Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Hồ Chí Minh, một cuộc đời (5)


6. Nghệ Tĩnh đỏ



Đảng cộng sản Việt nam ra đời, thỏa mãn ước mơ của Quốc khi rời quê hương cách đây 21 năm, tìm một con đường để giải phóng đất nước. Cùng với cuộc đại khủng hoảng đang diễn ra ở thế giới tư bản, phong trào cách mạng ở Đông dương có vẻ như minh chứng cho dự báo của QTCS về ngày huy hoàng sắp đến của cách mạng thế giới. Tuy nhiên, với Quốc, có nhiều câu hỏi cần phải trả lời. Liệu đảng mới sẽ thuộc đảng bộ sắp được thành lập tại Singapore hay sẽ báo cáo trực tiếp cho văn phòng FEB tại Thượng Hải? Liệu Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò đại diện của QTCS hay sẽ trực tiếp lãnh đạo Đảng? Nếu lãnh đạo thì sẽ đóng ở đâu vì nếu Quốc về Đông dương, sẽ bị bắt và xử ngay.

Ngày 13/2, bất chấp cái lạnh, Quốc đi Thượng hải để liên lạc với Hilaire Noulens tại trụ sở của FEB trong một biệt thự châu Âu trên phố Nam kinh náo nhiệt. Gặp Noulens không phải là việc dễ. Ngày 18, Quốc viết thư cho Nou, giọng rất bức xúc:


Tôi phải gặp đồng chí ngay, bởi vì
1/ báo cáo này đã viết 2 ngày vẫn chưa đến được tay đc;
2/ Mọi việc có thể giải quyết trong 1 giờ mà tôi đã ở đây 5 ngày rồi;
3/ tôi buộc phải ngồi không trong khi công việc chỗ khác đang chờ.

Trong bức thư, Quốc cũng kiên quyết phản đối quan điểm của QTCS về việc thành lập các đảng khu vực, bỏ qua yếu tố dân tộc. Quốc không đồng ý để VCP thuộc đảng bộ Đông Nam A, cho rằng Việt nam cần phải có một đảng độc lập, báo cáo cho FEB qua văn phòng Hồng kông. Có vẻ như cuối cùng Quốc cũng gặp được Nou và thuyết phục Nou đồng ý với quan điểm của mình, vì sau đó vài ngày Quốc báo cáo với Dalburo ở Moscow. Nhưng vẫn còn một vài khúc mắc:



Tôi không rõ vai trò của mình. Tôi là thành viên Đảng CS Pháp hay Việt nam. Khi chưa có lệnh mới, tôi sẽ tiếp tục làm việc với VCP. Nhưng dưới danh nghĩa nào? Tôi không thể về Đông dương vì đã có bản án tử hình vắng mặt. Liệu vai trò của tôi với QTCS đã chấm dứt? Nếu không, tôi có thể liên lạc với văn phòng địa phương được không? Rất mong Ban chấp hành xem xét nhanh.

Trước khi rời Thượng hải, Quốc gặp Nguyễn Lương Bằng, một tay chân cũ từ thời ở Quảng đông. Quốc dặn Bằng tìm cách tuyên truyền, thu phục gần 4000 lính Việt nam hiện đang đóng trong khu nhượng địa Pháp. Quốc còn nhấn mạnh việc giữ vững quan hệ với Đảng CS Trung Quốc. Sau đó Quốc về Hongkong thành lập văn phòng phía Nam của FEB, đợi lệnh mới. Văn phòng này được đặt trong một ngôi nhà 2 tầng ở đảo HongKong, dưới danh nghĩa một hãng buôn. Quốc thuê một căn hộ gần sân bay ở Cửu long, hoạt động với tên gọi nhà báo Vương. Văn phòng có trách nhiệm liên lạc với các đảng ở Đông Nam Á: Thái, Sing và Việt Nam

Cuối tháng 3, Quốc đi tour trong khu vực với nhiệm vụ khôi phục tổ chức ở Nam Dương. Tại Thái lan, Quốc qua Udon Thani, thông báo về việc thành lập VCP. Theo lời của Hoàng Văn Hoan, Quốc kêu gọi các thành viên của Hội tham gia tích cực vào các hoạt động của đảng CS Thái sắp được thành lập. Để trấn an tâm lý bất ổn vì không được tham gia trực tiếp vào giải phóng VietNam, Quốc khuyên nên tổ chức Hội thành văn phòng tỉnh của VCP. Cuối thàng 4, Quốc quay trở về Băng Cốc chủ tọa hội nghị thành lập đảng CS Thái, bầu ban chấp hành lâm thời với 1 đại biểu Việt nam từ Udon Thani. Sau đó Quốc đi Malaya và Sing, dự hội nghị đảng Nam Dương, cải tổ thành đảng CS Malayan. Cả hai đảng mới đều báo cáo cho FEB qua văn phòng HongKong. Quốc quay về HongKong giữa tháng 5.

Trong khi Quốc bận rộn “đỡ đẻ” cho các đảng mới, tình hình Việt nam nhanh chóng trở nên căng thẳng. Đầu tiên là cuộc khởi nghĩa của Vietnam Quốc Dân Đảng vào đầu tháng 2. Bỏ qua những nguyên tắc của Lenin về việc vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, Vietnam Quốc Dân Đảng dựa vào một lớp các nhà cách mạng tinh túy, dự kiến sử dụng khởi nghĩa vũ trang để lật đổ Pháp, với sự hậu thuẫn của các binh sĩ phản chiến. Quân đội viễn chinh Pháp, do Toàn quyền Ly Myre thành lập từ năm 1879, có khoảng 30,000 quân, với khoảng 2/3 là dân địa phương. Đội quân này được chia thành 31 tiểu đoàn do các sĩ quan Pháp chỉ huy. Ngoài ra còn khoảng 15,000 dân quân do hạ sĩ quan Pháp chỉ huy. Đa phần lính Việt nam là do các chức sắc trong làng bắt đi, chẳng có cảm tình gì với Pháp. Đến cuối những năm 20, tâm lý ghét Pháp trong binh sĩ dâng cao, là mảnh đất màu mỡ để gieo tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Từ năm 1929, Quốc Dân Đảng đã bắt đầu tàng trữ vũ khí tại nhiều địa điểm trên cả nước. Đáng tiếc là Pháp đã phát hiện và tiêu hủy phần lớn. Sau đó vấn đề thêm căng thẳng. Một chủ đồn điền Pháp bị ám sát trên đường phố Hà nội khi vừa bước ra cửa nhà người tình. Chính quyền nghi ngờ Quốc Dân Đảng đứng đằng sau, lập tức vây bắt hàng trăm lãnh đạo đảng và những người ủng hộ. Lo ngại trước nguy cơ bị tiêu diệt,Quốc Dân Đảng quyết định ra tay nhanh. Lúc đó, họ đã có khoảng 1000 cơ sở trong các trại lính ở Bắc bộ. Đầu tháng 2, cuộc binh biến nổ ra ở một số đồn ở trung du Bắc bộ, quan trọng nhất là ở Yên bái. Kế hoạch đầu độc các sĩ quan Pháp bị một tên chỉ điểm tuồn cho Pháp. Viên chỉ huy trại lính đã đề phòng và khi cuộc bạo động nổ ra vào giữa đêm, quân Pháp đã được chuẩn bị. Đến đầu giờ sáng thì Pháp đã kiểm soát được tình hình. Cuộc nổi dậy ở một số địa điểm khác cũng nhanh chóng bị dập tắt. Rất nhiều lãnh đạo bị bắt. Ngày 17/6, 13 kẻ cầm đầu bị xử tử tại Yên bái.

Cuộc khởi nghĩa đã thất bại ngay từ đầu về nguyên tắc, khi không có những biện pháp kích động dân chúng tham gia, cũng không có phương án “tẩu vi” khi gặp sự cố. Liên lạc cũng bị cắt đứt ở phút cuối, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong hành động. Quan trọng hơn nữa là cuộc khởi nghĩa không được sự ủng hộ của dân chúng trong toàn quốc. Các lãnh đạo thoát chết chạy trốn sang Trung quốc và bị phân rã thành 2 nhánh: một nhánh vẫn trung thành với chủ trương khởi nghĩa vũ trang, nhánh kia thì nghiêng về cải cách hòa hoãn.

Trên thực tế thì tình hình Đông dương đang chứa đựng nhiều dấu hiệu bất ổn. Đầu tiên là trong giới học trò. Mặc dù số lượng học sinh liên tục tăng (đầu năm 1930, cả nước có 7000 trường công với gần 340,000 học sinh), bất mãn vẫn không ngừng gia tăng do thiếu điều kiện học lên. Chỉ có khoảng 5000 học sinh ở cấp trung học và khoảng 500 được vào học tại đại học duy nhất ở Hà nội. Việc làm sau khi học xong càng không có, lương thì thấp hơn hẳn các đồng cấp châu Âu, làm tăng thêm tinh thần chống sự thống trị của ngoại quốc. Khi phong trào học sinh tạm lắng xuống cuối những năm 20, đến lượt công nhân nổi dậy. Công nghiệp phát triển mạnh kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhưng chỉ có giới chủ được hưởng lợi. Cuối những năm 20, giai cấp công nhân Việt nam có 200,000 người, trong đó đã có 50,000 làm việc trong các khu mỏ ở miền Đông bắc. Tình cảnh của công nhân làm việc tại các đồn điền chè và cao su ở Tây nguyên và dọc biên giới Campuchia, hết sức khốn khổ:

Tất cả đều phải dậy từ 4h sáng mà nhiều người vẫn chưa kịp ăn sáng. Kẻng tập trung lúc 5h và không ai được muộn. 20 phút tập trung là một cực hình vì bọn chủ tìm mọi cớ để đánh đập, chửi bới. Sau đó tất cả phải ra đồn điền, mỗi người phải cạo mủ từ khoảng 280 đến 350 gốc. Ai không đủ tiêu chuẩn sẽ bị đánh, nếu không có tiền nộp chuộc. Chiều về, phải phục dịch chủ, dọn dẹp nhà cửa. Cuộc sống đúng là: “con không biết mặt cha, chó không biết mặt chủ”.

Thực tế châu Âu cho thấy điều kiện trong xã hội tiền công nghiệp không bao giờ dễ chịu. Việt nam cũng không phải là ngoại lệ. Công nhân các “nhà hàng mồ hôi” ở Nam định, Hải phòng, hầm mỏ Quảng ninh hay các đồn điền miền Nam đều cùng khổ như nhau. Việc tuyển dụng cũng không hẳn là tự nguyện. Các băng nhóm tội phạm nhiều khi rình bắt người trên đường rồi tống thẳng đến các nhà máy. Một số nông dân không đủ tiền nộp tô cho địa chủ trốn ra thành phố. Nhưng cũng chẳng hơn gì. Đồng lương thì chết đói. Bạo lực tràn lan. Charles Dickens mà còn sống hẳn sẽ rất hiểu cuộc sống này.

Rồi cuộc đại khủng hoảng xảy ra. Tư bản Pháp bỏ chạy. Hơn một nửa số nhân viên phải ra đường. Có người chạy về quê cuống quít tìm đường sống. Nhiều người biểu tình phản đối. Bãi công nổ ra tràn lan. Có trường hợp là do Tân Việt hoặc Thanh niên Hội xúi giục, nhưng đa số là tự phát. Tháng ba/1930, công nhân đồn điền Phú riềng nổi loạn. Vài tuần sau đến lượt nhà máy dệt Nam định, rồi Diêm Bến thủy. Pháp thẳng tay dẹp loạn. Đã có nngười chết, nhiều người bị thương. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Vinh. Rất nhiều công nhân có nguồn gốc từ những địa phương lân cận, dẫn đến sự bất mãn cao độ ở nông thôn. Hàng ngàn nông dân Thanh chương đã tràn vào đập phá đồn điền và treo cờ đỏ búa liềm. Lính lê dương Pháp đàn áp giết hàng chục người.

Từ cuối năm 1929, Đông Dương CS Đảng đã cử một đảng viên kỳ cựu của mình là Nguyễn Phong Sắc về nằm vùng ở nhà máy Diêm Bến thủy. Vài tuần ngay sau Hội nghị thành lập tháng 2/1930, Tỉnh ủy Nghệ an rồi các chi bộ địa phương liên tiếp được thành lập và hầu như hoạt động tự do vì Pháp không để ý, còn quan lại địa phương thì sợ. Các cán bộ địa phương tự chủ hoạt động mà không cần bất cứ sự lãnh đạo nào từ TƯ, tiếp tục thổi ngọn lửa cách mạng.

Đến đầu tháng 9, tình hình bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát. Nông dân các huyện dọc sông Cả nổi dậy cướp chính quyền, tổ chức theo kiểu Liên xô thành các Xô-viết, chủ yếu là từ thành phần nông dân nghèo. Chính quyền mới lập tức xóa bỏ các loại sưu thuế, lấy lại ruộng đất từ tay địa chủ để chia cho dân nghèo. Công nhân Bến thủy và học sinh Huế đồng loạt biểu tình ủng hộ. Lo sợ, Pháp lập tức tăng cường quân lê dương để hỗ trợ quân triều đình. Ngày 12/9 khi hàng ngàn người từ Yên Xuyên đổ về Vinh để chiếm trụ sở ngân hàng Đông dương, máy bay Pháp đã ném bom thẳng vào đoàn người. Con đường từ Yên xuyên về Vinh đẫm máu và xác người.

Trong lúc Nghệ Tĩnh đang bạo loạn, Đảng bộ địa phương đang bối rối không biết phải hành động thế nào, tại Hongkong, những lãnh đạo cao cấp ráo riết chuẩn bị cho Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ nhất. Cuối tháng 9, đoàn Nam bộ đến nơi nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì của đoàn Bắc và Trung bộ. Được sự đồng ý của Quốc, anh em định bỏ về, thì thật may mắn có mấy đại biểu của Bắc kỳ đến từ Hải phòng ngay trước giờ lên đường. Tất cả quyết định vẫn tiếp tục hội nghị. Quốc và Trần Phú đi Thượng hải để tư vấn với Noulens. Đầu tháng 10, Phú quay về. Quốc ở lại thêm vài ngày rồi trở về HongKong trên một con tàu Mỹ.

Ngày 20/10, Hội nghị khai mạc tại một căn hộ nhỏ ở phố Khai Y, đảo HongKong. Nhờ trời, đến lúc này, đại biểu 3 miền đều có mặt, trừ một đại biểu đã đến được HongKong nhưng lại bị lạc vì không tìm được địa điểm. Quốc vừa là chủ tịch vừa là đại diện của QTCS. Trong số đại biểu, có một thiếu nữ da nâu, hấp dẫn. Đó chính là Nguyễn Thị Minh Khai, được cử sang giúp cho Quốc tại Văn phòng miền Nam từ tháng 4/1930. Chủ đề chủ yếu của Hội nghị là thảo luận cương lĩnh chính trị chính thức thay thế đề cương tạm thời do Quốc soạn thảo tại Hội nghị thống nhất hồi tháng 2. Đề cương của Quốc thừa hưởng từ cương lĩnh của Thanh niên Hội nên hiển nhiên là có một số điểm không trùng với quan điểm chính thống của Matxcova tại thời điểm này, tỷ như vai trò chính thống của giai cấp công nhân hoặc kế hoạch cách mạng 2 giai đoạn của Lênin. Đa số các đại biểu đã chấp nhận quan điểm của Matxcova, thay thế cho những “khiếm khuyết” của đề cương tạm thời của Quốc. Ngày 9/12, Ban chấp hành TƯ mới ra thông tư (chắc là do Phú thảo), đả kích quan điểm mặt trận thống nhất bao gồm cả những phần tử tư sản của hội nghị tháng 2. Thông tư cũng phê phán chủ trương hợp nhất bình đẳng, cho rằng lẽ ra phải chọn những thành phần ưu tú nhất của mỗi phái.


Cương lĩnh chính trị mới đề nghị thành lập mặt trận phản đế, do công nhân lãnh đạo, kết hợp với bần nông và trung nông. Mặt trận không cấm các phần tử tư sản, nhưng cương lĩnh cảnh báo, phải hết sức cẩn thận với bọn này. Đảng có thể hợp tác với các đảng dân tộc khác, nhưng phải chống lại quan điểm “dân tộc hẹp hòi” của các đảng này, và tiêu diệt ảnh hưởng của chúng đến quần chúng. Cương lĩnh cũng đề xuất khai trừ những phần tử chủ trương khủng bố, ám sát, coi thường quần chúng. Chủ trương này chắc chắn được sự ủng hộ của Quốc, vì ông đã phát biểu tương tự khi nhận xét cuộc khởi nghĩa Yên bái. Một kết quả nữa của hội nghị tháng 10 là việc đổi tên đảng từ đảng cộng sản Việt nam thành đảng cộng sản Đông dương do sức ép của Liên xô. Rõ ràng là Matxcova cho rằng chữ “Việt nam” quá “dân tộc chủ nghĩa” không phù hợp với “cách mạng thế giới”. QTCS cũng đang kêu gọi những nước nhỏ thành lập những đảng khu vực.

Tình hình bạo loạn ở miền Trung cũng đã gây chú ý. Đến lúc đó gần như mọi sự ngã ngũ, cuộc nổi dậy chỉ diễn ra lẻ tẻ ở vài huyện. Nông dân, công nhân, tầng lớp thị dân, thậm chí cả dân nghèo miền Bắc cũng tỏ thái độ thờ ơ, không nổi dậy hưởng ứng. Nghị quyết hội nghị kêu gọi các lãnh đạo địa phương tìm mọi cách để mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong cả nước, và chỉ thị không được manh động, sử dụng bạo lực mù quáng. Một thông điệp gửi riêng cho đảng bộ Nghệ tĩnh nêu rõ:

Nếu quần chúng đứng lên tự phát, đảng đương nhiên phải lãnh đạo. Trường hợp này, có bằng chứng cho thấy đảng bộ địa phương đã chủ động “giật dây”, và đấy là một sai lầm chết người:


1/ Tình hình cách mạng và nhận thức quần chúng chưa chín muồi ở nhiều địa phương.
2/ Tại một số xã, phong trào mạnh thì lại quá thiếu vũ khí.

Hội nghị đã bầu Ban chấp hành TƯ và Ban thường vụ gồm Trần Phú, Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Phong Sắc (mặc dù ông này không dự). Trần Phú còn được bầu làm Tổng bí thư. Quốc tiếp tục là đại diện cho QTCS. Ban đầu Ban thường vụ định đóng ở Hải phòng, nhưng sau chyển vào Sài gòn do lý do an ninh. Quốc không thể không biết rằng những quyết định của Hội nghị lần này đã mâu thuẫn rõ ràng và thậm chí trắng trợn với những tư tưởng và phong cách lãnh đạo của mình. Nhiều chỉ trích hoàn toàn không có cơ sở. Từ thời lãnh đạo Thanh niên Hội, Quốc đã cố gắng nâng cao trình độ nhận thức tư tưởng của các thành viên. Bây giờ khi các thành viên trẻ hơn cáo buộc về tội yếu kém về tư tưởng, chắc Quốc rất đau. Trên thực tế, quan điểm mới của QTCS không những không phù hợp với Quốc mà còn là bước lùi so với những tư tưởng của Lenin đầu những năm 20. Quốc đã chấp nhận tất cả với một thái độ nhã nhặn: “lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác” và viết báo cáo gửi cho Noulens sau khi hội nghị kết thúc.

Vào cuối thu và mùa đông năm 1930-1931, Pháp tăng cường đàn áp. Biểu tình bị dập tắt ngay lập tức, quân đội tràn vào chiếm đóng những làng xã ủng hộ biểu tình. Đảng bộ các tỉnh miền Trung báo cáo tinh thần dân chúng xuống thấp. Những phần tử tích cực cuống quýt quay sang các biện pháp như ám sát hoặc khủng bố để trấn áp dân chúng. Pháp càng đàn áp dữ hơn. Ban thường vụ cũng lúng túng, chỉ thị: ”chúng ta không có máy bay,không có quân đội để ứng cứu. Nhưng tuyệt đối không được hoảng loạn”. Tại Hongkong, Quốc cũng hết sức cố gắng để lôi kéo sự chú ý của thế giới. Trong báo cáo gửi cho Moscow, Quốc nói suốt ngày gõ cửa các đồng chí ở văn phòng FEB tại Thượng hải, để kêu gọi các đảng khác ủng hộ phong trào tại Việt nam. Trong một bài báo viết năm 1931, có tên “Nghệ Tĩnh đỏ”, Quốc ca ngợi sự kết hợp của công nhân với nông dân và kết luận, cuộc nổi dậy xứng đáng được tô màu “đỏ”.

Quốc cũng hết sức băn khoăn về khả năng của mình có thể tham gia tích cực vào việc lãnh đạo phong trào. Mâu thuẫn với Trần Phú ngày càng căng thẳng. Phú thẳng cánh chỉ trích quan điểm “dân tộc” của Quốc, phản bội lại những tư tưởng của QTCS. Phú cũng không dấu diếm tham vọng kiểm soát đảng trong tương lai. Trong một lá thư gửi Quốc tháng Giêng năm 1931, Phú kêu ca về sự mất liên lạc với văn phòng FEB tại Thượng hải và cho rằng Quốc chính là thủ phạm. Phú viết, nếu Quốc không thể đảm bảo được liên lạc, thì văn phòng ở Hongkong có vai trò gì? Mặc dù rất khó chịu với giọng điệu “bề trên” của Phú, Quốc vẫn tìm cách bắt liên lạc với Thượng hải và thúc giục Noulens nhanh chóng có những chỉ thị cho phong trào ở Việt nam.

Đầu tháng 3, Joseph Ducroux, điệp vụ của QTCS dưới tên gọi Serge Lefranc đến HongKong để gặp Quốc trong chuyến đi thị sát khu vực. Quốc và Lefranc quen nhau từ đầu những năm 1920 khi cùng tham gia Liên đoàn cộng sản trẻ tại Paris. Lefranc cho rằng sử dụng Quốc chỉ với mục đích liên lạc và phiên dịch thì quá phí và đề nghị chuyển Quốc về văn phòng Thượng hải, trực tiếp chỉ đạo Đông dương. Hai tuần sau, Lefranc đến Sài gòn. Ngày 23, Ngô Đức Trí, thành viên Ban thường vụ mới, từng gặp Lefranc khi học tại trường Stalin, gặp Lefranc tại khách sạn Sài gòn Palace. Ngày hôm sau, Lefranc gặp 2 thành viên còn lại tại nhà Phú, chuyển tiền và hứa Noulens sẽ sớm gặp ban lãnh đạo Đảng CS Đông Dương. Lefranc cũng thông báo việc chuyển Quốc về Thượng hải. Sau khi gửi bưu thiếp cho Quốc, Lefranc rời Sài gòn ngày 27.

Cảnh sát Pháp bắt đầu thành công trong việc truy quét, bắt bớ những phần tử cộng sản đầu sỏ, từ đó tra khảo ra những đầu mối khác. Nội bộ phong trào bắt đầu có hiện tượng rối loạn, nghi kỵ lẫn nhau. Thậm chí khi Nguyễn Đức Cảnh bị bắt năm 1929, đảng bộ miền Trung đã quyết định ám sát ông này trong nhà tù để khỏi khai lung tung. Cuối tháng 3/1931, Trần Phú triệu tập hội nghị trung ương lần thứ hai tại Sài Gòn.Không rõ là hội nghị bàn về vấn đề gì nhưng thấy nghị quyết dũng cảm tuyên bố nhờ tình hình thế giới thuận lợi và những cố gắng của đảng, phong trào vẫn phát triển mạnh mẽ. Hội nghị cũng thừa nhận những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại. Vai trò lãnh đạo của đảng tại Bắc kỳ rất yếu, do tư tưởng “tiểu tư sản” bị thừa hưởng từ Thanh niên Hội, không thâm nhập được vào giai cấp nông dân và công nhân. Vài ngày sau hội nghị, cảnh sát bất thình lình ập vào ngôi nhà Ban thường vụ đang họp kín với đại diện các địa phương ở Nam bộ. Tất cả đều bị bắt, trừ Trần Phú đúng lúc đó đang ra vườn đi vệ sinh nên đã kịp thoát ra cổng sau. Trong tù, Ngô Đức Trí không chịu được tra tấn đã khai ra tuốt tuột. Đến ngày 17/4, trong ban lãnh đạo đảng, chỉ còn Trần Phú tự do.

Cùng ngày, Phú viết thư cho văn phòng FEB - Cục Viễn đông , buộc tội những đảng viên nòng cốt Bắc kỳ và Trung kỳ, vẫn bị ảnh hưởng của giới lãnh đạo cũ, chống đối lại đường lối mới, dẫn đến thảm họa hiện tại. Tuy nhiên Phú vẫn lạc quan thông báo, hiện tại đảng đã có tới 2400 đảng viên so với 1500 hồi tháng 10; hơn 63000 nông dân đã tham gia cách mạng, so với chỉ có 2800 mùa thu năm trước. Đảng sẽ phát triển và cần tiền, Phú kết luận. Trước đó vài ngày, Noulens đã viết thư phê phán Quốc ở HongKong không cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình ở Đông dương, chẳng hạn tại sao lãnh đạo bị bắt và trong hoàn cảnh nào? Để FEB có thể rút ra những kinh nghiệm và bài học. Noulens cho rằng việc chuyển Quốc về Thượng hải tại thời điểm này là không hiện thực và cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa. Ngày 20/4, Quốc viết cho Ban thường vụ ở Sài gòn, chuyển tải những yêu cầu của Noulens. Ngày 24/4 Quốc viết cho Phú, kêu ca về vai trò của mình chẳng khác gì “hộp thư”, và sẵn sàng làm nhiệm vụ khác. Trong mọi trường hợp Quốc nhấn mạnh vai trò của việc bảo đảm thông tin đầy đủ. Nhưng Phú không bao giờ nhận được những bức thư này. Ngày 18/4 Phú bị bắt. Mấy tháng sau, Phú chết trong tù. Có nguồn tin nói là do lao phổi, nguồn khác lại cho rằng do tra tấn. Ngô Đức Trí và Nguyễn Trọng Nghĩa đang ngồi tù. Nguyễn Phong Sắc bị hành hình trong tháng 4. Ban lãnh đạo đảng trong Đông dương hoàn toàn bị tan rã.

Theo báo cáo của Surête, cuối mùa xuân năm 1931, hơn 2000 người đã bị hành hình, 51000 thành viên của phong trào bị bắt. Thêm vào đó là hạn hán trong các tỉnh miền Trung dẫn đến mất mùa. Hơn 90% dân Nam đàn, Nghệ an có nguy cơ chết đói. Ngay cả những người ôn hòa như Bùi Quang Chiêu cũng phải viết trên tờ La Tribune Indochinoise: miền Trung đang yên tĩnh, nhưng đó là sự im lặng của chết chóc.

Ngày 12/5/1931, Noulens gửi cho Quốc bản đánh giá có tính phê phán tình hình Đông dương. Noulens phê phán lãnh đạo đảng đã không tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ dẫn của QTCS. Đặc biệt là chủ nghĩa “anh hùng quá khích”, nổi dậy vội vã, bắn cảnh sát hay những hành động khủng bộ khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phong trào. Họp hành thì dài dòng và thoải mái, không có những biện pháp bảo mật. Thiếu những biện pháp giáo dục và tổ chức quần chúng. Cuối cùng Noulens hứa sẽ báo cáo tình hình Đông dương cho phong trào cách mạng thế giới và dặn “Tìm mọi cách viết cho chúng tôi về hoạt động, thành tích và thất bại của các bạn”

Cuộc hôn nhân của Quốc với Tăng Tuyết Minh coi như tan vỡ sau khi Quốc bỏ trốn năm 1927, mặc dù có một số chứng cớ cho thấy Minh đã gặp Quốc tại HongKong đầu những năm 1930. Lâm Đức Thụ đã khai với mật thám Pháp là Minh chê Quốc già, và đồng ý lấy Quốc chỉ vì tiền???? Trong một bức thư nhờ Thụ chuyển cho Minh, Quốc viết: “Mặc dù chúng ta xa nhau và không nói ra nhưng tình cảm vẫn nguyên vẹn. Cho anh gửi lời hỏi thăm tới mẹ em”.
(Mất...). Khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, Quốc viết thư cho Noulens thông báo vắn tắt một đồng chí trong đội liên lạc bị bắt. Sau đó lại nhắc lại đề nghị được chuyển công tác.

Cùng thời điểm, Lefranc vẫn tiếp tục chuyến đi của mình đến Singapore để tiếp xúc và thu nhập thông tin với các thành viên của đảng cộng sản Malayan - MCP. Cả Quốc lẫn Noulens đều đang rất cần những thông tin này. Do được Quốc báo trước, một lãnh đạo của MCP là Phú Đại Thanh, chiến hữu của Quốc khi thành lập đảng ở Xiêm, đã hẹn gặp Lefrance tại Collier’s Quay. Cảnh sát Anh đã theo dõi Lefranc từ lâu và mất dấu ông này ở Ấn và Xrilanca. Lần này thì chúng gặp may. Phú đang bị cảnh sát bám sát vì quan hệ với một đảng viên người Indonexia Tan Malaka. Khi được biết là Phú sẽ gặp một điệp viên từ châu Âu sang có tên là Lefranc, cảnh sát nghi ngờ ngay đó chính là Joseph Ducroux, đã được London báo từ trước. Sau khi bắt giữ cả hai, cảnh sát đã lục soát phòng ngủ và thu tất cả các giấy tờ của Lefranc, trong đó có cả bưu thiếp của Quốc (dưới tên T.V. Wong) và Noulens. Lefranc và đồng phạm bị xét xử và tống giam tại Sing, còn thông tin về Quốc và Noulens ngay lập tức được báo về Thượng hải và Hong kong.

2:00 giờ sáng ngày 6/6, cảnh sát HongKong ập vào một căn hộ trên bán đảo Cửu long, bắt đi trên tầng 2 một người đàn ông có tên là Tống và một phụ nữ trẻ tự xưng là cháu của ông ta và có tên là Lý Sâm. Dựa trên những tài liệu, truyền đơn thu được, cảnh sát đã xâc định đó chính là điệp vụ của QTCS Nguyễn Ái Quốc, còn người phụ nữ là Lý ưng Thuận, vợ của Hồ Tùng Mậu. Cuộc sống phút chốc bị đảo lộn. Mọi quan hệ với trong nước bị cắt đứt. Đe dọa nhãn tiền là bị dẫn độ cho Pháp và triều đình Annam. Tương lai vô cùng bất định!

*****************

·                                             FEB - Cc Vin đong
* CCP -
Đảng CS Trung Quc
* VCP -
Đảng cng sn Vit nam

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bác vĩ đại bao nhiêu thì vẫn là 1 con người. Vậy mà trước đây khi tuyên truyền ta ít nói về cuộc đời riêng. Có bôn ba, va vấp mới hiểu người, hiểu đời và "trị quốc, bình thiên hạ" giỏi như thế!
AD