Gia đình Tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, có nhiều hy sinh cho Tổ quốc. Nhà báo trẻ Tô Lan Hương đã ghi lại câu chuyện này. Xin trân trọng giới thiệu! (BT5).
Tôi nhớ, trong buổi trò chuyện
với tôi, đã không ít lần đôi mắt chị đỏ hoe khi nhắc về người mẹ chồng của
mình, người mẹ chồng đã tự đi gả chồng cho con dâu, bất chấp mọi sự phản đối,
ngăn cản. Chị bảo kiếp trước chắc chị tu nhân tích đức cả đời nên kiếp này mới
được làm con dâu của mẹ và được mẹ yêu thương cho đến tận lúc chết. Nhờ tấm
lòng của mẹ, chị đã tìm được hạnh phúc của mình sau những mất mát, đau thương
trong chiến tranh.
Câu chuyện tình thời hoa lửa và những mất mát của chiến tranh
Giờ chị đã có một cuộc sống hạnh
phúc bên chồng con, đã trở thành bà nội, bà ngoại của những đứa cháu xinh xắn,
dễ thương và chị hoàn toàn có quyền mỉm cười khi nghĩ đến gia đình nhỏ của
mình, với người chồng tốt bụng, chân thành, với những đứa con thành đạt và
những đáu cháu ngày ngày ríu rít bên cạnh. Nhưng vào mỗi buổi tối, chị vẫn lần
giở lại những lá thư cũ đã ố vàng theo thời gian– kỉ vật mối tình đầu của chị
và người lính đã hi sinh ở chiến trường Quảng Trị. Những lúc đó, bên cạnh chị,
chồng chị lặng yên không nói. Anh tôn trọng quá khứ của chị, tôn trọng góc
riêng tư của cuộc đời của chị. Đó là một lời hứa thiêng liêng mà suôt 35 năm
qua, trong cuộc sống vợ chồng, anh vẫn gìn giữ, như một cách thể hiện tình yêu
của anh dành cho chị.
Chị Nguyễn Thị Vân kể, chị biết
yêu từ năm 16 tuổi, cái tuổi mà nhan sắc của một thiếu nữ bắt đầu nở rộ: “Ngày
đó, tôi là con gái nhà giàu, đi học lúc nào cũng có xe đưa xe đón. Còn Vương
Thiết Căng là con trai của Trung tướng Vương Thừa Vũ. Anh ấy hơn tôi hai tuổi,
nhưng chúng tôi đã là bạn bè từ khi còn bé. Năm tôi 16 tuổi, anh ấy 18 tuổi và
đi học ở trường thiếu sinh quân về, chúng tôi đã bắt đầu yêu nhau”.
Chị bảo, ngày anh chị đến với
nhau, anh không nói hay viết cho chị một bức thư tỏ tình như những người đàn
ông khác. Giữa lúc đi dạo cùng nhau trên đường, anh đột nhiên hỏi: “Vân đã để ý
đến ai chưa?”. Lúc đó chị chỉ cười, lặng yên không nói. Sự im lặng và nụ cười
của chị là câu trả lời mà chị dành cho anh. Suốt đoạn đường còn lại, họ đã nắm
tay nhau. Anh chị bắt đầu yêu nhau từ ngày đấy.
Những năm tháng đó, họ chỉ yêu
nhau qua những lá thư. Chị là cô sinh viên trường Y, còn anh học ở trường quân
sự xa nhà. Mỗi năm được nghỉ phép một lần, anh về thăm chị. Suốt cuộc đời mình,
chị không bao giờ quên kỉ niệm về những lần đón anh ở ga Hàng Cỏ. Anh bước
xuống sân ga, nhìn thấy chị, chạy lại bế
chị lên và xoay 1 vòng – đó là điều anh vẫn làm trong suốt quãng thời gian anh
chị yêu nhau. Tình yêu đẹp của anh chị đã có một cái kết có hậu bằng một đám
cưới giản dị năm 1966. Chị về làm vợ anh, và trở thành con dâu của gia đình
Trung tướng Vương Thừa Vũ.
Anh lên đường sang Liên Xô học khi
chị vừa kịp mang thai đứa con đầu lòng. Trở về nước, chỉ kịp nhìn vợ, nhìn con
và ở bên cạnh vợ con vài ngày, anh lại lên đường vào chiến trường Quảng Trị.
Ngày anh đi, ở trên sân ga, anh đã dặn dò chị ân cần vì lo lắng cho chị ở nhà.
Và có lẽ cũng bởi anh biết, lần ra đi đó có thể là mãi mãi. Đất nước đang có
chiến tranh, anh chị không thể vun vén cho hạnh phúc riêng của mình. Anh ra đi
vì đất nước, vì bố mẹ, vì chị, vì mong muốn đứa con mới sinh ra sẽ được sống
trong hạnh phúc, hòa bình. Trước lúc đi, anh để lại cho chị một chiếc phong bì
và nói: “Trong chiếc phong bì này có địa chỉ của Thủy, bạn thân nhất của anh. Khi
anh đi vắng, Thủy sẽ thay anh chăm sóc mẹ con em”. Khi đó, chị chẳng bao giờ
biết đó là lần cuối cùng chị gặp anh, và cũng không bao giờ biết lời dặn cuối
cùng của anh trước lúc đi xa sau này sẽ trở thành định mệnh của đời chị….
Trong lá thư cuối cùng anh viết
cho chị từ chiến trường, anh nói: “Lúc bom đạn, khói lửa khốc liệt nhất, anh
chỉ nghĩ đến hình ảnh mẹ con em. Đó là sức mạnh giúp anh tiến lên và chiến đấu,
giúp anh không sợ hãi trước bom đạn quân thù. Em hãy yên lòng chờ đợi anh về.
Tình yêu của em và con sẽ che chở cho anh trong mưa bom bão đạn. Và em ơi, em
hãy đợi. Một tối thứ 7 nào đó, anh sẽ trở về. Anh, em và con – gia đình ta sẽ
được đoàn tụ…”. Chị đã làm như lời anh dặn. Chị đợi anh mỗi ngày, chờ đợi anh
mỗi thứ 7, từ tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác. Nhưng tối thứ 7
đó đã không bao giờ đến trong cuộc đời chị. Anh đã nằm lại mãi mãi ở chiến
trường Quảng Trị, cùng với bao đồng chí đồng đội của mình.
1 tuần sau khi anh mất, chị mới
nhận được tin anh hi sinh. Suốt 1 tuần đó, dù bố mẹ chồng cố giấu, nhưng chị
vẫn không thể không cảm thấy sự khác lạ trong không khí gia đình. Bố chồng chị
- Trung tướng Vương Thừa Vũ trầm lặng hẳn đi. Ngoài những lúc giải quyết công
việc, ông ngồi trầm ngâm không nói. Mẹ chồng chị vẫn chăm sóc, vẫn yêu thương
chị. Nhưng trong bữa cơm, chị thấy bà nhìn chị, nhìn đứa cháu mới hơn 1 tuổi
rồi chạy ra ngoài. Bữa cơm nào bà cũng chạy ra ngoài như thế vài lần. Khi ấy
chị không biết, bà chạy ra ngoài để khóc, vì thương con dâu đã trở thành góa
bụa khi còn quá trẻ, thương đứa cháu nội mới 1 tuổi đã mồ côi cha. Chị kể: “1
tuần đó, ngày nào trước khi tôi đi làm, mẹ cũng ép tôi ăn hết một bát chè. Tôi
không biết bà cụ chăm chút tôi, để tôi lấy sức chuẩn bị đón nhận nỗi đau sắp
tới. Bà giấu tôi cho đến khi không thể giấu được nữa. Hôm đó, trước ngày tổ
chức lễ truy điệu cho anh Vương Thiết Căng ở quê nhà, bà bảo tôi về quê chơi,
thăm mẹ đẻ. Ngày hôm sau bà xuống tận nhà tôi ở quê. Bà nhìn mẹ tôi, bảo: thằng
Căng nó cướp công của chị em mình rồi. Rồi bà quay sang ôm lấy tôi và cháu nội
rồi cứ thế khóc. Bà nói với tôi: đất nước có chiến tranh, gia đình nào cũng
phải đóng góp. Đây là phần đóng góp của mẹ và con cho đất nước. Đó là phần mất
mát của gia đình ta trong mất mát của cả dân tộc. Nó là chồng con, nhưng cũng là
con trai mẹ. Mẹ và con cùng chịu chung nỗi đau này. Con có thể đau đớn, nhưng
con phải tự hào vì nó đã hi sinh cuộc đời mình cho tổ quốc”.
Khi đó, trong vòng tay mẹ chồng,
chị biết mình đã mất anh mãi mãi. Chị đã sống những ngày tháng không hề dễ dàng
sau khi anh mất. Những ngày tháng đó, chỉ có tình yêu của mẹ chồng, chỉ có hình
ảnh của đứa con gái bé bỏng mới giúp chị có sức mạnh vượt qua đau thương và mất
mãi. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi khắp nơi vang lên tiếng loa báo mừng thắng
lợi, mừng đất nước thống nhất, khi triệu triệu người dân Thủ đô vỡ òa trong
niềm vui, thì chị đứng đó, lặng lẽ khóc. Khi đó, ngoài niềm vui chung của cả
dân tộc, chị còn có một nỗi đau riêng không thể nói với ai. Đất nước thống
nhất, nghĩa là sẽ có rất nhiều người lính trở về, nghĩa là sẽ có rất nhiều gia
đình được sum họp, đoàn tụ. Nhưng chị biết chị sẽ không bao giờ còn có thể được
đón anh trên sân ga, không bao giờ được anh bế lên, xoay vòng như những ngày
xưa cũ. Chị biết chị và con chị sẽ không bao giờ được hưởng cái hạnh phúc bình
thường như những gia đình khác. Những gia đình đó, họ đầy đủ và không mất mát.
Mỗi chiều thứ 7, vợ chồng họ cùng đưa con cái đi chơi công viên. Đó là điều chị
sẽ không bao giờ còn có được – cùng anh.
... Còn tiếp!
5 nhận xét:
Quá tình!
Thực sự cảm động trước sự hy sinh vô bờ của người mẹ anh Căng, chị vợ anh Căng. Mất mát này không phải duy nhất nhưng vì gia đình cụ Vũ gần gũi với gia đình tôi (cha tôi và ông cùng xây dựng Trường Võ bị những ngày đầu) nên câu chuyện gây nên xúc động thực sự. Xưa chỉ nghe qua Tạ Vinh, nay được đọc cụ thể.
Cảm ơn Lan Hương!
Sự hi sinh của anh Căng và hàng vạn liệt sĩ có uổng phí?Nhìn lại thế hệ cha ông mà buồn cho thế hệ lãnh đạo hôm nay.Chúng chỉ lo vun vén tìm cách đưa con vào những vị trí màu mỡ để lại tiếp tục đục khoét đất nước như cha mẹ của chúng!
Cái gì cũng có một thời của nó.Chúng ta luôn trân trọng,yêu thương gìn giữ một thời oanh liệt,đẹp đẽ của cha ông,bạn hữu.Ta gửi điều đó vào con cháu,mong chúng cảm nhận và noi theo.Cảm ơn cháu Lan Hương đã ý thức và luôn làm điều đó.
Tôi không khóc, nhưng nước mắt cứ tự chảy ra.
Đăng nhận xét