Nếu có sang thăm Bắc Triều Tiên, ở độ một tuần thì thấy rất đẹp, nhưng đến
một tháng trở ra thì chán lắm. Tôi đã ở bên ấy 15 năm, chịu hết nổi. Những năm
60, 70 ra chợ còn mua được túi táo. Tới khóa trước khóa vừa rồi thì không còn nữa.
Tất cả đều phải mua ở Bắc Kinh. Hàng tháng đại sứ ta cử người đi bằng tàu hỏa
sang Bắc Kinh, một ngày đi, một ngày về, 3 ngày đi mua sắm và chuẩn bị. Tất cả
các loại thực phẩm gạo, thịt, cá đều mua ở Bắc Kinh, sau đó đưa về sứ quán chia
cho anh chị em theo đăng ký của từng người, từng gia đình, còn lại Sứ quán dùng
để chiêu đãi hoặc tiếp khách.
Có lần phòng thông tin của Sứ quán cần 20 mét dây điện để làm việc. Các anh
đánh xe đi khắp nơi khoảng 2 – 3 tiếng mà không mua được vì các cửa hàng đều
không có.
Năm 2001, có đoàn của Bộ Văn hóa do một đồng chí thứ trưởng dẫn đầu (anh
Phúc) sang thăm Triều Tiên, có mang 5.000 tấn gạo để tặng bạn. Qua Bắc Kinh có
gặp tôi, anh đề nghị tôi cho vài đường chỉ dẫn (anh nói vui vậy). Tôi có nói:
Anh là thứ trưởng, thuộc loại cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; hai là lại
mang quà sang; ba là lại sang vào cuối tháng 4 – mà tháng 4 là tháng có ngày
sinh của ông Kim Nhật Thành – thì rất thuận lợi cho anh. Ba yếu tố đó đã tạo
cho anh một cái thẻ của một vị khách được trọng vọng. Nhưng tôi cũng phải nói
với anh tại thủ đô Bình Nhưỡng không có điện đường. Anh ấy bảo cậu cứ dọa tớ,
thủ đô mà lại không có điện đường. Tại sao tôi nói vậy, vì trước đây có đoàn
của anh Vũ Khoan, anh Phạm Tất Đang sang, bạn cho ở tại Khách sạn 5 sao. Khi
vào nhà vệ sinh, thấy có một cái bồn tắm để đầy nước, anh tháo nước đi, đến khi
đi vệ sinh xong thì không có nước để dội. Gọi người phục vụ thì họ nói: nước
chứa trong bồn tắm là nước để dùng cả ngày. Bây giờ phải xin nước ở phòng khác
để dùng.
Một ngày thường mất điện không bao giờ dưới 10 lần. Một lần tôi thí điểm
bằng cái máy cắt, cứ mỗi lần có điện trở lại thì nó lại cắt đi một đoạn dây
bằng cái phong bì. Từ 16 giờ hôm trước đến 8 giờ hôm sau, tôi kiểm tra có 24
mảnh giấy trắng được cắt ra như thế, mất điện thường xuyên, “trường kỳ kháng
chiến”.
Hồi tôi mới sang lần đầu tiên, bao giờ cũng có lệ mời anh em đi uống bai –
gọi là nhập trạch. Hôm đó thấy mỗi người cầm một cái đèn pin. Tôi nói: ta đến
khách sạn cơ mà. Y như rằng đèn pin có tác dụng. Ngồi một lúc thì mất điện,
phải bật đèn pin và gọi nhân viên đến châm nến.
Khi đoàn của anh Thứ trưởng Bộ Văn hóa về, qua Bắc Kinh gặp tôi. Anh nói:
Ai đời ở khách sạn 5 sao mà mấy ngày trời ăn toàn củ cải, xào rồi luộc, nấu;
nước không có; ra đường không có điện đóm gì, tối như bưng, thỉnh thoảng có
người chạy vụt qua. Tôi có nói với anh Phúc: ở Thủ đô có chỗ vẫn có điện. Ở ngã
tư nào có ảnh của ông Kim đứng, ở dưới chân có một cái đèn hắt lên. Ở chỗ ấy
thì có điện, chỉ chiếu lên người ông thôi, còn chung quanh tối bưng. Điện đấy
không phải để thắp sáng cho nhân dân, mà là để “tra tấn” ông Kim Nhật Thành, vì
riêng mặt ông ấy sáng, nên muỗi và châu chấu bay đến bao vây đậu vào hoặc lao
vào mặt ông ấy. Anh Phúc có nói với tôi: khi nào có đoàn sang, anh báo tin cho
tôi để tôi gửi cho các anh mấy cân tôm khô, chứ sống thế này thì khổ quá.
Vấn đề dân trí cũng rất thấp. Họ không biết được Việt Nam đã giải phóng
đâu. Năm 1989 có Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 13 (Festival) tổ
chức tại Bình Nhưỡng. Đoàn Việt Nam do anh Hà Quang Dự làm trưởng đoàn. Anh Hà
Quang Dự có đến chào Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn của Bắc Triều Tiên. Ông
này chúc đồng chí Hà Quang Dự: “Chúc Việt Nam mau chóng đánh thắng giặc Mỹ xâm
lược để giải phóng Tổ quốc”. Đồng chí Hà Quang Dự cho rằng phiên dịch sai. Đồng
chí phiên dịch nói: “Tôi đã chinh chiến ở đây mười mấy năm rồi, không dịch sai
được đâu”. Đồng chí Dự phải nói lại: “Chúng tôi đã thống nhất đất nước từ năm
1975, đến nay đã gần 20 năm rồi”. Đồng chí Bí thư thứ nhất TW Đoàn Triều Tiên
vỗ vai đồng chí Dự và nói: “Chúng ta là những người chiến sĩ cộng sản, không
nên giấu nhau, không nên nói dối”. Các đồng chí luôn luôn tin tưởng ở chúng tôi
bao giờ cũng chung một chiến hào, sát cánh với các đồng chí đánh thắng giặc Mỹ
xâm lược”.
Qua đó ta thấy dân trí ở đây rất thấp. Người ta ví chế độ XHCN của Bắc
Triều Tiên như một cái hộp đen, trong đó có rất nhiều cái bí ẩn; không ai được
phép xem. Cho nên Bắc Triều Tiên rất sợ mở cửa, cải cách. Nếu mở cửa cải cách
thì hộp đen dần dần hé mở thì các bí mật trong đó sẽ lộ ra hết, sẽ thành chuyện
tày trời. Vì sao vậy?
Năm 1996, ông Bí thư Trung ương Đảng Bắc Triều Tiên đã dẫn đầu đoàn đại
biểu Đảng Lao động Bắc Triều Tiên sang dự Đại hội lần thứ VIII Đảng ta (1996).
Đến 1997 thì ông ấy đào tẩu sang Hàn Quốc. Ông ta là một trí thức lớn, hiểu
trưởng Trường Đại học Tổng hợp Kim Nhật Thành. Ông là cha đẻ ra tư tưởng chủ
thể Kim Nhật Thành. Ông ấy lại bỏ đất nước ra đi. Ông cho rằng: Tôi phải ra đi
để nói cho mọi người trên thế giới rằng: cái chế độ này không thể tồn tại, phải
tìm ra một cách đi khác cho đất nước này, xã hội này. Chế độ của Bắc Triều Tiên
là một chế độ rất hà khắc. Nếu những bí mật của chế độ Bắc Triều Tiên được hé
mở ra, thì người ta sẽ thấy nó tàn ác và vô nhân đạo hơn cả chế độ Pôn Pốt ở
Campuchia.
Các nhà tù, khu biệt giam ở biên giới được mở rộng nhiều. Trước đây chỉ có
ở 2, 3 tỉnh. Sau này phát triển ra mấy chục cái trại ở nhiều tỉnh. Các trại này
là một khu rộng lớn, trong đó đầy người như khu biệt xứ ở Sibêri ngày xưa ở
Liên Xô.
Thí dụ: Có một ông đang làm Thủ tướng. Bẵng đi một thời gian không thấy tên
trên báo chí. Sau đã thấy ông ấy đang ở trên biên giới làm giám đốc lâm trường
khai thác gỗ ở biên giới. Cái lệ sùng bái lãnh tụ trở thành một cái bắt buộc để
sống. Cho nên ai cũng phải học trước tác, ai cũng phải sùng bái. Hỏi trẻ con về
những danh nhân trên thế giới, ông Mác, ông Lênin đều không biết, chỉ biết mỗi
ông Kim Nhật Thành thôi. Hỏi về trước tác, chương mấy, điều bao nhiêu nói về
thiếu nhi thì các cháu đọc luôn, thuộc lòng.
Ở Bắc Triều Tiên bây giờ có việc mua được một cái đài hay một cái dàn điện
tử về, thì Hải quan giữ, cắt hết các sóng ngắn, để khi bật lên chỉ nghe thấy
tiếng Kim Nhật Thành nói thôi, không phải dò sóng gì cả. Ở bên đó chỉ có một đề
tài là ca ngợi Kim Nhật Thành, khi bật Tivi lên là thấy hai cha con. Phim
truyện thì cũng chỉ có một đề tài ca ngợi hai cha con Kim Nhật Thành, không có
một đề tài nào khác. Thí dụ: Hai anh chị yêu nhau, nhưng khi đến lúc gay cấn
nhất thì lại nghĩ đến ông Kim Nhật Thành. Gần đây nhất có một cô giành được
giải nhất về Maratông quốc tế. Phóng viên có hỏi: Chị nghĩ như thế nào trong
quá trình tập luyện để đạt được giải. Chị trả lời: “Tôi vừa chạy vừa nghĩ đến
Tướng quân Kim Châng In nên đạt được thành tích như vậy”. Tất cả xã hội gần như
phải bắt buộc theo một quy chuẩn, bắt buộc tư tưởng người ta phải suy nghĩ như
vậy không được suy nghĩ gì khác, mà việc này đôi khi nó cũng có hiệu quả. Thí
dụ như trên báo của Đảng đến ngày sinh của ông Kim Châng In là ngày 16 tháng 2
thì năm nào cũng có một bài nói về các hiện tượng kỳ thú, kỳ lạ của tự nhiên
như tự dưng trời quang mây tạnh thì có một cầu vồng đôi, hay là tự dưng thấy có
bông hoa lan nở hoa trái vụ, hay là tự dưng trên các cây ở hai bờ sông Đại Đồng
lại có cò trắng bay về. Trên báo Đảng có những bài mang tính chất mê tín dị
đoan, mỵ dân như vậy. Việc chi phí vào tệ sùng bái cá nhân này cũng lớn lắm.
Theo lịch sử chính thống thì ông Kim Châng In sinh ở núi Bạch Đầu Sơn. Núi Bạch
Đầu Sơn cách thủ đô hàng mấy trăm ki lô mét, đèo heo hút gió, không có người ở
trên đó thế mà cũng mang pháo hoa lên trên ấy bắn để ca ngợi ông Kim Châng In.
Ngày sinh của ông Kim không phải là ngày 16 tháng 2 năm 1942 như lịch sử
bây giờ, ông Kim sinh năm 1941 ở Viễn Đông – Nga. Hiện có rất nhiều tài liệu mà
Hàn Quốc đã công bố. Ở ngay Đại sứ quán Hàn Quốc ở Việt Nam cũng đã có rất
nhiều tài liệu nói về lịch sử của Triều Tiên. Ngay cô dâu Việt Nam cũng nói:
Ngày sinh của vị lãnh tụ của chúng tôi cũng bị hoán cải đi, bóp méo sự thật.
Lãnh tụ sinh năm 1941 ở Liên Xô lại nói sinh năm 1942 ở núi Bạch Đầu Sơn như
thế là không đúng. Qua đó ta thấy xã hội không theo một quy chuẩn nào cả, quy
chuẩn đạo đức cũng không phải, quy luật phát triển của lịch sử nhân loại cũng
không phải.
Cả thế giới người ta đang cách mạng xanh, cách mạng tin học, nhưng Bắc
Triều Tiên cứ lục cục sản xuất tên lửa để đi đánh nhau. Nhân dân đều biết nhưng
không dám phản đối, vì mới nho nhoe thì đã bị túm rồi. Thủ đô Bình Nhưỡng hiện
nay như một ốc đảo. Các tỉnh xung quanh Thủ đô thì rất khổ, rất nghèo, đói rách
triền miên. Riêng Thủ đô vẫn rất sạch sẽ và cung cấp cho nhân dân vẫn tương đối
đầy đủ, khoảng 400 gram lương thực trong một ngày, còn các chỗ khác chỉ khoảng
250 đến 300 gram, tùy từng vùng. Ở Thủ đô chỉ có gạo thôi, còn thức ăn không có
mấy. Thực hiện chế độ bao cấp toàn bộ, tất cả quần áo của cán bộ công nhân viên
ở trong thành phố do Nhà nước cấp phát. Ở trường học cấp phát đồng phục. Nhân
dân được cấp phát theo chế độ cán bộ này, cán bộ kia. Cho nên nhân dân ăn mặc
tươm tất, không có quần áo rách. Thủ đô là ốc đảo vì xung quanh các cửa ô của
thủ đô có các quân đoàn quân đội đóng, có trạm gác. Ai ra vào đều bị khám xét
rất kỹ, không có lệnh không được vào, không được ra. Có những người ở tỉnh
ngoài làm việc ở Thủ đô cũng không được về thăm gia đình, quê hương. Ra khỏi
thành phố là phải có giấy phép rất đặc biệt. Vào thành phố phải là những đợt được
các tổ chức đoàn thể của Nhà nước cử đi họp, học tập mới được về, không có
chuyện vào thăm hay vào chơi trong thành phố.
Nếu so sánh với miền Nam Triều Tiên
vào năm 1953, sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc thì miền Bắc Triều Tiên
có nhiều ưu thế hơn vì miền Bắc có nhiều khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên
nhiều, các ngành khai thác đó Nhật bóc lột vơ vét đều tập trung ở miền Bắc như
thép, than. Khi Nhật thua rút đi, miền Bắc tiếp thu được. Trong khi đó ở miền
Nam thì không có gì. Miền Nam chủ yếu là đồng bằng, nông nghiệp là chính. Nếu
tính thu nhập đầu người ở Hàn Quốc năm 1962 mới chỉ có 62 USD/đầu người. Đến
năm 1996 thì tổng thu nhập bình quân đầu người đã lên đến 11.000 USD/ người,
đứng thứ 11 thế giới. Đến 1997 bị khủng hoảng tài chính nên tụt xuống một chút.
Mấy năm sau lại hồi phục được, bây giờ được đánh giá đứng thứ 12 thế giới. Qua
đó ta thấy được đường lối chỉ khác nhau một chút kết quả thu được đã tất khác
nhau. Hàn Quốc thực hiện đường lối dựa vào ô quân sự của Mỹ, cho Mỹ đóng quân ở
Nam Triều Tiên khoảng 37.000 quân, gần 100 căn cứ để rảnh tay đi vào sản xuất
kinh tế, buôn bán, sản xuất công nghiệp. Trong khi đó thì Bắc Triều Tiên tập
trung vào công nghiệp quốc phòng rất tốn kém, không còn đủ tiềm lực để nâng cao
đời sống của nhân dân, phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.
Trong khoảng 14 năm (1962-1975), dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Pắc Chung
Hy, Hàn Quốc đã khôi phục đất nước xong, sau đó tiếp tục phát triển rất nhanh
đã trở thành một con rồng ở khu vực này. Tổng sản phẩm quốc dân đạt 400, 500 tỷ
đô la, thu nhập đầu người vượt qua ngưỡng của 10.000 USD/người (11.400 USD).
Con đường phát triển định hướng được đúng thì đi càng nhanh, đất nước càng
phát triển được. Nếu định hướng sai, đi càng nhanh càng chết. Ta hình dung Nam-
Bắc Triều Tiên như cái kéo, càng đi càng xa nhau, riêng nói về kinh tế chứ chưa
nói về các chế độ khác. Khoảng cách chênh lệch giữa hai miền càng ngày càng xa
nhau. Mấy năm gần đây Bắc Triều Tiên toàn phát triển trên con số không. Từ
1994-1998 có năm bị âm đến 3,7%. Còn bình thường cứ âm từ 2% hoặc 3%. Trong khi
đó mặc dù Nam Triều Tiên bị mắc vào khủng hoảng tài chính năm 1997, nhưng đã bứt
lên rất mạnh. Tinh thần dân tộc rất cao. Riêng về kinh tế khi đất nước lâm
nguy, người dân sẵn sàng tập trung toàn lực mang vàng, bạc góp cho Nhà nước để
cùng thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế.
Ngược lại ở miền Bắc, do đường lối kinh tế xác định không được chính xác,
càng ngày càng lún sâu vào khó khăn. Như các đồng chí đã biết mạnh vì gạo bạo
vì tiền, khi đã nghèo thì hèn, khi đã không phát triển thì cảm thấy xấu hổ,
không dám nói với ai. Tôi lấy ví dụ: Ngoại giao hay dự các buổi gặp mặt, tiệc
tùng. Đại sứ hoặc cán bộ ngoại giao của Hàn Quốc gặp mọi người tay bắt mặt
mừng, gặp gỡ trao đổi với Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Nông nghiệp, Bộ Giáo dục, Bộ
Văn hóa… Nhưng với Bắc Triều Tiên chỉ đứng một xó, không dám nói chuyện với ai
và cũng không có chuyện gì để nói. Gặp cán bộ ngoại giao chúng tôi, là những
người chí thân, nhưng cũng không biết nói chuyện gì và cũng không có đề tài gì
để nói cả.
1 nhận xét:
Hay nhất là làm sao dân nó chịu đựng được, chứ không phải "con giun xé lắm..." như dân ta.
Đăng nhận xét