Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Tư liệu: Những đóng góp tâm huyết bị cất giữ (ST)

Cách đây một năm, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết (số 23-NQ/TƯ ngày 12-3-2003) về công tác dân vận và Mặt trận. Như thường lệ, dự thảo báo cáo (mang tựa đề cũng rất văn bia thường lệ là «phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vì 'dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh'») được phổ biến trong những cuộc họp nội bộ để nghe ý kiến. Trong khuôn khổ đó, Ban dân vận Thành uỷ Tp. Sài Gòn đã tổ chức một cuộc họp nhiều ngày với sự tham gia của những cán bộ cấp cao nay đã về hưu (Mai Chí Thọ, Trần Trọng Tân, Trần Bạch Đằng, Dương Đình Thảo...).
Các ý kiến nêu ra một cách thẳng thắn trong cuộc họp này không hề được ghi nhận : chúng hoàn toàn vắng bóng trong bản nghị quyết kể trên. Có lẽ vì vậy, mà một tài liệu đang được chuyền tay trong giới cán bộ Thành phố, với ghi chú trên đầu : «dựa trên băng ghi âm Cuộc họp do Ban Dân vận Thành uỷ TP. Sài Gòn mời : chưa được các đồng chí tác giả xem lại, chỉ để Ban chỉ đạo soạn thảo văn kiện phục vụ Hội nghị Trung ương 7 tham khảo »). Do tính chất của tài liệu này, rất khó khẳng định độ trung thực, mặc dầu người ta có thể nhận ra khẩu khí của nhiều người phát biểu và kiểm tra các sự việc được nêu lên.

Chúng tôi trích đăng những phần chính của tư liệu, vì đó là những ý kiến khá phổ biến trong giới cán bộ lão thành đứng trước tình hình hiện nay. Để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi in đậm một số đoạn đáng chú ý, và trong phần chú thích, cung cấp thông tin về một số nhân vật và sự kiện.

Ðồng chí Mai Chí Thọ (1) :

- Khi nói đấu tranh giai cấp thì cái gì cũng giai cấp đấu tranh, chí cốt như vậy, chửi phong kiến, chửi đủ thứ hết nhưng mà phong kiến nước mình lại không triều đại nào lại không có ông vua, ông quan yêu nước và anh hùng. Trong mười mấy vua nhà Nguyễn hơn một nửa là yêu nước, cho nên phải đánh giá nhà Nguyễn cho đúng.

Ở nước ta, đấu tranh giai cấp mà đối kháng là không có cơ sở biến thành mâu thuẫn địch ta, mà chủ yếu xuyên suốt cả lịch sử nước mình kẻ thù luôn luôn từ bên ngoài xâm lược, cho đến bây giờ, chứ không phải bên trong. Chính vì cái áp lực bên ngoài, sự xâm lược bên ngoài luôn luôn rình mò chúng ta đến tận bây giờ, cho nên dân tộc ta mới đoàn kết, mới có hội nghị Diên Hồng, với tất cả những cái này mà vua cũng anh hùng, vì không giữ được nước thì không giữ được ngai vua, tuyệt đối không để bị xâm lược, xem ra ý nghĩa đó đối với dân tộc ta hết sức là hay. Lúc nào chúng ta chỉ đề cao đấu tranh theo kiểu địch ta thì đều thất bại, đều tổn thất (cải cách ruộng đất này, cải tạo xã hội chủ nghĩa này...) tiến hành đấu tranh giai cấp một cách thô bạo đều thất bại, đều trái với hoàn cảnh đất nước ta và tình hình dân tộc ta. Cho nên ta có mâu thuẫn chứ không phải là không đâu, nhưng mà mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân lấy hiệp thương để giải quyết chứ không phải là đấu tranh vũ trang, trừ trường hợp đối với thiểu số ngoan cố. Ðây chỉ là các lực lượng nhỏ không đáng kể. Cho nên tôi thấy rằng xuất phát từ tình hình hiện nay, bọn tư sản nó muốn tạo ra một thế lực tư sản mại bản. Nó muốn từ cái cá thể mà xây dựng thế lực tư sản mại bản nhưng mà nó không thực hiện được bởi vì những người tư sản Việt Nam, mặc dù họ chạy theo lợi nhuận, có người bóc lột nhưng mà họ yêu nước, cho nên đối với chúng ta, một dân tộc mà tôi cho là rất đặc biệt, mấy ngàn năm bị xâm lược trong một hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, cho nên nó hun đúc nhân dân ta lòng yêu nước. Cho nên Ðảng ta phải giáo dục cho thật kỹ cái này. Trong cán bộ đảng viên, phải thấy được những thắng lợi vẻ vang của mình là do đâu, mình có những cái thất bại gì trong cách mạng. Tôi muốn nói, trước hết tôi nói về tính chất, về bản chất đại đoàn kết của dân tộc ta, vì lịch sử có nhiều cái, vua hồi xưa còn triệu tập hội nghị Diên Hồng mà bây giờ chúng ta còn phải kỷ niệm các ông vua. Nhân dân còn thần thánh hoá ông Trần Hưng Ðạo.

Bên cạnh những thành công vĩ đại thế kia, cũng nhiều sai lầm hạn chế, thậm chí gây khó khăn cho cách mạng. Thường là khi nào mình có chính quyền, chúng ta lại xa rời quần chúng. Chúng ta nói độc quyền lãnh đạo, nhưng rồi độc quyền cách mạng luôn. Ðảng chỉ có thể độc quyền lãnh đạo khi nào Ðảng thực hiện được đại đoàn kết dân tộc. Xây dựng được đoàn kết rộng rãi trong nhân dân, đưa nhân dân làm cách mạng. Như thế mới độc quyền chứ. Càng rộng bao nhiêu thì Ðảng càng lãnh đạo được nhiều bấy nhiêu. Còn bây giờ ta giành hết, không cho ai làm cả, một mình một chợ. Tôi chỉ kể ngay ở trên thành phố mà thôi, vấn đề Hướng Đạo nói hoài cũng không ai giải quyết, các vị lãnh đạo cũ của tổ chức này là đều đi theo kháng chiến cả, như ông Tạ Quang Bửu, ông Hoàng Ðạo Thuý, Bác Hồ là chủ tịch danh dự hay cố vấn gì đó tôi quên mất rồi. Bây giờ xin lập, không cho, xưa chúng tôi ở cấp thành phố muốn tìm một hình thức tập hợp quần chúng để mà kêu gọi. Quần chúng người ta có nhu cầu, người ta theo tình cảm, theo sở thích theo quyền lợi của người ta thì là chính đáng. Tôi đề nghị lập mấy cái hội, thứ nhất là Hội Bảo trợ trẻ em mồ côi và người tàn tật (Bí thư Thành uỷ và Thường trực Thành uỷ không cho mấy năm rồi, 2, 3 năm trời, tại sao, sợ « tàn tật » bao gồm cả thương phế binh nguỵ ? họ là nạn nhân chiến tranh mà). Tôi nói anh quản lý ở thành phố này mà anh không hiểu những cái đó, không thông cảm với những cái đó thì thế nào, còn thương bệnh binh của mình có chế độ riêng. Cái thứ hai là Hội Khuyến học thì đã được thành lập trên cả nước. Ở đây các anh mời tôi, phía Uỷ ban đề nghị tôi phụ trách, nhưng mà ra đời hơn một năm mới được giấy phép, hai năm sau mới xin được giấy phép để hoạt động cấp quận, huyện. Tôi lại nói với các anh cái mới, tờ báo An ninh thế giới đăng : ông Phan Bội Châu là một con người nhân sĩ yêu nước hết sức được nhân dân tôn trọng mà bây giờ cái nghĩa trang đó không ai chăm sóc, rêu phong mà trong đó có Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) (2) cũng nằm ở đó. Tôi hỏi đoàn kết gì mà nhà ở, đền thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng bị lấn chiếm, dân người ta nói là mộ Nguyễn Du để « sè sè nấm đất bên đường » cả nhiều năm. Tôi nói các anh hùng của cách mạng thì đáng quý thật, nhưng mình không thể nào bỏ quên tất cả những anh hùng dân tộc khác được. Tại sao Thích Quảng Ðức ở đây thành phố không kỷ niệm. Lúc người ta tự thiêu thì mình hết sức xúc động, hết sức ca ngợi, tại sao thành phố này, Mặt trận này lại không cùng kỷ niệm với sư sãi, phật giáo hoặc như Nhất Chi Mai cũng tự thiêu. Thế thì Nhất Chi Mai cũng là thanh niên thì đoàn thanh niên của chúng ta không kỷ niệm, tôi cho là bây giờ mình hết sức kiêu ngạo, kiêu ngạo cộng sản. Thế thì xưa nay độc quyền lãnh đạo, mình không phất được ngọn cờ dân tộc một cách đầy đủ thì mình không thể nào thắng lợi. Nói đến «Phật giáo thống nhất», người ta đấu tranh như thế nào, tiêu biểu như thế. Mình có chính quyền rồi thì lại loại người ta ra.

- Bây giờ tôi nói hoà hợp dân tộc. Sau khi giải phóng, cái hay của mình là không có giết một ai, nhưng mình cho đi học tập cải tạo lâu quá cho nên nhiều gia đình họ đã dứt bỏ, cho nên tan tác, vợ đi lấy chồng, con gái đi bán bar. Cho nên cái hận thù của người ta là nặng nề, tụi nó thù mình lắm chứ không phải không. Thế thì mình lãnh đạo đất nước, mình lãnh đạo thành phố, mình có hiểu những cái ấy không ? Mình có thấy trách nhiệm của mình ở đó không ? Có chiến thắng rồi, chiếm lĩnh toàn quốc rồi thì mình coi khẩu hiệu hoà hợp dân tộc hết rồi. Ðáng lẽ theo tôi, cái khẩu hiệu đó rất hay. Ðáng lẽ theo tôi phải thả họ sớm hơn, động viên họ tham gia xây dựng lại đất nước, vì trong họ có nhiều người giỏi chuyên môn. Thế thì những chính sách của mình sẽ rất là hay.

- Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ đều có đặc điểm riêng và mỗi cuộc kháng chiến ở mỗi nơi đều mang cái tính đặc biệt đó bên cạnh, tính chung, tính cơ bản. Thế thì nếu không nghiên cứu con ngươi Nam Bộ thì làm sao hiểu được cuộc kháng chiến Nam Bộ. Tôi muốn nói mình muốn đoàn kết tốt, trước hết theo tôi là mình phải thật hiểu về con người Việt Nam. Thật hiểu về dân tộc Việt Nam. Thậm chí hiểu từng khu vực, từng địa phương một. Bây giờ đối tượng lãnh đạo mà mình không tìm hiểu thì làm sao mình có thể vận động cho nó đúng cái tâm trạng của người ta. Tôi thấy rằng nên kiểm điểm kỹ và đặt từ những vấn đề cơ bản cho đến những vấn đề cụ thể. Cái đó theo tôi đưa vào trường học, trường đào tạo. Hồi xưa thằng Mỹ nói rằng là các anh cộng sản thì lý luận, chúng tôi thì tâm lý chiến coi ai thắng ai ? Mà về tâm lý học thì Mỹ nó phát triển từ hơn một nửa thế kỷ, nó rất quan tâm đến nghiên cứu tâm lý, Liên Xô chỉ mới quan tâm từ những năm 60. Cho nên chúng ta phải hiểu con người Việt Nam, hiểu từng tầng lớp và từng địa phương mà vận động.

Anh Trần Hồng Quân (3) :

Tôi xin phép hỏi anh Năm (4). Tôi thấy gần đây dường như Ðảng ta có phần chặt chẽ hơn, hẹp hòi hơn, độc quyền hơn. Anh có thấy vậy không ? Và tại sao vậy ? Có phải chăng ta thiếu tự tin ở chân lý của mình, thiếu tự tin ở bản lĩnh chính trị của mình ?

Anh Mai Chí Thọ :

Trước hết là do ta quá kiêu ngạo Cộng sản, không cần ai. Mặt khác cũng có phần thiếu tự tin ở bản lĩnh lãnh đạo của mình.

- Bây giờ tôi nói đến lý tưởng cộng sản bị phai nhạt. Chỉ tiền thôi, mà lý tưởng cộng sản phai nhạt là nó có cái lý khách quan của nó. Cuộc khủng hoảng CNXH đã là một cú sốc tâm lý, một cú sốc hết sức lớn lao đối với lý tưởng cộng sản. Không còn cái CNXH thực tế, thuyết phục và khả thi để nêu cao được ngọn cờ lý tưởng. Bây giờ thì người ta đâu có lý tưởng cái gì nữa ; mà bây giờ là đồng tiền không tình nghĩa, lôi cuốn người ta vào kinh tế thị trường, trong khi đó thì đồng lương chính thức không đủ sống. Mặt trái của kinh tế thị trường thì thật sự phát triển, nó là những cái rào cản nguy hiểm cho hoà hợp toàn dân. Bây giờ cán bộ toàn là nghe tổ trưởng, nghe nòng cốt không, chứ đâu có nghe ai đâu. Ðại biểu Quốc hội nghe người dân, người dân đâu dám nói hết, mà nói hợp ý cấp trên hay là được nói khác thì chết, mà anh nghe rồi anh đi, còn người ta ở lại (rau răm ở lại chịu lời đắng cay) sao chịu nổi, với một hệ thống áp bức người ta, cai trị người ta, còn những nhà cầm quyền, có chức, có quyền có ai đi làm dân vận đâu ? Cũng như với mấy ông trong Mặt trận, Liên minh, trong Chính phủ cách mạng lâm thời trước đây, khi nào cần thì mình xài, khi nào không cần thì quên họ luôn. Còn trong MTTQ, toàn là cán bộ đảng viên, không có ông nhân sỹ nào. Có thời kỳ họ nói : « Chúng tôi không có vị trí, không có chân đứng ». Tôi cho là chúng ta còn mắc nhiều khuyết điểm rất nặng nề, phải kiểm điểm nghiêm túc. Tôi mong rằng kỳ này là một cái thời cơ, để Ðảng ta nhìn lại toàn bộ, để ra những biện pháp cụ thể để chấn chỉnh lại, phát huy thế mạnh của mình đồng thời khắc phục những cái sai sót chứ nếu không thì, nói thật với các anh tôi có cảm giác, chẳng bao lâu nữa Ðảng mất quyền lãnh đạo. Có thể lúc đó tụi tôi còn sống hay đã chết. Tôi nói thật suy nghĩ của một người đã chiến đấu tuy không được lâu như khai quốc công thần nhưng cũng gần 70 năm tuổi Ðảng và nhiều người cũng nói với tôi như thế chứ không phải một mình tôi.

(Anh Trần Hồng Quân hỏi : Ý anh là nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì không bao lâu ta sẽ mất chính quyền ?)

Ðúng vậy. Bây giờ tôi hỏi các anh, xã hội mình bây giờ sẽ đi theo hướng nào ? XHCN hay TBCN ? Hai khuynh hướng đang đấu tranh nhau ghê gớm. Nhưng xem ra khuynh hướng TBCN đang thắng thế, ở ngay tại nước mình chứ không phải đâu xa. Nhưng mà không phải mình không thể tiến lên theo con đường XHCN được. Tôi thấy rằng hoàn toàn mình có khả năng. Tôi xin góp một số ý như vậy.

Ðồng chí Trần Bạch Ðằng (5) :

- Tôi xin phát biểu về các dự thảo của các đồng chí. Hôm trước đã có một lần họp có anh Trương Quang Ðược, anh Nguyễn Minh Triết, chị Tòng Thị Phóng tôi đã góp ý. Xét chung nếu nói là bổ sung cái dự thảo này, tôi không có cái gì để bổ sung cả. Cái gì cũng nói đủ hết rồi, tôi nghĩ là không có cái gì để thêm cả. Nhưng dự thảo không có gì mới, tôi xin nói thẳng, dự thảo lặp lại một số khẩu hiệu, mọi chuyện đã nói từ trước đến nay không biết bao nhiêu lần rồi và coi như thuộc lòng và bằng lòng với cách diễn đạt. Thực tiễn thì thay đổi dữ dội mà chúng ta cứ lặp lại hoài và đặc biệt không bao giờ chúng ta truy lại xem tại sao mà không đạt được cái đã nói, mà tình hình càng ngày càng xấu đi. Lý do là gì, và một nghị quyết của Trung ương phải giải quyết điều gì trong thực tế.

Tôi thấy rằng dự thảo này được thông qua thì sẽ không giải quyết được cái gì, cả khi chúng ta tổ chức học, nghiên cứu từ trên xuống dưới, rồi tất cả trở thành những con két, cứ nói lại....

Tôi thấy cái này các anh đại diện Ban Dân vận TƯ, anh cứ ghi thôi bởi vì nếu nói đây không phải với cá nhân anh. Tôi cho đây là một cái nguy, một cái cực kỳ nguy hiểm, triệu chứng này chúng ta phải thấy có cái gì gần như sợ hãi, vội vã, và lại củng cố cho phe cánh của mình.

- Chúng ta đã từng đạt được đại đoàn kết cao nhất trong hai cuộc kháng chiến, trong đó ai cũng sẵn sàng hy sinh cả, tên Ðảng còn phải hy sinh cơ mà, hy sinh hết và lao trận chiến. Nếu không có cái đại đoàn kết toàn dân thì làm gì làm nổi Cách mạng Tháng Tám, làm gì chúng ta kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cái đó nghĩa là đã có tiền lệ từ trước rồi, thế thì tại sao bây giờ cứ loanh quanh, loanh quanh mãi. Các ông tiếp xúc dân, tôi nói thật, tôi khó chịu lắm. Đại cử tri phát biểu tuyển chọn thì khen 80 %, 20 % chê rất chung và đề xuất một vài cái gì đó thế cái ông Trung ương đứng lên trước hết động viên, phấn khởi v.v... tiếp nhận những cái ý kiến này rồi. Tiểu cử tri thì xếp hàng ở dưới (con nít ấy mà) quơ cờ lên. Thế là xong. Tôi đọc sách Trung Quốc tôi thấy nhiều cái cũng na ná như thế này. Tôi muốn nói với các anh như thế và thật sự, mà lo lắm. Những đồng chí mà còn có máu huyết ở trong người, khi trao đổi (như tôi, anh Mai Chí Thọ, anh Hai Tân (8)) không thể nào chịu nổi. Chúng tôi phải qua lý trí mà tính toán tất cả các điều, chúng tôi không phải là loại mà nói ào ào để mà nói cho thoả mãn đâu. Vì sự nghiệp này gắn với cả máu thịt, sinh mạng chúng tôi mà ở đây toàn là người trên 60 tuổi Ðảng. Tôi muốn nói với các đồng chí một cái chuyện cụ thể, về đám tang anh Trần Ðộ, đây là tôi nghe anh em Hà Nội vô nói nhưng tôi không thể nào hiểu được. Anh Trần Ðộ có nhiều quan điểm sai, tôi là người rất chống anh ấy mà chống bằng giấy tờ đàng hoàng, mà cả thư riêng tôi gửi anh Trần Ðộ và đặc biệt tôi không tán thành anh Trần Ðộ ở chỗ để đế quốc lợi dụng, để tụi xấu bên ngoài lợi dụng, đài phát thanh nó la tùm lum, chứ không phải một số điều anh Trần Ðộ nêu là không đáng suy nghĩ đâu. Nhưng mà khi anh chết, đã chết làm tang lễ, chúng ta có bài điếu văn, lại đi nêu tội của ông Trần Ðộ trong đám tang trước linh cữu của anh. Thế gia đình làm sao chịu được, và người trước đây họ không đồng tình ông Trần Ðộ thì bây giờ họ lại cảm tình với ông. Tôi cho rằng đó là một sự dại dột, tôi nói thẳng một sự dại dột khó tưởng tượng. Anh ấy là đồng chí hoạt động cùng thời với anh Mai Chí Thọ, cống hiến nhiều mà cương vị trong quân đội khá cao, tuy cuối đời anh có sai lầm. Còn anh Nguyễn Hộ, bây giờ anh ấy nói trời ơi đất hỡi, anh ấy còn sống đó. Sau này anh ấy mất cũng không thể xử sự như vậy. Cách cư xử truyền thống của dân tộc mà lại bỏ đi thì hỏng.

- Khi nói đại đoàn kết toàn dân có nghĩa là để các tầng lớp đại đoàn kết với nhau, nhưng mà chủ yếu là Ðảng làm trung tâm đại đoàn kết như thế nào, trước hết phải trách mình. Cuối cùng rồi chúng ta lại thành ra cái hẹp hòi, một cái tổ chức chỉ lo lợi ích của riêng mình thôi. Hôm họp ở chỗ T78 (6) có anh Trương Quang Ðược, tôi có nhắc một câu của Mác - Ănghen: « Giai cấp vô sản khi giành được chính quyền mà chỉ lo cho nó thôi thì nguy hiểm, là không được ». Ðó là trong lời tựa của tuyên ngôn Ðảng Cộng sản. Ngay trong Ðảng, anh cũng không đoàn kết với nhau được. Thế thì còn nói gì đến đoàn kết bên ngoài nữa. Bây giờ trong Ðảng không đoàn kết, lại không phải từ những vấn đề về quan điểm đường lối..., nếu có thì cãi nhau rồi thống nhất thôi, nhưng lại khổ vì tiền, địa vị, thằng cha này ngồi chỗ này, thằng cha nọ ngồi chỗ kia... tất cả nó chi phối toàn bộ cái rối loạn trong nội bộ Ðảng. Hết sức là nguy hiểm, là chết thôi. Khi có tội, đưa ra thì cũng cân nhắc ông đảng viên người ta xử thế này, ông Trung ương người ta xử thế kia, đại khái không có cái đó thì xử lý thẳng. Tôi nói dư luận thành phố này họ không đồng ý với bản kết tội Bùi Quốc Huy (7), tại sao Bùi Quốc Huy chỉ là thiếu trách nhiệm, trong khi đó tài liệu và căn cứ mà báo chí nêu thì ông này cũng là « tay tổ ». Có một việc mù mờ trong cái này không ? Tôi nghĩ là Ðảng mà không đoàn kết thì nảy sinh ra vấn đề thôi. Ðảng là trung tâm mà. Chủ thể trung tâm của đoàn kết là Ðảng, anh xử lý đi, chứ bây giờ anh đứng lên kêu gọi người ta đoàn kết mà anh lại bầy hầy. Nói thật với các đồng chí mỗi ngày tôi nhận được rất nhiều thư tố cáo. Có lẽ chỗ này là chỗ người ta còn có thể nói được. Ðọc xong rồi tôi nhức đầu ghê lắm. Ăn hiếp dân từ cái tay khóm trưởng, tổ trưởng quá lộng hành. Rồi thì thư tay can thiệp của mấy ông, tôi nói cả mấy ông Bộ Chính trị can thiệp nữa. Thì buồn cười thiệt, những cái chuyện như thế anh dính vào làm gì, để cho luật pháp người ta xử lý. Mình làm một hồi nó không còn ra làm sao cả. Tôi nói giữ đạo mạo ở trên truyền hình hay là tại hội trường Ba Ðình không thôi là chưa đủ, dân người ta cũng biết hết rồi, ngay cái Quốc hội của mình cũng đủ thứ chuyện. Người ta nói tư bản nó dở nhưng cái gì nó cũng đưa ra, còn mình thì giấu, cái đó là cái rất không tốt. Trong khi đó những cái công cụ để chúng ta làm đoàn kết trước hết là chính quyền và chính sách, cái đoàn kết lớn nhất hiện nay là chính sách, bằng chính sách, anh thực hiện và anh cầm quyền. Không có gì lớn hơn, làm ruộng đất đúng, đất đai đúng, nhà cửa đúng, thuế má đúng thì đoàn kết, mà làm trật thì rã. Ban Dân vận này nói là nói khô lưỡi, khô cổ cũng chẳng giải quyết được gì đây nếu chính sách sai. Chúng ta phải nhìn cái đó một cách rõ ràng. Rồi thì cái tổ chức dân cử, lúc nẫy Mai Chí Thọ nói Mặt trận, tôi nói ngay Quốc hội thôi, người ta nhìn vô, người ta thấy ngay. Do chỗ đó không được, phải chuyển một cách cơ bản.

- Về các tổ chức quần chúng, anh Mai Chí Thọ nói rõ ràng là độc quyền, mà độc quyền đến mức quá hẹp hòi, hôm trước tại hội nghị, anh Mai Chí Thọ có nêu cái vụ Hướng Đạo, tại sao cấm, nhắc anh Ðồng, anh Tạ Quang Bửu, anh Hoàng Ðạo Thuý và Bác Hồ là Chủ tịch danh dự. Nhân hôm qua, tôi có viết một bài. Trong đó tôi có nói việc này trong báo Thanh Niên, nó cắt nguyên cái đoạn đó. Lý do là anh sợ thua người ta, cái thằng dở mà độc quyền thì sợ thằng khác giỏi hơn nó. Nhân cái vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế chết nhiều người, tôi nói có những kỹ năng của hướng đạo thì cứu được nhiều người lắm, leo dây lên rồi điều người ta xuống, nhưng chúng ta không có vì cái ông đoàn viên tới, ông có biét kỹ năng nào đây, ông diễn thuyết thì được, còn đây xông vô lửa thì phải học cái đó chứ, đây lại không có dạy, trong khi đó chủ nhật nào, ở chỗ Tao Ðàn cũng tập hợp lại. Anh Trần Hữu Khuê (trước anh Linh đưa anh Trần Hữu Khuê vô làm Ðảng đoàn và lãnh đạo Hội Hướng đạo), là nhà giáo thế thì bây giờ tự nhiên hổng nhắc tới nữa. Tôi thấy cái đó không thể nào nói chúng ta có khả năng lôi kéo quần chúng. Với người trong Ðảng đã thế thì với người ngoài Ðảng lại càng dở hơn nữa. Rốt cuộc Ðảng trở thành cái chỗ giành nhau vô để có địa vị, có quyền lợi chứ không phải vì lý tưởng gì cả. Nhiều người rất tốt, họ cũng muốn vô Ðảng nhưng mà không được, coi như suy nghĩ có mặt này, mặt khác họ không tán thành là không được. Tôi thấy anh Phan Ðình Diệu tâm trạng về cái này rất nhiều. Trong điều kiện toàn bộ xã hội, các bộ phận khác yếu. Anh cao lên thì phải để người ta cao lên chứ không phải anh để cái đầu cho ngang nhau để anh cao hơn. Một nguyên lý giản đơn như thế mà kiếm không ra cho nên cái bảo thủ, hẹp hòi bây giờ trong Ðảng quá lớn.

Ngay như Dương Văn Minh đó, tôi cùng với anh Mai Chí Thọ đấu tới, đấu lui mới làm dịu đi không kết án, không chửi. Cái công của người ta, bảo đảm giải phóng thành phố đến độ không đổ máu thì công đó nhỏ à. Anh có thể khen thằng cha nào nổ súng vào nhà thì anh tặng nó huân chương, trong khi cái người bảo vệ cái thành phố này cho nguyên vẹn thì anh coi như không. Tôi cho rằng đây chứng tỏ cái lạc hậu về mặt quan điểm, về mặt tư tưởng rất là nặng nề. Còn tôn giáo, dân tộc v.v... cái này nhiều chuyện lắm nhưng thực ra trong này, chúng ta đi vô trong từng vấn đề, từng tổ chức, theo tôi không nêu tổ chức. Không phải Hội Phụ nữ làm cái này, Ðoàn Thanh niên làm cái kia, Công đoàn làm cái nọ. Nêu vấn đề với những đối tượng, những tầng lớp... Với những quan điểm nhìn của Ðảng thì mới được, chứ cái này tôi thấy cũ quá chẳng khác gì nghị quyết cũ. Rồi một vấn đề rất lớn nhưng chúng ta nói vừa phải là chúng ta huy động tài năng, nhưng với cách nhìn này thì tài năng là cái gì. Rốt cuộc tài năng là thằng nào nịnh giỏi, thằng nào bợ đít hay, dạ dạ, dạ dạ, vâng vâng, chí phải, chí phải thì thằng đó « tài năng ».

Ðồng chí Trần Trọng Tân (8) :

- Theo tôi nên có điểm gọi là tâm trạng hiện nay của những người gọi là nạn nhân do sai lầm của những chính sách của Ðảng. Cái tâm trạng này còn nặng lắm đây, các loại nạn nhân của chính sách cải tạo. Ví dụ như Nguyễn Huy Thiệp, tâm trạng của nó là rất khổ tâm về chuyện gia đình bị quy oan trong cải cách ruộng đất. Viết thành văn chương, chữ nghĩa ghê gớm lắm. Cho nên cái gì khi đã đi sâu vào lòng người ta. Những cái bất mãn về những sai lầm và động chạm vào nhà người ta mà oan thì mình phải thấy cho sâu mà gỡ chứ không phải dễ đâu. Cái này kể ra thì nhiều chuyện lắm, thế rồi sinh ra phản ứng khi viết, rồi từ chỗ đó mình chụp thêm nữa, thế là cứ vòng xoáy, bất mãn càng ngày càng nặng thêm. Cho nên theo tôi đề nghị là có một nội dung gọi là nạn nhân của các loại oan sai, mình nói sao cho thấu đáo được, cho khéo, bởi vì cái này cũng tế nhị. Không khéo lại quật trở lại rồi sửa sai một loạt mà thành một cái phong trào cũng chết. Tại sao Trung Quốc dám làm, họ sửa đến mức mà trong Ðảng ai bị oan thì được khôi phục hết, khôi phục từ danh dự và các chế độ. Tại sao một nước 1,3 tỷ dân mà dám sửa sai đến cái mức như vậy. Công khai hóa hết mà sửa, sửa đâu ra nghị quyết đó. Nghị quyết sửa sai, khôi phục danh dự thì tôi cho là rất được lòng dân. Rồi sau đó họ dám đề xướng cái rất mới là « hiện thực phê phán những sai lầm của Ðảng ta » cho giới văn nghệ viết lên thành tiểu thuyết, thành phim các thứ để cho những người Cộng sản kế tục không thể phạm phải những sai lầm đó, họ ra nhiều cái rất là mới. Họ viết quyển sách mà tôi đọc gọi là gì... « Vú và mông » (9) đó, sau mình dịch lại đổi cái đề cho lịch sự hơn. Hắn nói, mình không thể tưởng tượng nổi cái ác khi mà Ðảng sai lầm. Nhưng mà cái hay là khi đọc xong thì mới thấy tác giả rất xây dựng. Hắn lên án để cảnh tỉnh những người Cộng sản tránh những cái sai lầm đó, tránh đạp đổ, chỉ để mà lên án : « Hiện thực phê phán về những sai lầm của Ðảng ta » mà bây giờ phải theo cho kịp cái mới của thời đại tư bản mà các nước anh em người ta làm hay hơn. Mình ráng coi làm sao đó, cho nên, tôi cho cái ý thứ nhất của tôi là trong mục kiểm điểm tình hình nên có phần đánh giá lại tâm trạng ngầm mà có hại cho khối đại đoàn kết bởi những nạn nhân của sai lầm do chính sách của Ðảng.

Thứ hai, tôi cho là phân tích những cái tác động mới, đặc biệt là xu thế dân chủ của thế giới ngày nay đang tác động vô dân. Nếu mình không thức thời, không hiểu để ráng làm những cái gì có thể làm được để đáp ứng được khát vọng dân chủ thì mình sẽ lạc hậu và không thể đoàn kết nổi. Ta cứ nói chủ nghĩa tư bản nó tàn tệ. Vậy mà không phải ra con cá ngon mà nó mua rẻ là nó mua đâu, mà người làm ra cá có đời sống thế nào, có điều kiện lao động như thế nào thì nó mới mua. Những cái đó mình đã theo kịp đâu, phải bắt kịp tất cả những xu thế mới, nền văn minh mới này để đưa vô trong Nghị quyết phải đáp ứng những tác động đó vô trong dân mình. Lãnh đạo mình phải nghiên cứu. Hôm tôi đi ghé qua Ðài Bắc, đang ngồi, tôi mới tìm hỏi một cái cô Việt kiều, tiện thể có cái gì mình nghe, mình học, ngồi để chờ máy bay quá cảnh thôi. Cô ấy mới nói nghề bán cơm hộp, hai vợ chồng bán hộp vừa rồi mất trộm hết, nhưng 3 tháng sau thì được thông báo là bắt được thằng trộm đó, đi hầu toà để lãnh lại. Thế là đi máy bay, ở khách sạn để hầu toà thì nó trả tiền luôn. Còn cái mục này nữa: là trong thời gian đi hầu toà thì phải vắng mặt ở nhà, nếu có mặt ở nhà thì thu nhập bao nhiêu, thì cô ấy khai ra, hắn trả luôn phần mất thu nhập. Mình nghe lạ lắm, nhưng lạ hơn là tiền lấy đâu ra để trả cái đó, thì ra hắn bắt cái thằng ăn cắp đó trả hết, trả tiền đồ rồi, trả tiền vé máy bay, tiền thuê khách sạn và tiền vắng mặt mà mất thu nhập nữa. Nếu nó không trả thì lại bị kiện. Cho nên tôi nói nên có cái mục, nói giản dị là những xu thế về nhân đạo, dân chủ.

Tôi chỉ nêu gần đây thôi, một quy định hết sức bất ngờ, quy định là ai lấy chồng, lấy vợ, có dâu, có rể, người nước ngoài hoặc ở nước ngoài, coi như là đặt thành vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ, cảnh giác rồi phân tích, loại thì xoá tên, loại thì khai trừ, loại thì vẫn là đảng viên nhưng không thể vô Ban Chấp hành. Như vậy là vi phạm điều lệ rất nghiêm trọng, quyền nào cho phép tước quyền của đảng viên. Tại sao cái này không thấy có ai đánh giá chứ. Phải nói toạc ra chứ. Vả lại, nếu có một con dâu, có một con rể là bác học, một chuyên gia giỏi thì không tốt sao ? Ðằng này rút lại chỉ toàn là đóng một phía không thôi, trong khi sống trong một cái thế giới mở. Phải có những cái tính toán chứ để như vậy là chết. Anh phải mở ra cái này, anh là đảng viên, anh có người vợ là Nhật Bổn. Làm sao để cho bà vợ Nhật Bổn đó có cảm tình với Việt Nam, họ tuyên truyền cho Việt Nam, đem của đem cải về đóng góp cho Việt Nam lợi hơn chứ. Bây giờ thì trở lại vấn đề mà bao nhiêu năm đã sửa sai, cái vụ « lý lịch rõ ràng ». Người đáng ngờ thì phải ngờ, người đáng tin thì phải tin. Người ta đáng tin nhưng anh lại cứ ngờ.

Thứ hai, nói về đoàn thể « chính trị xã hội » là cái gì đây. Ðáng lẽ chính trị đầu tiên phải bênh dân, mà bênh dân là khi chính quyền làm oan người ta, anh phải đứng ra quyết liệt bênh chứ. Sao để họ đi kiện một mình không rồi cuối cùng thân cô thế cô, về họ kết tập nhau lại đi kiện tập thể, thì cấm không cho đảng viên xen vô, thế rồi cuối cùng một bộ phận oan đó không ai lãnh đạo cả. Hồi trước giải phóng, dân bị chính quyền nguỵ hành hạ thì Cộng sản đứng ra lãnh đạo, còn bây giờ thì dân bị oan có thấy mấy ông Cộng sản đâu. Tôi đề nghị đưa kiến nghị này vô trong Nghị quyết lần này. Cơ chế Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ phải thừa nhận là một cơ chế thống nhất có mâu thuẫn, chứ không phải thống nhất một chiều. Chính nhờ mâu thuẫn đó mới phát triển được, tức là đoàn thể phải bênh dân, phải đấu với Nhà nước để giữ cho dân không bị oan. Ðảng phải lãnh đạo chứ không ai bênh dân cả. Chính ra người dân dưới chế độ mình không ai bênh ai cả, chứ đúng ra một hội viên, một người phụ nữ thì nếu đúng bị oan thì Hội phụ nữ phải thuê xe mà chở người ta đi kiện. Như vậy mới được, đảng viên cộng sản có lương tâm phải xông vô bảo vệ dân. Nhưng bây giờ xông vô thì cấm rồi, 19 điều cấm, xông vô một tý để kiện cũng không được. Ðảng ngoài hết để cho dân bơ vơ một mình mà thôi, nhưng mà lương tâm nào mà để dân như vậy được. Cái điều đó là rất hại. Ðáng lẽ phải cho tham gia khiếu kiện đúng. Chi bộ phải phân công mấy anh cộng sản đi với dân kiện cho ra để giải oan cho người ta, phải làm sao để đấu với nhau. Còn cứ cho một cái chuyện coi như trong Ðảng hết, đấu với nhau không có được. Người dân trong chế độ mình bị oan là chịu bơ vơ. Bây giờ lại xuất hiện nhiều cái hình thức rất đáng lo. Ở Thủ Ðức, một cái nhà máy thải các chất ô nhiễm, dân kêu mấy lần cũng không xử, thế là xông vô đập hết của người ta vậy thôi. Vậy mà để bạo loạn cục bộ làm cho tá hoả tam tinh, rồi khi đó mới tới can thiệp. Bây giờ luật rừng xuất hiện rồi, hở ra là thuê người giết nhau rồi. Cho nên tôi cho rằng là lần này phải có hướng giải quyết việc dân bị oan, dân bị áp bức bóc lột. Dân bị chèn ép mà chính quyền chèn ép thì đoàn thể phải làm sao? Quy định cho rõ, rà soát, đừng cho anh cơ hội tập hợp dân đi đấu nại, nhưng những người cộng sản chân chính, người có lương tâm chịu không được, thì cho người ta phụ với dân để lãnh đạo dân và bảo vệ dân. Như vậy, người ta mới thấy cái Nghị quyết rất là mới mà phấn khởi, chứ cứ giữ 19 điều cấm là chết.

Tôi nói 19 điều cấm vừa rồi hại cho dân chủ trong Quốc hội lắm. Nào là đề cử rồi « xét tôi tự thấy không có khả năng » rút hết, Trung ương không giới thiệu thì làm sao mà anh ra. Bây giờ tất cả những cái đó phải tháo gỡ thế nào chứ, quy định trở thành cái công thức chung của toàn Trung ương, đưa 3 chọn 1, cứ dứt khoát đi. Ðưa 2 ông Bộ Chính trị chọn 1 ông thì cũng nhận gọi là làm vui. Thế bây giờ đưa thì đưa 1, ra 19 cái điều cấm, ai dám ứng cử. Thế rồi không cho công bố số phiếu nữa chứ. Mình cứ vo như vậy thì cuối cùng cái xã hội chẳng ra làm sao cả. Mắc gì mình cũng phải có một cái tiền lệ. Mà cái độc diễn thì dân Sài Gòn bêu riếu ghê lắm. Ngoài Bắc có khi không thấy cái đó đâu. Ðưa ra cái độc diễn ra là người ta ghét ngay. Tôi còn nhớ Trung ương họp đồng ý đưa ra 3 người ứng cử Thủ tướng đó chứ, ông Thạch, ông Kiệt, ông Ðỗ Mười. Sau cuối cùng sợ phân tán phiếu nên để 2, rất vui vẻ đã tạo cái tiền lệ từng làm như vậy, nhưng rồi cuối cùng bỏ hết, rồi cuối cùng độc diễn.

Ðồng chí Nguyễn Văn Hanh (10) :

- Vấn đề thứ ba là kiểm điểm lại chính sách của chúng ta đối với nhân sĩ, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản... Những người này có vai trò rất lớn trong quần chúng, nhưng chính sách đãi ngộ họ chưa thoả đáng. Bình thường những con người này đã quan trọng, nhưng khi có điểm nóng thì vai trò của họ càng cực kỳ quan trọng hơn. Mình cần có chính sách, thái độ trân trọng rõ ràng để thu phục họ. Nhiều người đã bị chúng ta bỏ quên, khi về hưu chẳng có ai tới thăm, cả Lý Chánh Trung, Vũ Văn Mẫu, Trần Ngọc Liễng, Bà Vân Trang... ta quên hết. Chúng ta phải lên danh sách, Ban Dân vận tham mưu để lễ tết thăm hỏi, chăm sóc. Chúng ta phải xem lại những đối tượng này.

- Vấn đề viên chức chế độ cũ thì những gia đình hoà hợp thì đã tốt, nhưng cái diện ở nhà 2/4 là chưa rõ ràng dứt khoát, mình cho người ta lưu cư thì bao nhiêu đời ? Những sĩ quan cải tạo tốt thì giải quyết nhà ở của họ thế nào ? Về quản lý thì mình có can thiệp được gì ? Nếu không khéo thì bất ổn ngay. Hàng ngàn căn nhà của nguỵ quân thì xử lý thế nào ? Ðây không thuần tuý là vấn đề nhà ở mà còn là vấn đề chính trị.

- Ðối với vấn đề Tây Nguyên thì nổi lên vấn đề hành chính cấm đoán Tin lành vì cho là liên hệ với Mỹ, Fulro... cái đó thì không nên. Chính sách phải thống nhất, chủ trương thì phải đảm bảo, Tin Lành ở miền xuôi, miền Nam, miền Bắc được hoạt động, Tây Nguyên bị cấm dễ rối lắm.

Ðồng chí Phan Minh Tánh (11) :

- Vấn đề dân tộc là cực lớn, dân tộc trên 1 triệu ở Việt Nam có 13 dân tộc nhưng chiếm cực lớn. Tình hình dân tộc đã có biến động. Ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đều đang có chuyện các dân tộc di cư, bỏ trống vùng biên giới trọng điểm, không xây dựng được Mặt trận nhân dân. Dân mà di cư quá 4 % hộ dân là có vấn đề rồi (12). Vấn đề dân tộc mà nghiêm trọng, dễ rã quốc gia.

- Các mâu thuẫn bây giờ ghê gớm lắm, chủ yếu là sự va chạm giữa nhân dân lao động với chính quyền. Do quan liêu, hách dịch, tham nhũng nên mâu thuẫn với nhân dân. Ðây là vấn đề nóng bỏng. Chính quyền giải quyết không tốt là mất. Khâu thực thi chính sách cũng là quan trọng. Nếu sai bước đi thì sẽ tác hại vô cùng.

- Thứ hai là Ðảng của giai cấp công nhân thì thái độ của Ðảng với giai cấp như thế nào phải cho đúng ? Bác Hồ nói hai vấn đề chính trong Ðảng là đoàn kết và dân chủ.

- Thứ ba Mặt trận muốn rộng đoàn kết thì phải có cái nền của nó. Mặt trận phải có thực quyền, trong khi mình không bao giờ cho người ngoài Ðảng được làm. Cho nên Ðảng nói thì phải sửa, chính quyền của dân, do dân, vì dân mà Ðảng phải làm hết trọi. Khi mình có rồi, không làm theo mà làm trái, dân nhìn thấy thì chê trách. Tôi đề nghị ta tập trung bàn đại đoàn kết dân tộc có cả dân tộc, tôn giáo. Tình hình Mỹ đánh Iraq thì tâm trạng quần chúng như thế nào, mình phải tìm hiểu chứ. Mình phải làm cho cái đại đoàn kết lần này thật rung động như ngày xưa Nhà Trần đã làm ở hội nghị Diên Hồng, như Bác Hồ họp hội nghị chính trị đặc biệt vậy. Còn Ðảng sai thì phải sửa sai, chứ nêu sai trái chỉ qua câu chữ mà không chịu sửa thì không kết quả, không lấy được niền tin của dân. Vụ Trần Ðộ là thất bại chính trị vô kể, gây một cái xấu trong Ðảng, những người ngoài Ðảng cũng e dè và bất mãn. Hành động đó trái với đạo lý, vô nhân đạo. Khi con Trần Ðộ phát biểu đáp lại điếu văn thì hàng ngàn người đứng vỗ tay hoan hô rõ là mình thất bại.

Ðồng chí Dương Ðình Thảo (13):

Tôi coi đây là vấn đề sống còn mà thời điểm này là chậm, không còn bao lâu. Bây giờ nó có những cái chuyển biến là không lường trước được. Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang đại hội cho ta nhiều bài học. Ví dụ nó nêu vấn đề Ðảng Cộng sản trước ngã ba đường, Ðảng Cộng sản Trung Quốc trước nguy cơ mất quyền lãnh đạo... Xét lại mình thì sau Ðại hội VI là kỳ diệu. Nhân tố quyết định sự thắng lợi phải bao gồm cả yếu tố Ðảng và dân, vậy mà hễ Ðảng thì viết hoa còn dân thì viết thường. Rồi hễ xuân về thì mừng Ðảng, mừng xuân. Xuân là của cả dân tộc, chứ không phải chỉ của riêng Ðảng.

Tất cả các Nghị quyết đều có nói đến, nhưng tới bây giờ mới làm, dự thảo lần thứ 10 rồi. Tôi cũng muốn thông cảm tiếp cận tâm lý và đặt vấn đề mà giải quyết. Nhưng mà như các anh đã nói, thể hiện đường mòn.

Nghị quyết lần này, dân vận không chỉ ở đối nội mà thôi, trong tình hình hiện nay phải hết sức chú ý đối ngoại. Khi Mỹ đánh Côxôvô cho rằng : Dân tộc, chủ quyền không bằng nhân quyền, nghĩa là chỗ nào thiếu nhân quyền thì Mỹ sẽ can thiệp ở đó. Chính các nước bè bạn trên thế giới không chỉ trông chờ Việt Nam giàu lên, văn minh hiện đại đâu mà mình đối với dân như thế nào để người ta xem chế độ đó là dân chủ, người ta trông chờ cái đó. Chúng ta làm không chỉ trong nội bộ, mà còn là tín hiệu để cho người ta có niềm tin, người ta cũng đổ xương, đổ máu để ủng hộ Việt Nam. Người ta trông chờ XHCN ở Việt Nam, nếu nói về XHCN thì trước hết nói là ngọn cờ Chủ tịch HCM, rồi dân tộc, văn hoá. Cho nên, không chỉ có đối nội mà còn phải có đối ngoại.

Nghị quyết phải đi vào đối tượng cụ thể, mình chỉ mới nói chung chung. Trong những cái thuyết phục người ta về đối ngoại là độc lập và trung lập, còn đối nội thì đoàn kết hoà hợp dân tộc. Cho nên cần nói đến hoà hợp dân tộc. Mấy chữ hoà hợp dân tộc, có đồng chí đã nói rằng : « Nước mình có nội chiến đâu mà hoà hợp dân tộc ». Nếu bây giờ mà đọc lại đồng chí Lê Duẩn nói : Cuộc kháng chiến ở miền Nam là cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, đồng thời mang một số yếu tố nội chiến. Nếu nhìn lại dân tộc mình thì phải tính đến lịch sử, Pháp đã chia nước ta ra làm Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ. Mình cải cách ruộng đất, ở miền Nam có ngụy quân, ngụy quyền, người không kháng chiến và người kháng chiến, cải tạo tư sản, vấn đề Tây Nguyên... Ðừng tưởng những cái đó không dội vào vấn đề đại đoàn kết. Ðảng ta có những quy định hết sức cũ kỹ, hồi từ giải phóng đến bây giờ về tiêu chuẩn kết nạp Ðảng, có những người con mà cha của nó là một đại uý ngụy, thì dù tốt đến đâu cũng không kết nạp Ðảng, nhưng mà không chú ý thái độ của cha nó, mà nếu ta kết nạp vào thì hết sức quý. Chúng ta cần kết nạp Ðảng rộng rãi đã chuyển biến tích cực, trong vấn đề dân tộc có vấn đề Ðảng trong đó.

Chú thích của toà soạn :

(1) Mai Chí Thọ : nguyên chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP Sài Gòn, uỷ viên Bộ chính trị, bộ trưởng Bộ nội vụ, đại tướng công an, em ruột của các ông Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện.

(2) Hải Triều Nguyễn Khoa Văn (1908-1954), cây bút lí luận của Đảng cộng sản VN, có con trai là Nguyễn Khoa Điềm, hiện nay là uỷ viên Bộ chính trị. Có thể hiểu hàm ý của ông Mai Chí Thọ là mộ của ông Hải Triều được chăm sóc đàng hoàng, trái ngược với mộ cụ Phan Bội Châu.

(3) Nguyên bộ trưởng Bộ giáo dục, uỷ viên Trung ương ĐCSVN

(4) Năm Xuân, bí danh của ông Mai Chí Thọ.

(5) Nhà văn, nhà báo, cây bút lí luận của ĐCSVN, từng phụ trách Tuyên huấn miền Nam, nguyên bí thư thành uỷ Sài Gòn.

(6) Trụ sở của Trung ương ĐCSVN ở miền Nam.

(7) Uỷ viên Trung ương, thứ trưởng Bộ công an, nguyên giám đốc công an TP Sài Gòn, liên can trong vụ Năm Cam.

(8) Nguyên uỷ viên Trung ương, năm 1990 được cử làm trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, thay thế ông Trần Độ, để « uốn nắn » văn hoá văn nghệ, chấm dứt thời kì « cởi trói ».

(9) Phong nhũ phì độn (Vú to mông nẩy), tiểu thuyết của Mạc Ngôn (Mo Yan), bản dịch tiếng Việt của Trần Đình Hiến đã được nhà xuất bản sửa tên thành Vật báu của đời. Bản dịch tiếng Pháp Beaux seins, belles fesses của L. và N. Dutrait cũng vừa phát hành (Le Seuil, 2004). Bản tiếng Anh Big Breasts and Wide Hips sẽ ra mùa hè (Arcade).

(10) Nguyên thành uỷ viên đảng bộ TP Sài Gòn, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Sài Gòn.

(11) Nguyên thành uỷ viên đảng bộ TP Sài Gòn.

(12) Theo những thông tin đáng tin cậy, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên, 70 % dân số là người Kinh, 15 % là đồng bào các dân tộc thiểu số miền Bắc di cư vào (một cách tự phát) ; đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chỉ còn 15 %. Hiện tượng mà ông P. M. Tánh nói tới, theo chúng tôi hiểu, là việc một số đồng bào Tây Nguyên đã di cư sang vùng cao nguyên đông bắc của Campuchia.

(13) Từng làm người phát ngôn Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, giám đốc Sở văn hoá thông tin TP Sài Gòn, thành uỷ viên, trưởng ban tuyên huấn TP Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: