Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Về Trần Bình Trọng (ST: QcV)



QĐND - “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”... - chép sự kiện Trần Bình Trọng mắng giặc  (dịch): “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, được xem là sử liệu gốc – vì được viết ngay vào đời Trần và của một người nhà Trần đầu hàng giặc là Lê Trắc, tác giả sách “An Nam chí lược” – nguyên văn như sau: “Ngày 21, Nhâm Thìn, quân Nguyên đánh vỡ ải Thiên Hán, chém được tướng địch là Bảo Nghĩa hầu”. “Nguyên sử” (An Nam truyện) – viết: “Quân Nguyên bắt được Kiến Đức hầu Trần Trọng”.

Chỉ một đoạn văn đó nhưng kéo dài 3 ngày: Ngày Nhâm Thìn nhằm ngày 26-2-1285 dương lịch, giặc  Nguyên đã giết Bảo Nghĩa hầu Trần Bình Trọng.

 “Ngày 21” âm lịch nhằm ngày 24-2-1258 dương lịch, giặc đánh vỡ ải Thiên Hán (tức: Thiên Mạc, Mạn Trù) và bắt được Trần Bình Trọng – tướng trấn ải, có nhiệm vụ chặn giặc không cho đuổi theo các vua nhà Trần đang rút khỏi Thăng Long về phía Nam.

Từ ngày 24-2-1285 đến ngày 26-2-1285, là 3 ngày của một chuỗi sự kiện:

1- Trần Bình Trọng bị bắt.
2- Giặc tra hỏi về “quốc sự” nhưng Trần Bình Trọng không hé răng;
3- Giặc dụ dỗ, mua chuộc (bằng tước “vương” của phương Bắc, dù khi ấy, ông chỉ mang tước “hầu”;
4 – Trần Bình Trọng quát mắng giặc.
5 - Giặc giết Trần Bình Trọng

Vì nghĩa khí cao cả ấy, 4 năm sau ngày Trần Bình Trọng tử tiết, vào đợt “định công các tướng sĩ” tháng 4 năm 1289, ở đời trị vì của vua Trần Nhân Tông – như sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã chép – cùng lúc với việc Trần Hưng Đạo được “tiến phong tước đại vương” – Trần Bình Trọng cũng đã được truy phong thành “Bảo Nghĩa vương”.

Chữ “Bảo” đứng đầu tước hiệu của Trần Bình Trọng đã mở ra con đường nhận biết về lai lịch vị anh hùng lẫm liệt đó.

Có một “quy luật” trong tước hiệu của các quý tộc nhà Trần, căn cứ vào chữ đứng đầu của tước hiệu có thể nhận ra thân phận (dòng dõi) của những người mang tước hiệu ấy.

 Chữ “Chiêu” – như “Chiêu Minh đại vương” (Trần Quang Khải), “Chiêu Văn vương” (Trần Nhật Duật)… hoặc giả cả “Chiêu Quốc vương” (Trần Ích Tắc – kẻ đã đầu hàng giặc để được nhận tước hiệu “An Nam quốc vương” ) – đều là con của Thái tông Trần Cảnh.

Con cháu của An Sinh vương Trần Liễu (anh ruột Thái tông Trần Cảnh), như: Trần Tung (tức: Tuệ Trung thượng sỹ – anh ruột Trần Quốc Tuấn) – “Hưng Ninh vương”, hoặc chính Trần Quốc Tuấn – “Hưng Đạo vương”, rồi các con của Trần Quốc Tuấn: Trần Quốc Nghiễn – “Hưng Vũ vương”, Trần Quốc Tảng – “Hưng Nhượng vương”, Trần Quốc Hiệu – “Hưng Trí vương”... thì đó đều là những người có chữ “Hưng” ở đầu tước hiệu.

Theo “quy luật” này, đã nhận được ra: Trần Quốc Toản – “Hoài Văn hầu”, là thuộc dòng dõi Trần Bà Liệt – “Hoài Đức vương” (anh của Trần Liễu, Trần Cảnh, con chậm được thừa nhận của Trần Thừa – Thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần).

Như thế, chữ “Bảo” (đứng đầu tước hiệu “Bảo Nghĩa hầu” và rồi “Bảo Nghĩa vương” của Trần Bình Trọng cho phép liên hệ (về mặt dòng dõi) người anh hùng tử tiết này, với một bậc tiền bối, cũng có chữ “Bảo” đứng đầu tước hiệu. Đó là Lê Tần – “Bảo Văn hầu”.

Vào thời gian cuối năm 1257, đầu năm 1258, ở cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Nguyên, đặc biệt là ở trận đánh lịch sử Bình Lệ Nguyên, Lê Tần là danh tướng và công thần số 1 của vua Thái tông Trần Cảnh. Chính vì thế, được Trần Thái Tông cho đổi gọi họ tên, thành “Lê Phụ Trần” (người họ Lê giúp nhà Trần) – bước chuyển hóa đầu tiên, mở đường cho việc sau đấy được “tứ quốc tính” (ban cho họ của vua), chuyển thành quý tộc họ Trần, với tước “Bảo Văn hầu”. Trong buổi chầu đầu năm Mậu Ngọ (1258) mừng chiến thắng, Bảo Văn hầu còn được nhận thêm cả đặc ân chưa từng thấy từ vua Trần Thái Tông: Được cưới công chúa Lý Chiêu Thánh, vốn là hoàng hậu “Chiêu Hoàng” của chính Thái tông Trần Cảnh.  Khi “về” với Bảo Văn hầu (Lê Phụ Trần) thì - ở tuổi đã 41- Lý Chiêu Thánh lại sinh hạ được hai con, 1 trai và 1 gái; Người con gái có hiệu là “Ứng Thụy công chúa”, sau được gả cho Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải. Còn người con trai, được chép vào sử bằng danh hiệu Thượng Vị hầu, Tông, chính là Trần Bình Trọng.

Sinh vào khoảng năm 1258-1259, đến lúc tử tiết, Trần Bình Trọng ở vào độ tuổi 26-27. Tất cả sử sách đều thống nhất ghi thêm một chi tiết tiểu sử của ông là: “Dòng dõi vua Lê Đại Hành” – giống hệt như tiểu sử của Lê Tần.

GS Lê Văn Lan



Ths TRẦN QUỐC VIỆT

Không có nhận xét nào: