Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Chuyện HN: Quà Hà Nội (Tiến "gù" - tiếp)


2-/ Hàng rong
Đi ăn với phụ huynh cũng thích , nhưng phải nghiêm túc , không được đùa nghịch , không được tự do gọi món , nên bọn trẻ ranh chúng tôi thường thích ăn quà của mấy người bán rong , hơn nữa khi “tự lập” nghĩa là chúng tôi được phát tiền , khi thì được phát “tuần” nhưng nếu thấy bọn tôi “chi bậy” là lập tức các vị huynh chuyển sang phát “ngày” , kiểu gì chúng tôi vẫn có “ngân khố riêng” ( gọi thế vì mùa hè chúng tôi thường lận tiền vào cạp quần đùi cho tiện việc “chi tiêu” )
Có loại hàng quà rong bây giờ mất hẳn ví như hàng “sực tắc” ở khu vực Hàng Đào , Hàng Ngang …Hàng Bông …,Chợ Đồng Xuân , thực ra đây là hàng phở mà cửa hàng nằm đâu tại phồ Cầu Gỗ , cửa hàng cho vài nhân viên đi rao hàng không phải bằng mồm mà bằng cách cầm hai thanh tre dài chừng 20cm , rộng khoảng 3cm , đi tới các phố có các cô , các mợ bận ngồi bán hàng không bỏ hàng đi ăn được , họ gõ hai thanh tre vào với nhau (như kiểu tiếng búa cái búa con của làng Canh tôi ) tiếng “sực” là do họ để nghiêng hai thanh tre gõ vào nhau nghe tiếng “sực” , còn khi họ lấy thanh tre nghiêng gõ lên mặt phẳng của thanh tre kia sẽ thành tiếng “cắc” nhưng họ cứ bảo là “tắc” , các mợ thường gọi : “ Nhỏ ơi , cho mợ hai bát tái nước trong , nhiều thịt ít bánh nhé , đi rảo chân kẻo nguội hết phở của mợ đấy” Thế là thằng nhỏ thôi gõ ( vì nếu tiếp tục gõ người khác cũng gọi thì không thể bảo đảm phở cho Mợ kia được ) nó chạy như bay về nhà hàng báo chủ làm ngay hai bát , nó cho vào cái khay đậy một chiếc lồng bàn nhỏ lên và đi rất nhanh đến nơi mợ khách đang ngồi đợi ( bên cạnh đó là tôi cũng ngồi đợi bà cô “mời” một bát ) Ở các phố Hàng Bông , Hàng Gai , Hàng Đào ngày xưa ( đến năm 1956 vẫn còn ) có một số cửa hàng vải của người Ấn Độ mà hồi ấy trẻ con chúng tôi không biết gì toàn gọi là “Tây đen bán vải”, họ cũng thường gọi món “sực tắc” để ăn sáng .
Quà sáng của bọn trẻ con “tự lập” như tôi hồi ấy thường là bánh mỳ patê của mấy ông bán bánh mỳ rong bằng cái xe gỗ , trên xe có cả lò than nướng bánh và các vật liệu khác đẩy đi khắp các phố , thường thì các ông ấy chả bao giờ phải rao vì dân mặt phố như bọn tôi cứ vào giờ ấy “đến hẹn là gặp” , có hôm chả hiểu sao tôi không mang tiền , quên nhưng vẫn gọi ông ấy làm cho cái bánh mỳ 1 hào ( 5 xu thì nửa cái chỉ có pa tê , một hào cả cái và được quẹt một lớp bơ mỏng tang trước khi cho pa tê vào ) ông ấy bảo “mai trả cũng được” . Ở Phố Huế nhà tôi ( thời Pháp gọi là Phố Duy Tân , “hòa bình lập lại” nhà nước đổi tên , tôi cũng thấy lạ vì theo như sử chúng tôi được học thì Duy Tân là một ông vua yêu nước ? ) thì buổi sáng , thậm chí cả ngày đầy hàng quà , ở đầu phố ( có “địa danh” mà “dân bản địa” chúng tôi thường gọi là “ngã tư nhà rượu” ( ngã tư giữa Phố Huế với các phố Tô hiến Thành và Nguyễn công Trứ , rẽ theo Nguyễn công Trứ là đi đến nhà máy rượu ) bao giờ cũng có : hàng cháo sườn ; khoai lang , khoai sọ , sắn luộc ; bánh dầy , bánh giò ; bún chả ; bún riêu ; bún ốc …
Có một thứ quà sáng bây giờ cũng làm nhưng không ngon bằng ngày xưa , đấy là xôi lúa và xôi xéo . Gọi là “xôi lúa” nhưng lại là ngô nếp đồ với gạo nếp ,có hành khô phi vừa ròn vừa thơm , có đậu xanh nghiền nát nắm thành bánh rồi bà hàng xôi thái từng lát mỏng vào bát , các bà bán xôi thường từ làng Hoàng Mai lên bán cho đến năm 56-57 tôi vẫn thấy các bà ( kể cả các bà đi bán rau rong ) mặc áo dài tứ thân , mầu nâu , hai vạt trước buộc lại , đi bán hàng rất văn hóa , lịch sự  .
Đến giữa buổi ( khoảng 9 giờ ) tôi thấy tiếng rao ời ợi : “ Ai tiết nóng đơi” , hồi ấy còn bé tôi chả biết là tiết gì , tiết trâu , tiết bò hay tiết lợn chỉ thấy chén thú vị là mua , 5xu được một miếng tiết bằng cái bát ăn cơm , khuôn hình đúng như thế bên trên miếng tiết là một lớp hành hoa thái nhỏ rắc lên thơm phức , thế là ăn thôi .
Vừa ăn tiết xong ( nếu là mùa hè ) lại nghe thấy tiếng rao : “ Tào…..phớ” . Người ta rao tiếng “Tào” nhỏ , âm “T’ gần như bị nuốt chỉ nghe thấy âm “…ào…..” kéo dài lê thê đến hai ba giây , rồi đột ngột xuất hiện âm “phớ” rất to , đanh và nhanh , tiếng rao mệt mỏi của người bán hàng vào lúc gần trưa hè nghe thật nóng nực muốn ăn ngay một bát cho mát ruột , nếu ở xa hoặc như tôi đang ở trên gác thì chỉ nghe thấy tiếng “phớ” là lao xuống thang gác chạy ra phố chỉ gọi “phớ” là người bán hàng lại ngay , dù đã đi quá dăm bảy nhà .
Buổi tối mùa đông , rét , cũng lắm mùi vị và tiếng rao hấp dẫn , trước hết phải nói tới : “ Phơ …phơ ….ớt” , đó là phở gánh ( đến năm 1956 ) vẫn còn , cũng như tiếng rao “tào phớ” tiếng rao “ phở ớt” cũng thế , tiếng “phở” được rao là “phơ….”  ( không có dấu hỏi ) kéo dài dăm ba giây rồi tiếng “ớt” đột ngột cất lên nhanh , đanh , ngắn nên nhiều ông rao nghệ thuật đến mức người ta nghe như chữ “phớt …” được kéo dài ra , sau này có ông rao : “ Phơ …phớt ..phớt”  , mùi nước phở ( “mùi phở” có mùi đặc trưng riêng , biết cách mới tạo ra được , hiện nay nhiều hàng phở đề biển quảng cáo “ phở Bắc” , “phở gia truyền” nhưng không tạo được “mùi phở” tôi vẫn gọi là “bánh đa thịt” ) . Đêm mùa đông co ro vì rét , nhưng thấy ông “phớt” đến là bọn tôi tung khăn choàng , lao xuống phố làm một bát , ông “phớt” gánh hai cái thùng gỗ to , một thùng là cái “hỏa lò” trên đặt nồi nước phở sôi sung sục , khói nghi ngút “mùi phở” theo gió bay đến tận cuối phố , một thùng chứa các loại vật liệu cho một bát phở , phía trên có một mặt bàn nhỏ để thái bánh , thái thịt , xung quanh mặt bàn là các chai dấm , tương ớt và …Chỉ cần 2 hào là tôi đã cay sưng mồm – vì là phở ớt – đúng lúc đang định đi lên nhà thì ông “phása răng dài” với thùng lạc rang húng lìu thơm phức lù khù đi tới , bọn trẻ ranh chúng tôi gọi ông là “phá sa răng dài”  vì ông là người Tầu xịn , trên đầu đội một chiếc nón cói Tầu , ông đã già vì thế răng ông chiếc có , chiếc không , lợi bị rút hết nên trông răng ông dài như quả chuối ngự , ông đi qua phố tôi một ngày bốn năm lần từ sáng đến tận đêm khuya , một gói lạc 5 xu trong tay chúng tôi lên nhà nằm trong giường vừa ăn vừa bắt đầu ngủ . Kết thúc một ngày về việc “quà” .  

6 nhận xét:

Nặc danh nói...

đúng là dân "lang Canh" , "Lò rèn" đấy bác gù ạ , đọc bác tả mà thèm bây giờ lấy đâu ra phở ớt nhỉ . Hà nội xưa hay thật .

TranKienQuoc nói...

Nhớ mấy ông Tầu hay bán bánh gối, thịt bò khô truớc cổng truờng. Ông nào đánh kéo cũng choanh choách. Bánh gối cắt 1 đầu, đổ tuơng ớt vào thật nhiều. Ăn ngon lắm, đê mê!
Còn tối tối hay có xe đẩy bán lục tào xá, chế mà phù. Đây là các loại chè Trung Hoa.
Còn nghe "Ai tào phớ!" thì chạy ra đầu ngõ đã thấy ngay 1 ông già quẩy đôi thùng gỗ có đậy 2 tầu lá cọ. Ông dừng lại, lấy bát nuớc đuờng, dùng nửa vỏ điệp to làm "dao" hớt tào phớ cho vào bát. Ngửi thấy mùi thơm của nuớc đuờng uớp hoa nhài, ăn rất mát.

Nặc danh nói...

ngay goc nga tu Hai ba trung-Hang bai phia rap Kim dong canh pho TU LUN co may ba ban bun oc bun cha,ngoi cai ghe go bet sat dat, troi mua dong an rat ngon bay gio con thay them thuong ,Nhung bay gio cho ngoi kieu do chac la chiu thua.KQ cang kg the ngoi duoc(Bung thang nao gio cung phe)

Nặc danh nói...

Có thứ đồ uống "bát bảo lường xà" uống mát, có vị thuốc bắc, cũng là đồ uống giải khát của người Hoa. Họ đẩy xe có tủ kính từ Hàng Buồm hay mấy phố cổ lên ngã 4 Trần Phú bán. Đâu như 5 xu 1 bát.

Quế Lâm nói...

Mẹ em khi tập kết ra Bắc vẫn còn là HSMN . Các HSMN này " tìm hiểu " rất hăng các món ăn ở ngoải . Ai rao món gì cũng gọi vô mua . Nhiều món tưởng lạ mà hóa quen như " lạc rang đơi " ... Rồi 1 ngày món TẨM QUẤT cũng được gọi vô mua . Ông lão tẩm quất bước vô trải chiếu xuống đất và " mời cô nào nằm xuống " . Mẹ và các dì chạy có cờ . Không biết tinh thần ăn uống của các bậc lão thành sau đó có giảm đi hay không thì Quế quên hỏi mẹ .
N.H.QUẾ

TranKienQuoc nói...

Đã có bài viết về "A quất!" trên BT5 rồi đấy!