Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Chuyện về nhà ngoại cảm... (tiếp)


2

Từ khi quen Bích Hằng, tôi có ý định sẽ nhờ cô làm cầu nối để mong “gặp” được “linh hồn” bố, mẹ và những người thân đã qua đời, nên cố không để lộ thông tin gì về gia đình mình. Hằng chỉ biết tôi là nhà văn, nhà báo đã nghỉ hưu, chỉ hiểu tôi đôi chút qua các lần gặp gỡ cùng với Vũ Huy Hùng và những người thân khác (mà tôi thường kín đáo ít nói). Hoặc qua đọc những cuốn sách của tôi tặng cô, vậy thôi. Nghĩa là hầu như Hằng chưa biết gì nhiều về tôi, nhất là gia đình tôi. Điều đó rất quan trọng để khẳng định tính chính xác về những thông tin ngoại cảm Hằng giúp tôi.


Hằng nhận lời từ mấy tháng trước, hai lần hẹn, lại lỡ. Một lần cô phải đi Côn Đảo, lần sau đi nước ngoài. Biết Hằng rất bận, nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ: có lẽ cái “duyên” được gặp “linh hồn” bố, mẹ và người thân của mình chưa đến, mặc dù từ nhiều năm nay sáng nào tôi cũng đèn hương, thỉnh chuông khấn niệm gia tiên rất thành tâm. Thế rồi đột xuất Hằng điện cho tôi: “Chiều mai cháu sẽ đến giúp chú”.
Hôm sau (2 tháng 12 năm 2007) Hùng và tôi đón Hằng. Lần đầu Hằng đến nhà tôi. Bỏ qua phòng khách, chúng tôi lên thẳng phòng thờ trên tầng bốn. Ở đấy, chiếu đã trải trên sàn, vợ tôi, các con, các cháu và một số người thân của tôi đã ngồi chờ sẵn. Máy ghi âm, máy quay phim con rể tôi đã chuẩn bị đầy đủ. Cả gia đình đều rất thành tâm chờ đón sự việc thiêng liêng này.
Hằng bảo tôi chuẩn bị một chiếc bàn nhỏ, cùng một ghế nhỏ, một cốc đựng gạo, một nén hương, một chén nước lã, một chiếc bút, một tờ giấy và hạ ảnh bố tôi trên bàn thờ xuống cùng danh sách “linh hồn” những người thân cần gặp ghi kèm họ, tên, quê, ngày giỗ, phần mộ hiện ở đâu (nếu biết), ảnh (nếu có)... để trước mặt cô. Ngay sau đó Hằng ngồi vào ghế, thắp hương cắm vào cốc đựng gạo, mắt đăm đắm nhìn bức ảnh, chắp hai tay, miệng khấn niệm: “Con lạy chín phương Trời, mười phương Phật! Hôm nay, ngày 23 tháng 10 năm Đinh Hợi, tại số nhà 10 Ngõ 73 phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội, tín chủ là chú Nguyễn Đắc Trung xin quan Thổ Công, Thổ Thần coi quản phần nhà, phần đất trên cho phép tín chủ được mời vong linh của các thân nhân gồm: ông nội tên là...quê quán...giỗ ngày...phần mộ an táng tại...Bà nội tên là...Bố đẻ là...Mẹ đẻ là...Bố vợ là...Mẹ vợ là...về đây để chú Trung cùng con cháu trong gia đình xin thỉnh cầu các cụ mong được các cụ chỉ bảo và cháu xin truyền đạt lại ý kiến của các cụ cho mọi người biết...”
Sau những lời thành tâm ấy, bút trên tay, giấy trước mặt Hằng sẵn sàng cho cuộc “phiên dịch”. Tất cả im lặng chờ đợi. Gần một phút trôi qua (chính xác là 56 giây), bỗng mắt Hằng sáng lên vui vẻ: “Con chào ông ạ...Con chào bà ạ...”. Mọi người đều xúc động.
Đồng hồ chỉ 15 giờ 40 phút.
Vợ chồng tôi đều nghẹn ngào: “Con chào bố, mẹ ạ”. Hằng nói rõ ràng thong thả: “Thưa ông bà, hôm nay vợ chồng chú Trung và con cháu trong gia đình mời ông bà về để các con, các cháu được gặp ông bà. Chú Trung cũng có vài ba việc muốn được thưa với ông bà để ông bà chỉ bảo...”. Rồi Hằng quay sang tôi: “Chú cần hỏi gì thì cứ nói đi”. Tôi cố kìm nén xúc động, rồi nhẹ nhàng: “Thưa bố mẹ, con muốn biết ở dưới ấy bố mẹ có thiếu gì không ạ? Có cần chúng con gửi xuống thứ gì không ạ?” . Tôi dừng. Hằng vừa ghi chép, vừa nhắc: “Chú cứ hỏi đi”. Tôi nói tiếp: “Ở trong lăng nhà ta hiện nay có hai bia đá khắc tên bố, mẹ, các cụ, rồi bà cô, ông mãnh, những người có phần mộ ở đấy thì có đủ không ạ? Có đúng không ạ? Trong lăng có lẫn ai là ngoại tộc không ạ? Mộ của ông nội ở xứ đồng Mả Cổ, mỗi khi về chúng con chỉ đến đấy thắp hương bái vọng thôi chứ không biết cụ thể chỗ nào. Vậy xuống đấy bố có gặp ông không? Mộ ông có còn ở khu vực ấy không? Bố, mẹ và các cụ ở dưới ấy có biết trên này chúng con xây nhà thờ Tổ không? Hàng năm chúng con cúng giỗ anh Thuận vào ngày mồng 1 tháng 6 âm lịch thì có đúng anh con mất vào ngày ấy không ạ? Xuống đấy bố mẹ có gặp anh Thuận không? Con cũng muốn hỏi bố là đất cát nhà cửa chúng con đang ở trên này có sạch sẽ không? Có vong có cốt gì ở dưới không? Việc nữa là vợ chồng con có cháu Nguyễn Thị Mai Trang là con gái và cháu Nguyễn Quang Anh là con rể, các cháu xây dựng với nhau đã sáu bẩy năm mà vẫn chưa có con, không biết vì sao? Vậy bố mẹ có điều gì khuyên? Vợ chồng anh Dưỡng thì có cháu Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Thị Thuỷ. Các cháu đều trưởng thành rồi, cũng rất mong có gia đình riêng, bố mẹ có điều gì dạy bảo? Đặc biệt con hỏi mẹ về bà ngoại. Năm ấy bà đi cấy thuê ở Lạc Khoái trong Gia Viễn, Ninh Bình, gặp bão, thuyền bị lật, đến nay vẫn không biết mộ bà ở đâu. Vậy xuống đấy mẹ có gặp bà và có biết gì thêm về bà không ? Rì Cởn cũng mới mất, mẹ có gặp rì ở dưới ấy không?”. Tôi tạm dừng hỏi và Hằng cũng tạm ngừng ghi, tai chăm chú lắng nghe, rồi quay sang tôi: “Nhà mình có ai tên là Hoa không ạ?”. “Có. Con gái chú tên là Hoa”. Hằng: ông bảo Hoa pha cho ông ấm trà để ông mời ông thông gia . Tôi lễ phép trả lời bố: “Vâng ạ. Cháu Hoa đi pha nước ngay bây giờ ạ”, rồi thì thầm với Hoa: “Chắc ông ngoại cũng về đấy con ạ”. Hằng lắng nghe “linh hồn” nói, tay ghi, thỉnh thoảng lại: “Vâng ạ....Dạ, thế ạ...Ông nhắc lại cho cháu là cụ Kinh hay cụ Kính ạ?...”. Tất cả im lặng. Mấy phút trôi qua, Hằng quay sang tôi: ông nói chuyện, còn bà thì cứ sụt sùi khóc...Ông nói là...Ở dưới ấy bố với mẹ không thiếu thốn gì cả. Điều mừng nhất là việc làm được nhà thờ Tổ. Dưới này không chỉ bố mẹ, mà mọi người trong dòng tộc đều ngậm cười nơi chín suối. Mừng lắm. Còn về lăng mộ, ông bảo Nhìn vào bếp núc thì đánh giá người đàn bà trong gia đình. Nhìn lăng mộ thì thấy sự bề thế của gia tộc. Ông phấn khởi lắm. Nhất là các con lại khắc được danh sách đầy đủ tên các cụ có phần mộ trong lăng. Làm được thế là chu đáo lắm...Ông bảo Ở trong lăng nhà mình có một người ngoại tộc, nằm sát ngay mộ cụ Ngoạn. Nhưng không sao. Người ta ở đây từ lâu rồi. Hơn nữa con cháu nhà mình lại chu đáo nên người ta rất lấy làm vui. Bởi nếu không ở đây mà nằm chỗ khác thì người ta chẳng được ai hương khói cả… Hằng ghé sang hướng bên cạnh lắng nghe, tay thì ghi, miệng luôn: “Vâng ạ...vâng...thế ạ...”, rồi nói với cả nhà: cụ bà vừa sụt sùi vừa bảo rằng Cụ vẫn về chơi với cu Dũng. Tôi thưa: “Dạ, cu Dũng ngồi kia ạ”. (Cu Dũng 7 tuổi, con mẹ Hoa, chắt của cụ bẽn lẽn cười lộ hai chiếc răng sứt). Hằng tiếp: cụ bảo Mỗi khi về chơi với cu Dũng cụ lại thương cháu Trang...Cụ bảo Về cháu Trang thì chắc trên đường dương các con đã chạy thày, chạy thuốc đủ rồi, nhưng chả bệnh tật gì đâu, chẳng qua chỉ bị vướng một chút về đường âm thôi...Cụ bảo Nhà mình có ông mãnh tổ là cụ Kính với anh Thuận, hai người này đều đi hầu Thánh cả. Vợ chồng cháu Trang nên sắm mấy cái lễ, đi lễ, bà sẽ đi cùng...Khi cháu khôn lớn thì bà không còn, nên cháu cũng chẳng tường bà. Nhưng bà lúc nào cũng thương cháu. (Nghe bà nói, cháu Trang ngồi phía sau nước mắt tràn mi nghẹn ngào khóc). Chỉ mong giúp cháu được gì thì bà sẽ cố gắng...Sắm lễ rồi đi về phủ Xuân Trường, ở Hành Thiện ấy, cầu đức thánh Minh Không, bà sẽ nói với cụ Kính và anh Thuận nữa cùng với ông bà đi xin cho. Bà bảo Người dương đi cầu mười thì chỉ bằng người âm đi một lần thôi. Hằng lại lắng nghe, tay ghi vào giấy, miệng luôn: “Vâng ạ...dạ, vâng ạ....”.Ông nói là Anh Thuận đúng là mất ngày mồng 1 tháng 6 âm lịch. Giỗ anh các con rất chu đáo rồi. Nhưng vì anh mất vào ngày linh, ngày triệt đinh, nên các con sau này hiếm con trai. Thôi thì trai gái gì cũng được miễn là hiếu thảo. Ông bảo Người ta có ba cái khổ: thứ nhất là yểu, thứ hai là tuyệt, thứ ba là bần. Bần hàn thì không gõ đến cửa nhà mình rồi. Yểu thì cũng không, phúc đức thọ trường rồi. Còn tuyệt tức là không con cháu thì rất khổ. Bởi thế vợ chồng cháu Trang cứ yên tâm, ông bà sẽ giúp. Hằng: bà lại vừa khóc vừa nói Nhắc đến bà ngoại càng thấy đau lòng. Xuống đấy mẹ có gặp bà, mới biết rằng khi bà mất người ta đem chôn cùng với mấy người vào gò đất gần gốc gạo sau đình Lạc Khoái...Khi nào các con có điều kiện về đấy thắp cho bà mấy nén hương để bà đỡ tủi mà những người xung quanh được thắp hương người ta cũng nhớ ơn mình...Hằng lại lắng nghe, tay ghi, rồi quay sang tôi: bà bảo Cậu Tân lên đây được sao không bảo anh Dưỡng lên? Tôi trả lời mẹ: “Thưa mẹ, anh Dưỡng ở xa quá, sức khoẻ lại không tốt nên con không báo. Hai hôm trước giỗ Tổ ở quê anh em con mới gặp nhau. Hôm nay bố mẹ dạy điều gì con xin hứa sẽ truyền đạt lại cho anh con ạ”. Hằng lại tiếp: bà bảo Còn việc chồng con của Thoa với Thuỷ thì Thuỷ không vướng gì đâu, nhưng Thoa thì có tiền duyên đấy. Nên phải nhờ thày làm lễ cắt tiền duyên cho nó rồi mọi việc sẽ tốt đẹp thôi. Việc con cái của cháu Trang cũng thế, cũng vướng một chút về đường âm. Nên sau khi lễ ở phủ Xuân Trường xong thì về phủ Vân Cát, nơi thờ đức Thánh Mẫu cầu xin thì vợ chồng nó sẽ có con cái đề huề thôi. Bà nói Dì Cởn xuống đấy mẹ có gặp rồi. Hai lần mẹ mời dì lên chơi, nhưng đến đây phải chờ mãi mới được vào nhà. Nghe bà nói thế ông giải thích luôn là Các cụ nhà ta rất giữ lễ. Thấy người lạ mà không thấy thờ trong bát hương là quan Thổ Công, Thổ Thần và các cụ không cho vào. Sau nghe bà giảng giải mới biết, mới mời, chứ không phải các cụ không tiếp đón em của bà. Cũng như các cụ bên họ Mai, là thông gia, họ Nguyễn nhà mình vẫn mời các cụ lên ngồi trên bàn thờ.. Ông bảo Chỉ có bát hương thờ bà ngoại các cháu lẽ ra con nên để thấp hơn một chút, vì đấy là bát hương bụi. Nghe vậy vợ chồng tôi và mấy chị em nhìn nhau: “Đúng quá. Vì bà ngoại mới mất chưa cải cát”...Hằng tiếp: ông bảo Ảnh thì vẫn để cao ngang hàng với nhau, nhưng bát hương con để xuống dưới...“Vâng ạ. Chúng con sẽ làm theo ý bố ạ...Thưa mẹ, con xin hỏi là xuống đấy mẹ có gặp cậu Bạn không?”. Hằng: bà bảo Xuống đấy mẹ có gặp cậu Bạn. Cậu ấy cứ than phiền vì cậu ấy không có giỗ. Tôi thưa luôn: “Mẹ ơi, cậu đi Tân Thế Giới rồi biệt tích luôn. Vì không biết cậu mất ngày nào nên không giỗ. Vậy con xin hỏi mẹ là giỗ cậu con vào ngày nào ạ?”...Hằng: bà bảo Tiết đông chí này đây. 27tháng 11 con ạ... Tôi: “Thưa mẹ, mẹ có gặp ông ngoại và cậu Bảo không? ”. Hằng: bà bảo Mẹ có gặp ông ngoại, gặp các cậu, gặp rì. Ở dưới ấy đi lại thăm nhau rất là dễ. Mẹ muốn giỗ mẹ sắp tới các con sắm mấy bộ quần áo để mẹ biếu ông ngoại, bà ngoại, các cậu, các rì...Còn về chuyện vận hạn, thì vợ chồng con không có gì phải lo cả. Nhưng con nhắc anh Dưỡng nhớ giữ gìn sức khoẻ. Sang năm là vận hạn đấy, nhất là tháng ba, phải cẩn thận kẻo sai một ly, đi một dặm...Hằng: “Bà nội gọi Hà. Nhà mình có ai tên là Hà không?”. Hà là chồng Hoa đang quay phim vội ngồi xuống: “Cháu đây ạ”. Hằng: bà bảo Tháng 12 năm nay Hà có hạn, nên đi đâu phải cẩn thận, 30 Tết chưa phải đã tai qua nạn khỏi... Ông bảo Đã dặn thì dặn cho kỹ. Hạn là hạn cả tháng, nhưng nhất là những ngày 3 và ngày 7 làm việc gì cũng phải giữ gìn...Ông nói Mộ của ông nội thì vẫn ở xứ đồng Mả Cổ. Mộ ông nội ở đấy tốt lắm, đắc địa lắm. Tổ tiên xui khiến làm sao mà cái ngày quy tập mộ các cụ vào lăng lại không động tới mộ ông, chứ nếu không thì rất phiền. Sau này các con vẫn giữ nguyên như vậy, không được thay đổi. Hằng quay sang tôi: “Vưà nhắc đến cụ nội thì cụ nội về...Vâng, cụ Nguyễn Trọng Thóng ạ”, rồi hướng về phía “linh hồn” cụ nội, tay ghi, miệng hỏi: “Vâng ạ...Thế ạ...Cụ đọc lại cho cháu ghi ạ...Cháu xin đọc lại xem đã đúng chưa cụ nhé...”. Hằng vui vẻ nói với cả nhà: cụ nội về, cụ bảo Xây được nhà thờ Tổ các cụ phấn khởi lắm. Ý cụ muốn là nếu được đôi câu đối nôm để dạy bảo, nhắc nhở con cháu...Cụ đọc cho hai câu thế này: “Tình cốt nhục muôn đời không phai nhạt. Nghĩa tử tôn vạn kiếp chẳng thể nhoà”...Thì các con xem...Tôi thưa: “Chúng con sẽ xin tiến cúng nhà thờ Tổ đôi câu đối ông vừa cho ạ…Thưa bố, con muốn được hỏi bố là đất và hướng nhà nơi chúng con đang ở đây và nơi anh Dưỡng con đang ở dưới Nam Định thế nào ạ?”...Hằng: ông bảo Đất ở đây, thứ nhất là lành, thứ hai là sạch, không có vong có cốt. Đấy là điều yên tâm nhất. Còn hướng nhà thì, phố xá mà, không thể theo ý mình được. Như thế này là gia trạch bình yên rồi. Còn nhà anh Dưỡng thì tuy cây cối điền viên có hơn ở đây, nhưng sinh khí hơi kém. Tại cả rẻo đất ấy trước có một cái giếng rất tốt, rồi người ta lấp đi mất nên bị bế mạch. Nhưng cũng không sao đâu...“Con xin hỏi bố là vừa rồi con có mua cho cháu Thuỷ một căn hộ ở chung cư phố Đội Nhân không biết chỗ ấy có được yên ổn không ạ và chỗ vợ chồng cháu Hà – Hoa đang ở thế nào ạ?”...Hằng: ông cười bảo Ông đã được đến thăm nhà của Thuỷ đâu mà biết nó tốt hay xấu thế nào. “Đúng quá. Con chỉ mới ký hợp đồng mua trên giấy qua bản vẽ thiết kế thôi. Nhà thì họ đang xây nên cũng không biết cụ thể căn phòng của Thuỷ ở vị trí nào”. (Mọi người cười)...Còn chỗ nhà Hà – Hoa đang ở thì cũng được. Nhưng quan Thổ Công ở đấy hơi nóng tính nên các cháu phải biết, phải hương khói chu đáo. Những người nóng nảy lại được việc. Trần thế mà âm cũng vậy. Miễn sao mình biết mà cư xử.. Hằng im lặng lắng nghe, rồi nói: ông ngoại đang cười, cụ phê bình là Chán cho mấy chị em, con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại đến đủ cả mà không sắm lấy cái lễ cho họ Mai. Đây toàn là lễ của họ Nguyễn. (Cả nhà nhìn nhau ngạc nhiên:“Đúng quá. Sao ông biết nhỉ?”, rồi cùng cười). Tôi nhẹ nhàng: “Thưa thày, chúng con xin được hỏi, xuống dưới ấy thày có gặp em Kiên không ạ? Mộ chú Phương hiện ở đâu? Sang năm chúng con muốn cải cát mộ cho mẹ con, vậy làm vào ngày nào thì tốt ạ?”...Đang chăm chú lắng nghe, Hằng quay sang tôi hỏi: Nhà ta có ai là bộ đội không? Có một chú bộ đội vừa về ”. Mọi người nhìn nhau: Bộ đội à? Ai nhỉ? Hay là Hưng? (Hưng là con chú Phương mà Tân mới vào tìm được mộ ở nghĩa trang Trường Sơn), “Hay là Huế? ( Huế là bạn thân của tôi hy sinh năm 1968 ở mặt trận phía Nam). Mọi người xì xào trao đổi thì Hằng cuời: “Chú Hưng. Chú Hưng theo cậu Tân lên đây”...Hằng: ông bảo Xuống đấy ông gặp cậu Kiên rồi. Hôm nay ông cũng định rủ cậu Kiên đi, nhưng sợ đến đông quá. Hưng thì không thể ngăn được vì cứ bám theo Tân vào. Chắc là cũng có tâm sự muốn nói. Nhưng mà thôi, phải nhường các cụ họ Nguyễn. Họ Nguyễn về đông, các cụ cử đại diện nói, mà họ Mai nói nhiều thì không tiện. Ông nội thì bảo Không sao. Các cụ vui vẻ lắm. Ông ngoại bảo Còn việc cải cát mộ cho mẹ con thì sang năm, vào tháng 10 âm lịch, từ mồng 1 đến mười rằm chọn ngày nào tốt thì làm. Mẹ con luôn than phiền rằng hiện nay chuột nó cứ rúc vào trong mộ, không yên. Nhưng biết làm sao. Chả lẽ lại đào lên à, đành chịu khó vậy...Lăng các con xây đẹp, bố mẹ đều ưng, nhưng rút kinh nghiệm mộ phải để thông thiên chứ không xây kín.(Tân nhìn tôi gật đầu:“Đúng.Nhà mình xây bít kín thật”)...Hằng: “Có một chú bộ đội nữa về... À, chú Huế”. Vợ chồng tôi và cả nhà mừng: “A! Huế ”. Tôi bảo cháu Trang lấy ảnh bác Huế xuống. Chú ấy nói với chú Hưng là Họ không có thuốc lá mời anh em mình đâu (Tôi giật mình: “Đúng. Huế nghiện thuốc lá”). Vợ tôi giục cháu Quang Anh: “Con đi mua thuốc về mời bác Huế”...Hằng: chú Hưng bảo Mộ của chú ấy ở nghĩa trang Trường Sơn, Đoàn 559 họ rất chu đáo. Họ có bốc mộ, có làm bia, chỉ buồn là hài cốt không nhiều. Tôi hỏi: “Huế ơi, năm ngoái cháu Bình với cháu Mạnh nhờ nhà ngoại cảm Năm Nghĩa chỉ dẫn. Các cháu có đến nghĩa trang xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị tìm và đặt bia mộ Huế trong khu “Liệt sĩ vô danh”, không biết có đúng Huế nằm dưới ấy không? Sáng nào thắp hương bàn thờ gia tiên mình cũng khấn Huế, Huế có về được không?”...Hằng: chú Huế bảo Mục đích chính của Huế hôm nay cốt khoe với Trung là Huế đã về được đây. Vì thế mình mới chen ngang các cụ đấy, chứ mình có trong danh sách được mời đâu. Bao nhiêu năm Trung luôn thắp hương cho mình, mình biết, mình cảm động lắm, cảm động tấm lòng của bạn đối với mình. Chỉ tiếc rằng giá tìm được mình sớm hơn thì đỡ tội cho mẹ. Vừa rồi mình theo các cháu về gặp mẹ, cụ bảo khi còn sống lúc nào cụ cũng mong tìm được mộ mình thì mới yên tâm nhắm mắt. Nhưng mà việc ấy là do số mệnh, đến lúc nào là nó đến. Thôi thế cũng là may lắm rồi, chứ biết bao nhiêu người bom xé nát tả tơi chả còn gì. Ngay anh bạn Hưng này, anh ấy vừa than phiền là một cái chân của anh ấy bay đâu mất...(Tân ngồi bên gật đầu: “Đúng. Anh bạn cùng đơn vị với Hưng nói Hưng bị mất một chân, khi chôn không tìm thấy”). Tôi hỏi: “Vậy ngôi mộ ở nghĩa trang xã Hải Phú, huyện Hải Lăng mà các cháu đã gắn bia, có đúng là mộ của Huế không?”...Hằng: chú Huế bảo Đúng. Tôi mừng quá, đứng lên lấy trong tủ lưu niệm chiếc đồng hồ cũ: “Huế có nhận ra chiếc đồng hồ này không? Lần cuối cùng chúng mình gặp nhau vào tháng 8 năm 1967 ở Nghi Lộc, Nghệ An. Đêm chia tay ôm nhau khóc, Huế tháo chiếc đồng hồ này đưa mình, còn mình cởi chiếc áo đang mặc trao cho Huế. Rồi từ đấy không còn được gặp nhau nữa. Chiếc đồng hồ mình vẫn giữ và coi là kỷ vật...”...Hằng: chú Huế bảo Mình xúc động lắm Trung ạ. Trung vẫn giữ được những kỷ vật ấy. Về thấy nhà cửa, vợ con của Trung thế này mình mừng lắm...Hằng quay sang phía vợ tôi: chú Huế bảo rằng Hương ơi, mình tâm sự với Trung một tý nhé. Bọn mình có những kỷ niệm, những tình cảm gắn bó mà chỉ những người cùng vào sinh ra tử với nhau mới có được...Trung ạ, mình biết những trang viết của Trung đều có dáng dấp mình, mình thích lắm...Tôi nói luôn với Huế: “Truyện tình cờ” mình đề “Tặng NguyễnVăn Huế thân yêu”. Anh bộ đội trong ấy có cái răng khểnh là mình tả Huế đấy”...Hằng: chú Huế bảo Hôm nào Trung phải đốt tặng mình mấy cuốn sách của Trung nhé. Mình thích đi theo cậu lắm, theo để xem cậu viết...Chú Huế cười bảo Nhờ anh cu Đức châm cho chúng mình điếu thuốc. (Cháu Đức là con cậu Tân đang ngồi ở cửa)...Hằng: bà nội nói Hôm nay anh em các con gặp nhau, nội ngoại gặp nhau thế này mẹ vui quá...“Thưa mẹ, con muốn hỏi mẹ là ngày xưa trước khi mẹ mất mẹ bị loà, hiện nay mắt con cũng thường bị đau. Liệu có việc gì không ạ?”...Hằng: bà nói Cái nghề của con phải làm việc bằng đầu, bằng mắt nhiều, thứ hai là bệnh ấy cũng có di truyền đấy nên con phải giữ gìn. Nhưng bây giờ khác trước rồi, chứ không như ngày xưa mẹ con mình khổ quá... “May mà mắt của con được cháu Thuỷ thường xuyên theo dõi chạy chữa ạ”...Hằng: bà hỏi Ai ngồi ở cửa kia mà mẹ không biết? “À, đấy là chú Hùng, bạn con, con coi chú ấy như em ạ ”...Hằng: chú Huế nhìn anh Hùng, chú ấy bảo Nhiều lần mình đi với Trung đều có anh bạn này…Bà bảo Cháu Thuỷ ở đây thì xa cha có chú, con chịu khó chăm sóc sức khoẻ cho chú...Ông thì nói Cái nghề của người cầm bút cần có đôi tay và đôi mắt nên con phải giữ sao cho đôi tay khoẻ, mắt sáng để làm việc. Không gì bằng lại có người nhà là bác sĩ thì may mắn lắm rồi.Chú Huế cười, chú ấy bảo Thôi có bao nhiêu tinh anh của mình, mình sẽ nhường cho Trung...À, mình rất thích cậu xây dựng nhân vật Đức Rây-mông. Cậu nhớ đốt cho mình cuốn sách ấy nhé. Tôi ngạc nhiên quá: “Đúng rồi. Đức Rây-mông trong tiểu thuyết “ Đứa con kẻ thử thù ”. Huế có đọc sách của mình à?”...Thế cậu không thấy mình ở trong tủ sách của cậu hay sao? (Cả nhà cười. Đúng, ảnh Huế tôi đặt trong gian sách lưu niệm rất đẹp cạnh chiếc đồng hồ kỷ vật và phong bì đựng “Giấy báo tử” Huế)...Cậu không biết, chứ mình theo cậu suốt hành trình đi tìm Đức Rây-mông đấy. (Tôi càng ngạc nhiên hơn. Đúng là năm 1976 tìm gặp được anh chàng tướng cướp này quả là một hành trình. Huế cũng đi với tôi ư? Thú vị thật!)...Từ nay cậu đi đâu xa thì cho mình đi với nhé. Cấp cho mình cái giấy thông hành...“Cấp cho Huế cái Thẻ nhà báo nhé”(cả nhà lại cùng cười)...Hằng: bà ngoại cũng cười, bà bảo Thế bây giờ đã đến lượt tôi chưa? Tôi đáp: “Thưa mẹ, chúng con đang mong mẹ đây ạ”...Hằng lắng nghe “bà ngoại”, rồi hỏi lại: “Thưa bà, khi nãy ông nói chắc bà cũng đã nghe. Ông bảo sang năm thì cải cát cho bà, vậy bà có ý kiến gì không ạ?”, rồi nhắc: “Mọi người cứ hỏi bà đi”. Vợ tôi xúc động: “Mẹ ơi, con muốn hỏi mẹ là thanh minh năm nào chúng con cũng tổ chức làm cơm canh, đốt tiền vàng cúng mẹ ở nhà anh Mùi, bố mẹ có về, có nhận được không ạ? Con xin hỏi bố là mộ chú Phương hiện đang nằm ở đâu? Chị Mùi mới mất xuống đấy, bố mẹ có gặp chị con không? Cháu Lan Anh nó sắp lấy chồng, chồng nó là cháu Minh, bố mẹ xem có được không? Cháu Hạnh thì chồng nó mất rồi, hôm nay nó muốn gặp chồng nó thì có được không?...Hằng:bà bảo 12 tháng 10 sang năm thì thay mộ cho mẹ.. Ông nói Khi xuống đấy mục đích đầu tiên của bố là đi tìm chú Phương và bố có gặp chú Phương rồi. Chú ấy vẫn về lăng với cái mộ giả ở đấy, chứ mộ thật của chú thì bị mất không tìm được đâu. Khi gặp cậu Kiên cậu ấy phàn nàn là mộ bị động, bố mới đi theo xem sự thể thế nào, thì ra xương cốt của những người cùng nằm ở đấy lẫn lộn với nhau cả không sao phân biệt được. Cho nên có động cũng đành chịu thôi. Bởi thế, bố có ý định thế này, sang năm khi cải cát cho mẹ con, thì tiện thể các con xây luôn một ngôi mộ cho Kiên trong lăng, rồi lên chùa nhờ thày bốc bát hương đặt trên mộ cùng với bia khắc tên cậu để cậu có nơi chốn đi về...Bố mẹ và cả Kiên nữa vẫn đi về nhà anh Mùi, tiền vàng các con gửi xuống nhận được hết... Hằng: bà hỏi Đôi nụ đeo tai của mẹ, khi còn sống mẹ cho chị Mùi. Giờ chị Mùi mất rồi thì ai giữ? Mấy chị em tôi nhìn nhau: “Sao mẹ nhớ thế”. Vợ tôi vừa cười vừa nói: “Mẹ ơi, đôi nụ ấy trước khi mất chị con trao cho cháu Ngọc là con dâu giữ để làm kỷ niệm ạ. Hay là chúng con làm một đôi như thế gửi xuống cho mẹ nhé”...Hằng: bà bảo Ừ, làm y như thế...Hằng: ông cười bảo Để cho bà vui ấy mà, xuống đây vẫn còn lẫn, có khi ăn rồi bảo chưa ăn, vừa đưa cho rồi lại bảo đã đưa đâu, cháu mình mà cứ bảo con hàng xóm. (Đúng quá. Trước khi mất bà bị bệnh A-giê-mơ, khi nhớ, khi quên, lẫn lộn cả. Thì ra xuống đấy vẫn thế). Vợ tôi thưa: “Bố ơi, con xin hỏi là chỗ đất nhà cậu Tân và đất nhà chị Hồng đang ở có vong cốt gì không? Rồi cái nhà con ở Nam Định khó bán quá không biết vì sao?”...Hằng: ông bảo Chỗ đất nhà Tân và nhà Hồng không sao. Cứ yên tâm mà ở. Ông cười Còn chỗ nhà con, nhà Hương-Trung ấy, khó bán là vì có ông tiền chủ, ông ấy chưa muốn cho bán. Nên các con phải sắm lễ khấn xin ông ấy. Ông này vốn làm nghề nấu kẹo lạc. Nếu các con mua được thứ kẹo ngon nhất Nam Định là kẹo Sìu Châu cúng thì may ra...Chứ không ông ấy không cho bán đâu. Ông bảo Bà là bà chỉ thích ở nhà Mùi thôi, nên hôm nào giỗ, Tân phải thắp hương khấn mời bà về nhà con. Nhớ là hương đang cháy dở thì tắt đi, đến khi đem lên nhà con thắp tiếp, chứ không phải chỉ đem cái chân hương về đâu...Ông bảo Khi nào bốc mộ xong thì bà mới trở lại bình thường, chứ bây giờ vẫn bị lẫn, lúc nhớ, lúc quên. Ông bảo Làm sao hôm nay lại theo ông lên đây, chứ mọi khi cúng giỗ toàn mình ông đi, đem lộc về bảo “của nhà Trung – Hương đấy”...Ông nhắc Lan Anh khi nào cưới thì nhớ dắt cả Minh nữa về thắp hương ông bà nhé. Ông bảo Ông rất thương cháu Hạnh. Cháu thành quả phụ sớm quá. Nhưng mà người ta sướng khổ đều do cái số cả, đành phải chịu thôi. Còn cháu muốn gặp chồng cháu ở đây thì khó. Bởi nhà mình đã là ngoại, với cháu thì lại thêm một lần ngoại nữa nên không được đâu. Ông bảo Chị Mùi mất cũng tận số rồi đấy. Mà ra đi như thế là mát mẻ, các con đừng có nghĩ ngợi nhiều để chị con dễ siêu thoát. Chị con lại rất là nặng trần. Xuống đấy rồi nhưng lúc nào cũng sụt sùi u uất...
Ông nội bảo Thôi sắp đến giờ các cụ bên nội, bên ngoại phải đi rồi,các con bớt ra mấy lễ để tặng cho Hưng và Huế. Vợ tôi nói luôn: “Thưa bố, không phải bớt đâu ạ. Chú Hưng và anh Huế chúng con sẽ có tiền vàng biếu riêng ạ”. Cháu Trang nghẹn ngào: “Ông ơi, đến tháng 11 này vợ chồng con làm thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện 103 thì có được không ạ?”...Hằng: ông bảo Tháng 11 này là tháng Tý. Mà sang năm cũng là năm Mậu Tý. Tý hợp với cung tử tức của các cháu nên đều tốt. Nhưng các cháu phải đi lễ cầu xin Thánh trước, nếu không thì khó lắm đấy. Hay là đầu tháng, vào mồng 1 tới này đi lễ. Ông bà sẽ cùng đi cầu giúp cho các cháu...Có hai ngày mồng 1 và 19 tháng 11 là tốt. Thế nhé!...Hằng cười: “Dạ, gặp được các cụ hôm nay con cũng rất vui. Con cũng cám ơn các cụ ạ...Dạ, con xin chào các cụ”. Cô chắp hai tay cúi đầu vái mấy vái, rồi ngẩng lên nói: “Các cụ đi rồi”.
Kim đồng hồ chỉ 16 giờ 48 phút.
Thế là cuộc “gặp” linh hồn bố, mẹ và những người thân của gia đình tôi diễn ra liên tục đúng 68 phút.

2 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Chuyện tìm LS Lê Minh Tân k3 đã được kể. Linh, em anh Tân, là bạn học từ nhỏ với vợ tôi. Vì thế nhiều chuyện về chuyến đi đón anh Tân về, Linh đều kể cho tôi. Chuyến đi tìm LS Tân do đồng đội CCB sinh viên Tăng-Thiết giáp cùng gia đình tổ chức, có nhờ sự giúp đỡ của NNC Bích Hằng. Thực ra Linh cũng không thật tin vào tâm linh, gọi hồn.
Khi tìm đến đúng mộ số 13, sau khi làm các thủ tục tâm linh, trước khi chuẩn bị dỡ nắp mộ đón LS, Linh đã nhờ anh Lê Kinh Thông (bạn anh Tân) gọi ra cho NNC, ý muốn hỏi anh Tân rằng: bốc anh lên thì sẽ thấy anh thế nào?
Qua NNC, anh Tân nói về: Sẽ thấy 2 hàm răng của anh trắng bóng như đánh răng hàng ngày. (Mà anh đã hy sinh hơn 30 năm, kể từ 1974).
Khi đón anh lên, đúng như những gì NNC đã truyền đạt.

Nặc danh nói...

Thật cảm động! Nhất là chuyện xảy ra với người thực việc thực.
AT