Tác giả "E812 quân hành khúc" (trái) cùng đồng đội ở mặt trận Cực Nam Trung bộ. |
…
Tháng Tám 1945, cả Nam Bộ sục sôi khí thế cách mạng, khắp nơi vang lên lời ca
“Mùa Thu rồi, ngày 23…”. Lực lượng thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn cùng bà con
dựng thành đắp luỹ, giáo mác trong tay chiến đấu bảo vệ nhà nước cách mạng non
trẻ. Sau ngày 23-9, Dương Minh Đẩu - anh cán bộ thanh niên Tiền phong Công đoàn
Nam Bộ - được cử đi học khoá 1 Quân chính Vĩnh Cửu do tỉnh Biên Hoà tổ chức.
(Đây là trường quân sự đầu tiên ở miền Đông do giáo sư Phạm Thiều làm Hiệu
trưởng cùng các đ/c Huỳnh Văn Hớn, Phan Đình Công, Nguyễn Xuân Diệu phụ trách).
Kết thúc khoá học cũng là lúc mặt trận Sài Gòn bị vỡ, anh cùng đồng đội rút về
Xuân Lộc, sau đó về Phan Thiết. Vốn đã là nơi tập trung chuyển quân Nam tiến từ
miền Bắc vào mặt trận Sài Gòn, nay Phan Thiết lại là nơi tập kết của các lực
lượng bộ đội từ miền Đông rút ra.
Tại
hội nghị Bình An (Phan Thiết) ngày 11-11-1945, bộ đội của mặt trận Cực Nam
Trung Bộ được tổ chức lại. Chi đội Bình Thuận được gọi là Chi đội 1, Ninh Thuận
là Chi đội 2 và Khánh Hoà là Chi đội 3. Dương Minh Đẩu được giao nhiệm vụ Chính
trị viên đại đội 1 mang tên Phan Đình Phùng (thuộc Chi đội 1) và bắt đầu những
tháng ngày chiến đấu vất vả của mặt trận Khu 6. Sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946,
Chi đội 1 đổi thành trung đoàn 82. Cuối 1947, trung đoàn đóng quân ở Ô Rô. Thời
tiết cuối năm giá lạnh, đêm đêm anh em phải đốt lửa sưởi ấm. Quây quần bên nhau
quanh lửa trại, nhớ lại 2 năm chiến đấu vất vả, Dương Minh Đẩu đã cảm hứng sáng
tác bài “Trung đoàn 82 quân hành khúc”:
“Giờ từng đoàn chiến sĩ đang hùng dũng tiến,
đem máu tự do xây đời ấm no
Trong mưa sương, trong gió rét...”
Ông
nhớ lại: “…Thực ra ngày đó bộ đội Khu 6 khó khăn quá, chiến đấu gian khổ, mới
19 tuổi, mình đã mạnh dạn sáng tác bài hát để động viên anh em. Quyền Chính uỷ
trung đoàn Vương Gia Khương (ông tham gia cách mạng từ 1939, từng ngồi tù Sơn
La, Côn Đảo) giúp sửa lại lời và nhạc. Kể từ đây, bài hành khúc đã theo bước
chân trung đoàn 82 trên khắp nẻo đường…”
Cuối
1947, Dương Minh Đẩu nhận nhiệm vụ Trưởng ban quản trị – tham mưu trung đoàn.
Tới tháng 4-1948, khi Đại đội trưởng Nguyễn Minh Khương hy sinh, ông được giao
nhiệm vụ trở về phụ trách đại đội Phan Đình Phùng. Về được 2 tuần, đánh liền 2
trận và cả 2 trận đều dính đạn. Trận đầu đuổi địch trong rừng Thái An, một tên
đang chạy bất ngờ quay lại bắn một phát xiên thủng túi ngực sượt dưới nách. Ba
ngày sau, trong trận đánh chặn cánh quân càn từ Thái An xuống Bàu Trắng, ông bị trúng đạn gẫy chân
khi chỉ cách địch có 30m, anh em kéo về được. Nằm viện 4 tháng, sau 1 năm kiên
trì tập đi thì bỏ được nạng. May mà không bị cưa chân(!). Sau đó ông được đề
bạt Chính trị viên tiểu đoàn.
Đầu
1949, khi Liên khu 5 được thành lập, 2 trung đoàn 81 Ninh Thuận và 82 Bình
Thuận sát nhập thành Liên trung đoàn 812. Từ đây, hành khúc này đã trở thành
bài hát chính thức của Liên trung đoàn với cái tên mới “Trung đoàn 812 quân
hành khúc”. Từ tháng 9-1949 tới cuối 1952, Dương Minh Đẩu được giao làm Trưởng
ban Chính trị trung đoàn 812, sau đó Khu ủy và Bộ tư lệnh điều ông về làm
Trưởng ban Tuyên truyền văn nghệ - Phòng Chính trị Liên khu 5.
Tập
kết ra Bắc, ông là trưởng đoàn Triển lãm và Văn công Liên khu 5 xây dựng khu
triển lãm tại Bích Câu và tham gia Đại hội văn công toàn quân. Cuối năm 1955,
ông được cử đi học Học viện Chính trị trung-cao. Năm 1958 tốt nghiệp, Dương
Minh Đẩu được phong hàm thiếu tá và về công tác tại Cục Tuyên huấn. Từ tháng
4-1960, ông được giao nhiệm vụ Phó giám đốc và 3 tháng sau là Giám đốc Xưởng
phim Quân đội. Nhiệm vụ này đã gắn bó với ông suốt 20 năm, trong giai đoạn hào
hùng nhất của lịch sử Quân đội NDVN. Cuối 1981, ông chuyển sang làm việc ở
Trung tâm Nghe – Nhìn (Uỷ ban Phát thanh – Truyền hình Việt Nam) cho đến khi về
hưu. Ở bất cứ cương vị nào, ông đều để lại những tác phẩm nghệ thuật được đánh
giá cao. Năm 1993, đạo diễn điện ảnh Dương Minh Đẩu được Nhà nước phong tặng
danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Nhiều
nhạc sĩ chỉ để lại cho đời duy nhất một bài hát và “nhạc sĩ không chuyên” Dương
Minh Đẩu cũng là một trong những người như thế! Hơn 50 năm đã qua, “Trung đoàn
812 quân hành khúc” với lời ca trong sáng, nhịp đi hùng mạnh đã thúc giục các
chiến sĩ Cực Nam Trung Bộ chiến đấu kiên cường, làm nên những chiến công hiển
hách. Trung đoàn vinh dự được đón nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng và 9 cá nhân
được tuyên dương Anh hùng LLVT, trong số cán bộ qua các thời kì có 10 đ/c được
phong hàm cấp tướng.
Ít ai biết, hành khúc này được chọn làm nhạc hiệu của 2 đài PTTH Ninh Thuận và Bình Thuận và tác giả của nó là thân phụ của NSUT Dương Minh Đức. Vậy là hiếm có gia đình mà cả cha và con được Nhà nước công nhận NSUT.
Lịch
sử trung đoàn 812 thật hào hùng đúng như lời ca mà cán bộ, chiến sĩ đã hát cách
đây hơn nửa thế kỷ!
Mời cùng nghe!
TPHCM những ngày cuối năm 2001
1 nhận xét:
Đúng là "hổ phụ sinh hổ tử".
Đăng nhận xét