Trò Trần Quân Ngọc và thầy Phạm Tuyên, hôm 10/11. |
Sáng 10-11-2013, trong lúc từng nhóm đến hội trường, anh Ngọc kéo tôi ra một góc cho xem bức chân dung vẽ bằng sơn dầu. Anh vẽ năm 2011 khi nghe tin người thầy, người anh thân yêu, người chỉ huy năm xưa của mình được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ ngay đến việc phải giữ bí mật nho nhỏ này đến sau khi kết thúc bài phát biểu của thầy Phạm Tuyên, anh Ngọc sẽ đăng đàn chúc mừng và tặng thầy bức chân dung này. Tôi nói, sự kiện đó sẽ là món quà tinh thần vô giá, mang lại niềm vui cho mọi người về tình thầy trò nhân kỷ niệm 62 năm thành lập trường.
Tôi cùng các cựu giáo viên, cán bộ, học sinh các thế hệ của KHXTƯ chứng kiến cuộc gặp gỡ rất đẹp, rất cảm động của đại đội trưởng - thầy giáo - nhạc sỹ Phạm Tuyên với cựu thiếu
sinh quân, học sinh KHXTƯ Trần Quân Ngọc.
... Thật ra tôi và anh Ngọc có quan hệ thân tình. Anh sinh 1938. Năm 1950 là thiếu sinh quân sống, học tập tại khu trường cạnh thôn Giáp Sơn, bên Đào Hoa Giang từ 1951-1953; cùng lứa các anh Vũ Khoan, Đặng Nhật Minh, Ma Văn Kháng... (lớp nhỏ hơn có anh Đinh Công Kỳ). Sau đó anh chuyển xuống KHXTƯ Nam Ninh.
Thầy Tuyên (cao, đứng giữa) cùng "vệ út" ở Việt Bắc 1950. |
Hai thầy trò ở TQ. |
TSQ ở TQ. Thầy Tuyên đứng sau cùng, chếc bên trái. |
Còn Nhạc sỹ Phạm Tuyên năm 1950 sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân khóa 5, được điều về làm đại đội trưởng đại đội thiếu sinh quân có "vệ út" Trần Quân Ngọc. Anh Ngọc kể lại một kỷ niệm sâu sắc với người Đại đội tưởng của mình. Lần máy bay Pháp oanh tạc khu đóng quân của trường, Đại đội trưởng Phạm Tuyên bị thương. Các chú "vệ út" lúc đó nhỏ bé không quản bom đạn, hò nhau quấn thủ trưởng của mình vào một chiếc chăn chiên, kéo ra khỏi vùng nguy hiểm. Sau đó mới băng bó cho thủ trưởng. Chỉ một thời gian sau người đại đội trưởng thân yêu lại trở về trường. Cuộc sống có thử thách giữa cái sống, cái chết đã gắn bó thủ trưởng với các thiếu sinh quân.
Khi Đại đội trưởng Phạm Tuyên từ Trường Thiếu sinh quân tại Quế Lâm cùng các học viên của mình chuyển về Nam Ninh thì anh Ngọc cùng nhiều anh em trong đại đội theo học hệ phổ thông, lại là học sinh của thầy Phạm Tuyên.
Năm 2011 khi chúng tôi tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập KHXTƯ, anh Ngọc cung cấp cho ban tổ chức 3 bức ảnh kỷ niệm với thầy. Bức thứ nhất chụp đơn vị thiếu sinh quân đội mũ nan, mặc áo trấn thủ tại chiến khu Việt Bắc 1950; bức thứ hai chụp khi đại đội thiếu sinh quân đến Nam Ninh, trong ảnh có bác Đặng Văn Cáp và Đại đội trưởng Phạm Tuyên; bức thứ ba là hai thầy trò nhạc sỹ Phạm Tuyên, Trần Quân Ngọc tại Nam Ninh (có lẽ trước khi anh Ngọc đi học Liên Xô cùng Đoàn 70 vào 1954). Các tư liệu này được anh Ngọc giữ cẩn thận, là tư liệu quý về Thiếu sinh quân Việt Nam, về tình thầy trò tại KHXTƯ.
Thầy Phạm Tuyên khi đăng đàn, nói rất ngắn gọn về tình cảm của mình với KHXTƯ, với các thế hệ học sinh: "Tình thầy trò tại KHXTƯ thật đặc biệt, tình cảm đó gắn kết chúng ta suốt hơn 60 năm qua và sau này. Đó là mối quan hệ mẫu mực trong sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Đáng tiếc ngày nay con người có nhiều mối quan tâm mà không có được mối quan hệ thầy trò như
thế. Chúng ta phải cố gắng truyền lại cho thế hệ sau về mối quan hệ thầy trò trong sáng này".
Món quà tặng thầy. |
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, xin chia sẻ với blog Bantroi5 về tình thầy trò
của thế hệ thiếu sinh quân 1950 qua những con người chúng ta quen biết.
2 nhận xét:
Trong đại đội thiếu sinh quân của tầy Phạm Tuyên có ba người được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là Đại diễn nghệ sỹ nhân dân Đặng Nhật Minh ,nhà văn Ma Văn Kháng ,và năn 2011 người đại dội trưởng-thầy giáo-nhạc sỹ Phạm Tuyên được Nhà Nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.Như vậy đại đội "vệ út" này tập trung nhiều nhân tài về văn học nghệ thuật cùa Việt nam,chưa kể có một nhà chính trị được nhân dân đáng giá cao là Phó thủ tướng-Bí thư BCHTƯ ĐCSVN Vũ Khoan.Khiếp thật.KC
Tôi cũng thân với anh Ngọc.
Những năm 1947-48 thời kháng Pháp, mẹ tôi làm công tác phụ nữ ở Khu 10 và từng lên nhà anh. Anh gọi cha mẹ tôi là cô chú.
Những năm cuối 1950, đầu 1960, ở LX anh vừa học Mỏ lại vừa học Đại học Mỹ thuật mang tên Su-ri-cốp (vì mê tranh). Khi về nước anh có 2 bằng và vừa làm việc miệt mài vừa lấy vẽ tranh làm niềm vui. Hiện anh có 1 bộ sưu tập khá lớn, từng triển lãm tại TPHCM. Đặc biệt những bức sơn dầu mang phong cách Nga.
Một lần đi họp cùng nhau, anh đã nhìn tôi rồi kí họa. Bức chân dung ấy hay xuất hiện cạnh comment của tôi. Anh lớn tuổi nhưng rất gần gũi lứa đàn em.
Xin cảm ơn anh Trần Quân Ngọc.
Đăng nhận xét