Sáng sớm 26/7, trời lất phất mưa. Mới 6 giờ sáng, đang chuẩn bị ra bắt taxi để đến điểm hẹn thì có chuông điện thoại: Ngô Vinh gọi. "A-lô, anh Việt à? Anh đã đi chưa?" "Hẹn 6 rưỡi mới xuất phát cơ mà? Mới 6 giò?" "Vâng, chỉ gọi để hỏi thăm sức khỏe anh thôi. Tất cả bọn em đang ở đây hết rồi." "Được rồi, tớ sẽ đến ngay". Nói rồi vội ra bắt tãi lên điểm hẹn ở Nguyễn Tri Phương. Gần 20 phút sau đã tới nơi. Cả lũ đang ngóng, tròn mắt nhìn từng chiếc xe qua xem có phải là xe chiến hữu không. Xe dừng, trả tiền xong, mở cửa xe bước xuống, cả bọn ồ lên:"Đây rồi". Thế là lên xe. Tạ Minh lái, Ngô Vinh ngồi ghế trước, ghế sau là Triệu, Hoàng Việt, Thắng híp K6 và mình. Ngồi thò thụt, ổn. Xe chuyển bánh, liếc đồng hồ: 6h20.
Đối với mỗi người lính Trỗi, hai tiếng Mỹ Yên luôn gợi lên những cảm giác xúc động thân thương. Mỹ Yên đã trở thành quê hương thứ hai của cánh Trỗi chúng mình. Ở nơi đó, chúng mình đã sống những ngày tháng tràn đầy tình cảm đồng chí, đồng đội. Ở nơi đó, chúng mình đã được sống trong tình cảm quân dân sâu nặng. Ở nơi đó, chúng mình đã được học cách làm một chiến sĩ cách mạng chân chính. Ở nơi đó, lòng yêu Tổ quốc vốn có ở mỗi chúng mình đã được bồi bổ thêm sâu sắc. Ở nơi đó, chúng mình đã được rèn luyện bản lĩnh của người lính cụ Hồ. Đó là nơi đang gìn giữ bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ của mỗi chúng mình.
Như biết bao bạn Trỗi khác, mặc dù đã về Mỹ Yên hàng chục lần kể từ lần trở lại đầu tiên vào năm 1996 sau 30 năm xa cách, mình vẫn thực sự xúc động mỗi lần được về với Mỹ Yên. Ngay từ hôm liên lạc với Ngô Vinh thống nhất kế hoạch chuyến đi, trong đầu mình luôn hiện về những hình ảnh của những năm tháng ấy: gốc đa hiệu bộ, dòng suối Chì róc rách quanh năm, suối Bom bo - nơi chúng mình thường ra vùng vẫy trong làn nước mát lạnh, những quả dọc chín chua chua ngọt ngọt, những quả trám đen, những hạt gắm bùi bùi, rồi nếp nhà gỗ thân thương với những đêm giá lạnh nằm ôm nhau trong ổ rơm ấm cúng, những buổi học bài dưới ánh đèn dầu, những buổi lên rừng chặt nứa, chặt tre về làm doanh trại...Ôi nhiều lắm, nhiều lắm những điều làm con tim thổn thức mỗi khi nghĩ đến.
Xe chuyển bánh cũng là lúc những câu chuyện bắt đầu râm ran sôi nổi. Đầu tiên là màn làm quen, Vinh giới thiệu mọi người với mình và giới thiệu mình với mọi người. Sau đó là đủ thứ chuyện: chuyện bệnh tình và sự ra đi của Minh Sơn, chuyện con trai MS vào trường Hoa Sữa, chuyện hồi bé thì chẳng khác nhau mấy mà lớn lên thì mỗi đưa phát triển một kiểu, chẳng thằng nào giống thằng nào: thằng thì có tới 3 vợ, thẳng thì chẳng có vợ nào. Ai đó bảo, Vinh nó khôn nhất, bởi vì không có vợ nghĩa là vô cùng nhiều vợ, muốn đi với con nào thì đi, chẳng như mấy chú A,B,C...luôn bị vợ quản chặt cả tình lẫn tiền, đến tiền tiêu vặt cũng phải xin.
Mải vui câu chuyện, một chút xíu đã tới phố Nỉ. Ghé nhà Phúc "ngố" (chẳng ngố tí nào mà là rất khôn, làm ăn hiệu quả cao: có ngôi nhà 4 tầng to vật vã trên khuôn viên đất 600m2, đằng sau còn có cả "Quán trà Cung đình" để gia đình tụ tập cùng với bể vầy cho trẻ con.Mỗi con 1 cơ ngơi riêng gần đó). Mình trêu Phúc:" Ông nhận ra tôi không?" " Ông khóa nào?" "Khóa 5 đây" " Sao tôi lại không nhớ ông nhỉ?". Từ thời điểm đó, Phúc cứ vừa nói chuyện, vừa nhíu mày cố nhớ xem cái tên vô danh tiểu tốt này là thằng nào? Vinh phải giới thiệu thì Phúc mới hết băn khoăn. Xin phép phu nhân Phúc cho mượn bạn 1 ngày. Bà chủ vui vẻ đồng ý kèm theo lời mời:"Trên đường về, các anh dừng ở đây ăn cháo vịt nhé". "Cám ơn nhưng không hứa chắc chắn nên bà đừng chuẩn bị gì vội. Có gì chúng tôi sẽ phôn". Chia tay bà chủ, cả hội kéo nhau ra quán phở gần đó ăn sáng rồi lên đường. Phúc ngồi lòng Ngô Vinh trên ghế trước. Để "dọa" các chú công an, Tạ Minh đã để sẵn cái mũ Kepi quân phục ngay kính trước. Có lẽ biện pháp này có hiệu quả vì suốt chuyến đi gặp mấy chặng CA mà không thấy chú nào tuýt còi.
Có thêm Phúc, câu chuyện càng sôi nổi. Phúc kể một kỷ niệm rất hay và cảm động. Thuở còn bao cấp, có một lần, Phúc thấy một ông già xách 2 cái ba lô chè xuống xe vào quán phở của vợ chồng Phúc. Phúc nhận ra đó là thầy Đại Thành. Phúc lén xách 2 cái ba lô của thầy cất đi khi thầy vào rửa mặt mũi chân tay. Lúc thầy ra, cứ ngơ ngác tìm. Phúc bảo mời bác ngồi ăn phở, rồi làm ngay cho thầy một tô đặc biệt. Thầy ngập ngừng:" Nhưng mà tôi không có tiền trả anh đâu. Tôi phải bán được chè thì mới có tiền, mà chè thì không biết đứa nào nó xách mất của tôi rồi." "Thôi, bác cứa ăn đi cho nóng, chuyện đó tính sau. Mà sao bác lại để nó xách mất. Phải cảnh giác chứ. Thôi mời bác cứ ăn đi ạ". Thày vừa ăn vừa áy náy. Thầy ăn xong, Phúc mới cho thầy biết sự thật. "Em nhận ra thầy ngay. Hôm nay thầy phải ở lại đây với vợ chồng em, mai có đi dâu mới đi được. Còn chè, em sẽ mua toàn bộ. Thầy cứ yên tâm." Hôm đó, thầy ở lại nhà Phúc, thầy trò tâm sự hết đêm. Vợ Phúc cũng là người mến khách, rất quí trọng người thầy cũ của chồng mình. Chị đã làm những món thật ngon đãi thầy.
Tạ Minh cho xe đi đường tắt, không qua phố huyện nên rút ngắn được vài chục cây. 10h đoàn đến trụ sở UBND xã. Chủ tịch Chu Thị Nhì mời mọi người vào phòng làm việc của CT rồi bảo nhân viên pha nước. Vị trà Mỹ Yên đậm đà như tình cảm người Mỹ Yên dành cho lính Trỗi. Bí thư Phương cũng sang cùng tiếp khách. Cô Nhì đưa cho mọi người xem tấm ảnh in khổ to, trong đó chụp trung đội của NTN cùng với các thầy. NTN hồi đó vào loại nhỏ nhất bọn, thế mà bây giờ to béo lừng lững. Cô Nhì định mời cơm trưa, nhưng đoàn từ chối vì đã nhận lời ăn trưa ở nhà thầy Thành. Vả lại cán bộ xã còn bận bao nhiêu việc chuẩn bị đón bạn ta, nếu ở lại dùng bữa lại là gây thêm áp lực cho xã.
Ngồi với CT, BT một lúc rồi chúng mình ra NTLS thắp hương cho Tiến và các LS trong NT. Mộ bạn đã được xây cất, ốp lát hoàn chỉnh như những ngôi mộ khác ở đó. Cầu mong linh hồn bạn và các anh hùng liệt sĩ khác siêu thoát, phù hộ độ trì cho dân, cho nước.
Rời nghĩa trang, bọn mình vào thăm mẹ Tiến. Cô cháu dâu Tiến (con dâu ông anh cả - làm cán bộ chính sách ở UB xã) dẫn đường. Mẹ bạn năm nay đã 88 tuổi. Cụ đi không còn vững nữa, tai nghễnh ngãng, rất khó nghe. Cụ xúc động chảy nước mắt khi có đàn con đến thăm. Hiện cụ đang ở cùng vợ chồng anh cả. Vì cụ nặng tai nên chẳng nói chuyện được lâu. Bịn rịn chia tay, chúng con có chút lòng thành biếu cụ, kính chúc cụ mạnh khoẻ, sống lâu cùng con cháu.
Cả đoàn hướng tới mục tiêu thứ 2 - nhà thầy Đại Thành. Thầy cõng cô cháu nội lê 4 tuổi xuống tận chân dốc đón đoàn. Thầy trò gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Trong đoàn có anh mấy chục năm mới gặp lại thầy. Trời mưa, đường đất trơn chỉ lo thầy trượt chân,vội giành bế cô cháu, nó theo ngay. Rất mừng là thầy cô cao tuổi nhưng đều khỏe. Nhà của khang trang. Kinh tế dựa vào trồng chè. Các con thầy ở riêng gần đó. Thầy bảo buổi tối chỉ có mỗi hai ông bà. Ai đó trêu thầy:" Thế thì thầy cô tha hồ tình cảm".
Thầy Thành đã chuận bị sẵn 3 mâm thịnh soạn và 1 thùng bia. Mọi người bảo thôi không uống bia thầy ạ, có thứ rượu này hay lắm. Đó là 2 chai rượu ngâm Đào tiên của Phúc. Các cháu bưng ra hai mâm cỗ tú ụ (giá mà hồi Trỗi có được hai mâm đó?!). Thầy bảo hôm nay toàn cây nhà, lá vườn, trừ thịt bê. Trong mâm có đến 5,6 món: chim cút quay, vịt quay, gà đi bộ luộc, bê xào rau bò khai, canh măng... Mình thấy ngon nhất là rau bò khai, một thứ đặc sản của núi rừng vừa ngọt vừa giòn.
Rượu ngon, thức ăn ngon, lại trong không khí đầm ấm gia đình đậm đặc tình thầy trò, tình bạn, mọi người nhiệt tình uống, trừ Tạ Minh (cán bộ đường lối). Thầy Thành phải cạn đến 7, 8 ly. Ở tuổi 76 mà thầy uống nhiều thế xong vẫn tỉnh thì thật đáng kính nể. Con thầy bảo mọi khi bố cháu không uống nhiều thế đâu, hôm nay các chú lên, bố cháu vui nên mới uống đến vậy. Trong bữa cơm, thầy và Phúc ôn lại kỷ niệm sâu sắc mà mình kể ở trên. Thầy bảo mấy năm sau đó có lần thầy cùng con trai xuống tìm nhà Phúc mà không thấy. Chắc tại Phúc chuyển nhà.
Cơm rượu, chuyện trò xong, khoảng hơn 2 giờ, anh em kéo nhau ra trụ sở UB, Theo kế hoạch khoảng 3h bạn ta đến. Dọc đường, bạn còn ghé vào thắp hương một vài điểm nên gần 4h mới tới nơi. Mọi người ra sân đón. Bạn ôm thầy Thành, chuyện trò với thầy và mọi người ở sân mãi rồi mới vào hội trường.
Sau các thủ tục nghi lễ, bạn lên phát biểu. Với giọng đầy xúc động, bạn nhớ lại những năm tháng tuổi thơ được sống trong sự đùm bọc yêu thương của đồng bào Mỹ Yên. Bạn nhắc đến cả những kỷ niệm về những lần trốn ngủ trưa đi ăn sim, ăn bứa để về không thể giấu đuợc vì sim thì nhuộm đen răng, còn bứa thì nhuộm vàng. Bạn không quên nhắc một số điểm về cung cách làm ăn để phát triển kinh tế. Bạn đề nghị địa phương lưu ý kết hợp tốt giữa trồng trọt với chăn nuôi, chăm chút tốt hơn cho các gia đình chính sách...
Sau đó bạn tặng quà cho các gia đình liệt sỹ, thương binh. Bạn đến tận chỗ mẹ Tiến ngồi để tặng quà cho bà. Nói chuyện với bà rất lâu mặc dù có lẽ bà chẳng nghe được gì nhưng bà rất mãn nguyện.
Ở hội trường ra, chúng tôi chụp ảnh cùng NTN và lãnh đạo tỉnh, huyện, xã rồi chia tay "lên đường về nước" mang theo túi to chè (quà của thầy Thành và của lãnh đạo xã). Dọc đường, ghé quán làm mỗi người bát cháo vịt để khỏi vất vả vợ Phúc "không ngố".
Tổng kết chuyến đi, mọi người đề nghị biểu dương 2 đ/c vần "Inh": Tạ Minh và Ngô Vinh. Không có 2 đ/c đó thì lấy đâu ra một chuyến đi tuyệt vời đến thế? Trả Phúc cho vợ Phúc, rồi chúng tôi về Hà nội. Chia tay, vợ Phúc dặn: "Thế nào các anh cũng phải lên chơi đấy nhé".
Cuộc đời đẹp hơn trất nhiều sau những chuyến đi như vậy. Tôi bảo, K5 có rất nhiều những con người tuyệt vời, nhưng mình nhận biết được 3 tên luôn chu đáo với mọi người (mình học được rất nhiều ở 3 con người đó): KQ, NV và HTX.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Quân ta hay thế!
Chau gap chu Kien Quoc, cu tuong chu Kien Quoc la de thuong nhat roi. Gio moi biet cac chu Troi deu de thuong nhu chu KQ
To Lan Huong
Hê, mọi người hầu hết đều sống chân thành và sống bằng tài năng của mình. Chả thế gần 50 năm rồi cứ gắn với nhau, thậm chí thân thiết hơn cả anh em ruột.
Đăng nhận xét