Nhà hắn là nhà công nhân nòi. Bố hắn cũng là thợ điện bậc
6/7 đã nghỉ hưu, còn thiếu ba bốn tuổi nữa mới đến bảy mươi. Sức khỏe yếu, lắm
bệnh, tiền đình, hen suyễn. Mà những cơn bệnh phần lớn đến bất ngờ. Đang yên
đang lành bỗng dưng thấy trời đất quay cuồng,
phải ngồi yên một tư thế nếu không thì ngã. Rồi nôn. Nôn thốc nôn tháo,
nôn đến mật xanh mật vàng phải vào bệnh viện cấp cứu. Hay là đang ngủ say tự
nhiên bốn giờ sáng lên cơn cò cử với tiếng rít của đờm ở đường hô hấp. Rồi ho
và khó thở. Phần lớn tiền lương hưu dành để mua thuốc nên chẳng còn mấy để chi
tiêu các khoản khác. Mẹ hắn ngoài sáu mươi vẫn chạy đầu chợ cuối chợ với gánh
hàng rau. Với gia cảnh như vậy đáng lẽ phải tằn tiện, chí thú làm ăn rồi còn
tính chuyện lấy vợ đẻ con nhưng hắn lại chỉ chúi mũi vào đề đóm. Cái sự đề đóm
làm bố hắn rất phiền lòng vì trong các cuộc họp chi bộ tổ dân phố gồm toàn các
cụ hưu trí ông nhiều lần bị nhắc nhở về chuyện giáo dục con. Con đảng viên mà
như thế a? Tiền phong gương mẫu như thế a? Ông mang danh đảng viên mà không
giáo dục được con mình thì ông lãnh đạo quần chúng cái nỗi gì. Nhục lắm.
Những ngày giáp Tết trời rét đậm rét hại làm cho bệnh tình
của ông trở nặng, có lúc ông tưởng như sắp phải từ biệt thế gian này. Là người
có mấy nhiệm kỳ được bầu vào cấp ủy làm chi ủy viên phụ trách tuyên huấn ông suy
ngẫm rất lâu mọi lý lẽ trong đầu đợi có dịp thuận tiện sẽ nói chuyện với con.
Thì cái dịp ấy đã đến, để có tiền nuôi con đề 41 ông con quý hóa đã bán cho
đồng nát cái xoong nhôm của nhà lấy hai mươi nghìn. Cú sốc ấy làm ông lên một
cơn suyễn nặng. Dứt cơn ông gọi con đến bên giường thu hết sức lực nói với con
những điều tâm huyết mà ông cho rằng có thể đó là những lời trăn trối.
- Con ơi! Chẳng gì thì nhà mình cũng hai đời là công nhân.
Giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất lãnh đạo cách mạng và với tư cách đó
giai cấp công nhân bao giờ cũng là đội tiên phong của dân tộc. Con phải lấy đó
làm điều tự hào.
Câu nói bị ngắt quảng bởi cơn ho khiến lòng hắn cũng có đôi
chút xót xa:
- Vâng!
- Là giai cấp công nhân con phải nắm chắc và khéo sử dụng vũ
khí tự phê bình và phê bình. Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai
nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Ai
cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình để có tư
tưởng và hành động đúng đắn.
Ông dừng lại để nén cơn ho rồi nói tiếp:
- Tự phê bình chính là cuộc cách mạng diễn ra ngay trong bản
thân mỗi con người, là cuộc đấu tranh trong nội tâm để tự hoàn thiện mình. Con
có gan dấn thân vào cuộc cách mạng, cuộc đấu tranh đó không?
- Vâng!
Thấy hắn tỏ ra chăm chú lắng nghe và có chiều cảm động ông
thấy phấn khởi trong lòng và hăng hái nói lên những suy nghĩ của mình, cũng là
một hình thức tự phê bình:
- Trong thời gian qua bố con mình đã buông lơi, không nắm
chắc vũ khí tự phê bình và phê bình. Con sai con không thành khẩn tự phê bình,
bố thấy con sai bố không nghiêm khắc phê bình. Vì thế nên mới dẫn đến hậu quả
tai hại như ngày hôm nay.
Ông còn dặn dò con một số điều nữa. Thật không ngờ. Kỳ diệu
thay là vũ khí tự phê bình và phê bình. Được sự giáo dục của người cha, hắn
không đánh đề nữa thật. Con đề 41 bị bỏ đói. Bị bỏ đói đến ngày thứ tư kể từ
hôm hắn tiếp thu bài học tự phê bình và phê bình thì đề về 41. Hơn bảy giờ tối
hôm đó sau khi biết kết quả xổ số hắn nhảy dựng lên:
- Ôi! Tai hại thay là cái sự tự phê bình và phê bình. Tai
hại bạc triệu. Vứt mẹ nó cái vũ khí tự phê bình và phê bình phải gió ấy đi.
Nuôi nó đến cả năm nó không chịu về, bây giờ giở giói ra tự phê bình với lại
phê bình thì nó lại về. Thế có đau không!
4 nhận xét:
Cảm ơn thầy Úc! Thầy rất nhiệt tình với BT5!
Đau thật, thầy ạ. Mỗi người trong đời có 1 đam mê nhưng cái đam mê của ông con làm khổ cả nhà, cả bố mẹ nhưng...
Em cũng có ông bạn, khốn khổ vì cái bệnh này. Đúng là ...ra đê ở thật.
Ai mong cầu may chứ riêng em phận hèn, cứ giữ chặt lấy cái túi tiền nhặt nhạnh cả đời. Chả dại.
Đăng nhận xét