Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Thế là, tôi cũng đi "Tây" (Trần Thắng)


TRAÀN THAÉNG

THEÁ LAØ,
TOÂI CUÕNG ÑI “TAÂY”

2010


    Năm 1983, tôi tham gia công trình T83 của Cục Tác Chiến, sang năm 1984 mọi việc cũng đã tạm ổn. Một hôm tôi gặp anh bạn PH. học Bách khoa Hà Nội với tôi, lúc này  đang làm việc ở văn phòng BTTM. Anh to nhỏ với tôi: sắp tới có một lớp bổ túc 6 tháng ở  học viện Thông tin liên lạc của Liên Xô về tác chiến điện tử-TCĐT và một lớp bổ túc 6 tháng ở học viện Hải quân Liên xô, tao với mày cố kiếm 1 xuất đi để còn có cơ hội “cứu nước, cứu nhà”. 


Hồi này việc đi nước ngoài có nhiều mục đích “sâu xa” lắm. Tôi cũng muốn đi một chuyến. Thực ra tôi cũng đã đi nước ngoài, đó là năm 1971 khi hành quân vào Nam, tôi có đi qua Lào và đóng quân ở Campuchia hơn 1 năm. Nhưng đi nước ngoài theo nghĩa là “đi Tây” thì chưa bao giờ. Lúc này chúng tôi đã vợ con đùm đìa rồi, đi 6 tháng là vừa, đi lâu quá cũng chán. Nhất là kinh tế đang quá khó khăn, đi Tây một chuyến có khi đổi đời nên tôi khá háo hức. Ông bạn PH. xoay trở thế nào không biết nhưng trong đoàn đi học viện thông tin có 2 người của Cục Tác chiến là anh VH và tôi. Anh VH lúc này là đại tá 3 sao (hồi này quân đội ta theo Liên Xô bỏ cấp thượng tá 3 sao nên mấy ông thượng tá được là đại tá), ở phòng Quân chủng và sẽ được “cơ cấu” làm trưởng phòng “Tác chiến điện tử” của Cục trong tương lai. Còn tôi là thiếu tá trợ lý kỹ thuật của phòng Sở chỉ huy. Tôi mới về phòng năm 1982 và công việc ở đây rất phù hợp với tôi, tình cảm anh em trong phòng cũng rất tốt, nhất là với anh TA. trưởng phòng nên khi quyết định đi học bổ túc tác chiến điện tử tôi khá phân vân. Tôi trao đổi với anh PH.: đi chuyến này về chắc chắn tôi phải chuyển sang ngành TCĐT, mà đi khỏi phòng SCH và công việc ở đó tôi thật sự không muốn. Anh PH. nói: Có cơ hội, cứ đi đã, về tính sau. Không đi chuyến này làm sao cải thiện được kinh tế gia đình. Quả thực vợ chồng tôi đang khó khăn, vì mới ra ở riêng nhà cửa không có, vợ chồng con cái đang ở chung với 4 người nhà ông anh vợ trong một căn phòng 14m2 ở Kim Liên. Vợ tôi đang dạy ở khoa dệt-may đại học bách khoa HN và đang xin nhà của trường, có khả năng sẽ được phân một gian nhà 3x6m mái lợp giấy dầu và vách ngăn bằng cót ép, ở nhà kiểu này thường có chuyện quanh năm nằm cạnh vợ hàng xóm vì hai nhà kê 2 giường sát nhau, cách 1 tấm cót mỏng, nhà này vợ nằm sát vách, nhà kia chồng nằm sát vách nên mới có chuyện vậy. Các nhà ở đó đang lên kế hoạch xây lại, nhà trường sẽ cho ngói lợp còn đâu phải tự lo. Vậy là chuyện lo tiền xây nhà trông chờ cả vào chuyến đi Tây này đây.
    Tôi cũng xin nói thêm thế này, năm 1977 tôi ở Quân Đoàn 4 ra Bắc và về công tác ở Viện kỹ thuật thông tin BTLTT, cuối năm 1977 tôi lấy vợ. Lúc này ở nhà bố mẹ tôi chỉ có hai vợ chồng tôi ở cùng. Cuối năm 1978, vợ tôi sinh cháu đầu. Chiến tranh đã lan rộng ở biên giới phía Nam và biên giới phía Bắc đang cực kỳ căng thẳng. Tôi rất bận và phải đi công tác suốt. Sang năm 1980, 1981 các em tôi lần lượt về, đứa từ nhà máy chuyển về HN, đứa đi học ở Bungari về, đứa từ đơn vị về tập trung đi học văn hóa. Nhà tôi trở nên đông đúc. Ngoài nhà tôi, bố tôi còn 1 bộ sậu gồm thư ký, lái xe, cấp dưỡng, cần vụ đều ở cả đấy. Vợ chồng tôi quyết định xin bố mẹ cho ra ở riêng để giảm tải cho cả nhà vì chúng tôi hy vọng mình có đủ tiêu chuẩn xin nhà nhất. Chúng tôi thu xếp ở tạm cùng với vợ chồng anh vợ tôi. Năm 1982, tôi về phòng Sở chỉ huy Cục tác chiến. Tôi bắt đầu tìm hiểu việc xin nhà ở đơn vị và thấy có lẽ còn rất lâu mới được vì lúc đó tôi mới là đại úy. Nhưng vợ
tôi lại có triển vọng. Sau khi vợ tôi làm đơn xin nhà, tôi làm đơn xác nhận đơn vị chưa cấp nhà, trường đi kiểm tra
chỗ vợ chồng tôi ở nhờ…đến khoảng đầu năm 1984, trong danh sách cấp nhà của trường, vợ tôi có tên. Thật mừng vô kể.
    Vào khoảng tháng 6, hai đoàn đi học viện thông tin và học viện hải quân ở Leningrat được hình thành. Tôi ở đoàn học tác chiến điện tử trong thông tin do anh VH. phụ trách, ngoài ra còn có thiếu tá HN. ở Cục quân lực, thiếu tá TH. ở BTL Phòng không, đại úy TN. và một đại úy nữa ở BTL thông tin, có đại úy PĐ. ở Cục vật tư, thượng úy DN. ở phân viện TCĐT, tất cả là 8 người. Đoàn này đi học theo kế hoạch chuẩn bị người cho việc hình thành ngành TCĐT trong quân đội ta.
    Đoàn do anh VH. phụ trách, còn thành viên có 2 nhóm, nhóm đã học ở LX trước đây như VH, HN, TH, DN, TN và nhóm học trong nước như Thắng, PĐ và một cậu ở thông tin…Trong nhóm học ở LX về có cậu DN và cậu TN là còn thông thạo tiếng Nga nên sẽ làm phiên dịch trong học tập cho đoàn. Cậu DN dịch kỹ thuật và cậu TN dịch chiến thuật. Sau khi hình thành tổ chức, đoàn có kế hoạch tập huấn về kiến thức TCĐT tại B10, Viện kỹ thuật quân sự. Một khối lượng kiến thức lớn được nạp gấp rút, trong đó có các kinh nghiệm TCĐT trong chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ là phong phú và khá hay. Tôi tiếp thu cũng không mấy khó khăn vì nền tảng kỹ thuật và chiến thuật của tôi đã khá vững. Ngoài việc học, việc được trao đổi nhiều nhất là chuyện “làm ăn” trong chuyến đi này. Tôi để ý thì mọi người truyền cho nhau nhiều kinh nghiệm và nhiều tin đồn. Nhưng thực ra ai cũng có những suy tính riêng, những “bài tủ” rất khó chia sẻ. Rồi trong 8 người cũng chia ra vài phe nhóm. Ông VH, ông PĐ chơi một mình. Hai cậu thông tin cặp kè nhau. Nhóm tôi, có HN, DN, TH khá gắn kết và chia sẻ nhau nhiều chuyện.
    Ngoài thời gian tập huấn kiến thức, chúng tôi lo chuẩn bị cho chuyến đi. Có 3 mảng phải chuẩn bị: mảng làm thủ tục và lĩnh quần áo tư trang do tài chính cho mượn. Cũng rất nhiêu khê về thủ tục, đi lĩnh ở kho khá xa, và sửa chữa sao cho mặc vừa. Tôi hồi đó khá gày gò ốm yếu, quần áo chữa mãi mà mặc vào “vẫn là đồ đi mượn”. Mảng chuẩn bị đồ “đút lót”: Cho giáo viên để có điểm tốt, cho khoa để còn xin cái này cái nọ, cho hải quan để dễ trót lọt nếu được gửi thùng hàng…Đồ cho mảng này chủ yếu là rượu “Lúa mới”. Mảng thứ ba là mình sẽ mang gì đây?  Phải trao đổi dò hỏi rất nhiều… để cuối cùng “gút” lại là mấy quần bò, mấy áo phông, đồng hồ gì, túi cói loại nào…đó  là những thứ gần như là thông dụng nhất. Lúc đó Radio cassette là mặt hàng có giá trị rất cao, nhưng cả ta và LX đều cấm. Vậy mà cậu DN vẫn mang sang được một cái mà không ai biết, hóa ra bạn cậu ta ở LX có một đường dây lo cho cả hai đầu trót lọt. Tới Matxcova, khi cậu lấy ra đưa cho bạn, chúng tôi sững sờ và vô cùng cảm phục.
    Tôi cũng cố gắng chuẩn bị. Phần đóng góp chung là mua khoảng 20 chai Lúa mới. Phần riêng thì tôi mua được 3 cái quần bò, 10 cái áo phông là cạn vốn. Nghe nói chỉ được mang 1 quần bò, 3 áo phông nên tôi khá lo lắng. Anh em truyền kinh nghiệm: mặc vào người vài cái là ổn. Chúng tôi khởi hành cuối tháng 8, trời thu HN nóng kinh hoàng, không hiểu sao lúc đó lại đủ sức mang được cả đống ấy trên người.
    Theo kế hoạch 1/9 khai giảng, vậy chậm nhất chúng tôi phải có mặt ở Leningrat là 30/8. Mọi người bàn và xin đi từ 20/8 và không hiểu sao cũng đi được. Ra sân bay Nội Bài chúng tôi “khệnh khạng” (do mặc vài bộ quần áo vào người) vào làm thủ tục. Xếp hàng, mở rộng va li, túi xách ra để khám. Tuy có “làm việc” trước với hải quan nhưng vẫn lo lắng. May sao, mấy nhân viên hải quan chỉ đi lướt qua, thỉnh thoảng cúi xuống xem xét rất “nghiêm túc” rồi cho qua. Mọi người thở phào khoan khoái và ra hiệu báo tin vui cho vợ con đang cũng lo lắng đợi chờ.                     Cuối cùng mọi gian lao khổ ải cũng qua, chúng tôi đã ngồi trong chiếc máy bay IL76 to lớn và nóng như nồi hơi, hình như máy bay không có điều hòa không khí thì phải. Phải gấp rút trút bỏ mấy bộ đồ ra không thì chết ngất mất. Trong máy bay hầu hết là người Việt: lưu học sinh; cán bộ đi học, đi công tác như chúng tôi; một vài khách người Nga; còn lại đa phần là công nhân xuất khẩu lao động. Trong cái nóng hầm hập, tiếng chuyện trò, gọi nhau í ới, chạy đi chạy lại như cái chợ… Rồi cũng đến giờ bay, máy nổ ầm ì, máy bay chạy lấy đà và lao vút lên không. Cái lao vút đó đã đưa tôi vào ngay cơn say, choáng váng chóng mặt ghê gớm, người lạnh toát nhưng mồ hôi vẫn túa ra, khổ sở vô cùng. Tôi nằm lịm đi không ngóc đầu lên được. Không biết bay bao lâu, tôi nằm im chịu trận, giá ngủ đi một giấc có lẽ hay, nhưng khốn nạn không sao ngủ được dù mắt vẫn nhắm nghiền. Tới giờ ăn, tôi chịu không ăn nổi vì nghe mùi đồ ăn là đã nôn nao muốn ói ra rồi. Rồi hạ cánh tiếp dầu ở đâu đó. Khi hạ cánh cơn chóng mặt lại càng dữ và tôi nôn thốc nôn tháo, bao nhiêu đồ ăn từ hôm trước ra sạch, sau đó là dịch dạ dày đắng nghét. Tiếp dầu xong, máy bay cất cánh, cơn say mới chồng lên cơn say cũ, quả thực tôi chỉ muốn chết đi cho rồi. Đi Tây thế này thà ở nhà quách cho xong. Lại mấy tiếng nằm lịm cho tới khi hạ cánh ở sân bay Matscova. Cũng phải đứng dậy mà đi, phải lấy và mang hành lý ra đợi họ đón. Chỗ đợi không có 1 cái ghế nào, mà tôi thì vẫn say và ói liên tục. Tôi đành liều ngồi cạnh thùng rác và cứ há mồn cho các thứ nó chảy ra. Thật quá thảm hại. Mãi cả tiếng sau, mới có người đến đón. Tất cả lên 1 chiếc xe ca. Vừa ngồi xuống và xe chạy thế là tôi lại rơi vào trạng thái say và ói, tôi cứ gục đầu trên tay vịn và ói thẳng xuống sàn xe…Rồi cũng tới chỗ nghỉ tạm qua đêm. Tôi nằm vật xuống và chìm vào giấc ngủ nặng nề. Sáng hôm sau có thông báo là chiều sẽ lên tàu hỏa đi Leningrat. Tôi vẫn phải nằm và không ăn uống được gì.
    Gần trưa có cậu T là bạn cậu DN tìm đến. DN bàn giao đồ đạc trong đó có chiếc Radio Cassette. Sau này nghe nói radio cassette giá tới 1000 rúp, một khoản tiền rất lớn. Cậu T thăm hỏi anh em, thông báo tình hình thị trường và ngỏ ý mua vài món đồ cho mọi người. Sau khi trao đổi thấy giá mua T đưa ra có vẻ thấp mọi người im lặng. Lúc này chỉ có tôi và DN trong phòng, T hỏi: anh mang được gì không? Tôi nói: có 3 cái quần bò và 10 cái áo phông. Sau khi xem, cậu ta nói: quần của anh toàn size nhỏ, áo thì kiểu quê quá khó bán lắm. Lúc đi mua chỉ biết mua quần bò, chứ có biết size nào bán được hay không bán được đâu. Cậu ta nói thêm: may ra chỉ có cái quần size lớn nhất là bán được thôi. Tôi hỏi: giá bao nhiêu? Cao lắm là 100 rup. Sao nói là 120 rup cơ mà. Phải size lớn mới được vậy. Tôi nghĩ 1 lát rồi bán cho cậu ấy chiếc quần giá 100 rup, dù sao cũng phải có đồng tiền lận lưng chứ. Vì khi gặp người ra đón đoàn, chúng tôi mới vỡ lẽ ra là do sang sớm tới 10 ngày nên 10 ngày này chúng tôi phải tự túc việc ăn uống. Mọi người không biết thế nào chứ tôi thì không có 1 xu. Quả đúng vậy, 100 rúp này đã cưu mang nhóm 4 người chúng tôi hơn chục ngày. Tôi vẫn nằm ngây ngất, không ăn được tí gì, chỉ uống tí nước, cơn say vẫn chưa bớt chút nào.  Mọi việc trao đổi, mua bán đều diễn ra trong trạng thái nằm, vì hơi ngóc đầu lên là lại ói ngay. Chiều đến chúng tôi được dẫn ra tàu hỏa đi Leningrat. Trong lúc đứng đợi tàu ở sân ga, có vài ông người Nga già chăm chú nhìn chúng tôi và tới hỏi thăm. Tiếc là tôi chỉ có thể nói rằng: tôi không nói được tiếng Nga rồi bắt tay nhau cười cười. Lên tàu chúng tôi ngồi ở toa ghế mền, so  với  tàu  VN thì quá sang trọng và tiện nghi.
    Tàu chuyển bánh từ từ rồi nhanh dần, chẳng mấy chốc đã lao vùn vụt với tốc độ 120km/g. Trời tối dần,  nhưng không tối hẳn nên vẫn có thể thấy quang cảnh mênh mông bát ngát của nước Nga. Tuyến xe lửa Matscva,  Xanh Petecbua do đích thân Nga hoàng vạch tuyến, Ông ta lấy cây thước nối 2 điểm trên bản đồ và kẻ 1 đường thẳng băng. Khi thi công, xem bản vẽ, thấy có 1 chỗ cong như nửa đường tròn, mọi người không hiểu nhưng cứ làm đúng như bản vẽ. Sau này tìm hiểu kỹ thì ra là khi vẽ Nga hoàng đã vòng qua ngón tay giữ thước mà không để ý. Qua giai thoại này ta thấy tầm nhìn lớn của một ông vua và sự nghiêm túc thực hiện của quần thần.
    Khi tàu tăng tốc và lao nhanh thì cũng là lúc tôi rơi vào trạng thái say mê mệt. Lại nằm im như chết mà không sao ngủ được. Lâu lâu uống ngụm nước để có cái mà ói…Thê thảm quá chừng. Nói về say tàu xe tôi bẩm sinh đã vậy. Mẹ tôi kể lại hồi bé, mỗi lần chạy giặc, di chuyển cơ quan, bà cho tôi vào 1 bên  thúng, bên thúng kia là đồ đạc và gánh đi. Tôi say mê mệt và ói mửa tùm lum rồi khóc suốt. Lớn một chút mỗi lần Bố tôi cho đi theo xe ô tô là lại say…Thời gian về Cục Tác chiến tôi hay phải đi công tác, nhiều lần đi máy bay AN 26 tôi cũng say khốn khổ, toàn nằm trên sàn máy bay chung với gà qué, heo, chó…Lần đi Lào công tác bằng Mi 8 cũng vậy, đến nỗi khi máy bay hỏng rơi tũm xuống ruộng lúa tôi còn mừng vì khỏi phải bay nữa!
    Tàu chạy suốt đêm và rạng sáng thì tới ga Leningrat, một nhà ga rộng lớn và đông đúc. Đón chúng tôi là đại diện Học viện và 2 anh đoàn VN đang học tại đó. Họ đưa chúng tôi về DOM 32 trên phố TOREZA. Đây là ký túc xá cho sinh viên, nghiên cứu sinh các nước đang học ở Len. Chúng tôi ở tầng 8 hay 10 thì không nhớ nhưng cũng khá là cao. Đoàn tôi 8 người thì tôi, VH, HN, TH, PĐ, DN được xếp vào 1 căn hộ 3 phòng, còn 2 cậu thông tin thì ở ghép vào một căn hộ với sinh viên đang học ở đây. Tôi lên phòng và nằm vật ngay ra cái giường nhỏ cạnh giường anh HN trong căn phòng có cửa sổ nhìn ra phố Toreza. Anh em cũng thăm hỏi, sức dầu, mua bánh, nước cho tôi ăn uống, nhưng không sao khỏi ngay được. Cứ như vậy hai hôm sau tôi mới tỉnh dần. Tính ra tôi say gần 3 ngày 3 đêm và hầu như không ăn uống gì. Khi đi đã gầy gò ốm yếu, bị một trận như vậy càng yếu thêm nên tâm trạng khá mệt mỏi.
    Căn hộ chúng tôi ở cũng khá đủ tiện nghi, có 2 phòng riêng, có bếp riêng, có Tivi, có sưởi… Ông VH và cậu PĐ ở 1 phòng riêng biệt, tôi và HN ở  phòng  ngủ  thứ  2,  có  cửa  thông  ra phòng khách, phòng khách rộng nên ngoài chỗ để Tivi, họ kê thêm 2 giường và TH, D nằm đó. Dom 32 là 1 chung cư cỡ 12 tầng, nằm dọc phố Toreza. Phía sau Dom 32 là khu sân chơi rộng cho nhiều khu nhà nằm quanh đó. Ấn tượng đầu của tôi là ở đây cái gì cũng to và rộng: người to lớn, nhà cửa to lớn, đường xá rộng rãi, sân chơi cũng rất rộng, từ nhà này đến nhà kia phải đi mệt nghỉ…Nhà thì rất to nhưng cửa vào thì bé tí, trần nhà cũng rất thấp vì sứ lạnh phải vậy mới hợp. Dom 32 có thang máy, chúng tôi toàn đi thang máy. Giờ đi làm hay chiều về cũng nhiều lúc “kẹt” thang.
Bây giờ ở Nga là cuối thu, trời bắt đầu trở lạnh. Còn 1 tuần nữa mới vào  học  nên  mọi  người  bàn  nhau  tranh thủ đi kiếm hàng. Thường thì nhóm 4 tên Thắng, TH, HN, DN hay đi với nhau. Ông VH hay đi một mình, cậu PĐ cũng vậy. Khi tôi đã tạm hồi phục thì nhóm 4 tên rủ nhau ra phố. Sở dĩ phải đợi tôi vì lúc này tôi đang giữ 100 rúp tạm làm quĩ của nhóm. Đầu tiên phải tìm hiểu mạng lưới xe điện ngầm vì đây là phương  tiện  khá  tiện  lợi, chỉ cần nhớ ga xe điện ngầm gần nhà, sau đó cứ thế mà đi, kiểu gì cũng về được. Thứ hai là phải có nhiều tiền lẻ và tiền xu và thứ ba là phải khỏe vì phải đi bộ nhiều.
Có trạm xe buýt ngay trước nhà, chúng tôi nhảy lên, mua vé bằng xu. Xe khá đông, quân ta nhỏ bé  thấp  lùn lọt thỏm vào đám người Nga cao to, lúc này mới thấm “nỗi buồn nhược tiểu”. Tới bến xe điện ngầm chúng tôi xuống. Phải nói rằng mỗi ga xe điện ngầm được xây dựng và trang trí như một cung điện rộng lớn, không ga nào giống ga nào. Cái ấn tượng to lớn lại đến với tôi. Người đông nghịt, khi đi chúng tôi mặc khá nhiều quần áo vì ngoài trời chỉ khoảng 14, 15 độ, nhưng vào ga và lên tàu chúng tôi toát mồ hôi hột vì nóng. Đang đứng đợi thì 1 đoàn tàu lao vụt đến rồi dừng lại êm ru, mọi người vội vã lên xuống trong khoảng 30 giây. Con tàu lại lao vụt đi chui vào đường hầm hun hút tối mò. Lên tàu tôi để ý thanh niên, đàn ông không một ai đến ghế ngồi. Chỉ có mấy bà già và phụ nữ trung niên là ngồi. Đàn ông, thanh niên vô ý ngồi xuống là bị mọi người nhìn như quái vật. Tất nhiên là chúng tôi cũng đứng, có điều tôi phải chọn 1 góc nào đó để tựa vào cho khỏi ngã, có chỗ mà bám tay cho chắc. Đến ga trung tâm chúng tôi xuống. Lên đến mặt đất tôi choáng ngợp vì sự to lớn, rộng rãi và sang trọng. Đi lướt nhanh qua các tủ kính to lớn bày hàng hóa đắt tiền, chúng tôi chui vào cửa hàng mà bây giờ hay gọi là siêu thị. Hàng hóa khá nhiều, người đi mua cũng lắm, nhưng chúng tôi chỉ để tâm tới mấy món hàng “chiến lược” dễ tiêu thụ và lãi suất cao như tủ lạnh Saratop, nồi áp suất, chậu nhôm to, dây mayso cho bếp điện, bàn là, máy khâu, các loại ổ cắm điện. Dạo một vòng qua mấy cửa hàng chúng tôi chưa phát hiện ra hàng “chiến lược”, nhưng cũng thích vài thứ và nảy ra ý định mua sắm lung tung. Mọi người xác định lại “tư tưởng” và không mua gì, coi như đi trinh sát thôi. Nói thực lúc đó tôi còn mệt, không biết tiếng tăm gì, tiền nong có hạn nên cũng không mấy hứng thú với  trò mua bán. Nhưng vì “trách nhiệm nặng nề” nên phải cố thôi.  Tôi  rất ngại và xấu hổ vô cùng.
    Sau đó là mấy ngày cuối tháng 8, chúng tôi vào học viện để làm các thủ tục, anh Vinh trưởng đoàn cũng đề xuất luôn vài đề nghị: xin cấp quân trang, xin gửi thùng hàng…Quân phục chúng tôi mang đi là loại K82 may vải của LX cho nên khá tươm tất nhưng không thể bằng vải may cho sĩ quan LX và LX may. Nhất là sơ mi của chúng tôi khá bèo so với sơ mi – áo bay của LX đang là hàng “hot” ở VN. Đang mùa thu và mùa đông sắp tới mà chúng tôi không có áo khoác, quân trang của họ theo mùa, mùa thu có áo khoác mỏng (panto) và mùa đông có áo khoác dày (xinhen) kèm theo mũ lông. Sở dĩ vấn đề quân trang quan trọng không phải chúng tôi muốn mặc đẹp mà vì chúng rất có giá ở VN lúc đó. Từ cái áo bay, đến đôi giày da nâu, từ cái áo panto đến cái mũ lông…cái gì cũng qui ra tiền hết. Mà quân ta thì đang rất cần tiền. Theo qui định thì học kỳ hạn 6 tháng sẽ không được cấp quân trang và không được gửi thùng  hàng.  Nhưng  sau  đó  một vài tuần chúng tôi được thông báo: sẽ được may 2 áo bay, 1 áo panto, cấp 1 đôi giày da. Được gửi 1 thùng hàng nhưng chỉ có kích thước 1,2x1,2x1,2m, tuy nhỏ nhưng có còn hơn không. Kết quả này có sự góp công của vài chai Lúa mới đây. Áo bay và panto đo may chỉ 2 tuần là xong. Nhận áo đa số cất kỹ, riêng tôi thấy mấy cái sơ mi của tôi quá cũ lại bạc phếch nữa nên tôi lấy áo bay ra mặc luôn. Về quần áo của quân ta so với quân đội các nước thật quá kém, kiểu cách, chất liệu đều rất tồi. Người ngợm đã quắt queo dặt dẹo, đi đứng liêu xiêu, lại mặc những bộ đồ chán như vậy càng làm cho quân ta chẳng giống ai. Nhất là cái món quân hàm, vừa xấu, vừa bèo nhèo, lại màu sắc sặc sỡ trông đến chán. Nguyên gắn sao, gắn gạch rồi đeo vào áo đã là một kỳ công. Vậy mà mỗi người chỉ có 1 bộ, khi sao rụng, gạch gẫy thì thật buồn cười, có anh đại úy một bên 4 sao, một bên 3 sao; có anh thiếu tá một bên 2 gạch, một bên 1 gạch. Chuyện này rất hay xảy ra vì mùa thu, mùa đông ra khỏi nhà là phải mặc áo khoác. Khi vào nhà cởi ra vô ý một chút là sao gạch rụng sạch. Đấy là chưa nói quân đội các nước họ mặc khác ta, áo sơ mi có quân hàm, áo vét có quân hàm, áo panto có quân hàm, mà quân hàm thường có màu gần giống màu quân phục nên rất nền nã; sao không sắc nhọn và được bắt bằng ốc vít rất chắc, sau đó may vào áo. Còn ta chỉ có nhất bộ đeo ở áo vét thôi, màu lúc mới thì sặc sỡ nhưng khi cũ bạc xỉn màu rất xấu, sao vạch bằng đồng mỏng sắc nhọn lại mạ bạc mỏng nên khi cũ nó bong tróc, đen xỉn rất chán, lại gắn bằng các dây đồng nhỏ hay chân bằng nhôm nên hay gẫy lắm. Cải tiến cải lùi mãi mà vẫn không khá lên được. Thật chán.
    Ngày 1/9/1984 nhà trường khai giảng, có 1 lễ ngắn gọn, sau khi hiệu trưởng phát biểu, các khối học viên đi đều diễu qua khán đài, xong là vào lớp học. Việc học của chúng tôi có 2 phần, phần chiến thuật và phần kỹ thuật. Mỗi phần có vài môn học. Học kỹ thuật thì cậu DN dịch. Học chiến thuật thì cậu TN dịch. Học lý thuyết  xong  thì  thực  hành trên các thiết bị.
     Với tôi và một vài người khác mọi việc không có gì khó khăn, nhưng cũng có anh học đấy nhưng hầu như chả hiểu gì. Tôi có nhận xét thế này: kiến thức kỹ thuật nói chung dừng lại ở mức cơ bản, tính ứng dụng ít và kém xa những gì thực tế tôi đã gặp trong chiến tranh với Mỹ, hiểu biết của họ về Mỹ không nhiều và khá lạc hậu. Thiết bị trinh sát điện tử và chống phá điện tử toàn dùng các loại máy thông tin chế lại nên tính năng không thể bằng thiết bị của Mỹ. Lúc này ta cũng được tiếp xúc 1 số kiến thức và thiết bị dành cho khối Vacsawa, nhưng cũng chỉ như cưỡi ngựa xem hoa. Cũng có những buổi đi dã ngoại, khá vất vả vì giá lạnh, băng tuyết và đêm hôm, nhưng cũng thú vị…Việc học cứ tuần tự trôi qua và cuối cùng chúng tôi cũng có 2 ngày thi tốt nghiệp, một nửa là khá giỏi và tốt nghiệp 100%. Rồi nhận bằng. Chụp ảnh. Liên hoan chia tay…
    Trong 6 tháng học, nhà trường tổ chức cho chúng tôi đi chơi khá nhiều. Tháng đầu tiên, chúng tôi  được  đi  thăm  cung  điện Mùa hè. Công trình đẹp từ cảnh  trí, sân  vườn,  thác  nước  đến các lâu đài xa hoa sang trọng, toàn bộ cung điện nằm bên bờ vịnh lộng gió. Sau đó chúng tôi còn được đi thăm viện bảo tàng mỹ thuật Ermitad, khu tưởng niệm những người dân và lính hồng quân hy sinh trong hơn 900 ngày đêm bảo vệ Leningrat trong đại chiến thế giới thứ 2, ở đó có hơn 900 ngọn đèn cháy sáng vĩnh cửu, thăm cung điện mùa đông, điện Smonui…Phải nói rằng đó là những chuyến đi vô cùng bổ ích và lý thú. Chỉ có lần thăm điện Smonui, đứng cạnh tượng Lenin đang chỉ tay, anh chàng PĐ cũng làm điệu bộ như vậy và hét lên: “CCCP – Các Chú Cứ Phá” làm bọn tôi giật mình. May mà không ai thấy.
    Tháng 9-1984, chúng tôi được lĩnh phụ cấp hàng tháng. Cấp tá là 120 rúp và cấp úy là 100 rúp. Tiền phụ cấp dùng cho ăn và tiêu vặt. Chỉ tiêu đặt ra là ăn và  tiêu  càng  ít  càng  tốt,  còn  lại dành để mua đồ. Nhóm tôi xác định 
Chụp ảnh sau khi tốt nghiệp 2-1985

chuyến đi này vấn đề bồi dưỡng sức khỏe rất quan trọng, ngoài cậu DN còn trẻ khỏe và có da có thịt ra, 3 thằng còn lại toàn gày gò, ốm yếu, cha TH lại cao nữa cho nên cứ như Dongkisot ấy, cho nên cố gắng tiết kiệm nhưng không hạn chế ăn. Một ngày bắt đầu từ 05g sáng, thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi 06g lên xe buýt. Trưa 12g nghỉ và phải vào ăn trong nhà ăn sĩ quan, ăn ở đây khá đắt nên cũng phải tính toán sao cho mỗi bữa chỉ tốn 1,5 – 2,0 rúp. Kể cũng khó xoay sở. Bốn thằng 1 bàn, mỗi thằng gọi món riêng, nhưng vẫn để ý và nhắc nhau ăn sao cho kha khá 1 chút. Riêng cha TH rất lười ăn, ăn ít, món nào cũng chê, nhưng cả nhóm ra sức ép cho cha ấy ăn. Tối về tự nấu lấy ăn, đi chợ thì đi chung, còn nấu thì mỗi anh một tối, cứ thế xoay vòng. Tan học 1 anh về nấu ăn còn 3 anh đi “tăm” hàng, gặp là mua cứ cơ số 4 nhân lên. Có hôm nhiều hàng quá phải cử 1 anh chạy về kêu anh đang nấu cơm ra tải hàng. Như vậy mỗi tháng chúng tôi cũng tiết kiệm được từ 30 – 50 rúp, mà 1 cái bàn là có 2,5 rúp, mỗi tháng mua 15 – 20 cái thì trúng to. Cứ như vậy bài toán ăn, tiêu, mua, bán chi phối chúng tôi hằng giờ, hàng ngày. Rồi thì cũng tìm được tủ lạnh, máy khâu, nồi hầm, chậu nhôm, dây mayso, áo bay…Nếu tại chỗ không có, thì mạng lưới người quen, mạng lưới mua bán hàng của quân ta phát huy tác dụng. Hàng từ Mat, và các thành phố khác gởi về dần. Căn hộ ngày càng chật chội vì phải kiêm chỗ để hàng. Khổ nhất là mấy bà lao công, ngày nào vào dọn dẹp cũng kêu la quá trời.
    Dần dần hàng mang sang cũng tiêu thụ hết, chủ yếu là qua trung gian nên cũng không được giá lắm. Ai cũng có một khoản tiền và hàng mua được nhiều thêm.
    Tới bây giờ tôi vẫn nhớ rõ cái cảnh đi “đánh hàng”. Phát hiện ra hàng phải nhanh chóng mua ngay, họ bán ít thì xếp hàng quay vòng, gọi anh em tới mua, nhờ người Nga mua hộ. Kể cũng chai mặt lắm nhưng biết làm sao? Không đánh nhanh, quân ta kéo đến thì nó vét sạch ngay. Rồi khuân 1 đống hàng đó ra xe, ra tàu theo kiểu sâu đo. Trong cái giá rét -30, -35 độ, gió gào thét, tuyết bay mù trời, băng trơn như mỡ, quân ta vẫn hì hục nhẫn nại làm việc không dám nghỉ ngơi, vì nếu nghỉ là coi như nghỉ luôn, khó mà làm tiếp được. Tôi nhớ như in những lúc mỗi tay xách 4 cái nồi hầm hoặc 2 cái máy khâu, lò dò từng bước trên băng trơn, gió ngược, nước mắt nước mũi chảy ra rồi đóng băng thành cục mà không sao gỡ ra được. Nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng rồi nghĩ tới lúc số hàng này về đến nhà, biến thành sữa cho con, quần áo cho vợ, xây được mái nhà nhỏ là lại cố mà bước. Về đến DOM đâu đã hết khổ, đợi chờ, tranh giành thang máy, nếu thang máy liệt thì chỉ còn cách vác hàng leo bộ lên lầu 8, lầu 10 mà thôi. Mình làm mọi việc đó trong cái nhìn đầy thắc mắc, đầy thương hại, thậm chí coi thường của người Nga, các học viên nước khác cùng học. Lúc này chỉ có chai mặt, cắn răng mà chịu chứ biết sao? Cái số phận của chúng ta, của dân tộc ta nó vậy đấy, rất phi thường nhưng cũng quá đỗi tầm thường. Người ta không hiểu tại sao chúng ta làm được những việc phi thường như vậy và cũng không hiểu vì sao chúng ta cũng kéo nhau làm những việc tầm thường như vậy. Cái cảm giác xấu hổ, mặc cảm, sĩ diện luôn day dứt tôi hàng ngày. Mình chỉ biết cố gắng học hành cho tốt, ăn mặc sạch sẽ lịch sự, cư xử cho đàng hoàng thôi. Còn lại thì vẫn phải lao vào cái vòng xoáy của “phong trào”.
    Vào tháng 12 thì phải, bố tôi có dịp qua LX làm việc. Ông đã liên hệ và tới Leningrat thăm tôi. Thế là cả bộ sậu háo hức, anh PH, anh NV cũng tích cực tham gia. Chúng tôi tới thăm Ông ở khách sạn và đề nghị Ông mang về giúp mỗi người 1 chút quà cho gia đình. Ông vui vẻ nhận lời và cùng chúng tôi chuẩn bị, tôi mua 1 cái vali nhỏ để quà của mọi người, mua 1 cái cặp sách có quai đeo cho con trai tôi vào năm học mới. Tôi nhớ là anh PH, anh NV gửi chủ yếu là thuốc Tây. Tôi và mấy anh em khác có vài món quà nhỏ cho mọi người. Tôi mua cho Bố tôi chục cuộn phim chụp hình…Khi tiễn Ông đi, Ông tháo chiếc đồng hồ tuy hơi cũ nhưng khá xịn đưa tôi để có thêm chút tiền mua sắm. Chiếc đồng hồ này sau đó tôi nhờ cậu NA ở đoàn anh PH bán hộ. Không biết xui sẻo làm sao cậu bị bọn Trung Á lừa mất. Tôi tiếc nhưng không đòi hỏi gì. Sau đó NA có đưa cho tôi 100 rúp, tôi cầm nhưng thấy áy náy quá. Không biết sau này NA là thiếu tướng, Cục trưởng, NA có nhớ vụ đó không? Tôi thì tôi nhớ mãi những người tốt như vậy.
    Đi mua hàng cũng có những chuyện vui, hôm đó tôi và HN cùng nhau la cà mấy cửa hàng, tới quầy quần áo lót phụ nữ đã tính qua nhanh, nhưng chợt thấy mấy cô gái dừng lại mua quần lót, tôi bấm HN dừng lại xa xa theo rõi. Khi các cô đi rồi tôi kéo HN lại xem, cô bán hàng không chú ý bỏ đi. Tôi bàn với HN: mấy bà vợ ở nhà toàn lấy vải tự may quần lót, nếu có được vài chiếc loại sợi vải dệt kim thế này này thì thích lắm đây, HN đồng cảm ngay và nhất trí mua. May sao lúc đó không có ai, hai thằng kêu cô bán hàng và nói mua mấy cái quần lót, cô ta mở to mắt ngạc nhiên và cố nén cười. Chúng tôi cũng ngượng lắm nhưng ỷ đông nên phớt lờ đi. Cô ấy hỏi mua mấy cái, tôi nhanh miệng nói 20 cái. Cô ta trợn mắt, tròn mồn, còn HN cũng ú ớ không biết nói sao. Tôi mở to cái cặp, lùa nhanh mớ hàng vào, đóng lại và rảo bước đi ngay. Về đến nhà hai thằng mở ra xem, đếm và cười rúc rích. Bất ngờ TH, DN kéo vào và phát hiện, hai thằng reo lên: hàng này hay quá, mua ở đâu đấy? Bọn tôi nói cửa hàng xong thì TH và DN nói chắc bọn tôi chả dám đi mua đâu, thôi các ông chia lại đi. Nói mãi tôi và HN đành phải chia cho mỗi tên 5 cái. Vậy là chẳng còn bao nhiêu, tôi nói với HN: đấy thấy chưa tưởng mua nhiều mà bây giờ còn bao nhiêu đâu. Sau này tôi cảm nhận được có lẽ vợ tôi ưng ý nhất là món hàng đó.
    Ngày qua ngày trong cái vòng quay ấy khá nhanh, vào dịp đầu năm mới nhà trường thông báo chúng tôi ra yêu cầu để hậu cần học viện đóng giúp cho 8 cái thùng theo kích thước qui định. Người Nga cũng rất cảm thông với chúng tôi. Thậm chí họ còn giúp chúng tôi mua được 8 cái tủ lạnh Saratop và cho gửi ở kho của trường. Nếu không có học viện giúp có lẽ chúng tôi không sao mua được nó, vì thấy người Việt hỏi mua, cửa hàng đều nói hết. Sau mấy tuần chúng tôi đã có thùng, thùng đóng bằng gỗ thông khá tốt. Khi xem và ước lượng chúng tôi thấy có chất hết hàng của mình có lẽ chỉ hết 4, 5 phần của thùng. Thế là việc mang hộ hàng trở nên sôi nổi. Mọi người trao đổi thỏa thuận, chủ yếu là mang hộ hàng trả bằng hàng. Tôi cũng mang hộ khá nhiều nhờ đó có thêm một khoản thu không nhỏ. Ví dụ: tôi chỉ mua được 10 cái chậu nhôm, mọi người gửi tôi mang hộ 20 cái và trả công là 5 cái chậu. Hoặc mang hộ 10 cái nồi áp suất thì được trả công 2 cái…Tính ra thu nhập do mang hộ hàng cũng gần quá nửa. Còn làm sao mang trót lọt mỗi thùng hàng chục cái nồi áp suất, hàng năm chục cái chậu nhôm…thì có người lo lót cho hải quan bến cảng, cũng vài chai Lúa mới thôi, vui vẻ.
    Trước hôm về khoảng 1 tuần, học viện cho xe tải chở 8 cái thùng tới Dom 32, thật là 1 ngày hội, không khí náo loạn suốt 1 ngày. Nào là hàng của mình, hàng của anh em gửi…Mọi người xúm vào sắp xếp, chèn lót…cho đến chiều muộn thì tạm ổn. Xe tải của học viện lại chở giúp ra cảng. Hôm sau, tại cảng, các thùng hàng được mở ra cho hải quan khám. Anh chàng hải quan đi một lượt, săm soi nhòm ngó một hồi rồi phẩy tay cho qua. Vậy là xong. Khoảng 6 tháng sau, các thùng hàng này sẽ tới Hải Phòng. Để đưa được thùng hàng này về nhà chúng tôi biết còn qua nhiều cửa ải nữa.
    Khoảng đầu tháng 2/1985 chúng tôi lên đường về nước. Tôi xếp 1 vali đồ khoảng hơn 20kg. Có thêm 1 túi xách to tôi nhờ anh em mua cho gần chục kg táo. Hồi đó được ăn táo Tây là quí lắm, tôi tính mua táo về cho mọi người ăn thỏa thích. Giữa mùa đông tìm mua táo đã khó lại đắt nữa nhưng tôi vẫn mua. Ngoài ra tôi để ra khoảng 50 rúp để sau khi vào phòng chờ sẽ mua champa, socola, kẹo, bánh để về liên hoan gặp mặt gia đình. Lúc ra sân bay mọi người thống nhất là mặc  quân  phục với  áo panto bên ngoài, mặc nhiều như vậy vào người  vừa  thích  hợp với thời tiết, vừa nhẹ vali, vừa đàng hoàng nghiêm chỉnh. Vậy nhưng chỉ có 7 người thực hiện, riêng TH dứt khoát cất panto đi cho nó mới, thay vào đó anh ta khoác chiếc áo xinhen to đùng, nặng chịch vào người. Áo xinhen là áo khoác mùa đông do học viện phát cho học viên. Khi về nước hầu như mọi người bỏ lại hết vì nó to, nặng, thô ráp, chỉ được cái ấm thôi. Đoàn tôi không được phát nhưng ở tủ của căn hộ có cả chục cái, chúng tôi cứ chọn cái nào vừa là mặc, khi về lại để lại trong tủ đó. Mọi người rất khó chịu nhưng TH mặc kệ, hơn thế anh ta còn nhét vào túi trong, túi ngoài áo khoác rất nhiều hàng linh linh để bớt cân của vali. Vẫn chưa hết, khi xuống sân bay ở Mát chúng tôi phát hiện quần áo Thạo bê bết một chất lỏng trắng đục gì đó, hóa ra anh ta bỏ túi cả chục lọ keo, khi bay thay đổi áp suất, keo phun ra khắp người. Thật là bi hài.
    Kỳ này về chúng tôi đi máy bay từ Len lên Mát, tôi xin thuốc uống chống say từ mấy hôm trước. Nhờ đó chuyến bay về tôi không bị say, cũng có thể sức khỏe đã được nâng lên rõ rệt. Khi làm thủ tục, tôi cân chiếc vali khoảng hơn 20kg, họ cho qua. Nhưng nhìn chiếc túi xách căng phồng, họ bắt tôi để lên cân và nó nặng hơn 10kg. Họ bắt tôi nộp phạt quá cước 45 rúp, vậy là hết sạch tiền. Tôi đau quá muốn kêu trời mà đành chịu, mọi ý định cho một cuộc gặp mặt vui vẻ đã không thành. Đã thế sau khi nộp phạt xong họ không cho tôi xách theo nữa mà phải gửi hành lý, thế thì nát hết táo chứ còn gì? Hôm sau về nhà số táo tôi kỳ công, tốn kém mang về bị dập nát và hỏng gần hết, chán nhất là ăn chẳng còn mùi vị thơm ngon gì cả, vậy là mất toi gần 100 rúp cho chỗ táo đó. Ngoài ra tôi cũng mua những thứ hơi “vô duyên” như rất vất vả ôm về 1 cái gương treo tường to, hoặc lại mua nồi áp suất loại 4 lít rất khó bán…Còn lại nói chung là khá đáp ứng yêu cầu đề ra.
Sau mười mấy giờ bay chúng tôi đã về tới Nội Bài, khỏi nói cha con vợ chồng gặp nhau mừng thế nào. Có 6 tháng thôi mà tôi cảm thấy như lâu lắm rồi.
    Rồi hơn 6 tháng sau, chúng tôi đi Hải Phòng lĩnh thùng hàng về. Lại 1 chuỗi cực nhọc, nhiêu khê, mất 2 ngày 1  đêm  vạ  vật cho tới khi hàng về đến nhà. Cũng xôn xao, náo loạn dỡ hàng, những người nhận hàng mang hộ cũng đã từ khắp nơi tới chờ chực để lấy. Tôi giải quyết xong mọi việc cũng phải mất cả tuần sau.
    Kết quả không đến nỗi nào, ngoài những món quà thiết thực cho mọi người, tôi cũng gần đủ tiền để  xây  ngôi  nhà
“mơ ước” đầu tiên. Quà cho mẹ tôi là 1 chiếc đồng hồ treo tường to, có chuông kính kong mà bà rất thích. Các em tôi mỗi đứa 1 cơ số nồi áp suất, bàn là, chậu nhôm… Bố tôi là phim ảnh và các loại ổ cắm, đầu cắm điện mà ông cần. Khi xây nhà gần xong cũng là lúc tôi cạn vốn, vậy là áo bay đã mặc, giày đã đi, mũ lông, áo panto lần lượt ra đi.
    Tôi nhớ khi thợ kêu hết vôi tôi đã mang chiếc mũ lông ra bán và rất may vừa mua đủ 1 xe vôi.
    Trong ngôi nhà mới, có 1 cái bếp nhỏ, tôi đã tận dụng gỗ thùng hàng đóng được 2 cái tủ nhỏ, giữa 2 tủ tôi kê 1 cái mặt bàn đá mài để cái bếp dầu. Vậy là có cái bếp “hiện đại” rồi.
    Mỗi khi nhìn con đeo chiếc cặp LX ít người có đi học, ngồi trong ngôi nhà 18 m2 tường xây lợp ngói, tôi thấy mọi cơ cực trải qua thật không uổng phí. Sau này có đất rộng, nhà to, tiền tiêu món lớn, nhưng tôi không thể nào quên cái thủa vất vả, chắt chiu kiếm từng đồng một của hơn 25 năm trước.
    Chuyện tôi đi “Tây” là vậy đấy.

Tháng 3 năm 2010,
nhớ tới chuyến đi “Tây” 25 năm trước


4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Anh Thắng là hàng xóm 97 Trần Hưng Đạo, sát tuờng nhà tôi. Tốt nghiệp chuyển tiếp 2 Bách khoa vào Đại học KTQS, anh xung phong đi B2. Chiến đấu mãi mới ra Bắc.
Anh em thân thiết.

Nặc danh nói...

Anh Quốc có nhớ Phúc kể chuyện ngày lạnh nhất -35 độ ở Matxcơva Phúc được ông quản trị khu vực nhà vườn (đatra) của chú Lộc nạp accu để nổ máy xe.Thế mà ông Sasha ấy đã qua đời đột ngột lúc đang lái xe trên đường từ ngoại ô về Mat.Ông ấy chắc bị nhồi máu cơ tim,cách đây 6,7 năm ông ấy đã bị mổ tim rồi.Chú Lộc hàng xóm của Phúc rất buồn vì mất đi một người bạn tốt.Ông ấy luôn sẵn sàng giúp đỡ chú ấy bất cứ lúc nào cần.
Phúc Mat

Nặc danh nói...

Đọc bài viết của Tr.Th một mạch, cũng lạ, viết không chuyên nhưng người đọc bị hấp dẫn. Rất có thể,nhiều chuyện Th.kể ra là trùng với những kỹ niệm đã qua của người đọc. Phục Th., non 40 năm rồi mà câu chuyện còn rất chi tiết( kể cả chuyện vụn vặt!)
Từ văn xuy ra người: Người viết là người chỉn chu, kỹ tính, chi tiết và cẩn thận?

Viên Thạch nói...

Cháu thích bài viết của chú. Chú KQ từng nói rằng "kỷ niệm bao giờ cũng đẹp vì có nó mà ta lớn lên". Cháu thấy mình lớn lên trong kỷ niệm của chú, của một thời con người ta buộc phải đấu tranh, phải lựa chọn, phải chấp nhận để tồn tại và phát triển. Đọc, nhiều khi thấy xót xa nhưng cũng có lúc bật cười vì những chuyện thật vui nhộn, nhất là vụ mua quần cho các cô ở nhà ! Có lẽ, một điều lớn hơn nữa qua bài viết của chú, cháu cảm nhận được con người Việt Nam chúng ta, nhất là thế hệ các chú, thực sự vĩ đại !