Đúng hẹn, 28 tết, Xã đội cho ghe sang đón chúng tôi. Trận địa chúng tôi trên đỉnh đồi, doanh trại nằm ở phía dưới, chỉ cách con đường và khoảng rừng dương là tới biển. Tiểu đoàn có trận địa dự bị nằm ngoài xã đảo cách bờ 30 phút ghe mà hôm nay chúng tôi ra thăm, đem quà chúc tết. Tiễn tôi và Mai (dân khu 3B Ông Ích Khiêm) là tiểu đoàn trưởng Hồ (anh nguyên là sinh viên Bách khoa).
Quà tết cho xã là góc con heo đơn vị nuôi, một lồng kỳ nhông hơn chục kg do lính đánh bắt và bánh, kẹo, rượu của lữ đoàn gửi.
Ghe đi tắt qua vịnh để ra đảo. Tôi vẫn còn nhìn thấy miệng ống khói - của con tàu đắm từ thời 45-46 của Nhật bị Đồng minh đánh chìm lúc ẩn - lúc hiện dưới lớp sóng xanh.
Từ xa, trên cầu cảng, anh Dần xã đội trưởng kiêm phó chủ tịch đã đứng chờ. Sau màn “tay bắt mặt mừng” anh đưa thẳng hai thằng về nhà. Anh Dần gốc Quảng nhưng gia đình đã mấy đời định cư ở hòn đảo này, nhà đông anh em, tất cả sống quấn túm bên nhau. Bước vào nhà, chúng tôi đã bị choáng trước bàn nhậu với các món “hải vị” đặc biệt và mấy quan chức địa phương ngồi chờ sẵn. Thế là vào cuộc, nhậu cho đến khi lăn quay ra đất mới được tha.
Hải sản dân biển chả thiếu. Và họ cũng thật cảm động khi nhận những món quà “cây nhà lá vườn” mà chúng tôi đem tặng, khoái nhất là lồng đặc sản kỳ nhông. Mà khoái thật, nếu bạn đã một lần thưởng thức món kỳ nhông thì sẽ không bao giờ quên, nó đặc biệt thơm ngon, còn hơn cả thịt gà. Cánh lính tráng chúng tôi chỉ biết chế biến 3 món: Nấu miến, chả giò chiên giòn và tẩm muối ớt tươi nướng than. Cho tới bây giờ sau nhiều năm tôi vẫn còn thèm và nhớ hương vị của nó. Sáng hôm sau, chúng tôi ra ủy ban, qua đơn vị biên phòng trên đảo chúc tết rồi vòng qua kiểm tra trận địa.
Trận địa dự bị nằm trên đỉnh núi hướng ra biển. Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đây là trận địa pháo bảo vệ bờ biển của Nhật rồi sau này của chế độ cũ. Tại trận địa vẫn còn lại xác 3-4 khẩu pháo hơn 100 ly. Thời gian và bão biển bao nhiêu năm mà mấy khẩu pháo vẫn xanh màu thép. Thế mới biết trình độ luyện kim của Nhật từ những năm 40 đã rất siêu.
Chuyến đi chúc tết năm ấy tôi quen em gái anh Dần rồi chả biết thế quái nào cô ta thích ngược lại tôi, thế rồi lằng nhằng dây dợ phiền toái mãi.
Em gái anh Dần là một phụ nữ hơi yếu nhan sắc, bù lại cô là phụ nữ giỏi, quán xuyến gia đình từ việc phân loại, thu gom, buôn bán, chế biến hải sản cho đến chợ búa, nội trợ… Cô trạc tuổi tôi, năm ấy cỡ 26-27. Dong dỏng cao, người chắc khỏe, đặc biệt cặp ngực thì… đàn bà vùng biển mà, cứ như hai mũi thuyền “đánh bắt xa bờ công suất lớn”, vươn ra thách thức sóng gió.
Tôi thấy cô nuôi một đứa trẻ lai, da màu chừng 5-6 tuổi. Cô nói là con nuôi, nhưng chả biết con nuôi hay con của cổ.
Sau này mỗi sáng chở cá vào đất liền, cô đều ghé thuyền qua trận địa đem cá mắm thực phẩm tiếp tế cho tôi. Thời gian đầu tôi còn vô tư, sau này mức độ quà cáp tăng dần tới độ “trên mức tình cảm” đã khiến tôi sợ và phải “bỏ của chạy”.
Các bạn đã bao giờ bị tình đuổi chưa? Tôi chưa hình dung ra nỗi sợ cảnh chạy “Tây” ngày xưa mà khi sinh thời bà nội tôi vẫn thường hay kể, nhưng chạy tình thì hãi lắm.
Các bạn đã bao giờ bị tình đuổi chưa? Tôi chưa hình dung ra nỗi sợ cảnh chạy “Tây” ngày xưa mà khi sinh thời bà nội tôi vẫn thường hay kể, nhưng chạy tình thì hãi lắm.
Bọn lính tráng toàn một lũ vơ vào, cơ hội để được ăn, hai thằng công vụ của tôi toàn xui đểu “Chị ấy thích anh mà! Hơi xấu và già một tý cũng chả sao, như u em ở quê. Nghe cụ kể lại, ngày xưa xấu hơn bố em nhiều, thế mà hai cụ vẫn lấy nhau rồi chửa đẻ sòn sòn ra một lũ chúng em…”.
Sau này cứ sáng sáng là tôi chuồn lên trận địa và đùn cho chú công vụ xoay sở tiếp khách. Nhiều lần không gặp, hình như cô cũng hiểu và từ đấy cô ít qua lại nhưng quà cáp thì vưỡn đều đều như chú lính gác cổng tới ca thì đứng “bót”.
…
Khi biết tôi chuyển đi xa, cô tới tạm biệt. Lúc chia tay, giọng cô buồn buồn. Cô chúc tôi ra đi may mắn và đừng quên vùng biển nắng gió quê hương cô. Cô tặng tôi chút quà làm kỷ niệm. Kỷ vật là tấm phù điêu bằng gỗ cách điệu bàn tay phụ nữ cầm bông hồng vươn lên cao. Sau này vợ con rồi, nhìn tấm phù điêu kỷ niệm treo trên tường ngứa đuôi con mắt, vợ tức mình lẳng mẹ nó đi đâu mất.
Xã đảo những năm 80 vượt biên nhiều, nhà nào cũng ghe, cũng thuyền là dân biển nên đi lúc nào chẳng được. Nhưng có lẽ là đảng viên, là quan chức xã nên gia đình anh Dần không có ai ra đi. Mấy mươi năm sau, một lần đi qua mảnh đất cũ, có ghé hỏi thăm thì được biết gia đình anh đã ra nước ngoài định cư, không phải vượt biên mà đi “chính ngạch” theo diện con lai của cô em anh Dần.
Tết này không biết họ ở đâu, những người quen cũ nơi hòn đảo miền trung nắng gió???
Tết này không biết họ ở đâu, những người quen cũ nơi hòn đảo miền trung nắng gió???
3 nhận xét:
Ở Cam Ranh à?
Kết lại vẫn rất giật!
Từng đọc không ít chuyện của Đảo. Bố này lai láng, đa tình ra phết.
Đăng nhận xét