bọn trẻ con ngày ấy có mấy câu hát kiểu đồng dao: “Chè nát chai, lông gà, lông vịt/ Giầy kếp rách, mũ li-e, nồi nhôm”, hát về mấy bà buôn chè chai cùng những “mặt hàng” họ thu mua.
Lại nữa… “Hàn nồi, hàn xoong đơi!” là chào hàng của mấy bác chuyên hàn, vá nồi đồng, nồi nhôm. Cũng chả có gì, cạo vết thủng sạch sẽ rồi lấy miếng đồng thau, hay sợi dây điện nhôm cắt vụn ra, tán vào lỗ thùng; sau dùng búa gõ nhẹ vá kín vết thủng. Cuối cùng là lấy lá cây gì đó (chả biết có phải là duối?) vò nát, chà vào khe, lấp kín những chỗ hở. Cái trò này vậy mà hay, xoong nồi vá xong cấm thấy bị thủng nữa. Tài thật!
Lại nữa… “Mài dao mài kéo đơi!” là tiếng rao của mấy bác thợ mài dao kéo. Dao, kéo dùng mãi thì phải cùn, phải mòn. (Ngày xưa chưa có bán cây tự mài dao cho mấy bà nội trợ như bây giờ). Vậy là có ngay “divu”. Sau pooc-ba-ga của ông thợ mài dao buộc khung gỗ có buộc thanh đá mài, màu xam xám, mặt đã mòn vẹt. Cũng chỉ kiếm gốc cây, tháo đá mài ra, xin tí nước máy, bôi ướt con dao và đá là… mài. Chí 1 lúc là sắc lẻm.
Những người hành nghề đa số là dân ngoại thành, chân chất. Họ chăm chỉ nhặt nhạnh, làm việc. Riêng cái tiếng rao “đơi” cũng nói lên điều đó.
2 nhận xét:
Vào khỏang 1958-1959 chúng tôi con cái bộ đội hay ra,vào Câu lạc bộ Quân Đội,khu gia đình của Bộ tổng tham mưu (nằm sau bệnh viện 354).Tại đó có các nhà nát,trên tường còn sót lại các đọan giây điện bọc chì, tôi và Ng.A.Tường nhặt nhạnh,bán đồng nát được ra phết.Đó cũng là một kỷ niệm vui của tuổi thơ con cái bộ đội như chúng tôi.
Người thu mua phế liệu,thường là người nghèo ngọai thành ,họ góp nhặt nguyên liệu cho sản xuất thủ công , góp phần tiết kiệm cho xã hôi.K.Ch
Tôi còn nhớ hồi nhỏ, hồi còn ở nhà ông bà ngoại ở phố Lò Đúc thì cứ đến chiều chủ nhật là lại có một bà chắc ở tận ngoại thành gánh đôi thùng đến nhà tôi lấy nước vo gạo, các đồ ăn thừa ở cái thùng mà bà ta đã đặt từ trước. Để đổi lại thì thỉnh thoảng bà ta lại mang đến cho nhà tôi một cái chổi lúa. Có lần tôi chứng kiến cảnh một bà khác lạ hoắc đến lấy nước gạo nhưng chẳng may lúc chưa ra đến cổng thì bà kia vừa tới và thế là xẩy ra một trận kịch chiến đến nỗi hai thùng nước gạo đổ tung tóe ra khắp sân. Cảnh này giờ đi vào dĩ vãng rồi vì tất cả mọi thứ đều được các gia chủ đổ xuống cống. Sát tường nhà tôi là nhà máy rượu Hà Nội và không hiểu tại sao mà những chai rượu vỡ thường được xếp vào các thùng sắt để ngay chân tường. Chu cha, với bọn tôi thì các chai rượu vỡ đó là cả một gia tài lớn từ trên trời rơi xuống. Chiều chiều, khi nhà máy hết giờ làm việc, chỉ còn mấy ông bảo vệ ngồiđuổi ruồi, vặt râu cằm ở phòng bảo vệ thì bọn tôi cứ thế lượn các vỏ chai để hôm sau bán cho mấy bà đồng nát rồi mua bi hoặc ăn kem, bánh gối, ... trước những con mặt đầy ghen tị của bạn bè. Nghĩ lại mà vẫn thấy sướng.
Đăng nhận xét