Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

KHƯƠNG HỮU DỤNG, MỘT NHÂN CÁCH (KQ)

Bài nói chuyện chân tình
Nhà thơ lão thành Khương Hữu Dụng[1] xa cõi trần đã một năm. (Bài viết từ 2006 - TG).
Khương Hữu Dụng (1907-2005)

Sau ngày cụ mất, đọc Thanh niên Cuối tuần có bài “Kiều Loan“ của thi sĩ Hoàng Cầm kể lại vở kịch có tên “Kiều Loan” sau 60 năm được Nhà hát Tuổi Trẻ dựng lại. Thực sự xúc động! Chợt nhớ trong bút tích của Già Khương mà tôi được gia đình tin cậy giao cho có bài nói chuyện với văn nghệ sĩ, vào năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước. Cụ viết thế này:
Tôi muốn hỏi Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn: Hôm nay có mời anh Lê Đạt và mấy anh em nữa đến dự không? Nếu không thì là một điều đáng trách và đáng buồn. Chúng ta đã cố tình đãng trí quên những bạn đồng nghiệp của mình trong ba mươi năm trời. Sang nhiệm kì của Ban chấp hàng mới được bầu lên, dưới khẩu hiệu “đổi mới” của Đảng, của toàn dân, sự đãng trí kinh niên đó có còn tiếp tục nữa không? Xin các bạn đừng nghĩ là tôi đi lạc đề.
Không. Tôi cho rằng một số nhà thơ có kinh nghiệm và ít nhiều có tài, nay trở lại sinh hoạt bình thường với chúng ta là một sự kiện tích cực đáng nói trong tình hình thơ hiện nay.



Tuy chỉ mói trở lại sinh hoạt thơ chưa lâu nhưng anh em đã có những đóng góp. Một số bài thơ của các anh Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm đăng gần đây là những bài thơ tốt, trong đó cần đặc biệt nhắc đến bài “Trường ca Bác” của Lê Đạt, viết cho ngày giỗ đầu của Bác mà NXB Thanh Niên vừa cho in nhân dịp 100 năm ngày sinh của Bác... Bài Trường ca sau khi ra mắt độc giả đã gây được một tiếng vang. Và tôi muốn nhắc đến một cử chỉ mà tôi cho là đẹp của anh Tế Hanh. Sau khi đọc bài Trường ca, anh Tế Hanh đã nhờ tôi chuyển cho anh Lê Đạt một bức thư ngắn, lời lẽ hết sức chân tình và cầu thị. Vì đó là một bức thư, mặc dầu nội dung chẳng có gì là bí mật, nhưng chưa được phép của anh Tế Hanh cũng như của anh Lê Đạt nên tôi không muốn công bố ở đây.

Tôi chỉ e rằng một số chúng ta quen mải mê với những từ đẹp… mà bỏ quên những cử chỉ đẹp, những việc làm đẹp. Chúng ta thường hô hào nhân ái và tình người. Đối với một số bạn đồng nghiệp của mình, từng bị đại nạn mà chúng ta còn không nhân ái nổi thì hỏi chúng ta còn nhân ái được với ai?



Đời làm cách mạng, đời làm thơ…

Trong những ngày xuân này làm chúng ta nhớ đến ”Kinh nhật tụng của người chiến sĩ”... Sau ngày Cách mạng thành công, thực dân Pháp rắp tâm trở lại Việt Nam. Ngày 23-9-1945, chúng gây hấn ở Nam bộ. Phía Bắc, quân Tàu Tưởng tràn vào. Trước tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, Hồ Chủ tịch đã kí Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946, đồng ý đưa 15 nghìn quân Pháp vào miền Bắc thay cho 18 vạn quân Tưởng. Nhân dân lo lắng, kẻ xấu lợi dụng tung tin ông Hồ bán nước. Nhưng khi nghe tuyên bố: “Tôi, Hồ Chí Minh, suốt cuộc đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước!” đã củng cố thêm niềm tin của nhà thơ. Đang trong Thường vụ Việt Minh ở Lâm Viên, được sự trợ tác của 2 bạn thơ (Nguyễn Đình, Nguyễn Đình Thư), sau 2 tháng lao động, ông cho ra đời “Kinh nhật tụng…”, viết theo thể song thất lục bát gồm 196 câu.
“Người chiến sĩ dắt dìu vận nước
Với chính mình khó trước hơn ai
Lo sao cho vẹn đức tài
Làm sao cho xứng lòng người cậy mong...”;
“Vì dân, vì nước quên thân, quên nhà...”.
Coi đây là “Kinh” nên ông không đề tên tác giả, miễn sao tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng. “Kinh Nhật Tụng” đến với các đơn vị bộ đội, các cơ quan hành chính kháng chiến, đến với dân chúng khắp Cực Nam Trung bộ và Nam bộ. Có cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt vào tù đã dạy  truyền khẩu cho bạn tù. “Kinh Nhật Tụng” như một cuốn sách không in, với sức truyền cảm mãnh liệt, được truyền từ người này sang người khác, từ khám này sang khám khác, từ Sài Gòn ngược lên nhà tù Lao Bảo, bay ra tận Phú Quốc, Côn Lôn... Không chỉ sống trong tim những cựu tù chính trị thời Chín năm mà suốt những năm tháng chống Mỹ, “Kinh nhật tụng” vẫn được truyền khẩu. Có người đã nhầm tác giả là Bác Hồ…

Nhà thơ sinh vào đêm giao thừa năm Đinh Mùi 1907 tại Hội An. Ông mê thơ ca từ bé. Từng là học sinh Quốc học Huế, là học trò của cụ Phan Bội Châu, rồi đi dạy học, làm và dịch thơ, suốt những năm 1925-45, ông có 200 bài thơ đăng trên các báo… Năm 1950, ông cùng 2 con trai là Khương Thế Xương1, Khương Thế Hưng2 nhập ngũ. Phụ trách Tiểu ban Văn nghệ (Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Liên khu V), ông viết nhiều bài phục vụ kháng chiến như “Bài ca Đảng Lao động Việt Nam”, “Bài ca 19-12”, “Bài ca tự túc”… cùng hàng vạn truyền đơn binh vận.

Sau 1954, tập kết ra Bắc, ông cho ra đời tập thơ “Những tiếng thân yêu”, “Quả nhỏ”… sau này thêm “Bi bô” cùng hàng nghìn câu thơ, trang thơ dịch Đường, Tống, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Hồ Chủ tịch và Victor Hugo, Apolinaire, Dante… Ong còn tham gia biên tập tập thơ “Sóng Hồng” và trở thành  bạn thơ của đồng chí Trường Chinh. Năm 1982, nhân sinh nhật thứ 75 của đồng chí, ông đã viết: “Bảy mươi lăm tuổi già chi mấy/ Anh cũng xuân mà tôi cũng xuân/ Vẫn một hồn thơ tươi trẻ mãi/ Vẫn mai cốt cách tuyết tinh thần”.

Cả đời làm thơ, dịch thơ nhưng chẳng bao giờ màng đến danh lợi, vật chất. “Rau dưa đạm bạc không lo héo/  Thơ phú no nê chẳng sợ gầy” (Rứa đó!) và “Chỉ ước trọn đời khi nhắm mắt/ Được câu thần cú đủ vui rồi” (Tám mươi rồi hả?)…

Cả đời vì dân vì nước, vậy mà trên tường chẳng thấy có một tấm huân chương. Thế mới biết thế nào là nhân cách của một nhà thơ chân chính!





[1] Cụ mất hồi 0 giờ 25 phút, ngày 18-5-2005, tại Viện quân y 108, Hà Nội, hưởng thọ 98 tuổi.
1 Liệt sĩ  Khương Thế Xương (1931-1953), học viên khóa 6 Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, hy sinh trong trận đánh đồn Tú Thuỷ (An Khê) ngày 13-1-1953. Là bạn thân của nhà văn Nguyên Ngọc, Lê Khâm.
2 Đại tá, nhà văn Khương Thế Hưng (1934-1999). 1954 tâp kết ra Bắc, năm 1962 quay lại chiến trường B5. Là tác giả của điệu múa Chàm Rông. Sau công tác tại Báo QĐND. Mất vì ảnh hưởng của chất độc màu da cam.

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Năm 1986, gia đình Bác Khương sống tại phố Phan Bội Châu (HN). Tôi đến thăm Bác vào buổi chiều. Bác trai vừa đi họp ở Hội nhà văn về, bác gái đón chúng tôi bằng giọng nói rất nhỏ nhẹ. Nhà trong ngõ, căn nhà để lại ấn tượng với tôi vì cái cầu thang gỗ lên tầng hai cũ kỹ rung rung nhưng được lau sạch bóng, nước gỗ màu mun. Ngồi sau những chồng sách Hán Nôm, Bác Khương là người Thầy đầu tiên mở ra cho tôi hiểu thế nào là sự vĩ đại ,cao siêu của văn học chữ Hán. Rất ngắn gọn Cụ tổng kết: "Hán thơ, Đường văn, Tống từ. Văn học hiện đại của TQ không thể so sánh với quá khứ được". Trong bài viết trên, khi chú thích về gia đình Bác Khương Hữu Dụng, cũng nên chú thích thêm thông tin: Hướng theo sự nghiệp văn chương của Cha, con gái Bác Khương, chị Khương Tú Anh hiện là Đại tá Quân đội, một thời gian dài chị từng là tổng biên tập một tập san học thuật của bộ Quốc phòng. Thời đại chúng ta, con chưa hơn được Cha nhưng hướng theo được tấm gương của cha mẹ đã là có Phúc lắm rồi! ( TĐN )

Nặc danh nói...

Đọc bài viết về bác Dụng,Phúc nhớ bác quá.Thật là may mắn do kết bạn với Tú Anh mà Phúc được tiếp xúc với bác,được bác yêu quý như con gái.Bác đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp văn thơ,sống thanh cao giản dị,luôn gấn gũi quan tâm đến mọi người.

Hạnh Phúc

Nặc danh nói...

Điều lớn nhất mà bác Ngân và Phúc muốn nói:CỤ SỐNG RẤT CON NGƯỜI!

Nặc danh nói...

Người dũng cảm là người DÁM NÓI!