Người già thì ở đâu cũng thế. Đọc để cảm thông cho một bạn già sang sống những ngày cuối đời ở Mỹ với muôn vàn bất hạnh, đớn đau..!
Tôi đến Mỹ rất trễ, đến từ một quốc gia thứ ba, nên ba mươi năm sau ngày mất nước tôi mới đặt chân lên xứ cờ hoa. Văn hóa và hệ thống xã hội nơi đây có những khác biệt so với nơi tôi đã sống, và điều dễ thấy nhất là nếp sống của xã hội Mỹ như vội vàng, cạnh tranh, và tấp nập hơn, so vơi nơi tôi đã sống, êm đềm và lặng lẽ.
Người Việt ở đó ít hơn, nếp sống và sinh hoạt của gia đình còn mang nhiều nét truyền thống của nơi chôn nhau cắt rún. Người ta rất thân tình và chân tình khi bắt gặp nhau nơi công cộng, giáo đường hay chùa chiền. Và nhất là những lúc được thông báo có người Việt từ nước khác tới định cư, là những người già, những người có phương tiện, tình nguyện đưa đón, hướng dẫn các thủ tục nhập cư, những giấy tờ cần thiết cho một đời sống mới.
Có lẽ đất Mỹ, nơi tôi đang sống, có cái khung cảnh xa lạ hơn, vì những núi đồi trùng trùng điệp điệp, đôi lúc cho tôi cái cám giác như đang đi trên đèo Ngoạn Mục, quảng đường từ Phan Rang lên Đà Lạt một thủa nào. Cảm giác êm ái đó làm tôi liên tưởng tới khu đồi mà dòng Donbosco tọa lạc, nơi có hoa Anh đào nở rộ mỗi bận Xuân về, màu hoa rực rỡ giữa núi đồi hùng vĩ đầy thơ mộng của cao nguyên.
Cũng đã mấy chục năm bỏ lại quê hương, bỏ cả những chiều lộng gió của núi rừng Đà Lạt và Di Linh, không hiểu những nơi chốn ấy bây giờ đã thay đổi ra sao, màu chè xanh của Bảo Lộc còn xanh như màu xanh ngày cũ, khu chợ Hoa Đà Lạt, hay bờ Hồ Xuân Huơng còn dương liễu rũ xuống ven bờ, mà những hồn thơ ngày đó đã ví von như mái tóc thề của mấy cô sơn nữ cao nguyên. Bao nhiêu đã mất, bao nhiêu còn giữ, bao nhiêu còn nhớ được trong tâm trí của trang lứa chúng tôi.
Cái mất mát hẳn nhiên đã làm chúng tôi đau đớn xót xa, nhưng chưa chắc đã bằng những chua chát, bẽ bàng, mà trang lứa chúng tôi phải gánh chịu trong cuộc sống tuổi già trên đất nước xứ người.
Tôi đến Mỹ như đã nói là rất muộn màng so với nhiều đồng đội, và những người bạn thân tình thủa nào cũng đã tản lạc mỗi đứa một nơi, và ở đây , trong vòng 50 dặm vuông hay vài trăm dặm dài, tôi cô đơn không bè bạn. Mỗi ngày, ngoài việc nhổ cỏ vườn sau, nhặt lá vườn trước, đưa đón bốn cô cháu đi học, tôi chỉ còn biết đi bộ, nhìn đồi núi nối tiếp nhau trên thành phố này để mơ mộng về núi rừng quê tôi, nơi mà hàng chục năm tôi và đồng đội chung sống, có khi gian nan, mà cũng có lúc thật thơ mộng. Và rồi trong một trường hợp ngẩu nhiên, tôi đã gặp được bác Thụy, một người Việt Nam cô độc, cũng lạc lỏng đến nơi này như tôi.
Cũng là một thói quen như nơi tôi đã từng sống, hễ gặp được người nào mà tôi đoán là dân nước tôi, thì tôi không ngại ngùng đến làm quen, và câu hỏi đầu tiên của tôi thường là " Ông nói được tiếng Việt nam không? " Nếu người đó trả lời họ là người Việt thì tôi nhất định rất vui mà hỏi chuyện. Tôi quen bác Thụy cũng trong trường hợp tương tự.
Từ lần gặp đó, tôi hay tìm tới bác vào mỗi cuối tuần hoặc là những khi bác gọi tôi đến , và lúc nào bác cũng mở đầu bằng câu " chúng nó đi cả rồi ",ý của bác là các con đã đi làm hết . Tình thân của chúng tôi từ đó ngày càng thân thiết hơn, bác kể cho tôi 12 năm trong quân đội, phục vụ cho một đơn vị Quân báo, hoạt động trên lảnh thổ Quân Đoàn I, bị thương nhiều lần, nhưng lần nào cũng may mắn qua khỏi. Bác đến Mỹ không thuộc diện HO, vì thời gian bác được thả, Phòng công tác nước ngoài thuộc công an Thành phố Hồ Chí Minh ở 161 Nguyễn Du, Quận I, còn đóng cửa, nên bác vượt biên, bị bắt cho đến khi chương trình HO được thực hiện, bác vẫn còn ở trong tù, do vậy bác đến Mỹ theo chương trình Đoàn Tụ, con gái bảo lảnh hai vợ chồng nên không được hưởng một trợ cấp nào của Chính phủ Mỹ như diện HO, tất cả đều do thân nhân bao bọc.
Thời gian ở lại Việt Nam, bác đi dạy học, cũng như trước khi động viên bác là một Giáo sư dạy Vật Lý tên tuổi tại Sài Gòn, lương giáo viên tuy không khá, nhưng cũng đủ cho hai vợ chồng bác sống tạm qua ngày, nhất là bác được các trung tâm chuyên Lý mời cộng tác, nên dạy cả sáng, chiều và tối , Vã lại mỗi năm, các con bác gởi cho một vài trăm đô la vào dịp Tết, hai vợ chồng lại dành dụm mua một chỉ hay 5 phân vàng hầu dùng cho việc ma chay sau này, cho đến năm 2003, con gái bác viết thư báo tin cho biết là đã làm hồ sơ bảo lảnh cho ba má , bác cũng chẳng hy vọng gì, vì thời gian đợi chờ dường như đã quá mòn mỏi, vã chăng tuổi đã cao, đi đâu cũng chỉ kiếm hai bữa cơm mà thôi, nên gần như vợ chồng bác không nghĩ tới chuyện ra đi, cho đến năm 2006, bác được gọi bổ túc hồ sơ, rồi cuối năm đó, bác được phỏng vấn, theo bác kể thì có lẽ vì lợi tức của con gái bác cao, nên họ cho đi nhanh và rồi đầu tháng 4 năm 2007 bác được sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, nhưng tính cho đến nay, bác vẫn chưa hội đủ điều kiện thi nhập Quốc tịch Hoa Kỳ .
Thời gian đầu sống với con cái vui vẻ lắm, vì còn mới, tình cảm còn mới, mọi thứ còn mới và còn mới là còn vui vẻ, rồi từ từ bác được một người quen giới thiệu đi làm assembler cho một hảng điện tử, lương $10/ giờ, hai vợ chồng già thật là hạnh phúc, cứ cuối tuần là hai ông bà rủ nhau đi WaltMart hay Target mua áo quần và đồ chơi cho các cháu, nhưng rồi kinh tế ngày càng suy thoái, sau gần hai năm làm assembler, bác mất việc làm, không có cách nào xin được việc khác, vã chăng, những người trẻ còn chưa xin ra việc làm thì ông già 63 tuổi như bác dễ gì tìm được việc, nên bác đành xin tiền thất nghiệp, và được hưởng thất nghiệp hai năm, khoảng thời gian này bác cho biết rất là buồn, suốt ngày vợ chồngcứ mong cho hai đứa cháu đi học về để chơi với cháu cho đỡ buồn, rồi thì cứ vườn sau sân trước, vợ chồng thi nhau nhặt cỏ, tưới cây, hay lên đồi lượm những viên đá hình dáng đẹp đem về lót quanh mấy bụi hồng cho hết thời gian.
Bác cũng năng nổ đi tham gia sinh hoạt các hội đoàn, như hội người già, Hội SQ/TBTD, nhưng rồi tiền trợ cấp thất nghiệp hết, và khó khăn đến với bác bây giờ là tiền đổ xăng, bác không biết xin ai hai chục bạc để mua xăng, bác nói, một đôi khi bổng dưng nghe thèm một tô phở, nhưng cũng không cách nào có được, "Ông ạ, có đêm tôi không ngủ được chỉ vì nghĩ tới mùi ngò gai và rau quế bỏ vào tô phở mà chảy nước miếng hoài không ngủ nổi, thèm như là thèm được ăn đường lúc ở trong trại tù ".
Tình cảm con người hình như rất mỏng manh, không phải bền chắc, và rất dễ gãy đổ, từ tình vợ chồng, cha con hay anh em, và nghèo đói là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tình cảm. Cổ nhân cũng đã từng nói "phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc", cái gì người ta bảo "tiền tài như phấn thổ, nghĩa trọng như thiên kim" có chăng, chỉ là trong đạo đức kinh hay sách vở của Thánh hiền mà thôi. Không có tiền, nguyên lý nào cũng bị bỏ quên, đạo đức nào cũng dư thừa, và tình cảm nào cũng mai một. Đặc biệt là ở một xã hội mà mọi nền tảng đều lấy lợi nhuận làm chuẩn.
Con cái ở nhà cha mẹ thì hạnh phúc, cha mẹ ở nhà con cái thì nhẫn nhục và hy sinh. Con cái ở chung với cha mẹ là tự nhiên, nhưng cha mẹ ở chung với con cái lại ưu phiền, vì lúc nào cũng phải nhìn mặt mủi con cái, phải xem chừng nó vui buồn bất chợt ra sao. Muốn mở cái TV cũng phải lựa lúc nó vui vẻ, muốn mở cái CD nghe nhạc cũng tùy thời cơ nó buồn hay giận, lại còn phải coi sóc con cái cho chúng, nhỏ thì cho đi tiêu đi tiểu, rửa đít, cho ăn, tắm giặt. Lớn thì đưa đón tới trường, có khi còn bị chưởi mắng, đành chỉ biết cúi mặt dấu nước mắt đi. Họa hiếm lắm, chúng cho vài ba trăm bạc vào dịp lễ nào đó thì lại coi như phúc ấm chúng ban cho.
(Còn nữa)
3 nhận xét:
Những nước phương tây cuộc sống, suy nghĩ, phong tục, tập quán hoàn toàn khác với Việt Nam, những ai từ 40 tuổi trở lên, không biết tiếng Anh thì không nên rời khỏi đất nước Việt Nam, hầu hết những người đó không bao giờ hội nhập được vào những cuộc sống ở đó, cuộc sống sẽ chỉ như một người tù trong căn nhà của mình: ăn, xem hay nghe cái gì đó cho hết ngày rồi đi ngủ.
CB rất hiểu tâm trạng của loại người già phải tha hương. Không nghe, không nói, không hòa nhập được là bất hạnh.
Có được một mảnh đất,tự cất được cho dù một túp lều tranh sống vẵn hạnh phúc hơn trong ngôi nhà sang trọng không do mình làm ra.
Đăng nhận xét