Thầy Piter rất yêu VN và những học trò. |
Chí Phèo, Thị Nở nhân vật ông rất mê. |
Cách đây độ 10 năm, ông được trường Đại học Houston cử sang Việt Nam giảng dạy. Ông kể rằng, trước khi sang, ông rất băn khoăn, không hiểu người VN sẽ đón tiếp ông thế nào, đối xử với ông ra sao. Ông bảo ông băn khoăn bởi vì trước đây, người Mỹ đã gây bao đau thương tang tóc cho dân tộc Việt Nam. Ông có cái mặc cảm của người ở phía có lỗi.
Khi ông tới Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi được đón tiếp rất niềm nở và trọng thị. Sau đó là chuỗi ngày “hạnh phúc” (lời của ông Piter) với các học trò Việt Nam. Ông bảo cái mặc cảm tội lỗi trước đây rất nhanh chóng được thay thế bằng sự mến phục, tình cảm thân thương và trong ông xuất hiện ý nghĩ phải làm cái gì đó cho Việt Nam. “Cái gì đó” mà ông đã làm trong suốt hơn 10 năm nay là sự giảng dậy tận tình, là sự chăm sóc chu đáo đến chi tiết đối với các học trò Việt Nam của ông khi họ học ở Việt Nam cũng như khi họ sang đất nước ông. Tôi nhớ hồi năm 2006, khi mà vợ chồng con gái tôi chuẩn bị sang bên đó, thầy Piter đã chuẩn bị sẵn cho các cháu mọi điều kiện ăn ở. Thầy đã đi tìm và bỏ tiền đặt cọc thuê nhà, đã xin, mượn của bạn bè cho các cháu từ cái bàn, cái ghế đến những thứ lặt vặt nhưng không thể thiếu trong cuộc sống như cái ấm đun nước, nồi niêu, xoong chảo…..Khi chúng sang đến nơi, ông đã đưa xe ra đón tận sân bay rồi đưa về căn hộ ông đã thuê trước đó. Cả hàng năm sau (khi chúng còn chưa mua được ô tô), cứ hàng tuần, ông lại đánh xe đưa chúng đi chợ mua đồ ăn cho cả tuần (đi chợ xa mấy chục km). Không phải chỉ các cháu nhà tôi, mà tất cả lũ học trò của ông đều được ông chăm sóc chu đáo như vậy. Ông đã coi chúng như lũ con mình. Có lẽ có những bậc cha mẹ còn chưa chu đáo được với con mình như cái cách của ông. Chính vì vậy, ông có bao nhiêu là gia đình thân thiết ở Việt Nam – cả trong TP HCM và ngoài Hà Nội. Khi ông sang đây, lịch hoạt động của ông dày kín. Nhà nào cũng muốn mời ông đến chơi. Trò nào cũng muốn đưa ông đi thăm thú những danh lam thắng cảnh của đất nước.
Chợ đào Nhật Tân năm nay tôi được đến. |
Hôm qua, 22 Tết, thầy Piter đến thăm nhà tôi. Cả nhà vui như ngày hội. Gặp nhau, tay bắt, mặt mừng như những người thân xa lâu ngày gặp lại. Cháu ngại tôi (7 tuổi) xà vào lòng ông. Cháu biết ông từ hồi cháu 3-4 tuổi ở bên Mỹ. Vào bữa, sau cái cụng ly mừng hội ngộ, ông dùng đũa thiện nghệ như bất cứ người Việt Nam nào, nếm tất cả các món và bảo món nào cũng ngon.
Sau bữa cơm thân mật, tôi đưa ông đi thăm làng đào Nhật Tân. Tôi dẫn ông đi dọc phó Lạc Long Quân. Trên hè phố cơ man nào là đào. Trên là giời, dưới là đào. Năm nay thời tiết thuận lợi, đào không đắt lắm. Ông thích thú bảo, sang Hà Nội mấy lần mà lần này mới được đi thăm nơi có nhiều hoa đào đến thế. Ông rất thích thú ngắm các cây đào thế, hỏi về hai bức tượng Thị Nở, Chí Phèo. Ông chụp rất nhiều ảnh, nói là để về khoe với bạn bè bên Mỹ. Giữa dãy đào có một khu vực nhỏ bày bán đá cảnh. Đây là những tiểu phẩm tạo bởi đá, cây và những bức tượng sứ nhỏ. Chủ nhân của những tác phẩm này là cựu chiến binh QĐ2. Anh nói chuyện rất sôi nổi, nhiệt tình với thầy Piter và còn cho thầy sờ cả mảnh đạn nằm trong cánh tay anh.
Tôi bảo, cái nghề của anh rất hay vì khi là cái việc tạo ra các tiểu cảnh, anh không phải chịu áp lực mà luôn được hưng phấn và thăng hoa. Anh công nhận :” Tôi vẫn bảo đây là cái nghề “Làm chơi ăn thật, ngủ gật ra tiền””. Thế là tôi lại học thêm được một câu thành ngữ mới.
Sau khi dắt thầy đi bộ mấy cây số, ngắm quất với đào chán chê, tôi bắt taxi đưa thầy về KS. Trên xe, thầy bảo:” Hôm nay là một ngày tuyệt vời, có tình bạn, có thức ăn ngon, có hoa lá, cây cảnh, lại được đi bộ một quãng dài. Cám ơn em”
Tôi đã có những thầy giáo, cô giáo Xô viết tuyệt vời. Bây giờ tôi lại có thêm một người thầy Mỹ cũng tuyệt vời không kém. Cuộc sống tuyệt vời bởi có rất nhiều, rất nhiều những con người tuyệt vời như vậy Cầu mong cho tất cả họ luôn hạnh phúc để thế giới này ngày càng tuyệt vời hơn.
1 nhận xét:
Cảm động trước những tấm lòng của bè bạn ngoại quốc với VN ta. Chân thật, giản dị, gần gũi.
Đăng nhận xét