Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Bạn không thành người TQ được đâu (2)


Tôi phải nói rõ rằng bản cáo trạng ấy chẳng liên quan gì đến quỹ đạo thực hành tiếng Trung của tôi, vốn bắt đầu từ đại lý thép, qua xuất bản tạp chí chuyên ngành, rồi làm nhà hàng, giúp vợ (người Trung Quốc) xây khách sạn cho thuê. Việc nào cũng khiến tôi chạm mặt với hàng lô sự vụ, nhiều đến mức tôi có thể liệt kê ra hàng trăm giai thoại.
Khi tôi làm tạp chí, kẻ cạnh tranh (đối thủ thì chính xác hơn) khoác áo nhà nước rỉ tai tôi rằng, ông ta học được nhiều kinh nghiệm từ cách làm báo của tôi. Ông ta tâm đắc với những đóng góp của tôi cho ngành truyền thông Trung Quốc. Nhưng rồi cũng chính ông ấy dùng quyền để hủy hoại công sức chúng tôi. Ở vùng Mạc Can Sơn, chính quyền địa phương nhiều lần gọi máy cảm ơn tôi về việc biến những khu làng xơ xác thành địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng cũng chính họ bảo rằng, tôi là trường hợp ngoại lệ duy nhất của quy định bất thành văn: Người nước ngoài (những người đã khai phá vùng đất ấy đầu thế kỷ XX) không được chào đón sinh sống ở đây, trừ những ngày cuối tuần.


Tuy nhiên, bài viết này không nhằm nói những chuyện cá nhân. Tôi muốn nói những điều khác kia, sau nhiều tháng sống ở Trung Quốc, những điều khiến tôi phải bỏ đi.
Xã hội Trung Quốc hiện đại là nơi mọi thứ đều xoay quanh tiền và những thứ để làm ra nó. Chính trị nơi đây cũng chỉ nhằm giành giật kinh tế. Họ đã lớn mạnh gấp nhiều lần so với 25 năm trước. Văn hóa gia đình sau 60 năm chủ nghĩa xã hội, rồi 30 năm chính sách một con, đã dần biến thành văn hóa “Tôi”.
Trừ những gì vì quyền lợi kinh tế, trong cộng đồng giờ đây chẳng ai muốn hợp tác với ai. Cái gì cũng phải được trả công, dù nhơ bẩn, bất chấp đạo lý, bất kể ngày mai. Người Trung Quốc bây giờ đánh giá nhau qua tiền của, ô tô, căn hộ, đồ trang sức, quần áo, thú cưngcái gì cũng phải sáng bong, mác ngoại. Ở những vùng làng quê bé nhỏ nơi tôi sống, tôi không được hỏi thăm về sức khỏe hay niềm vui gia đình, mà được hỏi thu nhập thế nào, ô tô mác gì, rồi con chó cảnh có đắt không?
Nếu bạn nghèo, hay giấu giếm thu nhập, những người xung quanh sẽ chán bạn ngay. Do chỗ nhà nước phát động chủ trương “xã hội hài hòa”, rất nhiều dự án tốt đẹp ở nông thôn lẫn thành thị bị xóa bỏ. Dân tình thi nhau bán quyền sử dụng đất lấy tiền, thay vì sản xuất ra của cải, hàng hóa và nộp thuế.
Có tiền rồi, bạn mua hàng tiêu dùng, rồi đầu tư vào đâu đó an toàn, để lo dưỡng già hoặc chuyện học hành con cháu. Nhưng không có chỗ nào như thế, trừ việc cất dưới gối hoặc mua bất động sản. Thị trường chứng khoán thì đầy rủi ro, các ngân hàng chả có cam kết gì chắc chắn. Những kẻ có tiền hoặc có quan hệ tốt thì được chuyển tiền ra nước ngoài, bỏ mặc dân chúng hồi hộp với mớ tiền mặt hoặc vài căn hộ đang trong cơn mưa bong bóng.
Tóm lại, giá bất động sản Trung Quốc đang tăng như tên lửa. Việc sở hữu một căn hộ đã trở thành không thể đối với những lao động trẻ ở thành thị, và các dự án xây dựng nhà tiếp tục bung ra, để bán chứ không phải để ở. Nếu bạn được gọi là có tài sản, bạn phải có ít nhất 3 căn hộ. Còn nếu không, bạn là thằng đần.
Khi bong bóng vỡ (sớm hay muộn), gian dối ác độc nảy nở (kiểu vụ sữa melamine năm 2008), chất lượng các công trình đi xuống (kiểu thảm kịch đường cao tốc Bắc Kinh- Thượng Hải), hoặc tham nhũng hoàn hành (điển hình như vụ Tân Châu năm 2011), những cơ hội dần mất giáthì các sự thịnh vượng mà chính phủ đem lại cho dân cũng tự nhiên xẹp xuống. Lời hứa thì sẽ bị quên, chứ những nhu cầu của con người như thực phẩm, thuốc men, điện nước, hay học phí của con trẻ thì làm sao quên được! Một khi những nhu cầu tối thiểu đó của người dân không được đáp ứng, thì xã hội “hài hòa” ở điểm nào?
Ở nông thôn Trung Quốc, các quyết định cấp làng xã vốn cần cần có sự chịu trách nhiệm cao thì giờ đây bị đẩy đưa theo cả một chuỗi các khâu, đôi khi đến tận Bắc Kinh, để rổi bị trả lại với lời chú: “Tùy hoàn cảnh”. Bộ máy chỉ ra tay mỗi khi quyền lực hoặc quyền lợi của các cá nhân có ghế bị đe dọa trực tiếp. Đất nước bị điều khiển từ đằng sau những cánh cổng khép kín, hoặc một vài số điện thoại bí mật.
Để lên đỉnh, bạn phải nhờ đường, đừng có quan điểm nổi bật. Các đối thủ chính trị sẽ nghĩ rằng bạn sẽ vô hại với họ. Khi làm xuất bản, tôi thường xuyên phải tiếp xúc với các quan chức. Họ chỉ nghe dân tình lấy lệ thôi, còn chủ yếu lắng nghe động tĩnh từ cấp trên. Họ luôn thì thào, cứ như thể ở phòng bên cạnh có một con quái vật vô cùng thính nhạy.
Trong các tòa ngang dãy dọc là những người – theo các học giả – chịu trách nhiệm về cái gọi là “thế kỷ Trung Hoa”. “Trung Quốc sắp tới sẽ là lãnh đạo siêu cường thế giới”, họ bảo chúng tôi như thế. “Hãy chấp nhận đi, và sống với nó”. Nhưng làm sao bạn biết cách sống với những kẻ đang dấu mặt? Những kẻ lúc nào cũng “hảohảo” mà chẳng ai biết trong đầu họ nghĩ gì?
Người Trung Quốc thích bảo: “Trước kia đã có thời Trung Hoa văn minh nhất thế giới, mà có làm sao đâu. Giờ Trung Quốc chỉ muốn lấy lại những gì đã mất”. Vấn đề là họ đã mất những gì?
Đầu tiên, phải thừa nhận Trung Quốc có kích thước lớn, trước đây cũng như ngày nay. Và người Trung Quốc thích chữ “lớn” ấy lắm. Họ thích hỏi người nước ngoài nghĩ gì về họ. Và khi bạn bảo Trung Quốc “lớn”, lại thêm chữ “rất” đằng trước, thì họ khoái vô cùng. Khi người ta từ “bé” thành “lớn”, họ sẽ có tham vọng thống trị. Cho nên trong lịch sử, Trung Hoa từng bắt các nước khác trong vùng phải cống nạp nếu họ không muốn bị làm phiền.
Tất nhiên cái ngày xưa đó, “thế giới” không bao gồm Châu Âu phục hưng, Bắc Mỹ hùng mạnh, Châu Phi hoang dã, thậm chí cả Ấn Độ tiềm lực ngay bên kia dãy Himalaya hiểm trở. Thế giới lúc đó trong mắt người Trung Quốc chỉ quanh vùng Viễn Đông. Và người Hán sớm bằng lòng với địa vị “trung tâm”, rồ quay về “xử lý” lẫn nhau. Cho nên người Hán chẳng thống trị được ai. Ngược lại, họ còn hai lần bị người nước ngoài thống trị, người Mông Cổ với nhà Nguyên (1271-1368) và người Mãn Châu với nhà Thanh (1644-1911). Đến mức dần dần họ ngại yếu tố “ngoại”, cứ “ngoại lai” là đáng ghét, “ngoại nhân” là đáng ngờ
Giờ đây, lãnh đạo Trung Quốc nhận ra sự khờ dại của những người tiền nhiệm. Họ động viên dân chúng “đoàn kết” để ứng phó với chữ “ngoại”. Việc này có hai lợi ích, một là nội bộ giảm thiểu hiềm khích, hai là vươn tay tới được những mục tiêu mới mẻ. Cứ xem vụ Bạc Hy Lai thì rõ, vừa dẹp được đối thủ chính trị, vừa tước đoạt được tài sản của “ngoại nhân”, mà chính phủ lại không phải chịu trách nhiệm gì.
Một kẻ lãnh đạo thì phải ban ra được những phần thưởng xứng tầm. Hãy xem xưa nay những “nhà lãnh đạo thế giới” trưng ra những gì. Đế chế La Mã mang của cải về tặng Châu Âu. Người Anh tặng tự do và hệ thống dân chủ nghị viện cho các thuộc địa. Nước Mỹ đung đưa “giấc mơ Mỹ” trước mũi thế hệ mới lớn. Nhưng còn Trung Quốc? Họ không thể hứa với ai về cơ hội thành người Trung Quốc (!) được. Họ bảo họ sẽ loại trừ kiểu bóc lột của phương Tây, nhưng họ lại khuyến khích các ông chủ người Hán bóc lột chính đồng bào của họ để tạo nên sự “bùng nổ Trung Quốc”. Họ vẽ ra “công lý kiểu Trung Quốc”, nhưng cái cơ chế của cỗ xe công lý ấy hoạt động rất mập mờ. Cứ khi nào đuối lý thì họ bảo họ thừa căn cứ nhưng bảo trưng ra thì họ hoặc lờ đi, hoặc… thời điểm chưa thích hợp! Tôi có lần thử tìm công lý kiểu ấy ở Tòa Tối cao Bắc Kinh. Các luật sư của tôi được rỉ tai rằng, chúng tôi sẽ thắng. Nhưng khi phán quyết sắp được ban ra, một cú điện thoại khẽ rung. Và tình thế sẽ hoàn toàn đảo ngược.

Không có nhận xét nào: