Tác giả: MAI LAN
Xoay quanh một biểu thống kê ngắn được giới thiệu trong bài dưới đây, nhiều góc nhìn sẽ được đặt ra, nhưng điều lớn nhất có thể thấy ngay là trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam đang ngày bị kéo lùi. Nguy cơ mất dần lực lượng chuyên viên kỹ thuật trình độ cao đẳng đã hiển hiện và bức tranh về cơ cấu trình độ chuyên môn của lao động Việt Nam đang ngày càng méo mó.
Một nghiên cứu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, lực lượng lao động nước ta sẽ tiếp tục tăng từ năm 2010 đến năm 2015, với tốc độ tăng bình quân 1,5%/năm. Xét về số lượng, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những nước có mức tăng lực lượng lao động cao nhất trong khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia và Philippines.
Một lực lượng lao động tiềm năng là cơ hội vàng để tạo ra tỷ lệ tiết kiệm cao hơn cho đất nước, giúp thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế. Tiếc rằng, lực lượng lao động Việt Nam đang đối diện với một tình trạng suy thoái về trình độ chuyên môn kỹ thuật. Các nhà nghiên cứu kinh tế đã chỉ ra rằng nếu các chính sách đầu tư và phát triển nguồn nhân lực không hỗ trợ tăng tỷ lệ tiết kiệm, lực lượng lao động gia tăng có thể làm trầm trọng thêm nạn thất nghiệp và thiếu việc làm ở Việt Nam.
Sự chệch hướng trong đào tạo nguồn nhân lực
Báo cáo về "Điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2010" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tổng cục Thống kê phát hành vào tháng 6-2011, đã công bố biểu "Tỷ trọng lực lượng lao động đã qua đào tạo chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật thời kỳ 2007-2010" dưới đây:
Những con số trên cho thấy, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách và cả công tác quản lý ở các lĩnh vực liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực. Điều gì đã dẫn tới thực trạng là tỷ trọng lao động Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật đã giảm sút trầm trọng trong vòng ba năm qua (2007-2010), từ con số 17,7% xuống còn 14,7%? Và với tỷ trọng 85,3% lực lượng lao động chưa qua đào tạo nghề, thì giấc mơ "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" sẽ trở nên ngày càng xa vời!
Quy chuẩn về cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động khu vực châu Á hiện nay là: 1 đại học / 4 cao đẳng / 10 trung cấp. Nếu lấy tỷ lệ này đối chiếu với thực trạng trình độ lao động Việt Nam ở thời điểm năm 2010 là: 5,7 đại học / 1,7 cao đẳng / 3,5 trung cấp, chúng ta sẽ thấy hết sự méo mó về cơ cấu trình độ của lao động Việt Nam, khi lực lượng chuyên viên kỹ thuật bậc cao đẳng - một mắt xích quan trọng trong cơ cấu lực lượng lao động - chỉ còn chiếm tỷ lệ 1,7%.
Hệ quả của một nền giáo dục chạy theo hư danh bằng cấp
Theo thống kê năm học 2010-2011 của Bộ GD-ĐT thì cả nước có 726.219 sinh viên hệ cao đẳng, còn hệ đại học là 1.435.887. Như vậy, ngay khu vực đào tạo đã méo mó về cơ cấu: thay vì 1 đại học / 4 cao đẳng thì chúng ta đã làm ngược lại: 2 đại học / 1 cao đẳng. Đó là nói về con số, trên thực tiễn quản lý, ai cũng thấy mỗi năm học, Bộ GD-ĐT đã "chìm đắm" ít nhất ba tháng cho công tác tuyển sinh đại học.
Nhìn lại, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang giai đoạn phấn đấu "công nghiệp hóa", nào đã dám mơ đến "nền kinh tế tri thức" - nơi mà "công nhân cổ trắng" với trình độ đại học chiếm đa số. Vậy mà, đáng ngạc nhiên khi trong cơ cấu trình độ lao động Việt Nam hiện nay, có 5,7% lao động có trình độ đại học và chỉ có 1,7% trình độ cao đẳng.
Một nền kinh tế muốn hoạt động trơn tru không thể thiếu lực lượng chuyên viên kỹ thuật. Vậy, với sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng này, Việt Nam sẽ lấy nhân lực ở đâu để bù đắp, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành? Phải chăng, chính nguồn nhân lực trình độ đại học có chất lượng yếu lại đang đảm nhận thay vai trò của các chuyên viên kỹ thuật cao đẳng?
Một khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho biết khoảng 40% sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đúng trình độ ngành nghề, 40% làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp, việc làm chưa thực sự ổn định và có thể chuyển việc khác. Còn 20% tìm việc rất khó khăn hoặc không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo.
Nếu thực sự tình hình diễn biến như vậy, đó là bi kịch cho nền kinh tế lẫn công tác đào tạo. Bởi, hệ đại học đào tạo nặng về nghiên cứu lý thuyết, còn hệ cao đẳng hướng tới đào tạo những chuyên viên kỹ thuật lành nghề. Hai hướng đào tạo hoàn toàn khác nhau.
Thực trạng trên cũng đã lý giải cho việc phát triển của nền kinh tế Việt Nam vừa qua, đó là năng suất lao động rất thấp, chỉ bằng một nửa của các nước ASEAN. Và cũng lý giải luôn cho tình trạng giảm chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Năm 2008-2009, Việt Nam xếp hạng 70/133 quốc gia về chỉ số cạnh tranh, năm 2009-2010 tụt xuống hạng 75.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Anh Chu Thành: "Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc lần đầu đến thăm nhà"
- Đọc bài của Thủy về Hưng Yên, nhớ chuyện xửa chuyện xưa (KQ)
- Nghề lạ 5: "Nghề" nhổ tóc bạc (ST)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Gặp lại nhau
- Hưng Yên quê tôi (Thủy k42)
- Y học thường thức: Địa chỉ chữa Gout tốt (Phong- con cô Thục)
Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2012
Chuyên viên kỹ thuật ngày càng thiếu và yếu (ST)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét