Sống trong một thế giới hiện tại, khi
con người đã sáng tạo ra phát minh kỳ diệu là tin học thì các giới hạn trước
đây về lãnh thổ, quốc gia, lịch sử… không còn là “những bức tường” tuyệt đối để
có thể ngăn cách một cá nhân với thế giới bên ngoài, tức là nếu ta chỉ ngồi ở
Việt Nam mà muốn đi “du lịch” sang Tây Âu hay Hoa Kỳ khi túi tiền không cho
phép ta vẫn có thể tìm hiểu tường tận các danh thắng nổi tiếng ở các quốc gia
này, hay đọc lên những chi tiết của quá khứ qua các trang mạng. Quá tuyệt vời,
điều mà các cụ nhà ta không bao giờ nghĩ đến chứ đừng nói là biết được.
Thế nhưng, nếu đã để bước chân “tung tẩy
giang hồ” cho thỏa hiểu biết khám phá mà không có gì ghi nhận lại thì hình như
cũng chưa ổn lắm, bên cạnh các bức ảnh, các clip là để gợi nhớ phong cảnh nhân
vật thì các cảm xúc hay suy tư sẽ “tuột trôi” đi rất nhanh bởi chúng được hình
thành bất chợt. Vậy là nên viết lại sau mỗi lần đi xa.Rồi, viết gì?Cũng là câu
hỏi không dễ.Cứ miêu tả những cảnh thật, sinh hoạt thật ư? Khen hết lời trước
cái văn minh ở nước mình không có, chê bạt mạng trước cái cùng khổ của một vài
cá nhân lang thang ư?...Rắc rối quá, đúng là “sinh sự, sự sinh”, mình cứ vẽ
chuyện ra để rồi phải dọn dẹp gọn lại.
Mấy gia đình chúng tôi vừa đi Mỹ về,
chuyến đi Mỹ lần đầu. Cũng phải cân nhắc cẩn thận về ý định viết vài suy nghĩ về
nước Mỹ. Nước Mỹ sau khi tôi đến không giống như những điều tôi suy ngẫm trước
đây, mặc dù mình cũng là người đi đây đó nhiều và cũng đã đặt chân đến “nhà ông
hàng xóm” của Mỹ là Canada rồi. Không kể đến những người chưa được đi ra nước
ngoài lần nào thì hình dung còn khó, chứ với những ai có dịp hay thường xuyên
“xuất ngoại” thì dễ có chung những nhân xét: các nước Đông Nam Á có sinh hoạt
xã hội giống nhau; Singapore – Hàn Quốc – Đài Loan – Nhật cũng có nhiều điểm
tương đồng. Trung Quốc thì là sự pha trộn của 2 khối này. Các nước Đông Âu và
Nga cũng có đời sống và bộ mặt gần nhau, các nước Tây Âu tuy có riêng từng đặc
thù nhưng đều chung nhau về cái cổ kính và truyền thống. Riêng Mỹ và Canada thì
khác lắm.Vậy nên nhìn nhận nước Mỹ như thế nào? Các lớp trẻ hiện nay nhìn vào sự
đồ sộ, sự vượt trội về kinh tế khoa học kỹ thuật, kiến trúc, mức sống để thán
phục và tôn sùng. Đúng nhưng chưa hiểu đủ. Thế hệ từ 50 đến 60 tuổi trở lên bị
“định hướng” quá lâu và ám ảnh nhiều về quá khứ, nên dễ có thái độ ít chấp nhận
với cái tốt đẹp của thực tại tiến bộ. Đúng, nhưng hơi sơ cứng.Lại có nhiều người
choáng ngợp trong những diễn biến hàng ngày của một đất nước phát triển, mà
mông lung phân vân trong nhận định.
Cũng phải định nghĩa lại mình trước
khi nhận xét về người. Chúng ta đã đi qua một cuộc chiến tranh dài đằng đẵng 20
năm từ 1955 đến 1975, thế nên trong đầu không có nhiều chỗ cho suy nghĩ “thiện
cảm” với nước Mỹ, lại cộng thêm với quan điểm định hướng tuyên truyền thông tin
nữa. Chúng ta chỉ được thường xuyên nghe đài báo về cuộc chiến ở đây ở đó do Mỹ
đứng đầu, cảnh chết chóc tang thương mà quân đội Mỹ có mặt… Làm cho tư duy bị
hướng sang một phía khác. Chúng ta chỉ xem phim ảnh của Mỹ nên dễ bị ám ảnh bởi
nội dung của cuốn phim, mà phim Mỹ là sở trường về thể loại hành động mạnh mẽ
làm cho ta có cảm giác căng thẳng. Chúng ta hay nghe những tin tức kinh tế về
phá sản, sụp đổ của các tập đoàn lớn về sự cạnh tranh khốc liệt cá lớn nuốt cá
bé… tất cả những cái nêu trên tạo ra một bức tranh ghép lại từ nhiều mảnh đơn lẻ
không ăn khớp làm cho chúng ta hình dung không rõ ràng về một nước Mỹ.
Cũng chẳng sao, những lệch lạc về nhìn
nhận là chuyện thường tình khi bị cách biệt và thiếu thông tin, chỉ cần ta đặt
chân đến cảm nhận một cách khách quan của riêng mình chứ không bị “định hướng bắt
buộc” thì sẽ điều chỉnh lại cho đúng thôi.
...
2 nhận xét:
Đang chờ phần tiếp theo...
Hê hê, BT5 in báo nhiều đợt kiểu "phơi-ơ-tông" mà!
Đăng nhận xét