Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Ba thằng bạn cùng làng (5) - Duy Đảo

Giải phóng xong, Hà muốn về quê ngay. Nhưng công việc nhiều. Mãi tới đầu năm 1976, ông bác họ mới gọi Hà lên. Ông ôn tồn: “Quê hương đã thống nhất, bây giờ là lúc cần có nhiều lực lượng để củng cố xây dựng đất nước. Hiện bên dân sự đang cần một số cán bộ nòng cốt để phát triển ngành: Hải quan, công an và các khối kinh tế. Quân đội cũng đang có chủ trương giảm bớt quân số. Cho cháu 3 lựa chọn: Hải quan, công an và kinh tế. Kinh tế thì Bộ Thuỷ sản đang thành lập một xí nghiệp đánh cá lớn hoạt động trên biển, đó là xí nghiệp đánh cá Chiến Thắng. Đợt này cho cháu về phép thăm gia đình rồi suy nghĩ chọn hướng nào thì tùy. Vào phép bác sẽ cho chuyển ngành. Ngữ mày chữ ít, sức khoẻ lại kém, không phục vụ quân đội lâu dài được. Là người lính từng kinh qua bom đạn chiến tranh nay hoà bình tăng cường cho lĩnh vực kinh tế thì quý lắm, cháu ạ”.


Rồi ông bảo quản lý đơn vị chuẩn bị cho Hà gói quà. Khi sắp xếp đồ đạc mở gói quà ra Hà hết sức cảm động, trong đó gồm hai cây Rubi Queen, xấp vải đen, vải hoa, ký mỳ chính, ít mỳ tôm, bánh kẹo và cái bật lửa chiến lợi phẩm thu được trong dinh Độc Lập có chữ ký của kẻ bại trận, Tổng thống Thiệu, làm kỷ niệm.

Quãng cuối năm 1976, tôi có dịp vào Nam. Khi chuẩn bị ra Bắc theo địa chỉ tìm tới thăm Hà. Tôi không còn nhớ căn nhà Hà ở lúc đó nằm ở phố nào, chỉ nhớ ở quận 5. Đấy là ngôi nhà mặt phố hình ống, ba tầng lầu. Hà mở khoá đưa tôi qua tầng 1, lên tầng 2. Hà ở một phòng rộng. Phòng ốc lộn xộn, chăn nệm tứ tung, bánh mỳ, đồ ăn thừa, thuốc lá, vỏ rượu vứt lỏng chỏng. Mở tủ lạnh Hà dúi cho tôi chai bia Con cọp. Hai đứa cụng chai trong tiếng gió thổi vù vù của cái quạt trần tuốc năng và 3 chiếc quạt cây Hitachi chạy hết số.

- Chạy gì mà lắm quạt thế? Gió thế này khéo cảm thì chết. - Vừa nói tôi vừa đưa cả hai tay lên đầu giữ mớ tóc bị mấy cây quạt thổi dựng đứng lên.

- Để nhớ cái thời bão gió tháng 8 ngoài quê, anh ạ. Hà cười. - Trong nụ cười có cái gì đó hoài cổ chất phác rất thương.- Nói vui thôi. Em đang thử tải mấy cái quạt. Chạy ròng rã 4 ngày 4 đêm rồi đấy, tính gửi ra Bắc làm quà nhỡ làm sao, lại đâm mang tiếng.

- Ấy chết!

Hà giật mình lao tới cái nồi cơm điện cắm từ sáng. Mở nắp nồi bới một hồi Hà lôi ra hai chiếc đồng hồ. Một chiếc Ôrient và một Seiko dính đầy cơm nếp nhão nhoẹt. Rồi phóng vào toilet. Sau một hồi cọ rửa, cầm hai cái đồng hồ sáng loáng trong tay đi ra, vừa đi vừa gật gù.

- Đúng là cái anh Nhật lùn, Japan, tốt thật! Vẫn chạy êm ru, chính xác đến từng giây mà mặt đá cứ trong vắt, chả có tý hơi nước nào.

Rồi Hà quay sang tôi:

- Em mới mua định một cái để đeo, một cái gửi về quê cho thầy em. May quá… Tiện gặp anh đây tặng anh một cái làm kỷ niệm, anh thích cái nào thì lấy, còn một cái nhờ anh đem về quê cho thầy em, để thầy em biết giờ mà đánh kẻng hợp tác. Chứ cái kiểu xem giờ theo bóng nắng thì … Toàn đồng hồ nguyên tử, tự động cả đấy, khỏi phải lên giây.

Buổi trưa, Hà đưa tôi đi ăn ở nhà hàng Tầu, nhà hàng Đông Kinh. Tôi còn nhớ có món gà rô ty ăn với mỳ xào thập cẩm. Cả đời quen cầm cuốc, cầm cày có biết dao dĩa phóng sết là quái gì đâu nên chọc ngoáy lung tung, hất văng cả mỳ xuống nền nhà. May mà đùi gà chỉ văng ra bàn nên còn thu hồi được. Tức mình tôi dùng tay vừa xé vừa xúc, tuy dân dã nhưng tiện. Ăn uống như thế cảm thấy tự tin hơn.

Quãng 2 giờ chiều, hai thằng về đến nhà. Căn nhà thênh thang, vẫn chỉ có tôi và Hà. Lúc này tôi mới thắc mắc. Hà nói: “ Nhà này là nhà em ở từ ngày tiếp quản. Rồi ra quân chuyển ngành ở lại luôn. Chả ai thiết cái nhà như bao diêm, sâu hun hút, lại nằm trên con phố, mở cửa ra là bị tra tấn toàn tiếng ngoại quốc: Ngộ ngộ, lị lị, chả biết đâu mà lần. Hàng quán ăn uống thì món nào cũng đầy mỡ, ngọt lừ như chè đường ngày tết…”.

Trong khi Hà ngủ tôi mới có dịp thăm quan hết 3 tầng lầu, phòng nào cũng tủ giường đồ đạc. Tò mò tôi lôi một cái ngăn tủ trong phòng của Hà. Trời ơi! Nhẫn, sao lại nhiều nhẫn thế, nhẫnvàng hẳn hoi, nhưng sao lại để hớ hênh thế?

Tôi có hỏi, Hà giải thích “Toàn vàng mạ thôi, anh ơi. Cả đời có biết vàng bạc là gì đâu, em bị chúng nó lừa”. Hà chẳng giải thích gì thêm, khuôn mặt bình thản. Với tay bật cái cat-xec, giọng cô ca sỹ như kẹo kéo gặp trời nắng to vọt ra từ hai chiếc loa đặt trên nóc tủ, vừa buồn vừa lạ, chả như những thứ nhạc mà tôi từng nghe mấy chục năm qua.

Đêm ấy tôi ngủ lại với Hà. Chai rượu chứa thứ nước màu hổ phách trong vắt chỉ vật đổ hai thằng khi tiếng chuông nhà thờ Cha Tam đầu phố điểm giờ nguyện buổi sớm.
(Còn tiếp).

2 nhận xét:

dathb136 nói...

Tay nay nho tot that ! Doc ma cu tuong viet ve minh.
Dat bot.

Nặc danh nói...

Thằng cha này viết cứ tưng tửng nhưng rất có hồn.