Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Chuyện kể nhân dịp được tặng sách cụ Trần Độ (Kháng Chiến)

Tác giả (trái) nhận 3 tập sách của cụ Trần Độ.
Mẹ sinh tôi được gần một năm thì bị ốm nặng. Để nuôi đứa trẻ gần đầy năm như tôi trong  những ngày đầu kháng chiến là một chuyện rất khó khăn. Thật may lúc đó cô Hằng (vợ chú Trần Độ) là láng giềng gần, mới sinh Trần Thắng, nên có sữa. Cô Hằng đã dành một phần sữa của mình cho tôi. Chuyện này mãi những năm 1970, khi  gia đình cô về sống cạnh nhà 99 tôi mới được biết. Khi vui chuyện, mẹ tôi và cô Hằng nói:  "Thằng Chiến  hồi đó tranh ăn của thằng Thắng". Cũng may là những ngày đầu kháng chiến cuộc sống  rất gian khổ, rất thiếu thốn, nhưng cô  Hằng còn trẻ,  khi sinh Thắng có nhiều sữa nên tôi được ăn ké.



Cô Hằng tham gia hoạt động từ những năm 1940, là liên lạc của  Xứ  ủy. Cô thường đến huỵện lỵ Bình Lục, tỉnh Hà Nam để  gặp cha tôi (lúc đó bị quản thúc sau khi  từ Côn Đảo về), để  giao chỉ thị của  Xứ ủy, của ông Hoàng Quốc Việt. Khi cha tôi bị giam tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội)  vào cuối 1943 đến tháng 3-1945 thì cô cũng bị giam tại đây. Vì thế mối quan giữa  cha mẹ tôi  với cô chú Trần Độ rất gắn bó, thân thiết. Trong cuộc sống của chúng tôi, thế hệ  con cháu, cũng duy trì được mối quan hệ thân tình này.
Vừa rồi có đọc bài viết của Trần Thắng trên blog Bantroik5 về cuộc đời binh nghiệp của mình, về chuyến xuất ngoại rất vất vả nhưng có hiệu quả  cứu gia đình vào năm 1984. Tôi thán phục lối viết hóm hỉnh, vui nhộn về những việc rất chi nghiêm túc của anh. Thầm nghĩ, Thắng thừa hưởng từ chú Trần Độ cái khả năng viết văn.
Về nội dung, tôi thú vị nhận ra:  Thắng và tôi - "hai con ông tướng", sau khi tốt nghiệp phổ thông hè 1965 - đều có con đường nhập ngũ giống nhau. Chúng tôi  tự nhận thấy chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc, bổn phận của chúng tôi là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tôi cũng không muốn học thêm. Khi các chú cho đi khám tuyển phi công tại Quân y viện 108, tôi cũng trải qua cuộc kiểm tra sức khỏe như anh Thắng đã viết. (Thật ngạc nhiên, Thắng lại có khả năng nhớ đến từng chi tiết của quy trình kiểm tra. Trí nhớ của Thắng siêu thật!).
Tôi rất khoẻ, có thể phục vụ trong mọi binh chủng, trừ việc lái máy bay, vì tim tôi sau khi làm điện tâm đồ (hồi đó là một "kỹ thuật rất mới" ở Việt Nam) bác sĩ phát hiện "có vấn đề bẩm sinh". Dù không muốn học nhưng vào bộ đội, sau khi về Hải Quân, tôi  lại được phân công đi học sỹ quan Hải quân, rồi chuyển sang học Tên lửa phòng không tại Odessa.
Tôi xây dựng gia đình, sống qua thời kỳ khó khăn sau chiến tranh. Là kỹ sư  quân đội  tôi từng quấn máy ổn áp đề bán, lấy tiền góp phần nuôi gia đình. Có lúc đã tính đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền "tự cứu mình". Vì thế đã hiểu một cách sâu sắc bài viết về chuyến xuất ngoại 6 tháng của Trần Thắng, sang Liên Xô học "Chiến tranh điện tử" chỉ là phụ mà để cứu gia đình là chính.  
Nghĩ lại thấy thế hệ chúng tôi  từng qua chiến tranh, rất đỗi tự hào vì là quân nhân của một đội quân chiến thắng nhưng cũng rất năng nổ, không xấu hổ trong việc buôn đi, bán lại  tự cứu mình. Trong bài Thắng có nhắc đến một người bạn nhận bán hộ chiếc đồng hồ của chú Trần Độ đưa cho. Không may anh bạn bị kẻ xấu lừa lấy mất chiếc đồng hồ. Người bạn đó từng học với tôi tại Odessa và là một học viên giỏi. (Sau này được phong quân hàm đến thiếu tướng, Cục trưởng). Tôi được biết có không ít cán bộ quân đội ta, khi được cử đi học, công tác tại Liên Xô, đều bằng mọi cách kiếm tiền cứu gia đình như Trần Thắng đã viết.
Cách đây mấy hôm, anh gửi thư cho tôi, báo  NXB Hội Nhà văn đã xúât bản Tuyển tập của hội viên Hội Nhà văn Trần Độ với quy mô 3 tập sách bề thế. (Chú là hội viên sang lập từ 1957). Anh cho biết sẽ tặng gia đình tôi một bộ.
Sáng 27-3-2012, tôi cùng bà xã lên thăm  gia đình anh Thắng, chị Dung tại quận Tân Bình.  Gặp nhau rất vui vẻ, nói nhiều chuyện về con cái, cha mẹ, bạn bè.
Anh Thắng và tôi  cùng nhớ về những hoạt động làm kinh tế, cứu gia đình của người Việt Liên Xô vào giai đoạn 1980-1990.  Không có ai ngu mà bỏ qua "cơ hội xuất ngoại may mắn" như vậy(!). Ngày nay khi cuộc sống đã khá hơn,  khi cuộc suy thoái kinh tế những năm 1980-1990 qua đi thì  chúng tôi nghiệm ra,  dù chưa thật hoàn hảo nhưng cuộc sống hôm nay là  tốt đẹp.
Nhận bộ sách quý của chú Trần Độ, vợ chồng tôi cảm động. Xin cám ơn anh!

5 nhận xét:

Viên Thạch nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Viên Thạch nói...

Bác KC sướng thế ! được tặng sách xịn !

TranKienQuoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
TranKienQuoc nói...

Cụ Độ là hội viên sáng lập Hội Nhà văn từ 1957. Cụ yêu thích viết lách và là 1 tay máy có góc nhìn. Nhìn tướng lĩnh nghĩ họ "khô như ngói" nhưng không phải vậy. Để lại sách cho đời là gì ư? Tuyệt!

TranKienQuoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.